Quảng Trị, vùng đất rát bỏng gió Lào cát trắng ở Bắc Trung bộ có những địa danh dẫu chưa một lần đặt chân đến song vẫn gợi lên cảm giác quen thuộc vô cùng: cầu Hiền Lương, Thành cổ, nghiã trang liệt sĩ Trường Sơn...… Hơn 30 năm sau chiến tranh, những cái tên vẫn không nguôi nhắc về cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu song cũng rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hôm nay, đi trên vùng đất thiêng này, lòng vẫn cứ xúc động và nước mắt vẫn cứ rơi khi biết rằng dưới lòng sông kia, dưới lòng đất kia là hàng ngàn, hàng vạn người con ưu tú của Tổ quốc. Họ vĩnh viễn nằm xuống, máu hòa vào nước sông, thịt xương hòa vào đất mẹ, để ghi vào sử sách những dòng rực lửa.
“ĐÒ QUA THẠCH HÃN XIN CHÈO NHẸ...”
Qua cầu Thạch Hãn trong một buổi chiều tắt nắng, anh bạn đồng nghiệp đọc hai câu thơ của Lê Bá Dương:”Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”…
Những ánh mắt đăm đắm về phía dòng sông đang xao xác chảy…
Bà Lê Thị Xuân (quê ở Quảng Bình) khóc bên mộ chồng là liệt sĩ Huỳnh Tía, sinh năm 1935 (quê ở Quảng Ngãi), hy sinh năm 1968 – Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG
Thế hệ lớn lên sau chiến tranh như chúng tôi vẫn biết rằng, trong mùa hè rực lửa năm 1972, Thạch Hãn đã biến thành dòng sông máu. Sông ôm vào lòng hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc, khi họ dũng cảm vượt sông dưới làn đạn địch, theo tiếng gọi của chiến trường. Máu đỏ hoà vào nước. Thịt xương tan vào đất. Họ mãi mãi nằm xuống cho khát vọng tự do.
Thạch Hãn là con sông nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn (phía Tây Nam của tỉnh), sông chảy về xuôi và gặp sông Rào Quán , sau đó hợp với sông Cam Lộ chảy qua thị xã (TX) Đông Hà, trước khi tuôn ra biển qua cửa Việt Yên. Theo các nhà nghiên cứu, giữa nguồn Thạch Hãn có một mạch đá ngầm chắn ngang, vì vậy tên sông được đặt theo đặc điểm này. Sông Thạch Hãn không dài lắm (chừng 100 km) và cũng không rộng lắm, song là mạch máu giao thông đường thủy quan trọng của Quảng Trị, vùng đất phên dậu phía bắc của nhà Nguyễn, và là “con hào thiên tạo” phía bắc Thành cổ. Năm 1836, vua Minh Mạng đã chọn Thạch Hãn là một trong 9 thắng cảnh của đất nước để điểm tô trên cửu đỉnh.
Trong cuộc chiến chống Mỹ, thắng cảnh này là nơi yên nghỉ của biết bao chiến sĩ giải phóng quân.
“Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”
Các đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị kể rằng hằng năm, nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, Quảng Trị tổ chức lễ thả đèn hoa, bè hoa trên sông, tưởng nhớ hàng ngàn liệt sĩ đã hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn.
NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA THÀNH CỔ
Nằm ở trung tâm TX Quảng Trị, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam, cách Quốc lộ 1A chừng 2 km về phía Đông là một địa danh nổi tiếng: Thành cổ Quảng Trị.
Theo sử sách, đây là một thành lũy quân sự, đồng thời cũng là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị giai đoạn 1809 - 1945. Năm 1809, khi vua Gia Long cho dời Thành cổ từ vị trí đầu tiên ở phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong) đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2, TX Quảng Trị), thành được đắp bằng đất. Đến năm 1827, thành được vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Nội thành gồm hành cung, dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính…. Thành cổ có dạng hình vuông, rộng 18 ha, chu vi tường thành là 481 trượng 6 thước (gần 2.000m), cao 1 trượng 94 thước. Bốn góc thành có bốn pháo đài cao nhô ra ngoài.
Sau bao trận mưa bom khủng khiếp của kẻ thù, những gì còn lại của Thành cổ là vài đoạn tường thành, cổng tiền, cổng hậu… Thay vào thành quách xưa, một đài tưởng niệm đã được dựng lên, để những ai quan tâm đến cuộc chiến chống Mỹ thắp hương trên “nấm mồ chung” tưởng niệm hàng ngàn người đã hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.
Trong nhà truyền thống, những hình ảnh, những di vật được tìm thấy trong lòng đất sẽ đưa du khách trở về với cuộc chiến vô cùng ác liệt vào mùa hè 1972, giữa một bên là Sư 320, 308, 325 cùng quân và dân Quảng Trị, với ý chí kiên cường bảo vệ Thành cổ, bảo vệ vùng đất vừa được giải phóng; một bên là 2 sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp và hàng chục tiểu đoàn pháo của địch…Trong 81 ngày đêm mà lịch sử không thể nào quên, Mỹ - Ngụy đã trút xuống TX chưa đầy 2 cây số vuông này 330.000 tấn bom đạn; mỗi ngày có đến 150 -170 lượt máy bay quần thảo. Riêng trong ngày
Muốn tái chiếm TX Quảng Trị nhằm làm thay đổi Hội nghị
Tại phòng trưng bày, du khách không thể nào rời mắt khỏi những di vật của 5 chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trong một căn hầm, mãi cho đến năm 2000 mới tình cờ phát hiện được. 4 liệt sĩ đến giờ vẫn chưa biết tên, liệt sĩ còn lại tên là Lê Binh Chủng. Trong số di vật được tìm thấy có lá thư anh Chủng viết cho bố mẹ, cho người vợ trẻ thân yêu chưa kịp ra mắt gia đình. Nhờ những lá thư được phát hiện sau gần 30 năm mà vợ con anh Chủng mới được gia đình bên nội thừa nhận, con anh mới được công nhận là con liệt sĩ. Và cũng tại đây, du khách rơi nước mắt khi nghe câu chuyện của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Anh cưới vợ mới được 6 ngày thì ra trận. Trong lá thư viết tại Thành cổ đề ngày 11-9-1972, anh đã tiên đoán cái chết của mình, tiên đoán nơi mình ngã xuống và hướng dẫn cặn kẽ để sau ngày hòa bình, vợ anh theo đó mà tìm xác anh.
Ở TX Quảng Trị, rất nhiều khi lưỡi cuốc lật lên một lớp đất thì phát hiện hài cốt của những người đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt năm nào.
NƯỚC MẮT TRONG “NGÀY THIÊNG”
Đồi Bến Tắt cạnh Quốc lộ 15 (thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh), cách TX Đông Hà gần 40 cây số về phía Tây Bắc là nơi yên nghỉ ngàn đời của hơn 10.300 liệt sĩ đã hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn.
Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn khởi công xây dựng từ tháng 10 - 1975, đến tháng 4 - 1977 thì hoàn thành, trên diện tích 140.000 m2, trong đó diện tích đất mộ là 23.000 m2, với 10 khu vực chính. Một khi đã đến Quảng Trị, những ai quan tâm đến cuộc chiến tranh chống Mỹ nhất thiết phải đến NTLS Trường Sơn, để cảm nhận rõ hơn cái giá của tự do độc lập.
Như mọi năm, Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, rất nhiều gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, các đoàn khách trong nước đến viếng NTLS Trường Sơn. Những bó hoa huệ trắng được đặt dưới chân tượng đài. Trong khói hương nghi ngút, bài hát Hồn tử sĩ làm dậy lên những cảm xúc không thể nào diễn đạt thành lời ở một nơi thiêng liêng và thành kính.
Một người đàn bà đang lặng lẽ khóc bên mộ chồng, khi ánh ban mai chưa chạm đến những tán cây rì rầm lời nguyện cầu muôn thuở. Chồng bà, như hàng vạn người con từ khắp mọi miền đất nước, đã ngã xuống ở một nơi nào đó trên con đường mòn Hồ Chí Minh, và yên nghỉ trong nghĩa trang này, cùng bao đồng chí đồng đội. 31 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, vậy mà nước mắt vẫn chưa khô trên khuôn mặt hằn dấu chân chim của vợ ông. Những giọt nước mắt như những dấu hỏi: Trong số hơn 10.300 liệt sĩ nằm đây, có bao nhiêu người mà sự ra đi của họ, đến giờ vẫn là nỗi đau không dứt trong lòng người ở lại?
Trong biết bao người đã ngã xuống vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, có bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu người vợ vẫn còn rơi nước mắt trong ngày thiêng này?
Hòa bình đã 31 năm, nhưng trong lòng rất nhiều người ở lại - những người phải gánh chịu bao mất mát không gì bù đắp nổi - dư âm đau đớn của cuộc chiến vẫn âm ỉ khôn nguôi.
Tôi nhận ra điều đó khi bắt gặp người đàn bà đang lặng lẽ khóc chồng, trong một buổi sáng nắng chưa lên, giữa nghĩa trang mênh mông…
PHƯƠNG TRÀ