Thứ Tư, 27/11/2024 11:42 SA
“Trong tim mình luôn có Bác Hồ”
Thứ Tư, 01/09/2010 14:15 CH

Đó là câu nói đầy kính trọng và tự hào của Ma Ngô, người duy nhất còn sống trong số những người từng tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945 ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa). Ông cũng là một chiến sĩ quả cảm trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

 

Năm nay khoảng 90 tuổi, người gầy gò, mắt đã mờ, chân đã run, nhưng trí nhớ của Ma Ngô – dân làng ở buôn Ma Thìn trìu mến gọi là Oi Sĩ (ông của thằng Sĩ) - vẫn còn rất tốt. “Ma Ngô là niềm tự hào không chỉ của dân tộc Chăm Hroi ở đây, mà cả dân Cà Lúi chúng tôi”, ông Kpă Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, giới thiệu như vậy.

 

mango100901.jpg

Ma Ngô với hai chiếc Huân chương Kháng chiến và đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ – Ảnh: Q.THANH

 

RỪNG NÚI REO CA...

 

Vừa nghe chúng tôi hỏi về những ngày lịch sử cách đây 65 năm, gương mặt hằn đầy những nếp nhăn thời gian của Ma Ngô giãn ra, đôi mắt già nua của ông lấp lánh. Ký ức hào hùng một thời chầm chậm quay về trong ông…

 

… Tôi và ba anh chị em khác trong nhà lớn lên cô đơn, vì cha mẹ mất sớm. Tôi phải đi làm thuê cho người Kinh để sống. Ở khu Tổng Binh (khu đồn trú của Pháp tại Cà Lúi - TG) lúc bấy giờ có rất nhiều lính Pháp. Hàng ngày, thấy tụi Pháp ức hiếp, đàn áp, buộc dân chúng trong làng làm nô lệ, trai tráng rất uất hận, nung nấu quyết tâm chống lại chúng. Bốn anh em nhà cô đơn chúng tôi ai cũng nói không đội trời chung với tụi Pháp.

 

Năm 1945 ấy, khi Nhật tiến công Pháp, có một sự kiện làm tôi nhớ mãi. Ở khu Tổng Binh lúc bấy giờ, một bà đầm vợ quan Pháp tên là Va-ni lên ở lại đây. Khi nghe quân Nhật đến Phú Yên, bà Va-ni buộc dân làng phải khiêng cáng, bà định vượt sông Cà Lúi để chạy trốn. Nhưng rồi đến buôn Ma Đao (một trong những nơi cực tây của xã Cà Lúi, giáp sông Cà Lúi, bên kia sông là xã Krông Pa của tỉnh Gia Lai - TG) thì không chạy được nữa, nên dân phải khiêng bà Va-ni về đồn Trà Kê, nghe nói sau đó bà bị Nhật bắt rồi đưa đi đâu mất biệt. Riêng tụi Pháp ở khu Tổng Binh, chúng nhốn nháo, lộn xộn trong những ngày đó. Thấy vậy, cả buôn làng ai nấy đều phấn khởi.

 

Tôi, lúc ấy đã ngoài 20 tuổi, và nhiều thanh niên trong buôn làng được cán bộ cấp trên phổ biến lời kêu gọi của Bác Hồ. Bác yêu cầu cả nước phải đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập và tự do cho đất nước. Tôi không biết chữ, không biết đọc, nhưng lời của Bác in sâu trong đầu, trong bụng tôi. Tôi tự thề với Bác là sẽ làm theo lời Bác, trung thành với Bác.

 

Tôi không nhớ rõ ngày nào, nhưng buổi sáng tháng 8/1945 ấy, hàng trăm đồng bào ở Cà Lúi, trên tay là mác, là cung tên, là dao, gậy, cuốc… kéo về khu Tổng Binh của Pháp để cướp chính quyền. Chúng tôi là thanh niên, đi hàng đầu, hô vang khẩu hiệu quyết đuổi Pháp, đuổi Nhật, bảo vệ căn cứ cách mạng. Không có đánh nhau gì cả, vì lúc bấy giờ tụi Pháp đã bỏ khu này chạy trốn cả rồi. Chúng chạy xuống Trà Kê ở làng Tân Hội (bây giờ thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa – TG), nhưng chúng tôi nghe cán bộ nói chúng cũng không ở được bao lâu vì bị quân ta đuổi chạy. Ai ai cũng mừng vì biết từ nay mình không còn bị tụi giặc Pháp áp bức, đánh đập, bắt làm nô dịch nữa. Những ngày đó, cả buôn làng tưng bừng trong tiếng chiêng, tiếng trống mừng giải phóng…

 

CHIẾN SĨ QUẢ CẢM

 

Với những gì đã cống hiến cho cách mạng, chiến sĩ quả cam Ma Ngô ngày ấy được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì. Ông được công nhận là người có công với cách mạng, được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Ma Ngô vào du kích xã Cà Lúi, tham gia bảo vệ chính quyền vừa mới giành được từ tay bọn thực dân. Rồi ông được đưa đi học ở xã Suối Bạc một thời gian, sau đó vào bộ đội chủ lực, được kết nạp Đảng đầu năm 1949. Ông không nhớ rõ phiên hiệu đơn vị, chỉ quen gọi là “tiểu đoàn anh Tứ”, do người tiểu đoàn trưởng tên Tứ, còn đại đội trưởng tên là Kính. Ma Ngô là trung đội trưởng A2, gồm các chiến sĩ người dân tộc thiểu số ở hai buôn Ma Đỉa, Ma Thìn của xã Cà Lúi. “Tiểu đoàn anh Tứ” của Ma Ngô đóng quân ở Xuân Phước, nhưng cơ động đánh địch khắp nơi.

 

Ông nhớ lại: “Chúng tôi ai cũng được phát một khẩu súng trường mà quân mình thu được của thằng Pháp. Tụi tôi rất thích vì dùng súng của nó bắn chết tụi nó. Tôi không nhớ là mình đánh bao nhiêu trận, nhưng vẫn nhớ tiểu đoàn chúng tôi đánh Tây thật ác liệt ở Thạnh Hội (Sơn Hà, Sơn Hòa) và đánh đồn Ma Phu. Trung đội chúng tôi được cán bộ khen là dũng cảm vì luôn xung phong lên đánh địch đầu tiên. Hai trận đó, chúng tôi thu được 8 khẩu súng của giặc, trong đó có cả súng trung liên đầu bạc rất to”. Nhưng trận đánh để đời nhất của Ma Ngô, theo lời ông, đó là trận Trường Lạc - Đất Đỏ (thuộc xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa cũ), đánh Pháp từ Ma Đrắc kéo xuống định phá đập Đồng Cam. “Trận đánh kéo dài 2 ngày 1 đêm. Chúng tôi thủ dưới công sự. Máy bay Pháp vờn lượn trên đầu, thả bom ầm ầm. Đạn nổ tứ phía. Khói bụi mù mịt. Tôi mấy lần tưởng chết vì hầm sụp, đất đè. Vậy mà ai cũng muốn xông lên, vì muốn giết giặc. Thời đó, chẳng biết sợ là gì. Tôi nghĩ là đạn nó tránh mình, chứ cũng không biết vì sao mà mình sống được trong lửa đạn đó. Cây súng trường của tôi trúng đạn, bể báng mà người tôi thì lại chẳng sao. Hồi đó, cứ 1-2 tháng mà không được ra chiến trường đánh giặc là trung đội dân tộc của tôi kiến nghị lên cấp trên, nếu không cho đi chiến đấu thì chúng tôi đào ngũ ráng chịu” – Ma Ngô cười tươi, sống lại những ngày anh dũng.

 

Năm 1954, khi đã thắng Pháp lần thứ hai, đuổi chúng khỏi bờ cõi đất nước, Ma Ngô bày tỏ khát khao được đi tập kết. “Tôi muốn được ra miền Bắc, muốn được gặp Bác Hồ quá, cũng muốn học tập nữa. Nhưng em vợ tôi hai đứa, em tôi hai đứa đều đi cả, nên tôi được vận động ở lại đi chuyến sau. Rồi sau, cán bộ vận động tôi ở lại xây dựng cơ sở cách mạng, nên tôi không được đi tập kết, tiếc lắm” – Ma Ngô nói.

 

Không lâu sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách bắt bớ, vây ráp những người đảng viên cách mạng. Ma Ngô phải trốn lên núi. Ông được ông Năm Huề (Lương Công Huề - TG), lúc bấy giờ lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Miền Tây Phú Yên, gặp gỡ và dặn dò. “Tôi gặp ông Năm Huề tại buôn Ma Lức, hồi đó thuộc xã Cà Lúi, còn bây giờ ở xã Suối Trai. Tôi ngoéo tay với ông Năm, thề trọn đời theo Bác Hồ, theo cách mạng. Nếu thằng Diệm có bắt tôi đi làm lính cho nó, tôi cương quyết không đi. Tôi cũng nói với dân làng phải theo cách mạng, không theo Diệm” – Ma Ngô nhớ lại. Ông được phân công làm công tác dân vận, vận động, giáo dục nhân dân theo cách mạng, đánh Mỹ - ngụy để giữ đất, giữ làng. Những địa danh Chí Thán, buôn Thung, Hòn Nhọn, Đất Đỏ Sơn Thành… quen dấu chân ông.

 

Đến năm 1961, Ma Ngô được cấp trên chuyển về lại xã Cà Lúi, hoạt động hợp pháp. Ông tiếp tục làm công tác dân vận, cùng nhân dân làm vũ khí thô sơ chống giặc. Trong thời gian này, có lần ông bị địch bắt, chúng dùng trực thăng chở ông và nhiều người khác về đồn Hòn Ngang ở thị trấn Củng Sơn. Nhưng sau một thời gian tra hỏi, không khai thác được gì nên chúng đành trả ông về…

 

Không chỉ Ma Ngô theo Bác Hồ, theo cách mạng và làm cách mạng, mà vợ chồng ông có năm người con, thì cả hai người con trai đều theo cha trở thành bộ đội Cụ Hồ.

 

mango1100901.jpg

Ma Ngô và Mí Ngô

 

NHỚ LỜI BÁC, LÀM THEO BÁC

 

Sau giải phóng tháng 4/1975, Ma Ngô trở lại với cuộc sống đời thường. Ông tham gia tích cực các phong trào của địa phương, xây dựng hợp tác xã đổi mới cho đến khi tuổi già sức yếu mới nghỉ ngơi. Trong vườn nhà Ma Ngô ở buôn Ma Thìn bây giờ, các loại cây xoài, mãng cầu, đu đủ… với bàn tay chăm sóc của ông đã vươn lên tươi tốt, trái lúc lỉu. Ông cười thật tươi: “Bác Hồ dạy sao là tôi làm vậy. Bác dặn làm gì cũng nhớ tự lực cánh sinh; phải đoàn kết và đại đoàn kết; phải chống các loại giặc ngoại xâm, nội xâm, giặc đói, giặc dốt; phải giữ cho được độc lập, tự do; phải trồng cây để luôn có mùa xuân… Hôm nay, tôi thấy quê hương Cà Lúi phát triển mạnh mẽ, coi ti vi thấy đất nước đang vươn lên, hiện đại, tôi mừng trong bụng lắm. Tôi nghĩ, nếu ai cũng nhớ lời Bác Hồ, làm theo Bác Hồ thì chắc chắn là đất nước mình mãi mãi tự do, độc lập, sẽ giàu có và nhân dân sống hạnh phúc thôi”.

 

Trong số những kỷ vật quý giá một thời của Ma Ngô, đôi dép cao su còn khá mới của ông khiến tôi chú ý. Ông cho biết, đó là đôi dép Bác Hồ mà ông giữ mãi từ thời kháng chiến. “Đôi dép đó mình ít mang, vì người dân tộc mình thường chỉ đi chân trần. Mình để dành đôi dép để nhìn. Thấy nó, mình nhớ lại thời chiến đấu oai hùng, nhớ đến Bác Hồ và những lời dặn dò của Bác. Mình dặn con cháu rồi, mai mốt mình qua đời thì đôi dép này phải đi theo mình đấy” – Ma Ngô cho biết.

 

QUỐC THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một chặng đường lịch sử vẻ vang
Thứ Bảy, 28/08/2010 11:00 SA
Sau những cánh bay
Thứ Tư, 25/08/2010 18:00 CH
Chuyện về một quản giáo
Thứ Tư, 18/08/2010 16:00 CH
Cảm ơn Y13
Thứ Sáu, 13/08/2010 07:00 SA
Sống nhờ... cỏ gấu
Thứ Tư, 11/08/2010 19:00 CH
Tham gia Cách mạng Tháng Tám tại quê hương
Thứ Sáu, 06/08/2010 07:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek