Khi nói về các đơn vị không quân, người ta thường nói về những phi công với những chuyến bay thành công. Nhưng đằng sau những thành công đó là hàng trăm người phục vụ dưới mặt đất, trong đó phải kể đến những người thợ máy kỹ thuật hàng không. Không ồn ào, phô trương, họ chính là điểm tựa vững vàng để những cánh bay bay lên.
Bảo dưỡng vô tuyến máy bay L-39 - Ảnh: N.NAM
Trời đã vào thu nhưng thời tiết tại khu vực sân bay Tuy Hòa vẫn còn hết sức khắc nghiệt. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn trong công tác huấn luyện đào tạo phi công quân sự bậc đại học, Đảng ủy, chỉ huy Đơn vị C10 - Trường Sĩ quan Không quân đã tổ chức quán triệt nghiêm túc mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân chủng, chỉ thị của Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân đến toàn đơn vị, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục những yếu kém, tồn tại trong công tác tổ chức huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, bảo đảm kỹ thuật hàng không. Chỉ tính đến đầu tháng 8, đơn vị đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch bay huấn luyện và đào tạo học viên K35 trên máy bay L-39. Đây là một kết quả đáng khích lệ để cán bộ, chiến sĩ đơn vị C10 phấn khởi, tự tin trong mùa huấn luyện bay năm 2010.
Để tận mắt chứng kiến các thợ máy làm công tác kỹ thuật hàng không phục vụ huấn luyện bay, chúng tôi được trung tá Nông Văn Hoàng, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Tiểu đoàn trưởng đưa đi thăm Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật - đơn vị đang tổ chức thực hiện tuần bảo dưỡng mẫu trên máy bay L-39.
Mới 6 giờ sáng, tại Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, công tác chuẩn bị của đơn vị đã hoàn tất. Đúng 7 giờ, thượng tá chủ nhiệm Lê Hải Bình, xưởng trưởng, giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các chuyên ngành. Cụ thể ngành Máy bay động cơ kiểm tra thực trạng kết cấu khung vỏ máy, động cơ, tiến hành tháo lắp kiểm tra bảo dưỡng hệ thống càng, hệ thống thủy lực, dầu nhờn, dầu đốt; ngành Thiết bị kiểm tra hệ thống đồng hồ, các thiết bị điện, hệ thống tự ghi; ngành Vô tuyến điện tử kiểm tra hệ thống ăng ten, thiết bị thông thoại, đài định hướng, máy đo cao PB-5; ngành Vũ khí hàng không kiểm tra hệ thống thoát hiểm, máy ngắm, máy ảnh, giá treo vũ khí... Khối lượng công việc nhiều nhưng đơn vị thực hiện rất nhịp nhàng, bộ phận nào thực hiện nhiệm vụ của bộ phận đó, kết hợp làm mẫu cho các đơn vị bạn tham quan trao đổi, rút kinh nghiệm.
Tại khu vực phân xưởng Máy bay - Động cơ, thượng úy chủ nhiệm Lê Công Ba đang hướng dẫn đồng đội kiểm tra độ thò giảm trấn càng. Nhìn các anh say sưa với công việc, lòng tôi dâng lên niềm cảm phục sâu sắc. Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, thượng úy Lê Công Ba tâm sự: “Máy bay của đơn vị đã qua nhiều năm sử dụng, hay phát sinh hỏng hóc nên phải rất cẩn trọng trong công tác bảo dưỡng. Đến khi tiến hành bay thử máy bay thành công, đủ điều kiện đưa vào huấn luyện là chúng tôi rất vui vì đã đóng góp được sức mình vào thành công chung của đơn vị”.
Kiểm định các đồng hồ của máy bay - Ảnh: N.NAM
Công tác bảo đảm kỹ thuật ngày một khó khăn bởi khí tài, trang bị kỹ thuật thay thế tính đồng bộ không cao, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến độ tin cậy của trang bị kỹ thuật. Để khắc phục khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thợ máy phải luôn phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường trong học tập và huấn luyện chuyên ngành. Phong trào cấp trên dạy cấp dưới, tay nghề trình độ cao dạy tay nghề thấp hơn luôn phát triển mạnh mẽ với mục tiêu lấy huấn luyện cán bộ làm cơ bản kết hợp phương pháp tự đọc sách, đọc tài liệu, duy trì chặt chẽ chế độ giảng bình kỹ thuật. Đối với cấp phân đội, tổ chức giảng bình hàng ngày, ở phân xưởng thì giảng bình hàng tuần, đó là chưa kể những lần giảng bình đột xuất khi có tình huống. Trao đổi với chúng tôi, đại úy Nguyễn Minh Nhật, Chính trị viên tiểu đoàn, cho biết: “Bảo dưỡng kỹ thuật hàng không là công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, độ tỉ mỉ chính xác rất cao, liên quan trực tiếp đến chất lượng của mỗi chuyến bay, đến sự an toàn, tâm lý phi công và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, phải không ngừng nâng cao chất lượng bảo dưỡng trang bị kỹ thuật hàng không. Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật là cánh tay phải của đơn vị chúng tôi. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không phục vụ huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay. Tuần bảo dưỡng mẫu là sự cụ thể hóa nghị quyết vào thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”. Theo anh, nét mới trong tuần bảo dưỡng mẫu năm nay là ngoài việc thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đối với các khoa mục, các chuyên ngành đã lựa chọn một khoa mục tiêu biểu nhất tiến hành bảo dưỡng mẫu, hướng dẫn các đơn vị thăm quan trao đổi rút kinh nghiệm làm cơ sở thực hiện ở đơn vị mình.
Kết thúc tuần bảo dưỡng mẫu, các chuyên ngành đã thực hiện xuất sắc công việc của mình với 100% các khoa mục đúng tiến độ, cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong toàn đơn vị đã nắm chắc được quy trình bảo dưỡng, kinh nghiệm thực tiễn và những vấn đề cần đổi mới để nâng cao chất lượng công tác bảo dưỡng kỹ thuật, đồng thời chấn chỉnh những điểm còn thiếu sót trong thực hiện chuyên môn thời gian qua.
NHỮ