Gọi đây là “mỏ” vì nơi này những người làm vàng trái phép tổ chức hoạt động với quy mô “công nghệ dây chuyền”...
Chiếc sà lan với dây chuyền đãi vàng trên sông Ba. - Ảnh: H.TOÀN
Những nơi “vàng tặc” đã xâm nhập trên địa bàn miền núi Phú Yên trong mấy năm gần đây như Hòn Dung, Hóc Vàng (huyện Sơn Hòa), Hòn Cồ, Suối Pháp (huyện Sông Hinh) đều là những “công trường” khai thác vàng sa khoáng trái phép theo phương thức bán chuyên nghiệp. Giới “vàng tặc” cầm rìu, rựa đốn hạ cây rừng để dựng lán trại, dùng cuốc, xẻng, xà beng và máy khoan đào bới sườn núi loang lổ với nhiều đường hầm ngang dọc để lấy đá quặng đổ vào máy xay vụn rồi mới đưa ra máng nước để gạn đãi trước khi phân kim. Còn “mỏ” vàng giữa sông Ba mà tôi tiếp cận lại được tổ chức với quy mô khác hẳn.
DÙNG SÀ LAN ĐÀO NÁT SÔNG BA
13g35 ngày 17/3, tôi đi cùng thượng tá Lê Chí Lượng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Phú Yên, trên chiếc xe Ford ngược quốc lộ 25 hơn một giờ mới đến trung tâm huyện Sơn Hòa. Một tổ công tác gồm 9 cán bộ chiến sĩ mặc thường phục đã chờ sẵn tại bến đò ông Biên nằm bên dòng sông Ba ở khu vực bãi Điều. Theo lệnh của thượng tá Lượng, chúng tôi bước vội xuống con đò chèo xuôi dòng như những người dân thường đi lại trên sông nước. Đầu mùa khô, mực nước trên sông Ba xuống thấp, để lộ nhiều cồn cát, bãi bồi với những bụi lau sậy, cỏ cây. Mục tiêu các trinh sát sẽ đột kích là cồn Mướp nhô lên giữa dòng sông. Phía hữu ngạn là thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, còn bên tả ngạn là khu phố Đông Bình, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Ở đó hơn nửa năm nay đã hình thành một “mỏ” vàng. Một nhóm “vàng tặc” đưa hai sà lan kết nối lại thành mặt sàn nổi trên sông với chiều dài 17m, rộng hơn 6m. Trên sà lan không chỉ có hệ thống máy móc khai thác, gạn đãi vàng sa khoáng được lắp ghép thành dây chuyền công nghệ với 60 chiếc gàu sắt múc cát được kết nối bởi hệ thống băng chuyền tự động xoay vòng, 1 mô tơ phát điện có công suất 50kW, 3 máy nổ D4, 1 máy ô tô tải IFA-W50, đường ống cao su bơm dẫn nước lên đỉnh máng để gạn đãi vàng… mà còn có cả lán trại để nhân công lưu trú, sinh hoạt. Ngoài ra, nhóm “vàng tặc” trên sông Ba còn trang bị thêm một xuồng máy để cơ động vào bờ mua dầu diezel, lương thực, thực phẩm…
Khi hệ thống máy móc trên sà lan khởi động, dây chuyền gàu sắt tự động xoay vòng. Sau khi múc cát ở đáy mũi sà lan, những chiếc gàu “chạy” theo chiếc cầu sắt ngược lên phía sau ở độ cao chừng 4m, rồi đổ cát xuống chiếc máng có hệ thống phun nước, gạn đãi trước khi chọn lọc, phân kim. Cứ thế, chiếc sà lan dịch chuyển dần về phía trước, múc cát thành những con kênh đào, phá vỡ nhiều bãi bồi trên sông Ba. Và khi tìm thấy vàng sa khoáng ở bất kỳ cồn cát, bãi bồi nào trên dòng sông này thì chiếc sà lan đều tìm đến đào xới suốt ngày đêm.
Cát và nước đổ xuống máng trên sà lan để gạn đãi tìm vàng. - Ảnh: H.TOÀN |
ĐỘT KÍCH “MỎ” KHAI THÁC VÀNG
Sau 25 phút xuôi theo dòng sông trong mưa lạnh, chiếc đò chèo cập sát mép đất phía tây cồn Mướp lúc 14g45. Theo phương án đã vạch, 9 trinh sát chia thành 3 mũi len lỏi trong những đám lau sậy, bí mật tiến về phía “mỏ” vàng. Khi khoảng cách rút ngắn còn một bãi cát sạn trống trải, 3 mũi trinh sát đồng loạt tăng tốc chạy nhanh về phía chiếc sà lan khi hệ thống máy móc khai thác cát, gạn đãi vàng sa khoáng đang hoạt động âm vang một góc bãi bồi. Sau tiếng súng chỉ thiên do thượng tá Lượng siết cò để cảnh báo và khống chế tinh thần nhóm “vàng tặc”, các trinh sát bao vây sà lan, yêu cầu những người có mặt ở đó bước xuống bãi cát. Ngoài 3 nhân công là Phạm Đình Kết, 49 tuổi; Nguyễn Ngọc Hòa, 36 tuổi; Nguyễn Đình Hân, 28 tuổi, còn có chủ chiếc sà lan là Nguyễn Đình Toản, 47 tuổi. Tất cả đều ở xã Trung Đông, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ngay sau khi lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, tổ công tác của Phòng PC49 Công an Phú Yên đã báo cho Phòng Tài nguyên - Môi trường và Công an huyện Sơn Hòa đến hiện trường phối hợp tạm giữ, lai dắt sà lan cùng toàn bộ thiết bị máy móc khai thác vàng sa khoáng về bến đò ông Biên ở khu phố Đông Bình, thị trấn Củng Sơn. 4 đối tượng “vàng tặc” cũng bị tạm giữ hành chính để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Khi ngược dòng sông Ba về lại thị trấn Củng Sơn, tôi tranh thủ hỏi chuyện nhóm “vàng tặc” và được biết, ông Nguyễn Đình Toản mua lại sà lan và hệ thống thiết bị máy móc của một “chủ thầu” khác với giá 200 triệu đồng, sau đó chi thêm 30 triệu đồng nữa để sửa chữa, lắp đặt thêm một số linh kiện. Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Toản đã vận hành chiếc sà lan này đến nhiều bãi bồi trên dòng sông Ba để khai thác vàng sa khoáng. Do những bãi bồi đó nằm giữa dòng sông nối liền hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, nên sà lan của nhóm “vàng tặc” công nhiên tồn tại bởi sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Có thể nói, “công trường” khai thác vàng sa khoáng trái phép với “công nghệ dây chuyền” di động nêu trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước, mà những con kênh đào do hệ thống gàu múc đất đào bới ngang dọc ở những cồn cát, bãi bồi sẽ khiến cho dòng chảy biến đổi và đương nhiên sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là nạn sạt lở bờ sông khi mùa mưa lũ đến. Chính vì vậy, cuộc đột kích “mỏ” vàng giữa sông Ba của các trinh sát Phòng PC49 Công an Phú Yên đã góp phần đấu tranh truy chặn “vàng tặc” lộng hành.
Phóng sự của PHAN THẾ HỮU TOÀN