Thứ Tư, 27/11/2024 01:37 SA
Người mẹ hy sinh tình riêng để bảo vệ đồng đội
Thứ Ba, 01/02/2011 19:05 CH

43 năm trước, trong tiếng súng ì  ầm, một người mẹ đã  đứt ruột bỏ lại giữa rừng đứa con mới tròn 5 tháng tuổi để giữ an toàn cho đồng chí, đồng đội trong cơ quan kháng chiến. Ðó là bà Nguyễn Thị Ngọc Hường, 69 tuổi, hiện ở khu phố Ninh Tịnh 3, phường 9, TP Tuy Hòa.

 

Một sáng đầu xuân, trong ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, bà Hường ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi về chuyện mấy chục năm trước: “Ủa, thế ai nói mà cháu tìm đến đây?”. Dù bà sắp bước vào tuổi thất thập, nhưng thời gian vẫn không xóa hết những nét xuân sắc một thời. Qua hồi ức của bà, câu chuyện bi hùng hơn 40 năm trước cứ hiện dần lên…

 

me110125.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hường đang chăm sóc cây cảnh chuẩn bị đón tết  - Ảnh: T.B.SƠN

 

GIÂY PHÚT THẮT LÒNG 

 

Ông Nguyễn Duy Luân (nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên): HÀNH ÐỘNG CỦA CHỊ HƯỜNG RẤT ANH HÙNG

 

Chị  Nguyễn Thị Ngọc Hường chỉ  là một nhân viên đánh máy, nhưng hành động gác tình riêng để giữ cái chung của chị là một hành động anh hùng. Chúng ta đã chiến thắng thực dân, đế quốc là vì có chính nghĩa, có sự lãnh đạo đúng đắn, nhưng cũng là nhờ những sự hy sinh thầm lặng của biết bao đồng bào, đồng chí vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đầy gian khổ để thống nhất, xây dựng quê hương, đất nước. Trong đó, chị Hường là một trường hợp như vậy.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hường sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chú ruột bà là ông Nguyễn Chấn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, cha và hai anh trai tập kết ra Bắc, riêng bà và các anh chị em còn lại của gia đình tiếp tục ở địa phương hoạt động cách mạng. Sau đó, một người là bộ đội địa phương, trực tiếp tham gia giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ rồi hy sinh, người còn lại là cựu tù chính trị Côn Đảo. “Nhảy núi” từ năm 15 tuổi, lên căn cứ, bà Hường trở thành nhân viên đánh máy cho Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Phú Yên. Năm 22 tuổi, bà được kết nạp Đảng. Trong những ngày chiến khu gian khó, bà và anh cán bộ quản lý Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên Lê Trận yêu nhau. Chiến tranh ác liệt, chỉ 2 tháng sau khi bà sinh con thì ông Trận ngã xuống trong một trận phục kích của giặc…      

 

Bà Hường nhớ lại: Đó là một ngày đầu tháng 8/1968. Năm ấy, sau Tết Mậu Thân, địch hành quân càn quét vùng giải phóng rất dữ. Vì vậy, các cơ quan đầu não của tỉnh đứng chân ở các xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) phải sơ tán nhiều nơi để đảm bảo an toàn. Các cơ quan khối Vận tỉnh - gần 40 cán bộ, nhân viên, dẫn đầu là chú Trần Bính (còn gọi là chú Thừa Bính, một nhân sĩ yêu nước quê ở Sông Cầu), bấy giờ là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Phú Yên - di chuyển về vùng rừng núi xã An Lĩnh, huyện Tuy An, giáp ranh với Sơn Hòa. Hôm trước, pháo địch bắn cấp tập vào khu vực này, cấp trên đoán thế nào cũng có trận càn lớn nên hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đối phó để bảo toàn lực lượng. Quả vậy, 8 giờ sáng hôm đó, bầy trực thăng kìn kìn đổ hàng trăm tên lính Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Bạch Mã xuống các quả đồi gần dốc Lau (xã An Lĩnh). Nghe tiếng lính Nam Triều Tiên xí xa xí xồ gọi nhau sau lùm cây, biết là đã lọt trong vòng vây của giặc, cả đoàn rất lo lắng. Lúc này, lưng tôi cõng chiếc máy chữ, vai mang cái túi đựng tài liệu, còn tay bồng đứa con trai mới 5 tháng tuổi đang ngủ say. Chỉ cần con trai thức dậy, khóc lên một tiếng là mấy mươi cán bộ, nhân viên các cơ quan khối Vận của tỉnh sẽ bị bắn giết, bị rơi vào tay địch, bị tra tấn, tù đày. Mọi người trong đoàn nhìn tôi với ánh mắt rất khó tả. Một quyết định lóe lên, tôi hôn lên trán con trai, cố nuốt nước mắt và tiếng nấc rồi nhẹ nhàng đặt nó vào một gộp đá…      

 

CHIẾC ÁO LÀM TIN VÀ NƯỚC MẮT NGÀY GẶP MẶT 

 

Đến tận bây giờ, bà Hường cho biết, dù đã hơn 40 năm qua, nhưng mỗi lần ôn lại chuyện cũ, lòng bà như thắt lại khi nhớ về tiếng khóc của đứa con thơ sáng hôm ấy, sau khi một tên lính Nam Triều Tiên phát hiện và đưa nó lên trực thăng. Tiếng khóc như búa đập vào tim, cứ đi về trong giấc ngủ đầy mộng mị của bà một thời gian dài. Từ đó, dù bận bịu công tác nơi chiến khu ác liệt nhưng không lúc nào là bà không nghĩ về đứa con tội nghiệp của mình. Bà cảm thấy mình có lỗi với con dẫu biết rằng trong hoàn cảnh éo le như vậy, một đảng viên như mình không thể có sự lựa chọn nào khác. Ở chiến khu, bà tìm hiểu từ nhiều nguồn và nhờ nhiều người nghe ngóng tung tích của con nhưng vẫn “bóng chim tăm cá”.  Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, bà lại đi nhiều nơi, lại hỏi thăm nhiều người nhưng vẫn chẳng có tin tức gì về đứa con đã bị địch bắt đi. Nhưng linh tính dù vô hình nhưng vẫn mách bảo nhất định bà sẽ gặp lại đứa con rứt ruột đẻ ra. Bà Hường cho biết: “Tối hôm trước khi địch đổ quân, tôi mặc cho con chiếc áo bằng vải dù, trên có thêu dòng chữ “Phương Hà - con yêu của mẹ”. Khi đặt nó xuống gộp đá, tôi nhìn hoài dòng chữ, coi đây là một căn cứ để sau này nhận lại con. Và ông trời đã không phụ…”    

Vào một buổi trưa đầu năm 1979, khi đang ở cơ quan tại TP Tuy Hòa, bà Hường chợt nghe tiếng gõ nhẹ. Mở cửa, bà thấy một đứa bé có khuôn mặt giống như đúc người chồng đã hy sinh nhìn mình chằm chằm. Bà ôm chầm lấy, gọi con, nước mắt rơi lã chã. Đứa bé cũng ôm lấy bà, gọi mẹ rồi bật khóc. Để nhớ ơn người đã nuôi nấng, dạy dỗ con mình trong những năm mẹ con ly tán, bà Hường vẫn giữ nguyên họ tên đứa bé là Phạm Thái Hùng theo giấy khai sinh làm vào năm 1970. Đứa bé lạc mẹ năm nào đến năm 2011 này đã là người đàn ông 43 tuổi, hiện sinh sống, làm ăn cùng vợ và hai con tại TP Hồ Chí Minh.

 

LỜI  CỦA NGƯỜI KẾT NỐI HẠNH PHÚC  

 

Đó là ông Nguyễn Trung Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh Phú Yên, hiện nghỉ hưu ở khu phố Trần Phú, phường 7, TP Tuy Hòa. Ông kể…

 

Thời đánh Mỹ, cùng ở căn cứ nên tôi quen biết chị Hường, anh Trận. Hồi ấy, tuy không là hoa khôi nhưng chị Hường được rất nhiều anh để ý vì rất xinh gái. Đặc biệt, chị đánh máy rất giỏi, có thể mười ngón tay vừa gõ rất nhanh vừa nói chuyện rôm rả với nhiều người khác nhưng không sai một lỗi nào. Hồi ấy, đứa bé hay được mấy cô chú bế ẵm, gọi là thằng Ẩu. Chuyện chị Hường thêu chữ trên áo nó thì ai cũng biết. Tháng 10/1978, tôi được phân công về làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu. Nghe tôi về Xuân Thọ, chị Văn Thị Hoa là cán bộ Hội Phụ nữ huyện Sông Cầu, bạn thân của chị Hường, dặn tôi cố gắng hỏi thăm tung tích đứa bé. Bởi vì, chị cho biết, Xuân Thọ chính là nơi mà sư đoàn Bạch Mã của Nam Triều Tiên đóng quân ở Phú Yên trước giải phóng. Qua một thời gian dò la, tôi nghe người dân thôn Chánh Nam nói trong thôn có một người phụ nữ tên Ngọc lấy chồng nhưng không có con, nhận nuôi một đứa bé, nghe đâu là do lính Nam Triều Tiên bắt về sau một trận càn trên núi vào năm 1968. Chiều nọ, tôi về Chánh Nam, thấy mấy đứa nhỏ đang chơi đùa trên bãi cát. Trong đó, có một cậu bé chừng 12-13 tuổi, mặt mũi có nét rất giống anh Lê Trận. Tìm đến nhà, mới biết nó chính là đứa con mà bà Ngọc xin nuôi từ lính Nam Triều Tiên. Khi bà đưa ra chiếc áo bằng vải dù đã cũ thêu dòng chữ “Phương Hà - con yêu của mẹ” thì tôi biết rằng mình đã đến đúng nơi cần tìm. Mừng quá, tôi vội vào Tuy Hòa báo tin, sau đó, chị Hường ra xin nhận lại con sau bao năm dài ray rứt, khắc khoải thương nhớ. Chị kể với tôi, sau khi trình bày sự việc, bà Ngọc đã đồng ý. Nhưng hôm đó, chị không gặp được con vì đứa bé đi chơi không có ở nhà. Từ khi biết làm người đến giờ, hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là tìm lại được đứa con lưu lạc vì chiến cuộc cho chị Hường.

 

Anh Phạm Thái Hùng (con trai bà Nguyễn Thị Ngọc Hường): TÔI MAY MẮN CÓ HAI NGƯỜI MẸ

 

gd110125.jpg

Anh Phạm Thái Hùng (phải) cùng  vợ con - Ảnh: T.B.SƠN

Lần đầu tiên gặp lại mẹ Hường, tôi rất mừng nhưng hơi buồn vì tự hỏi sao mẹ lại bỏ con mà đi? Nhưng rồi sau này, tôi hiểu đó là do chiến tranh khắc nghiệt chứ mẹ đâu muốn đành đoạn lìa xa núm ruột của mình. Tôi may mắn có đến hai người mẹ rất thương con, luôn dạy con biết sống lương thiện, đàng hoàng. Mẹ nuôi tôi tên là Nguyễn Thị Ngọc, hiện ở với chị gái Phạm Thị Chính tại thôn Ðông, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mấy năm gần đây, về thăm, thấy sức khỏe mẹ đã yếu nhiều, tôi lo lắm…

 

THẠCH BI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Làng H’Mông ở vùng giáp ranh Phú Yên
Thứ Năm, 03/02/2011 15:09 CH
Cô giáo ở Trường Sa
Thứ Bảy, 22/01/2011 18:07 CH
Chuyện về bậc trưởng lão 104 tuổi
Thứ Bảy, 08/01/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek