Bất chấp nhiều cuộc truy quét đã được triển khai, cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng trên địa bàn miền núi Phú Yên vẫn cuốn hút những nhóm người từ các tỉnh phía bắc cùng với cư dân địa phương đi tìm vận may từ trong lòng đất.
Một trong những “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của giới “vàng tặc” là sườn núi phía nam Hóc Vàng thuộc địa phận thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa. Để đấu tranh truy chặn “vàng tặc” ở đây, Công an huyện Sơn Hòa đã phải đối mặt không ít khó khăn thử thách.
Lực lượng chức năng truy bắt các đối tượng khai thác vàng trái phép - Ảnh: H.TOÀN |
THÂM NHẬP “CÔNG TRƯỜNG VÀNG TẶC”
9g35 sáng 23/2, khi chúng tôi đề cập đến cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng, đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa “bật mí” rằng, một tổ công tác gồm những trinh sát hình sự trẻ đang trên đường hành quân đến xã Sơn Xuân triển khai một cuộc truy quét “vàng tặc”. Sau gần chục phút nghe chúng tôi lựa lời thuyết phục, đại tá Tuấn mới cho phép chúng tôi bám theo mũi thứ hai do trung tá Nguyễn Quang Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Sơn Hòa trực tiếp chỉ huy. Từ thị trấn Củng Sơn xuôi quốc lộ 25 xuống ngã tư Ngân Điền, xã Sơn Hà thì ngoặt trái. Từ đây, con đường đất bazan thu hẹp dần suốt hành trình hơn 20 cây số, gập ghềnh sỏi đá nối tiếp “ổ voi”, “ổ gà”, chiếc xe u oát phải đánh vật với nhiều đoạn đường chênh vênh dốc núi cùng những khúc cua nghiệt ngã. Trung tá Tuyên cho biết, trong vòng 5 tháng qua, đây là cuộc truy quét “vàng tặc” ở Hóc Vàng lần thứ tư. Lần thứ nhất vào cuối tháng 9/2010 với sự phối hợp giữa các trinh sát Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Phú Yên, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Chỉ huy quân sự và Công an huyện Sơn Hòa. Vào thời điểm đó có ít nhất 4 nhóm “vàng tặc” với hơn 50 người khoác ba lô xâm nhập Hóc Vàng. Không chỉ có những dụng cụ cầm tay thông thường như rựa, dao, mác, cuốc, xẻng, mà giới “vàng tặc” đưa cả máy xay đá quặng, máy phát điện, máy cung cấp khí oxy, hệ thống bơm dẫn nước từ suối Đục lên sườn núi… Sau khi đổ bộ đến Hóc Vàng, nhóm “vàng tặc” đốn hạ hàng loạt cây rừng để dựng lán trại, đào hầm xuyên sâu vào lòng núi lấy đá quặng đưa ra xay nát, gạn đãi trong hồ nước tự tạo rồi phân kim. Một vạt sườn núi Hóc Vàng bỗng chốc biến thành “công trường” đào đãi vàng sa khoáng ngổn ngang đá quặng, hầm hào, lán trại. Trong cuộc truy quét lần đó có 10 đối tượng bị tạm giữ cùng 8 máy nổ Trung Quốc (TQ) D20, 4 chiếc cối xay đá quặng, 3 mô tơ, hơn 100m ống dẫn oxy vào hầm vàng, 6 lán trại bị tiêu hủy. Gần đây nhất là trước đêm giao thừa Tết Tân Mão (31/1), hai tổ công tác của Công an huyện Sơn Hòa được lệnh hành quân truy quét “vàng tặc” ở Hóc Vàng, tiêu hủy 5 lán trại, 4 cối xay đá quặng và 4 máy nổ TQ-D15.
Sau hành trình vất vả hơn 2 giờ trên chiếc U oát lắc lư, rung xóc theo từng mét đường, chúng tôi bước xuống con suối cắt ngang qua rẫy mía. Theo mệnh lệnh của trung tá Tuyên, mũi thứ nhất đã ém quân trước đó khẩn trương thay trang phục cảnh sát, đồng loạt ập vào “công trường” khai thác vàng sa khoáng. Dù thiếu úy Trần Hoàng Phương đã ra lệnh: “Tất cả đứng im, không được manh động” nhưng một số đối tượng “vàng tặc” vẫn chạy dạt vô rừng. Sau tiếng dội vang của ba phát súng chỉ thiên, các trinh sát trẻ khống chế tạm giữ 6 đối tượng, lập biên bản chuyển giao Công an xã Sơn Xuân tiêu hủy 2 máy nổ TQ-D20, 1 cối xay đá quặng, 200m ống dẫn nước, 100m dây tải điện, 2 lán trại cùng một số vật dụng khác. Đứng giữa “công trường” Hóc Vàng, chúng tôi chứng kiến hình ảnh những vạt rừng xanh bị chặt dọn tan hoang, sườn núi bị đào bới loang lổ và nhiều đường hầm ăn sâu vào lòng núi trông như địa đạo thời chiến. Bên cạnh những lán trại vừa mới dựng là dấu tích một số lán trại đã bị tiêu hủy trước đó. 6 đối tượng bị tạm giữ gồm Dương Hữu Toán (SN 1953) trú xóm Làng Trê, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; Phạm Văn Công (SN 1969), Phạm Văn Nam (SN 1993), Phạm Văn An (SN 1994) trú xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Đặng Đình Thanh (SN1989) trú xã Huống Thượng; Hoàng Kim Cương (SN1970) trú xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Rừng bị tàn phá do các đối tượng khai thác vàng - Ảnh: H.TOÀN |
CÓ HAY KHÔNG SỰ TIẾP
Nhóm “vàng tặc” này đến Hóc Vàng làm công cho một “chủ thầu” tên Phúc. Ngoài việc đầu tư máy móc, công cụ khai thác, gạn đãi vàng sa khoáng, ông Phúc còn cung cấp lương thực, thực phẩm cho các nhóm “vàng tặc” và cử “chân rết” bám bãi vàng để xử lý công đoạn cuối trước khi phân kim thu lấy vàng. Riêng Hoàng Kim Cương chỉ khai nhận vừa mới đặt chân đến Hóc Vàng để khảo sát trước khi đưa nhân công đến khai thác. Có nguồn tin cho hay, “chủ thầu” Phúc không chỉ vươn tới Hóc Vàng ở xã Sơn Xuân, mà còn “cắm quân” tại một số bãi đào đãi vàng sa khoáng khác ở tỉnh Phú Yên và hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Mở nhật ký điện thoại của nhóm “vàng tặc”, các trinh sát tìm thấy số máy của “chủ thầu” Phúc. Khi liên lạc, chủ thuê bao không nhận mình tên là Phúc, nhưng lại thừa nhận có đến hai huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh rồi tự thanh minh không liên quan gì đến “vàng tặc”(!?). Ông Đinh Quang Thức, Trưởng Công an xã Sơn Xuân thừa nhận những nhóm “vàng tặc” xâm nhập Hóc Vàng hơn nửa năm qua, nhưng chính quyền xã “bó tay” vì không đủ sức truy chặn. Trong khi một số người dân ở Sơn Xuân tiết lộ rằng, có ai đó đã tiếp tay cho giới “vàng tặc”. Phải chăng vì lý do “tế nhị” đó nên những nhóm “vàng tặc” công khai chặt dọn cây rừng, dựng lán trại, lắp đặt máy móc, đào bới khai thác quặng cả ngày lẫn đêm ở một sườn núi cách trụ sở xã Sơn Xuân chừng 1km. Thậm chí một vài cuộc truy quét đều bị lộ từ xa?
Rời Hóc Vàng trong chiều chạng vạng, tôi chợt nghĩ đằng sau những cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng là hiểm họa ập đến trong đời sống sản xuất của cư dân địa phương khi những vạt rừng nguyên sinh bị tàn phá, đương nhiên tình trạng xói mòn, sạt lở núi sẽ xảy ra khi mùa mưa lũ đến. Nguy hại hơn khi những nhóm đào đãi vàng sa khoáng sử dụng hóa chất để phân kim gây ô nhiễm môi trường nước và đất trong khu vực. Trong lúc chờ một giải pháp đấu tranh ngăn chặn “vàng tặc” hữu hiệu, chính quyền địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, chủ động phát hiện và ngăn chặn ngay từ khi nạn đào đãi vàng vừa tái diễn.
PHAN THẾ HỮU TOÀN