Thứ Năm, 03/10/2024 07:17 SA
Còn đâu ngũ hổ trong tranh Hàng Trống?
Thứ Bảy, 04/09/2010 19:00 CH

Trong tín ngưỡng dân gian Việt, hổ được coi là con vật linh thiêng, bởi thế mà danh xưng của nó cũng được thần thánh hóa bằng những cái tên như ngài, ông... Rất nhiều gia đình có tục thờ “ông ba mươi” như một cách để cầu công danh, mang lại sự may mắn. Tranh Ngũ hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống đất Thăng Long trở thành dòng tranh thờ nổi tiếng. Rất tiếc, dòng tranh này gần như chỉ còn những dấu ấn của một thời vàng son.…

 

anh-ho100904.jpg

Bức Ngũ Hổ, “đặc sản” của tranh Hàng Trống - Ảnh: K.PHƯƠNG

 

TỪ TÍN NGƯỠNG THỜ HỔ

 

Với niềm tôn kính, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nhiều gia đình Việt còn thờ “ông ba mươi”. Vào những ngày rằm, mùng một hoặc lễ chạp, ngoài hương hoa, các cụ còn cúng một miếng thịt heo sống trên bàn thờ “ông” hổ. Trong tục thờ, có gia đình thờ tranh ngũ hổ; có gia đình chỉ thờ một ông. Những người thờ phụng “ông” hổ đều tin rằng có một sức mạnh siêu nhiên phù hộ cho gia trạch bình an, loại trừ tai nạn. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, thì hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người, do đó phải thờ hổ. 

 

Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ), đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú thuộc họ Rvai phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác mầu lông hổ và đặt chiếc chăn giống mầu lông hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên. 

 

ĐẾN TRANH NGŨ HỔÅ  

 

Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy… Nhưng mẫu tranh được biết đến nhiều nhất là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) xưa.

 

Tranh Ngũ hổ Hàng Trống vẽ năm con hổ được bố cục đông đầy, cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió… Đây là loại tranh khắc gỗ in trên giấy. Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bản nét rồi dùng bút lông tô màu. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối. Cùng với những nét được khắc in qua bản gỗ, khi cần nhấn, đẩy các chi tiết, các nghệ nhân Hàng Trống không ngần ngại dùng bút để nẩy, tỉa. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật, thể hiện sức mạnh của loài mãnh chúa.

 

Màu sắc trong tranh Ngũ hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh. Nhưng nó vẫn được khu biệt với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm nhân vật. Lối dùng màu này của các nghệ nhân Hàng Trống thể hiện rõ một hàm ý, mang triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống.  Hoàng hổ: Con hổ ngồi chính giữa bức tranh được vẽ vờn bằng màu vàng, tượng trưng cho hành Thổ; thanh hổ, con hổ được vẽ bằng màu xanh là tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông; bạch hổ được vẽ bằng màu trắng, là hành Kim ứng với phương Tây; xích hổ được vẽ bằng màu đỏ, là hành Hỏa ứng với phương Nam; hắc hổ được vẽ bằng màu đen, là hành Thủy ứng với phương Bắc.

 

CÒN ĐÂU MỘT DÒNG TRANH?

 

Theo các nhà nghiên cứu, dòng tranh Hàng Trống xuất hiện cách đây khoảng 400 năm và chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo giữa các vùng miền. Dòng tranh này phát triển rực rỡ từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và bắt đầu lụi tàn. Cho đến nay, chỉ còn một nghệ nhân của dòng tranh này còn đau đáu với nghề, bức tranh ngũ hổ nổi tiếng cũng chỉ được biết đến qua bảo tàng, sách báo.

 

Khác với tranh Đông Hồ, kỹ thuật tranh Hàng Trống kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ, với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước, luôn luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế. Nhờ vậy, màu sắc uyển chuyển, đáp ứng sự đòi hỏi của khách mua tranh. Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt thường ngày hay minh họa cổ tích, tranh Hàng Trống nổi trội về thể loại tranh thờ, với hình tượng tương đối giản dị mà thể hiện công phu. Ngũ hổ là một trong những đề tài thuộc dòng tranh thờ. 

 

Là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống nức tiếng một thời, nghệ nhân dân gian Lê Đình Nghiên đang dồn toàn bộ tâm sức những năm tháng cuối đời vào việc khôi phục và bảo vệ dòng tranh này. Nhưng bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của ông, tương lai của tranh Hàng Trống vẫn ngày một u ám. Sau nhiều thế hệ cha truyền, con nối, nhiều nghệ nhân đã buộc phải bỏ nghề để kiếm cái ăn mưu sinh. Những dụng cụ làm tranh như ván, bản in, vốn từng được coi là đồ gia bảo trở nên vô tác dụng, bị đem bán tống bán tháo, thậm chí bị vứt bỏ không thương tiếc. Rất nhiều bản khắc quý báu cũng vì thế mà biến mất. 

 

Người cuối cùng của dòng tranh này buồn bã khi thừa nhận, tranh Hàng Trống hầu như đã bị quên lãng. Không còn nhiều người biết và yêu thích dòng tranh này. Những khách tìm đến đặt mua tranh ông vẽ chủ yếu là những khách quen ít ỏi cố định từ nhiều năm nay. Nhưng ông Lê Đình Nghiên vẫn quyết không bỏ nghề, vì cho rằng đó là nghiệp tổ mà cha ông đã để lại. 

 

Để tránh cho dòng tranh Hàng Trống bị thất truyền sau khi mình qua đời, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang cố gắng truyền thụ mọi bí quyết gia truyền cho người con trai út Lê Hoàn. Nhưng theo ông, để có thể trở thành một nghệ nhân tranh Hàng Trống thực thụ, ngoài năng khiếu vốn có, còn phải có sự kiên nhẫn, tỉ mẩn và niềm say mê với nghề nghiệp. Nếu như tâm huyết của ông không được người con trai út kế tục, thì nguy cơ dòng tranh Hàng Trống hoàn toàn thất truyền. 

 

Trước thềm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhớ bức tranh Ngũ hổ của các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống năm nào. Khâm phục vì khả năng sáng tạo vô tận và tài năng của các nghệ nhân dân gian nhưng càng buồn hơn khi một dòng tranh của đất kinh kỳ đang thực sự bị mai một. Hà Nội đang đến rất gần ngày đại lễ chào mừng 1.000 năm tuổi, các ngành chức năng đang ráo riết chuẩn bị các công đoạn cuối cùng, trong đó có việc khôi phục lại các làng nghề truyền thống và nét văn hóa của đất Tràng An. Tranh dân gian Hàng Trống, nét đẹp vàng son một thời, liệu có được vinh danh trong ngày đại lễ khi tương lai phục dựng vẫn còn mù mịt?.

 

KHÁNH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Trong tim mình luôn có Bác Hồ”
Thứ Tư, 01/09/2010 14:15 CH
Một chặng đường lịch sử vẻ vang
Thứ Bảy, 28/08/2010 11:00 SA
Sau những cánh bay
Thứ Tư, 25/08/2010 18:00 CH
Chuyện về một quản giáo
Thứ Tư, 18/08/2010 16:00 CH
Cảm ơn Y13
Thứ Sáu, 13/08/2010 07:00 SA
Sống nhờ... cỏ gấu
Thứ Tư, 11/08/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek