“...Với anh thời gian không còn sớm tối
Chỉ chuyên tâm dẫn lối chỉ đường
Vũ khí của anh: Lòng nhân đạo và tình thương
Để cảm hóa những tâm hồn một thời tội lỗi”
Đó là những tâm sự được một quản giáo trải ra trên trang giấy. Anh đã có 28 năm làm công việc quản lý giáo dục can phạm nhân. Tôi tin rằng những câu chuyện của anh sẽ làm cho nhiều người có cái nhìn khác về quản giáo.
Đại úy Nguyễn Văn Cư trò chuyện với một can phạm. - Ảnh: N.KHANG
NGHỀ CHỌN NGƯỜI
Người ta nói rằng nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, tôi tin điều đó đúng, chí ít là trong trường hợp của đại úy Nguyễn Văn Cư. Là con trai của một quân nhân ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), thường xuyên nghe những câu chuyện về người lính ở mục Đọc truyện đêm khuya trên đài và yêu mến hình ảnh người lính, thế nên dù học kế toán, anh Cư vẫn viết đơn gởi đến Tỉnh đội Phú Khánh, với mong muốn trở thành lính trinh sát. Nhưng cuối cùng, dường như có cơ duyên, anh lại trở thành công an. Sau 6 tháng học nghiệp vụ ở trường Đá Bàn, Nguyễn Văn Cư được phân công về Trại cải tạo A30 - nay là Cơ sở giáo dục A1 - ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.
Sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, nhất là khởi đầu ở một trại cải tạo, dù khi ấy anh Cư chỉ là cảnh sát bảo vệ. “Năm 1979, Trại cải tạo A30 có gần 4.000 phạm nhân, phần đông là sĩ quan ngụy. Họ lầm lì, u ám với gương mặt đầy râu ria” - anh kể. Và Nguyễn Văn Cư, cậu thanh niên 17 tuổi, chưa va chạm với đời, cảm thấy “khớp”, nhất là khi biết thỉnh thoảng có phạm nhân giật súng của quản giáo. Anh nói với bạn bè cùng đơn vị: “Kiểu này chắc tao về”.
Và anh về thật, không phải một mà là hai lần, song “kế hoạch” đều thất bại. Anh Cư mỉm cười nhớ lại: “Tôi vừa đi qua chiếc cầu bắc ngang con mương thì anh Tám Đức (Đại tá Nguyễn Văn Đức - PV), khi đó là Đại đội phó kiêm công tác chính trị, giờ là giám thị Cơ sở giáo dục A1, “phục sẵn” trong bụi tre gần đó, “bắt” lại. Sau khi nghe anh giáo dục, tôi thấy được trách nhiệm của mình và dần dần làm quen với công việc”.
BÊN TRONG CÁNH CỔNG TRẠI GIAM
Bên trong cánh cổng trại giam là một “thế giới” khác, và phần đông những người ngoài ngành cảm thấy khó hiểu, thậm chí e ngại các quản giáo. Một số người nghĩ rằng “cai tù” tất nhiên là rất lạnh lùng và ghê gớm mới có thể “trị” được những tên phạm tội “máu lạnh”. Tuy nhiên, qua câu chuyện với đại úy Nguyễn Văn Cư, tôi hiểu rằng công việc quản giáo là cả một nghệ thuật. “Trước một đám đông “học trò” khác biệt về tuổi tác, trình độ, hoàn cảnh, phải nói làm sao để người có trình độ hiểu và không tự ái, người có trình độ hạn chế cũng cảm thấy dễ nghe” - anh chia sẻ.
Trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên - nơi đại úy Nguyễn Văn Cư làm việc - hiện có gần 150 can phạm nhân, trong đó có những can phạm đang bị điều tra về hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); một can phạm bị kết án tử hình, đang chờ quyết định cuối cùng của chủ tịch nước. Đại úy Nguyễn Văn Cư làm việc ở Trại tạm giam từ năm 1991 đến nay, sau 3 năm làm việc ở Trại cải tạo A30, 9 năm công tác ở Trại cưỡng bức lao động Bình Sơn. 31 năm trong ngành, 28 năm làm quản giáo, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý - giáo dục can phạm nhân. Anh nói: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội. Người quản giáo phải nắm được nguyên nhân, và đặc biệt là phải hiểu được môi trường sống của can phạm nhân trước khi phạm tội, vì môi trường đó tác động đến họ rất nhiều. Cùng một hành vi giết người, nguyên nhân cũng không giống nhau. Có người giết người vì mâu thuẫn, tự ái, có người giết vì quá bức xúc, không kiềm chế được, có người giết để cướp tài sản… Những trường hợp giết người do bức xúc, sau đó họ rất ân hận. Nếu quản giáo không biết, “châm” thêm vào bằng những câu lên án thì sẽ đẩy người ta xuống hố sâu, có khi họ sẽ tự sát”.
TÌNH NGƯỜI TỪ NHỮNG VIỆC LÀM GIẢN DỊ
Vào khoảng cuối thập niên 90, Trại tạm giam tiếp nhận một đối tượng bị bắt về hành vi hiếp dâm. Khi đưa vào đây, cán bộ điều tra dự đoán người này có khả năng tự sát và yêu cầu trại chọn một quản giáo phụ trách theo dõi can phạm này. Giám thị giao nhiệm vụ đó cho anh Cư.
Sau khi bố trí những phạm nhân cải tạo tốt vào buồng giam, anh đưa can phạm này vào. Và rồi anh nhận được báo cáo của họ: suốt ba ngày ba đêm người này không ngủ, cứ lẩn quẩn ở khu vực vệ sinh, có lẽ để tìm cách treo cổ. Đến ngày thứ tư, anh Cư gặp can phạm đó và nói: “Tôi biết mấy hôm nay anh rất dằn vặt cắn rứt và muốn tìm đến cái chết. Anh có trình độ, tôi nghĩ anh cũng biết là chết không giải quyết được gì, cũng không rửa sạch vết nhơ. Con người không ai tròn trịa cả, anh cũng vậy. Vì anh không làm chủ được bản thân mình nên giờ anh phải chịu hình phạt của pháp luật và bị dư luận lên án. Nhưng đã vấp ngã thì phải đứng dậy. Và người đời sẽ nhìn vào cái cách anh đứng dậy. Đừng chạy trốn bằng cái chết, với đàn ông, như vậy là rất nhục nhã”. Nghe anh Cư nói, người đó khóc, sau đó mới chịu ăn uống.
Can phạm này sau đó bị kết án 20 năm tù, chấp hành hình phạt ở Trại giam Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). “Cách đây khoảng 2 tháng, tôi đến Trại giam Xuân Phước. Anh ta thấy, chạy lại mừng rỡ hỏi: “Cán bộ còn nhớ em không?”. Tôi nói: “Nhớ chớ”. Rồi người đó khoe: Vì cố gắng cải tạo tốt nên anh ta sắp được đặc xá tha tù trước thời hạn” - anh Cư kể.
Tôi cảm nhận được niềm vui trong đôi mắt người quản giáo sinh năm 1962 này khi kể hai câu chuyện trên. Anh nói: “Em không làm công việc của tôi nên hiểu được cảm giác đó. Thứ nhất là mình hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, mình cứu được một con người, niềm vui đó rất khó tả!”.
Không chỉ là nơi giam giữ các can phạm - đối tượng điều tra của công an và một số ít phạm nhân, Trại tạm giam còn là nơi giam các đối tượng sẽ thi hành án tử hình. Từ ngày thành lập đơn vị sau khi Phú Yên tái lập tỉnh đến nay, có 6 phạm nhân bị kết án tử hình ở đây (5 phạm nhân đã thi hành án), tuyệt đại bộ phận đều chấp hành nội quy cho đến khi thi hành án, không có trường hợp nào chống đối, tuyệt thực hay chưởi bới, xúc phạm quản giáo. Theo đại úy Nguyễn Văn Cư, thứ nhất vì tòa tuyên án tử hình là đúng tội. Thứ hai, dù họ mang án tử hình, song từ giám thị đến các cán bộ quản giáo vẫn cư xử với họ như người với người. Phạm nhân T phạm tội cướp tài sản, đang thi hành hình phạt tù ở Trại giam Xuân Phước thì giết chết một phạm nhân khác. T bị kết án tử hình. Trong thời gian T ở Trại tạm giam chờ quyết định cuối cùng của chủ tịch nước, không có ai thăm nuôi. Thế nên hàng tuần, sau khi can phạm nhân được thăm nuôi, anh Cư kêu gọi họ chia sẻ với phạm nhân T. Rồi anh nói với người này: “Chuyện gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Còn sống ngày nào thì sống cho đàng hoàng”. Khi nhận quà, biết là của các bạn tù san sẻ, phạm nhân T đã gởi lời cảm ơn.
Và trước khi bị đưa đi thi hành án tử hình, T đã cảm ơn các cán bộ ở Trại tạm giam.
Về đại úy Nguyễn Văn Cư, đại tá Nguyễn Duy Huân, Giám thị Trại tạm giam, nhận xét: “Đồng chí Cư là một sĩ quan công tác trong ngành trại giam lâu năm, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với công việc quản lý giáo dục can phạm nhân, qua đó cảm hóa giáo dục nhiều can phạm nhân tiến bộ, được can phạm nhân mến phục. Nhiều năm liền đồng chí Cư được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Còn đây là lời của can phạm T.T.Đ, người bị giam giữ ở đây từ giữa năm 2009 đến nay, nói về quản giáo Nguyễn Văn Cư: “Cán bộ quản giáo vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, làm việc có lý có tình”.
Công việc quản giáo, hỏi mười người thì hết chín người không muốn làm. Vậy công việc đó có mang lại niềm vui không? Có đấy! Đại úy Nguyễn Văn Cư tâm sự: “Một người hoàn lương trở về, đó chính là món quà dành cho quản giáo. Có khi đang đi ngoài đường thì một người chạy lại, hỏi cán bộ khỏe không? Nay em đang làm công việc này. Quản giáo nhận ra “người quen” trong trại, và cảm thấy vui không thể tả!”.
Thế là họ - những quản giáo như đại úy Nguyễn Văn Cư - bị cuốn vào công việc, âm thầm khơi dậy thiên lương trong tâm hồn những người từng lầm lỗi, phạm tội.
PHƯƠNG TRÀ