Thứ Ba, 26/11/2024 19:42 CH
Từ Nham không xa xôi
Chủ Nhật, 20/08/2006 16:57 CH

Con đường như một dải mây sậm màu, thẳng tắp vạch lên giữa nền cát trắng phau được làm sinh động hơn nhờ những dãy phi lao đang kỳ trưởng thành, xanh bạt ngàn. Bên phải là biển, là gành, sóng vỗ rì rầm. Con đường “nên thơ” ấy đang dẫn đến Từ Nham, thôn bán đảo thuộc xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu - một địa danh nổi tiếng giàu có nhờ nuôi tôm hùm, nhưng trước nay cũng nổi tiếng trắc trở về giao thông.

 

KHÔNG XA ĐÂU, TỪ NHAM ƠI!

 

Con đường đó dài hơn 5,2km, rộng 5m, bằng đất cấp phối nén trên nền cát, nối thôn Đồng Bé với thôn bán đảo Từ Nham. Mơ ước của người dân Từ Nham nói riêng và dân Xuân Thịnh nói chung từ bao đời nay đã thành hiện thực vào tháng 4 năm nay, khi con đường chính thức đưa vào sử dụng.

 

060819-duongtn1.jpg

Một đoạn đường Đồng Bé – Từ Nham

 

Tất nhiên, mừng nhất vẫn là 560 hộ dân với khoảng 2.800 con người đang sinh sống ở vùng bán đảo tỉ phú tôm hùm! Ngôi làng ấy, theo Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh Lâm Duy Dũng là “khu tự trị” từ sau 1975 cho đến trước khi tuyến đường Trung Trinh – Vũng La – Từ Nham được phóng tuyến vào năm 1998. Trưởng thôn Mai Văn Xuân nhớ lại: “Phương tiện đi lại duy nhất hồi đó của chúng tôi là thuyền bởi chẳng có con đường nào để đến với đất liền cả. Mùa động là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hoàn toàn không có giao lưu với bên ngoài”. Đúng ra, cũng có một cách “liên lạc” với “đất liền” là phải lội bộ hàng chục cây số qua những động cát bay, nhưng kiểu đi này không mấy người áp dụng. Khi tuyến Trung Trinh – Vũng La (xã Xuân Phương) được xây dựng, người ta làm một đường nhánh sang Từ Nham, từ đó, người dân ở đây mới biết tới việc đi lại bằng đường sá!

 

Nhưng có đường cũng chưa hẳn đã ngon. Từ Từ Nham đến trung tâm xã là thôn Phú Dương dài đến 24 cây số, qua hai ngọn đèo bằng đá dăm, đường quanh co khúc khuỷu; băng qua xã Xuân Phương, vòng qua quốc lộ mới về đến xã. “Người dân Từ Nham than chi phí từ thôn đến xã nếu đi bằng xe ôm thì đắt ngang bằng từ Sông Cầu đi Sài Gòn bằng xe khách! Điều đó làm chúng tôi trăn trở lắm” – Chủ tịch UBND xã Lâm Duy Dũng nói vậy. Ông Dũng cũng nói rằng không phải trước nay người ta không tính đến việc làm con đường nối Đồng Bé với Từ Nham, nhưng hồi đó không làm dự án khả thi được bởi tuyến này phải đi qua nhiều động cát di động, địa hình thay đổi sau mỗi mùa biển động; nhưng khó khăn hơn cả là muốn làm con đường này phải có bạc tỉ – điều nằm ngoài tầm tay của huyện, của xã.

 

Nhờ có dự án PACSA trồng rừng ven biển mà những động cát bay hết di động. Rồi đến năm 2005, Xuân Thịnh được Chính phủ đưa vào danh sách xã nghèo ven biển, được hưởng chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung ương với mức đầu tư năm đầu tiên là 500 triệu đồng. Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi nghĩ ngay đến việc phải làm con đường Đồng Bé – Từ Nham, đưa dự án vào loại ưu tiên số một. Cùng với vốn đầu tư từ chương trình xã nghèo ven biển của năm 2006 tăng gấp đôi là 1 tỉ đồng, từ đầu năm, Xuân Thịnh đã triển khai thực hiện dự án này. Tổng mức đầu tư chưa đến 1,2 tỉ đồng. Con đường không chỉ tạo sự kết nối các thôn trong xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn là động lực để phát triển kinh tế của Xuân Thịnh”.

 

Vậy là từ nay, Từ Nham không còn là một địa chỉ xa xôi nữa. Bán đảo đã nối với đất liền bằng con đường dài chỉ hơn 5 cây số.

 

BÊN ĐÓ MỪNG, BÊN ĐÂY VUI

 

Con đường Đồng Bé – Từ Nham đã mở ra một triển vọng phát triển kinh tế lớn cho xã Xuân Thịnh. Đó là nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, gắn với phát triển du lịch sinh thái biển. Hiện Công ty Asia Hawaii Ventures (100% vốn của Mỹ) đã được cấp phép đầu tư 50ha tôm nuôi cao triều và 33ha đất làm du lịch sinh thái dọc theo tuyến đường này; Công ty nuôi tôm công nghệ cao Việt – Úc cũng đang xin tỉnh đầu tư tại đây...

Con đường đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân Từ Nham và Xuân Thịnh. Ông Nguyễn Thành Nhơn, một người dân ở thôn Từ Nham, bộc bạch: Từ Nham là vùng nuôi tôm hùm tập trung thuộc loại lớn nhất, nhì tỉnh Phú Yên, vì vậy cần một lượng thức ăn tươi sống rất lớn mỗi ngày. Trước khi có con đường này, chúng tôi phải đi vào Sông Cầu, ra Quy Nhơn hoặc bằng đường bộ Trung Trinh – Vũng La rất khó khăn, hoặc bằng đường biển đến cảng cá Dân Phước. Đi lại khó khăn thế nhưng lắm lúc mua mồi cho tôm không có, hoặc mua không đủ lượng cần thiết phải chờ cho đúng chuyến thì thứ thối, thứ ương... Giá trị của mồi tôm về đến Từ Nham đắt gấp đôi, gấp ba giá trị thực. Thêm nữa, đường sá khó khăn nên khi thu hoạch tôm các tư thương ép giá cũng chẳng biết làm sao, phải bán đổ bán tháo. Còn bây giờ quá sướng, chỉ cần chạy xe máy một hơi chừng mươi phút là đến được chợ Phú Dương, muốn mua bao nhiêu mồi cũng có. Tôm xuất bán thì xe đông lạnh chạy tới tận nơi, giá cả không thống nhất thì chở lên những khu đầu mối ở trung tâm xã mà bán... “Nói chung, trước khi có con đường, dân nuôi tôm Từ Nham lời một thì bây giờ phải nói lời tới mười!” – ông Nhơn kết luận như vậy. Còn trưởng thôn Mai Văn Xuân thì nói: “Có con đường thông thương mua bán, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng thuận lợi hơn, dân Từ Nham được nhiều “ánh sáng” hơn trước đây!”.

 

Nhưng con đường hình thành nhanh chóng còn phải kể đến sự đóng góp của người dân thôn Đồng Bé. Gần 30 hộ dân nơi đây đã hiến đất, tự chặt cây cối, hoa màu thuộc sở hữu của họ để hiến cho địa phương làm đường Đồng Bé – Từ Nham. Theo Chủ tịch Lâm Duy Dũng, chỉ riêng số tiền quy ra từ đất mà bà con Đồng Bé hiến để xây dựng con đường này đã là trên 30 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Bi, người hăng hái nhất trong việc hiến đất, hiến hoa màu ở thôn Đồng Bé nói: “Có được con đường liên thôn, liên xóm là mơ ước từ bao đời nay của không chỉ dân Từ Nham, mà còn cả dân Đồng Bé, dân cả xã Xuân Thịnh này. Chính bởi vậy mà khi biết Nhà nước đầu tư 100% vốn để làm đường, tôi nghĩ mình cũng nên đóng góp điều gì đó”. Ông Bi cũng chính là người đi vận động bà con trong thôn làm như mình. Thấy cán bộ phóng tuyến đường cong theo đường cũ vì sợ “dính” đất bà con nhiều, người dân Đồng Bé đã yêu cầu phóng thẳng tuyến để đường thuận lợi hơn, đất họ sẵn sàng hiến. Ông Phan Văn Thơ, một người dân Đồng Bé có đất sản xuất mì phải cắt để làm đường, nói: “Chúng tôi chỉ hy sinh phần nhỏ để bà con trong xã được nhiều cái lớn hơn. Chỉ nghĩ vậy là thấy vui. Bà con bên Từ Nham mừng thì bên này tụi tôi vui. Trước kia, đường sá bằng cái bờ ruộng, không ai qua lại. Còn bây giờ xe lớn xe nhỏ đi nườm nượp, thấy vậy là sướng trong người rồi”.

 

Ghi chép của NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chăn bò thuê trên núi
Thứ Hai, 14/08/2006 08:28 SA
Qua vùng đất thiêng
Thứ Năm, 10/08/2006 07:47 SA
Nỗi buồn từ những công trình cấp nước
Thứ Sáu, 04/08/2006 08:11 SA
Người thanh niên 20 lần hiến máu
Thứ Hai, 17/07/2006 07:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek