Y13 là mật danh của bệnh xá huyện Tuy An trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, đơn vị vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi nghe tin Y13 được nhận danh hiệu anh hùng tôi mừng quá, định bụng, lúc nào huyện Tuy An làm lễ tiếp nhận danh hiệu anh hùng tôi sẽ có mặt, để nói với bác sĩ bệnh xá trưởng và các chị, em y tá, hộ lý... lời cảm ơn của một bệnh nhân, một thương binh đã có thời gian được các thầy thuốc ở Y13 cứu chữa, nuôi dưỡng. Đáng tiếc là ý nguyện đó không thực hiện được, vì một ngày sau khi buổi lễ tiến hành, tôi mới hay tin.
Y13 là bệnh xá cấp huyện, nhưng vì đóng ở một địa điểm thuận lợi (vùng các xã miền núi Tuy An giáp giới với Sơn Hòa) nên các thương binh, bệnh binh của Tiểâu đoàn 85 và các đại đội bộ đội địa phương của tỉnh, thay vì chuyển thương binh lên bệnh viện tỉnh (Hồ Tây, Trúc Bạch) đường sá xa xôi, nên trước mắt hãy vào bệnh xá Y13, rồi sau sẽ tính. Đó là chưa kể bệnh nhân của các cơ quan tỉnh, huyện đóng gần kề. Vì thế Y13 lúc nào cũng đông “khách”.
Tôi vào Y13 không phải “cái vết thương xoàng mà đi viện”, mà vết thương khá nặng. Số là, hôm đó, mới tờ mờ sáng, tôi cùng với họa sĩ Tấn Nông và cậu Sơn, nhân viên của Ban Tuyên giáo đang lúi húi bên bếp lửa bỗng lóa mắt vì một luồng ánh chớp sáng lòa cùng một tiếng nổ lớn! Anh Nông chui xuống hầm trước, tiếp đó là tôi, cậu Sơn lóng ngóng còn ở trên miệng hầm. Tôi quờ quạng trong hầm tối tìm anh Nông, sờ khắp người anh không thấy vết thương nào, nhưng sao tim anh đã ngừng đập. (Sau đó, chúng tôi mới biết một mảnh đạn nhỏ bằng hạt bắp đã chui vào đầu anh). Tôi vội chui lên để báo cho Năm Quý, Tám Phùng biết là anh Nông đã hy sinh rồi.
Năm Quý bỗng kêu lên:
- Còn cậu nữa. Tuột cái quần ra coi, bị thương ở đâu mà máu chảy ròng ròng thế kia!
Thì ra một mảnh đạn quái ác từ sau xuyên qua mông và nằm đâu trong bụng tôi. Trong lúc tôi chổng mông cho cô Nhạn băng, thì nhìn thấy cậu Sơn đang ôm cái chân, máu nhỏ từng giọt, mặt nhăn nhó.
Tôi đề nghị với Năm Quý:
- Anh cho cậu nào dìu tôi ra Y13. Giờ tôi còn đi được. Nếu để chậm tý nữa phải khiêng cả hai (tôi và Sơn) thì gay đấy.
Hồi đó các bệnh xá của ta ở chiến trường đâu có máy chụp X-quang. Bác sĩ Kim Huê lấy một cái que sắt, gọi là “que thăm dò” ngoáy ngoáy vào vết thương của tôi để xem mảnh đạn nằm ở đâu. Tôi đau muốn chết, nhưng cố gắng không để bật ra tiếng rên, la, làm giảm “khí thế” của bậc mày râu trước mặt nữ bác sĩ và các cô y tá.
Bác sĩ Kim Huê nói với các cô y tá, cũng là để báo cho tôi biết rằng sáng ngày mai sẽ mổ để lấy mảnh đạn ra. Sau một vài phút suy nghĩ, tôi nêu ý kiến của mình:
- Bác sĩ ơi! Theo kinh nghiệm mà mấy năm ở chiến trường dạy cho, tôi đoán chắc là, hôm nay chúng bắn pháo thăm dò, chuẩn bị, ngày mai chúng sẽ đổ quân xuống khu vực này càn quét. Bác sĩ mà mổ cho tôi, rồi phải lo chạy càn, trong người mang một vết thương, lại thêm một vết mổ, tôi không chịu nổi đâu...
Tối hôm đó, dù người rất mệt, tôi vẫn phải nghe những lời khuyên, kẻ thì lấy tình đồng chí bạn bè, người thì lấy danh nghĩa Hội đồng bệnh nhân, bảo tôi hãy nghe lời bác sĩ, mổ vào sáng ngày mai, nếu để chậm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đành phải trả lời:
- Vâng, mổ thì mổ! Đã vào đây thì tánh mạng mình giao cho bác sĩ thôi, chớ biết làm sao.
Sáng hôm sau, đúng như tôi dự đoán, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, bác sĩ Huê sắp tiến hành ca mổ, thì bọn giặc đã nổ súng, sát gần bệnh xá. Vậy là bác sĩ, y tá cùng hơn chục bệnh nhân, dìu dắt nhau băng rừng, tránh giặc. May mà các nhân viên bệnh xá, ngoài một ít gạo, muối, đồ hộp mang theo, các cô còn mang đủ các dụng cụ y tế cần thiết và một số thuốc men, bông băng. Vết thương của tôi vẫn được rửa sạch hằng ngày, thuốc tiêm, thuốc uống vẫn duy trì. Nhờ sự chăm sóc tận tình của thầy thuốc, cộng với sự vươn lên của một thân thể trai trẻ (lúc đó tôi mới ba mươi) nên sau một tuần ăn uống thiếu thốn, băng rừng vượt suối vất vả, khi trở lại bệnh xá, vết thương của tôi đã kéo da non.
Tôi đề nghị với bác sĩ Kim Huê:
- Vậy là vết thương của tôi đã tạm ổn. Cứ để cái mảnh đạn “tạm trú” trong bụng, ngày hòa bình sẽ mổ vậy. Xin bác sĩ cho tôi về. Bên Ban Tuyên giáo có y tá, cần tiêm, uống thuốc gì, bác sĩ ghi ra cho, Ban tôi sẽ lo đủ. Vậy là tôi lom khom, chống cây gậy về, trong niềm vui của anh, chị em trong Ban. (Còn cái mảnh đạn đại bác nằm trong bụng tôi, không đợi đến ngày hòa bình lập lại, mà chỉ một năm sau, hắn di chuyển ra phía trước, sờ thấy được, vậy là bác sĩ chỉ cần vài vết dao rạch đã nắm được hắn, kéo ra, bỏ cái rẻng lên nắp ca nhôm).
BẰNG TÍN