Thứ Ba, 01/10/2024 14:20 CH
Chăn bò thuê trên núi
Thứ Hai, 14/08/2006 08:28 SA

Dấu chân họ đã in khắp núi đồi Ea Bar, từ vùng bình nguyên ở buôn Trinh, buôn Thứ cho đến truông Đrăng, đồi đất đỏ giáp ranh với Ea Ly, Ea Lâm... Họ là “cowboy” (dân chăn bò) thứ thiệt, đúng nghĩa và... chuyên nghiệp vì làm việc được trả lương.

 

“ĐỘI QUÂN” CHĂN BÒ THUÊ

 

Với tổng đàn bò 4.450 con, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) hình thành được nhiều trang trại chăn nuôi đại gia súc và coi đây là một trong những mũi nhọn kinh tế của xã. Nuôi bò trang trại với số lượng lớn đã hình thành đội quân chăn bò thuê. Người ta tính ở xã vùng cao này, số người chăn bò thuê phải lên đến hàng chục người. Những trang trại vài chục con như của Ma Min, Ma Khóa, Ma Lách... thì thuê một người, những trang trại có hàng trăm con bò như của ông Lâm, ông Dước, ông Ngữ, ông Cương... thì phải thuê đến 3-4 người chăn cùng lúc mới xuể. Những trang trại của người Kinh thì trả lương theo tháng, còn của người dân tộc thiểu số thì trả theo năm, bằng tiền hoặc bằng bò.

 

060814-bri.jpg

Em Hơ Bri đang chăn bò thuê cho Ma Min – Ảnh: K.DUY

 

Nhà Ma Min ở buôn Trinh tính đến nay đã có 3 người đến chăn bò thuê. Hồi đầu tiên, khi đàn bò nhà ông có đến 70-80 con, Ma Min phải vào tận buôn Thô (thị trấn Hai Riêng) mới mướn được Y Nhung về chăn, mỗi năm trả một con bò đực trưởng thành, bao luôn cơm nước quần áo. Y Nhung nghỉ, đến lượt Y Lan, rồi bây giờ là em gái Hơ Bri. Hơ Bri là cháu của Ma Min, đang học lớp 8. Nghỉ hè, em sang xin bác cho đi chăn bò thuê để mỗi tháng được nhận 300.000 đồng giúp gia đình, đồng thời có tiền chuẩn bị vở sách cho năm học mới.

 

Còn nhà Ma Nhao ở buôn Thứ thì nuôi luôn thằng “cao bồi” mồ côi Y Brết. Cha mẹ Y Brết đã qua đời hết, Ma Nhao nuôi cậu trai hiện đã đến tuổi 16 này như con trong nhà, hứa mỗi năm trả thêm 5 triệu đồng cho việc chăn đàn bò 50 con của ông...

 

TƯỞNG THONG DONG...

 

Buổi sáng, trên mọi nẻo đường của xã Ea Bar, hàng trăm con bò tràn ra, nhằm các dãy đồi hướng tới. Những người chăn bò thong dong phía sau, nhàn nhã.

 

Tôi đi cùng với anh Nguyễn Phú Chững, lùa đàn bò 50 con anh chăn thuê cho ông Nguyễn Văn Bình từ buôn Trinh đến những ngọn đồi ở buôn Chung. Đoạn đường dài khoảng 4 cây số đó phải lội vài con suối nhỏ, vượt vài con dốc đã có lối sẵn nhưng cũng đủ khiến người “đi thử cho biết” như tôi trào đủ loại mồ hôi mồ kê. Anh Chững - trông dáng vẻ rất... công nghiệp: chân đi ủng, đầu đội mũ trong và nón ngoài, lưng đeo bi-đông nước, tay cầm cái roi tre dài - gần như chẳng làm gì ngoài việc... đi bộ trên suốt quãng đường đó. Chăn bò như thế mà mỗi tháng được 600.000 đồng như anh cho biết kể cũng quá khỏe, tôi nghĩ, bởi nếu tính cả hai lượt đi-về mỗi ngày, thì coi như việc đi bộ mười mấy cây số là vừa lấy sức khỏe, vừa lấy được tiền lương.

 

Nhưng không phải vậy. Đàn bò tự biết điểm dừng để gặm cỏ. Kể từ thời điểm đó, “cao bồi” Nguyễn Phú Chững trở nên tất bật, vất vả.

 

NHƯNG MỘT NĂM KHỔ... 365 NGÀY!

 

060814-chung.jpg

Anh Nguyễn Phú Chững vất vả vì những chú nghé liên tục nhào vào rẫy hoa màu của dân - Ảnh: K.DUY

“Đồng cỏ đã được quy hoạch rồi. Nhưng bà con dân tộc thiểu số thấy nơi nào đất tốt là họ đến sản xuất. Nếu không để ý, đàn bò vào ăn và dậm nát hoa màu là mình toi. Vừa phải đền hoa màu, vừa phải đền bò vì có không ít trường hợp chủ rẫy ức quá dùng... rựa phang các chú bò “đi lạc vô rẫy” – anh Chững cho biết. Khổ nhất là các chú nghé, vốn thích chạy nhảy tung tăng, ăn ít phá nhiều. Anh Chững vừa lùa được chú này ra khỏi rẫy là chú khác nhảy vào; vừa hét con bê bên rẫy phải đã phải vọt qua bên rẫy trái quất một roi cho chú bò bầy... Khi tôi ngồi hít thở không khí trong lành và thích thú ngắm màu xanh bạt ngàn của núi đồi Ea Bar thì cũng là lúc anh Chững đổ mồ hôi hột để “trổ nghiệp vụ” với đàn bò.

 

Công việc của anh Chững lặp đi lặp lại như thế: sáng đi – trưa về, xế đi – chiều về, ngày này sang ngày khác. “Với những người chăn bò như tôi, một năm đúng 365 ngày phải đưa bò lên đồi chăn, bởi bò đàn nhốt ở nhà lấy gì mà ăn. Mùa nắng coi vậy mà đỡ, mùa mưa mới thực sự vất vả. Không chỉ dầm mưa cả ngày, mà việc “chạy nhảy” để trông bò cũng khó khăn vì đất đồi trơn trợt, mà trời càng mưa lớn bò lại càng thích... chạy lung tung” – anh cho biết.

 

Không chỉ có vậy, công việc của người chăn bò thuê còn thêm những vất vả khác. Bò thường xuyên đi lạc, sau giờ chăn dắt phải vào tận rừng sâu tìm kiếm, có khi phải kiếm vài ba ngày mới ra được chú bò “thích rong chơi”. Khổ nhất là lúc bò bệnh. Anh Chững kể: “Tụi tôi phải kiêm luôn việc thú y. Chủ mua thuốc về, tôi phải tiêm chích từng con”. Nhờ kỹ lưỡng như vậy, đàn bò anh Chững chăn thời gian qua không bị chết rét vào mùa mưa, không bị bệnh dịch gì trong mùa nắng.

 

Nhưng những đàn bò của người dân tộc thiểu số thì khác. Mùa dịch lở mồm long móng này những người chăn bò thuê rất vất vả. “Không có thằng Y Brết thì chắc bầy bò của tôi mất nhiều lắm rồi. Khoảng tháng 4 năm nay, 50 con bò của tôi nằm hết, nước dãi chảy ra đầy miệng làm tụi nó không muốn ăn; móng chân thì lở, có giòi, không muốn đi lên đồi nữa. Thằng Y Brết phải vô rừng hái lá giang, bà xã tôi phải đi mua cả giỏ chanh về nấu chung, trộn với nước muối mà rửa miệng, rửa chân cho từng con. Y Brết thương bò lắm, nó làm rất kỹ, có khi quên cả ăn, vì thế chỉ sau hai, ba ngày là đàn bò đứng dậy được, lại đi lên đồi gặm cỏ...” – Ma Nhao nói thế về đứa con nuôi “cao bồi” của ông.

 

Nhưng anh Chững thì “thấm” khổ. Anh người Thái Bình, vào Ea Bar chăn bò thuê được hơn năm rưỡi nay. Anh tính đến hết hợp đồng năm nay, anh phải tìm việc khác làm, “vì “nghề cao bồi” vất vả hơn nhưng thu nhập lại thấp so với nghề đi cuốc rẫy thuê!”.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Qua vùng đất thiêng
Thứ Năm, 10/08/2006 07:47 SA
Nỗi buồn từ những công trình cấp nước
Thứ Sáu, 04/08/2006 08:11 SA
Người thanh niên 20 lần hiến máu
Thứ Hai, 17/07/2006 07:29 SA
Gìn giữ sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 11/07/2006 15:17 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek