Những triền đồi với độ dốc chênh vênh đổ xuống thung lũng, những vực suối nhấp nhô đá tảng và cây rừng vốn là lá chắn tự nhiên có tác dụng phòng hộ, giảm thiểu tình trạng sạt lở, xói mòn, bảo vệ đời sống sản xuất cư dân xã An Xuân, huyện Tuy An. Thế nhưng, cơn sốt “đá tặc” lộng hành hơn hai tháng qua không chỉ gây bức xúc trong dư luận ở địa phương, mà còn tạo ra những hiểm họa khi mùa mưa lũ đang đến rất gần.
Dựng lán trại, lò rèn phục vụ khai thác đá trái phép- Ảnh: H.TOÀN |
Trong vai những người săn ảnh nghệ thuật, chúng tôi ngược lên miền núi An Xuân sáng 7/9 trên ĐT650 với những cung đoạn quanh co dốc núi và bụi. Không phải len lỏi vào đồi rừng, mà từ cửa ngõ vào xã An Xuân chúng tôi đã bắt gặp những mỏ đá đào xới ngổn ngang ven đường lộ. Tiếng chẻ đá chan chát từ nhịp búa của những nhóm thợ lẫn trong tiếng xe tải oằn mình công khai chở đá rời khỏi mỏ tăng tốc về xuôi, khiến nhiều người nhầm tưởng đó là những công trường khai thác đá hợp pháp. Dọc ĐT650, qua 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hòa rồi theo đường làng vào vực suối Lượng ở thôn Xuân Thành, chúng tôi nhẩm đếm gần chục mỏ đá tự phát, mỗi mỏ có từ 5 đến 8 thợ. Họ ngồi dưới “mái che di động” kết nối bằng cành lá rừng, hì hục chẻ những viên đá vuông vức. Phía trước họ, có nơi là nhân công phổ thông đào xới, có nơi chủ thầu thuê hẳn xe cơ giới đào, múc những tảng đá lớn nhỏ chồng chất ngổn ngang. Nhẩm tính mỗi ngày nguồn khoáng sản ở An Xuân thất thoát khoảng 3.500 đến 4.000 viên đá chẻ từ những mỏ đá “bốn không”: Không giấy phép khai thác khoáng sản; không giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng; thợ chẻ đá không có hợp đồng lao động; không có bảo hộ lao động, bảo hiểm tính mạng… Thế nhưng, hơn hai tháng qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách ở huyện Tuy An vẫn chưa có biện pháp truy chặn dứt điểm. Gần đây, “đá tặc” ở An Xuân càng bùng phát như một cơn sốt đỉnh điểm.
Theo chỉ dẫn của một người dân, 10g48 sáng 7/9, chúng tôi tiếp cận mỏ đá chẻ tự phát tại vực suối Lượng ở thôn Xuân Thành. Dưới tán cây bên rẫy chuối của ông Thừa Nhu là chiếc xe trung tải 49X-1490 đang nép mình chờ vào mỏ. Bên trong suối là nhóm thanh niên bốc đá chẻ lên chiếc xe trung tải 78K-6170 của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương. Cách đó hơn 200m là lán trại nhóm thợ lưu trú và lò rèn dã chiến do chủ thầu dựng lên để mài, gọt mũi chạm chẻ đá. Phát hiện người lạ hướng máy ảnh về phía mỏ đá, một thanh niên cầm chiếc rựa bước ra dò hỏi. Chúng tôi chưa kịp đối phó bằng cách nói dối đang đi thực tế sáng tác ảnh nghệ thuật như đã định, thì một tổ công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và cảnh sát phụ trách xã thuộc Công an huyện Tuy An vừa tới. Chủ mỏ đá là bà Lê Thị Lý, trú ở thôn Bình Chính, xã An Dân điện thoại “cầu cứu” ai đó ở dưới xuôi, rồi bạo mồm nói rằng mỏ đá vợ chồng bà đang khai thác là hợp pháp, vì có đóng phí cho xã. Khi kiểm tra “chứng cứ” do bà Lý đưa ra mới biết đó là biên lai thu 2 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực khoáng sản theo quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 2/7/2010 của Chủ tịch UBND xã An Xuân. Trước máy ghi âm của phóng viên, bà Lý gượng gạo biện minh: “Tui tưởng nộp phạt xong là được khai thác, xã cho đăng ký tạm trú là cho lấy đá chứ sao lại không”. Bà Lý tiết lộ đã trả 4 triệu đồng cho ông Thừa Nhu trước khi thuê thợ đến chẻ đá trong rẫy chuối từ tháng 3/2010, nhưng sau đó bà đã chiếm dụng, khai thác đá trái phép ở suối Lượng. Mỗi viên đá chẻ, “chủ thầu” trả cho thợ 1.600 đồng, rồi bán lại tại chỗ 1.900 đồng cho giới kinh doanh vật liệu xây dựng vận chuyển về xuôi bán với giá 3.000 đồng. Và khi những tảng đá chắn lũ ở vực suối này không còn nữa, thì cư dân thôn Xuân Thành khó tránh khỏi hiểm họa thiên tai ập đến.
Đá chắn lũ ở vực suối Lượng bị khai thác cạn kiệt- Ảnh: H.TOÀN |
Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân cho biết, đến nay có cả chục mỏ đá tự phát. Ngày 25/6, một tổ công tác của xã đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực khoáng sản tại 6 mỏ đá của các ông bà Phạm Đình Danh, Thiều Tấn Khoa, Hồ Xuân Bảo, Lê Văn Ngọc, Lê Thị Lý, Lê Văn Trọng. Ngoài việc xử phạt bằng tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, quyết định xử phạt còn buộc đình chỉ hành vi vi phạm. Thế nhưng, đến nay chỉ có 3 trường hợp nộp tiền xử phạt, trong khi số mỏ đá trái phép đang tăng lên với tốc độ khai thác “mạnh” hơn trước. Ông Sơn thừa nhận, chính quyền xã không đủ sức ngăn chặn, cưỡng chế để đẩy lùi nạn “đá tặc” ở đây, thậm chí khi bị truy chặn, tài xế hai xe tải 49X-1490, 78K-6170 vẫn tăng tốc lao nhanh trên đường bê tông nội xã, còn điện thoại của Chủ tịch UBND xã Đặng Thanh Sơn thì nhận được những dòng tin nhắn từ số máy 0122549… có nội dung xúc phạm danh dự, đe dọa tính mạng cá nhân và gia đình ông.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, ngày 20/7, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã tăng cường ngăn chặn, xử lý nạn khai thác đá trái phép và sắp tới sẽ có biện pháp “mạnh” hơn.
Rời An Xuân khi nắng nghiêng xế, bên trong trụ sở UBND xã, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Thành đang chủ trì cuộc họp phân công nhiệm vụ một số Đảng ủy viên đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác đá trái phép. Đó là những động thái tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ thường xuyên, kiên quyết của các cơ quan chức trách ở huyện Tuy An thì không dễ gì hạ nhiệt cơn sốt “đá tặc” ở An Xuân. Và nếu nạn khai thác đá trái phép lộng hành ở đó tái diễn, không chỉ triền đồi, vực suối sạt lở, ảnh hưởng đời sống sản xuất người dân, mà ĐT650 sẽ có những cung đoạn bị bồi lấp trong mùa mưa lũ sắp đến.
PHAN THẾ HỮU TOÀN