Chủ Nhật, 19/05/2024 05:34 SA
Một đời binh nghiệp (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 16/02/2011 18:01 CH

HỒI KÝ CHƯA BAO GIỜ XUẤT BẢN

 

Trong số các di vật của thiếu tướng Phan Quang Tiệp đang được gia đình nâng niu gìn giữ có một quyển sổ. Được viết trên giấy hẩm cách đây gần 20 năm, từng dòng từng dòng chữ đã phai màu lặng lẽ kể lại nhiều câu chuyện trong kháng chiến chống Pháp - những năm tháng gian khổ, ác liệt song cũng rất đỗi tự hào mà người con của mảnh đất Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã trải qua. 

 

Trong phần viết về 9 năm kháng chiến chống Pháp có tiêu đề Con đường không đơn giản: Một lòng vì dân, thiếu tướng Phan Quang Tiệp viết: “Cuộc họp của Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa xong, từ hội trường được xây dựng đơn sơ bằng cây rừng và lợp lá trong khu rừng khộp tại Đá Bàn, nhiều đồng chí bước ra, vừa đi vừa trao đổi, không khí có vẻ khẩn trương. Trong đó tôi nhận thấy có đồng chí Bảy Hữu người cao to, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Thái, tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Sắc Kim người nhỏ nhắn, hình vóc thư sinh, chính ủy Liên trung đoàn 80 - 83, đồng chí Hà Vi Tùng, cán bộ cấp trung đoàn. Đến một lối mòn thì các đồng chí chia tay, mỗi người về một hướng để đến các khu lán nằm rải rác ven suối Đá Bàn, chiến khu Tỉnh ủy Phú Khánh lúc bấy giờ.

 

Dong-que110216.gif

Làng quê Hòa Thịnh - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Địa bàn Bắc Phú Khánh năm gần đây địch thực hiện chính sách lập thêm đồn bót, lấn đất dồn dân, lập ấp, bắt dân ban đêm tập trung ngủ tại đồn để quản lý, thực hiện cài cấy tạo nên vùng da báo trong các địa bàn kháng chiến của ta. Chủ trương của Tỉnh ủy là phá cách kìm kẹp của địch bằng cách đánh diệt các bót cắm sâu vào vùng có dân, phá thế kìm kẹp của địch, giành lại dân, xây dựng và củng cố các tổ chức kháng chiến của dân.

 

Quân khu đã cử bộ phận cán bộ của Liên trung đoàn 80 - 83 vào nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị phương án tác chiến phối hợp để đẩy mạnh phong trào phá âm mưu địch. Đoàn gồm có đồng chí Nguyễn Sắc Kim, Võ Quang..., Hà Vi Tùng cùng cán bộ tiểu đoàn và đại đội tháp tùng”.

 

Ngòi bút của quân nhân quê Sơn Tịnh làm người đọc ngỡ ngàng bởi những trang viết giàu hình ảnh, bởi sự rung động trước cảnh sắc thiên nhiên, dù là trong chiến tranh:

 

“Bầu trời lại trong xanh, khi nhìn qua kẽ lá gió thoảng nhẹ, làm tung bay lá vàng trên các cành săng lẻ như đàn bướm lượn. Tiếng ve râm ran lúc này đã giảm. Trời đã về chiều... Đoàn cán bộ chúng tôi đã sẵn sàng, chờ liên lạc dẫn đường và trinh sát Tỉnh đội đi trước bám đường, cảnh giới cho đoàn, sẽ lên đường.

 

Cuộc hành quân từ suối Đá Bàn về Hòn Hèo phải vượt qua đường sắt, đường 1 và đường tỉnh lộ Ninh Hòa - Hòn Khói, vượt qua một cái bàu rộng trước khi tiếp cận chân rừng chiến khu Hòn Hèo”.

 

Bên dưới trang viết này, thiếu tướng Phan Quang Tiệp đề ngày 26/7/1992.

 

Trong những trang viết khác với tiêu đề Mười tám giờ bên các quan tài trong rừng Ainu với cách miêu tả sinh động, thiếu tướng Phan Quang Tiệp làm người đọc cảm thấy thực sự lôi cuốn: “Trời đang nắng gắt, các tia nắng xuyên qua kẽ lá của cánh rừng khộp, bên bờ tả ngạn sông Ba, chiếu rọi trên sa bàn trận đánh dự kiến ở đồn Ainu. Cán bộ của Tiểu đoàn 365 thuộc Trung đoàn 803 ngồi vòng quanh, đang tập trung lắng nghe trưởng ban tác chiến Trung đoàn phổ biến, hướng dẫn phối hợp các mũi tiến công trong trận đánh.

 

Đồi Ainu được dựng lên ở một quả đồi thấp nhưng so với các địa hình lân cận thì hỏa lực khống chế được đều khắp. Đồn nằm cạnh quốc lộ 7, sát bờ sông Ba, gần bến phà. Địa thế rất lợi hại...

Không phát hiện được địch nằm bên ngoài thì tác chiến sẽ rất khó khăn. Nếu ta tấn công vào đồn theo đường số 7 thì phải qua bản Ainu, sẽ bị phát hiện ngay trước khi hành quân đến các nương rẫy bao xung quanh bản này...”.

 

“...Đường số 7 có địch đi tuần. Đi nhẹ nhàng không được ho, lựu đạn sẵn sàng. Mọi hành động đều có lệnh thống nhất từ tôi.

 

Bây giờ cởi áo và quần dài cột ở cổ. Nhìn sang bờ phải bơi qua, thế nào cũng trôi khoảng 50m về hạ lưu. Khi qua bờ kia ta tìm nhau rồi cùng băng rừng.

 

Sông Ba có cá sấu nên bơi nhẹ nhàng, không đập tay chân nhiều. Khi đến bờ thì bật lửa ba lần cho bên này sông nhận biết ta đã qua sông...

 

Băng rừng khoảng một cây số, xong cứ men đường 7 xuôi xuống Ainu. Khi đi trên đường 7, thỉnh thoảng nằm xuống nhìn trước và áp tai sát đất nghe tiếng động.

 

- Nếu gặp địch thì ta xử lý như thế nào? - Đồng chí Minh hỏi.

 

- Tránh địch, giữ bí mật và tạt nhẹ nhàng vào rừng cách 10-20m, nằm xuống để nấp chờ chúng đi qua. Địch có thể dọa, hò hét, ta vẫn yên lặng...

 

Đường số 7 lát đá, hẹp. Chúng tôi cởi dép đi chân đất cho đỡ lộ dấu vết”.

 

........................

“Tôi liền kéo hai người đi về phía rừng Ainu, vượt qua mấy thửa ruộng khô, đến một khu rừng giữa cánh đồng khác giữa bản. Khu rừng nhỏ nhưng cây cao, bụi rậm. Nhìn vào không thấy có đường mòn. Bước nhanh hơn, chúng tôi len vào các gốc cây cao và các bụi rậm thì thấy trước mặt 2 quan tài được treo ở cành cây cách mặt đất 1m. Quan tài là các thân cây đục rỗng, các sợi treo là dây song, dưới quan tài là bãi bằng phẳng, trên đó đặt dưới quan tài từ 2-3 hoặc chum vại đất hoặc nồi đồng... đầy nước màu sẫm. Nhìn kỹ thì thấy nhiều giọt nước rơi tí tách vào các nồi đồng ấy... Đi bộ 10 bước thì xuất hiện các quan tài khác, có cái đã sẫm đen... Mùi khí hôi thối xông lên nồng nặc...

 

Sập tối, chúng tôi rời chỗ ẩn nấp, đi về hướng đường 7... Sau nầy tôi được biết là “rừng ma”, khu rừng dân địa phương chôn người chết treo theo tục lệ. Và người dân, khi mang người thân vào mai táng ở đây, ít khi đến viếng thăm, nơi đây trở thành “rừng cấm”, “rừng ma”. Do vậy bọn địch cũng kiên nên không hề đến nơi này”.

 

Bên dưới trang viết này, thiếu tướng Phan Quang Tiệp đề ngày 28/7/1992.    

 

TRONG DẰNG DẶC NỖI NHỚ

 

Ở tuổi 83, với đôi mắt đã in đậm dấu thời gian, bà Võ Thị Thanh - bạn đời của thiếu tướng Phan Quang Tiệp, khó lòng đọc những trang viết của chồng - những trang viết thấp thoáng hình ảnh sông Ba của quê hương bà, những trang viết cho thấy biết bao gian truân vất vả mà những người lính - trong đó có chồng bà - đã trải qua. Nhưng ký ức về buổi đầu gặp ông (đầu thập niên 50) vẫn tươi roi rói. “Hồi đó, đơn vị ổng đóng ở Dốc Mõ, thỉnh thoảng lại về Hòa Thịnh. Mỗi lần về, ổng ở nhà ba tôi, sau đó thì ở nhà ngoại tôi. Ổng hiền lành, chững chạc nên gia đình tôi rất quý, dân làng ai cũng thương. Trong làng có nhiều cô để ý, mời ổng tới nhà chơi”.

 

Nhưng trong lòng người đại đội trưởng trẻ tuổi đã có hình bóng của một cô gái trẻ, dáng người nhỏ nhắn, hồn hậu chất phác song cũng rất hoạt bát, nhanh nhẹn, là đảng viên, Hội trưởng Phụ nữ xã. Đó chính là con gái của gia đình cơ sở cách mạng mà ông thường lui tới mỗi khi về Tuy Hòa.

 

Trong lần chuyện trò đầu tiên với người con gái mà mình để ý, đại đội trưởng Phan Quang Tiệp chia sẻ về nỗi đau mất cha mẹ. Nghe ông kể, bà Thanh vừa thương cảm vừa khâm phục nghị lực của người đại đội trưởng trẻ tuổi. Thấy ông hiền lành, được chòm xóm yêu mến, bà càng thương. Vì vậy, khi ông ngỏ lời, bà ưng thuận. Gia đình bà cũng hết lòng ủng hộ mối lương duyên này, bởi họ đã coi ông như con cháu trong nhà.

 

Đám cưới được tổ chức đơn sơ tại nhà bà Thanh. Bên nhà gái có đông đủ họ hàng, còn bên nhà trai chỉ có chú rể và hai người lính cùng đơn vị. Chiến tranh. Cách trở. Không ai câu nệ điều đó.

Ngày cưới, chú rể mặc quân phục, cô dâu mặc áo dài, tóc xõa ngang lưng. Buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Sau đó, mâm cơm được dọn lên, đãi bà con làng xóm.

 

Cưới vợ ngày hôm trước thì chiều hôm sau, ông Phan Quang Tiệp vào Khánh Hòa, thỉnh thoảng lại về thăm nhà. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. “Vợ chồng chia tay bịn rịn. Ổng nói: “Em ở nhà chờ đợi anh. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh sẽ về với em” - vợ thiếu tướng Phan Quang Tiệp kể.

 

Có một điều bất ngờ là mấy ngày sau, bà Thanh có mặt trên chuyến tàu đưa cán bộ và vợ bộ đội ra miền Bắc. Cuộc hội ngộ của vợ chồng bà tại Hải Phòng đầy ắp nụ cười nhưng có rất ít thời gian để hàn huyên. Từ đây, người con của Phú Yên sống trong sự đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Bà công tác tại Trường học sinh miền Nam, còn ông Tiệp tiếp tục theo đuổi con đường cách mạng.                           

 

 (Còn nữa)

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một đời binh nghiệp
Thứ Ba, 15/02/2011 18:00 CH
Kỳ cuối: Biển Chết và vườn Địa đàng
Thứ Bảy, 12/02/2011 18:00 CH
Kỳ 4: Ngàn năm bia đá
Thứ Sáu, 11/02/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek