Thứ Năm, 03/10/2024 09:48 SA
Tham gia Cách mạng Tháng Tám tại quê hương
Thứ Sáu, 06/08/2010 07:05 SA

LTS: Hướng đến kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2010), Báo Phú Yên trân trọng trích giới thiệu một phần tập hồi ký “Mười năm nhìn lại” của cụ Lê Văn Hiền, người từng tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945 tại phủ Tuy Hòa. Tác giả tập hồi ký này vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ngày 2/8, hưởng thọ 85 tuổi. Ông người gốc xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng tại Phú Yên cuối năm 1945; từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giữ chức Quyền Bí thư Khu ủy khu VI trong kháng chiến chống Mỹ; là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VII; là Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải và đặc phái viên Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu.

Năm 1943, tôi vào tuổi 18 - tuổi đẹp nhất của một đời người. Tôi đi học sư phạm rồi ra dạy trường làng. Cuối năm 1943 và năm 1944, tôi dạy ở Trường Mỹ Xuân (thuộc xã Hòa Thịnh ngày nay). Ông giáo làng ngày hai buổi, gõ thước kẻ lên bảng, dạy những cô, cậu bé với đôi mắt nhìn thầy giáo vô cùng ngây thơ và cả kính sợ nữa. Nghề này lúc bây giờ, được xem như một nghề “nhàn”, nắng mưa không đến mặt, cứ đủng đỉnh, nhẩn nha mà dạy theo chương trình của “Nhà nước” đã quy định.

 

Tôi tưởng cuộc đời “gõ đầu trẻ” cứ thế suôi sẻ như nước chảy theo dòng. Nhưng cuộc đời của mỗi người, bao giờ chẳng có những bước ngoặt quyết định, nếu không, ít ra, thì cũng có một thời điểm nào đó đáng để ghi nhớ. Với tôi, đã có một thời điểm như thế, đã có một dịp may hiếm có. Chính thầy giáo dạy tôi ở năm học lớp nhất và anh Trương Sinh (tức Cao Đức Sinh) - Hiệu trưởng trường làng tôi - làng Đông Mỹ - quê anh ở Quảng Bình, trước đó tham gia “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, bị đứt liên lạc; là hai người có tinh thần yêu nước, thương dân, rất hăng hái hoạt động. Tôi chịu ảnh hưởng của hai thầy, đi theo hướng hoạt động có lợi cho dân, cho nước, cho bản thân mình.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nếu không phải là những đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, chịu vào tù ra tội, chịu trăm thứ hiểm nguy, khổ cực, thì muốn hoạt động công khai phải dựa vào những việc làm hợp pháp, những việc làm mà kẻ thống trị khả dĩ chấp nhận được - dù sự chấp nhận đó gượng ép và đóng khung trong một thời gian nào đó. Tôi vào tổ chức khuyến học, đội bóng đá ở làng, vào tổ chức thanh niên hoạt động trong “phong trào Phan Anh”, đi nói chuyện khuyến học, mở lớp học ban đêm xóa mù chữ, chống mê tín dị đoan, biểu diễn văn nghệ lấy tiền cứu đói đồng bào miền Bắc. Phải nói rằng những hoạt động này cuốn hút tôi, làm cho tôi say mê, làm cho tôi cảm thấy mình như “đổi đời”, đến mức không thiết tha gì đến việc “gõ đầu trẻ” nữa.

 

Tuổi mười tám - đôi mươi, ăn không biết no, ngủ không biết thế nào là đẫy giấc, ấy thế mà, có lúc quá bữa tôi đành nhịn đói, có đêm đi khuyến học, đi nói chuyện, khi ngả lưng lại thao thức cho đến lúc nghe xao xác tiếng gà gáy sáng. Làng xóm vẫn làng xóm ấy; bà con vẫn bà con ấy; bạn bè vẫn bạn bè ấy, mà sao như đổi khác, như mới mẻ hơn; với đôi mắt nhìn của tôi, của bạn hoạt động cùng tôi trong phong trào thanh niên. Thế mới hay, sự say mê làm cho tâm hồn mình luôn luôn phấn chấn, những ước vọng được bộc lộ trong mỗi việc làm cụ thể và càng lao vào hoạt động càng muốn vươn tới, càng muốn đi xa hơn.

 

Những người anh không thể nào quên, đã dẫn dắt tôi đi những bước ban đầu trên con đường cách mạng: Cuối năm 1944, tôi đến thăm thầy Lê Trọng Thuận. Được thầy giới thiệu tôi với anh Trần Đình San, đảng viên cộng sản năm 1930, người cùng quê với thầy - Nam Đàn, Nghệ An - mãn tù, mới về ở nhà thầy. Qua vài lần đi lại, nói chuyện, tìm hiểu; sau đó anh vào thăm gia đình tôi; rồi anh bắt đầu tuyên truyền chương trình Việt Minh cho tôi và giao nhiệm vụ để thử thách.

 

Tháng 3 năm 1945, nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng), đảng viên cộng sản, quê anh ở Quảng Trị, từ nhà tù Buôn Ma Thuột về; anh Nguyễn Trung Mai, đảng viên cộng sản - công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, thoát khỏi căng Trà Kê. Hai anh đều về thị xã Tuy Hòa và liên lạc với anh Trần Đình San.

 

Được anh Trần Đình San giới thiệu, anh Vĩnh Mai vào nhà tôi thăm chơi. Sau khi giải thích chương trình Việt Minh cho tôi, anh tặng tôi một số bài thơ cách mạng của Tố Hữu như: Từ ấy, Dậy lên Thanh niên, Lao Bảo, v.v… và bản Chương trình, Điều lệ Việt Minh, do anh chép từ trong nhà tù Buôn Ma Thuột mang về; chữ anh viết lí tí, rất khó đọc. Tôi chép lại rồi in đông sương thành nhiều bản, truyền cho bạn bè thân tín và đây cũng là “Cẩm nang” để chúng tôi tuyên truyền vận động quần chúng. Anh Vĩnh Mai còn đọc một số bài thơ của Tố Hữu và giải thích để tôi hiểu sâu hơn.

 

Anh Khang (tức Hồng lùn), đảng viên cộng sản, quê anh ở Nghệ An, từ nhà tù Buôn Ma Thuột cùng anh Vĩnh Mai về đây. Anh San giới thiệu anh Khang gặp tôi; lúc đó anh Khang đã tự tìm được việc làm ở nhà ông Đàm Vĩnh Long ở làng Bàn Thạch. Những lần gặp nhau, anh Khang dạy tôi hát bài “Cùng nhau đi hồng binh”.

 

Ở làng Bàn Nham có thầy Đỗ Bảng, bạn thân với thầy Huỳnh Đình Tư - người làng tôi, thầy dạy tôi từ lớp 5 đến lớp 6. Hai ông đều là nhà yêu nước. Thầy Đỗ Bảng có uy tín rộng trong vùng Bàn Nham, Bàn Thạch; thầy cũng có quan hệ với các anh Đỗ Như Dậy, Bùi Cương, v.v… cũng là những người yêu nước. Tôi trao đổi với anh Khang tìm cách tiếp cận số người tôi giới thiệu; mặt khác, tôi thông qua thầy Huỳnh Đình Tư vận động thầy Bảng ủng hộ và tham gia Việt Minh.

 

Tôi báo cáo với anh Trần Đình San về anh Trương Sinh, người mà tôi đã nói ở trên. Anh Trần Đình San đồng ý gặp anh Sinh, rồi giao anh Sinh và tôi phụ trách tổng Hòa Đa và một số làng ở tổng Hòa Lạc như Phú Lương, Phú Đa, Vĩnh Xuân, v.v… Ở Phú Lương, tôi đã có liên hệ với các anh Lê Cự, Lê Đỉnh, con cụ Tú Cẩn - thầy dạy chúng tôi học chữ Hán những năm sơ học. Gia đình thầy Tú Cẩn có uy tín rộng trong vùng này.

 

Tháng 3 năm 1945, tôi được kết nạp vào Thanh niên cứu quốc - một tổ chức chính thức của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Tuy chưa là đảng viên của một đảng chân chính, chưa được đứng dưới lá cờ búa liềm giơ tay tuyên thệ, nhưng được vào Thanh niên cứu quốc, đối với tôi là một vinh dự, một điều rất thiêng liêng.

 

Đến tháng 4 năm 1945, trong nhóm chúng tôi - nhóm Trần Đình San - gồm có Trần Đình San, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Trung Mai, anh Khang là những đảng viên cộng sản ở tù về cùng ba cốt cán mới là Lê Trọng Thuận, Trương Sinh và tôi (Lê Liên). Anh Trần Đình San phân công anh Khang, anh Sinh và tôi phụ trách hai tổng Hòa Đa, Hòa Đồng và một số thôn Hòa Lạc (nam sông Đà Rằng). Chúng tôi liên lạc nhau chặt chẽ, dìu dắt nhau, giúp đỡ nhau, đói no, gian khổ, sống chết có nhau; tự coi mình là Ban vận động chuẩn bị khởi nghĩa. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là bám được trong dân, tuyên truyền, vận động, tập họp, tổ chức cho được đông đảo quần chúng; tìm liên lạc cho được với tổ chức Việt Minh tại địa phương và cấp trên. Anh Trần Đình San chịu trách nhiệm chung và chịu trách nhiệm tìm liên lạc tổ chức.

 

Dựa vào các mối quan hệ: bạn học cũ, quan hệ giữa các giáo viên thân quen, giữa thầy trò và phụ huynh học sinh, nhanh chóng phát triển cơ sở cốt cán đều khắp các làng. Lợi dụng tổ chức các đội bóng đá, tổ chức khuyến học, các tổ học võ thuật, Thanh niên Phan Anh tập họp quần chúng, nhất là thanh niên. Tuyên truyền chương trình Việt Minh, qua đó chọn người tốt tập họp vào tổ chức các đoàn thể và tự vệ mật. Thầy Lê Trọng Thuận là thủ lĩnh Thanh niên Phan Anh Tuy Hòa, anh Trương Sinh là thủ lĩnh và tôi là phó thủ lĩnh Thanh niên Phan Anh tổng Hòa Đa, nên việc đi lại hoạt động của chúng tôi cũng có phần thuận lợi.

 

Đến tháng 7 năm 1945 các làng vùng nông thôn do anh Khang, anh Sinh và tôi phụ trách đều có cốt cán. Cán bộ và các đoàn thể như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Phụ lão, được phát triển tương đối rộng và đều, nhất là thanh niên. Tự vệ mật làng nào cũng có, nơi ít là một tổ, trung bình từ một đến hai tiểu đội, làng khá có một trung đội. Những làng có phong trào khá là: Đông Mỹ, Trường Thịnh, Phú Hiệp, Phú Lâm, Bàn Nham, Bàn Thạch. Cán bộ cốt cán ở những làng này tương đối vững, tôi còn nhớ một số như: ở Trường Thịnh có các anh Phạm Thuyền, Nguyễn Kiết, Đinh Sỹ…; ở Phú Hiệp có các anh Văn Kiệu, Văn Gói; ở Đông Mỹ có nhóm thanh niên họ Lê như Lê Bút, Lê Liên, Lê Đìa, Lê Ngọc Diêu, Lê Ngọc Liễn, Đỗ Dụng…; ở Phú Lâm có Trương Đình Anh, Lê Phỉ, anh Vinh; ở Bàn Nham, Bàn Thạch có thầy Đỗ Bàng, Đỗ Như Dậy, Bùi Cương, v.v…; ở Phú Lương có Lê Cự, v.v… Số này sau trở thành cán bộ lãnh đạo ở địa phương trong hai cuộc kháng chiến.

 

Gần ngày khởi nghĩa, anh Trần Quỳnh - đảng viên cộng sản quê Quảng Trị, bạn học với anh Nguyễn Hoằng, ở tù Côn Đảo mới về nhưng anh đã liên lạc với anh Hoằng ở phủ Tuy Hòa.

 

***

 

Phủ Tuy Hòa ngày xưa gồm thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Đông Hòa và huyện Tây Hòa ngày nay, là một địa bàn quan trọng, phạm vi rộng, dân số hơn một nửa của toàn tỉnh; giàu về kinh tế; giao thông thuận lợi có sân bay, đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, liên tỉnh lộ Bảy cửa ngõ lên Nam Tây Nguyên; là nơi có nhiều địa chủ; có một số tư sản nhỏ; một số trí thức; có nhiều dân tộc, tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài); có đảng Đại Việt phản động - khu Đồng Bò là nơi tập trung hơn một ngàn công nhân đồn điền và nhà máy đường.

 

Phủ lỵ có 4 phường, khoảng mười ngàn dân, trên có bang tá - ở đây còn có đồn cảnh sát, đồn lính khố xanh, một tiểu đoàn lính Nhật, hiến binh, mật thám Nhật.

 

Tuy Hòa có phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ những năm 1928 - 1930. Qua nhiều đợt địch khủng bố ác liệt, nhiều đảng viên bị bắt, bị tù, số còn lại bị đứt liên lạc, tạm lắng, lo làm ăn. Cuối năm 1944, nhất là sau ngày 9/3/1945, nhiều đảng viên thoát khỏi các nhà đày Buôn Ma Thuột, Trà Kê, Quy Nhơn, Côn Đảo, về đây móc nối các đảng viên, cơ sở cũ, mở rộng hoạt động theo chương trình Việt Minh, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

 

Tháng 4 năm 1945, tại thị xã Tuy Hòa (phủ lỵ đã có tổ chức Việt Minh lâm thời tỉnh Phú Yên do đồng chí Đinh Nho Khôi làm Thư ký. Đầu tháng 5 năm 1945, bốn đồng chí (1) được Đảng ủy nhà đày Buôn Ma Thuột phân công về Phú Yên hoạt động. Về đây, ban đầu bốn đồng chí có hợp tác với nhóm Đông Khôi và cùng chung trong Mặt trận Việt Minh tỉnh” (2).

 

Sau khi đồng chí Trương Chí Cương liên lạc được với Xứ ủy; giữa tháng 6 năm 1945, bốn đồng chí cùng đồng chí Nguyễn Thái - một thành viên của Việt Minh lâm thời tỉnh, thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí. Tiếp theo, Tỉnh ủy lâm thời quyết định triệu tập Đại hội Việt Minh ngày 17 tháng 7 năm 1945 thành lập Ủy ban Việt Minh tỉnh. Trước khi triệu tập đại hội, Tỉnh ủy lâm thời đánh giá “Việt Minh lâm thời tỉnh do đồng chí Khôi làm Thư ký là một nhóm riêng biệt, không thể coi là đại biểu cho Việt Minh tỉnh được (3), nên nhóm đồng chí Khôi được tỉnh triệu tập hai đại biểu, nhưng đồng chí Khôi đưa đến đại hội 4 đại biểu. Qua nhiều ý kiến tranh cãi; để giữ được đoàn kết, giữ bí mật, bảo đảm Đại hội đại biểu thành công, Tỉnh ủy lâm thời đã lãnh đạo đại biểu chấp nhận bốn đại biểu của nhóm đồng chí Khôi. Phủ Tuy Hòa, ngoài nhóm đồng chí Khôi, còn ba nhóm Việt Minh được cử làm đại biểu đi dự đại hội đó là: Việt Minh lâm thời phủ Tuy Hòa - Lý Thường Kiệt - do đồng chí Nguyễn Chấn làm Thư ký, Việt Minh lâm thời khu Tuy Hòa (phủ lỵ) do đồng chí Lê Duy Trinh làm Thư ký; Việt Minh lâm thời khu Đồng Bò do đồng chí Huỳnh Đức Thái làm Thư ký; chỉ riêng nhóm Việt Minh Trần Đình San thì chưa được. Tôi hỏi anh Trần Đình San vì sao chúng ta không được cử đại biểu đi dự đại hội, anh mỉm cười, rồi nhẹ nhàng nói: Tôi đã liên lạc với Việt Minh lâm thời tỉnh, với Tỉnh ủy lâm thời, cấp trên bảo chúng ta phải qua thử thách thêm, trên sẽ xét sau.

 

Từ Đại hội Việt Minh ngày 17 tháng 7 năm 1945 về sau, giữa Tỉnh ủy lâm thời và nhóm đồng chí Khôi phát sinh nhiều bất đồng gay gắt.

 

Theo chỉ đạo của Ủy ban Việt Minh tỉnh, từ cuối tháng 7 đến tháng 8 năm 1945, trước tình hình tổng, lý tan rã, bỏ việc, có số ngả theo cách mạng, ở nhiều làng chúng tôi phụ trách như: Đông Mỹ, Trường Thịnh, Phú Hiệp, Phú Lâm, Bàn Nham, Bàn Thạch… liên tiếp tập hợp quần chúng đông đảo, tổ chức mít tinh tuyên truyền Chương trình Việt Minh, tập hợp tự vệ luyện tập quân sự, kêu gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

 

Ngày 20 và 21 tháng 8 năm 1945, được biết Việt Minh lâm thời Tuy Hòa có chỉ thị cho cơ sở huy động quần chúng đi biểu tình. Đúng 8 giờ ngày 23 tháng 8 năm 1945 tập trung về sân bay dự mít tinh, sau đó cướp chính quyền phủ Tuy Hòa theo chỉ thị của tỉnh.

 

Để biểu dương thực lực của nhóm Việt Minh Trần Đình San, phối hợp với lực lượng Việt Minh lâm thời Tuy Hòa, góp sức làm cho cuộc biểu tình ngày 23 tháng 8 năm 1945 thành công tốt đẹp; chúng tôi đã cố gắng huy động, tổ chức lực lượng tham gia đông đảo.

 

Hai tổng Hòa Đa, Hòa Đồng và một số làng thuộc tổng Hòa Lạc do chúng tôi phụ trách đã huy động gần năm ngàn người đi biểu tình. Mỗi làng có Ban chỉ huy, quần chúng đi theo đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Phụ lão, Tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề, mọi người đều mang dao rựa, búa, rìu, cây, gậy, cơm nước, cờ đỏ sao vàng, băng khẩu hiệu. Mỗi tổng cũng có Ban chỉ huy. Những làng ở xa phải đi từ 1, 2 giờ sáng. Các đoàn biểu tình gặp nhau, nối đuôi nhau trên quốc lộ 1A từ núi Hiềm đến thị xã Tuy Hòa, lớp lớp tiến lên như sóng vỗ bờ, hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật, đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, Việt Nam hoàn toàn độc lập. Họ cùng hát vang những bài ca: Diệt phát xít, Cùng nhau đi hồng binh…

 

Qua khỏi sông Đà Rằng, các đoàn biểu tình kéo ngang qua bốt gác của lính Nhật, vẫy cờ, hô khẩu hiệu, lính Nhật vẫn im lặng, lo cố thủ trong đồn.

 

Trước 8 giờ, các đoàn biểu tình và chúng tôi đã có mặt ở sân bay, xếp theo từng làng, từng tổng, cùng nhân dân thị xã Tuy Hòa và nhân dân một số làng thuộc các tổng Hòa Bình, Hòa Tường. Cuộc mít tinh có khoảng tám ngàn người dự.

 

Dưới rừng cờ đỏ sao vàng rợp trời; sau lễ chào cờ, đại diện Việt Minh lâm thời Tuy Hòa tuyên bố khai mạc cuộc mít tinh, giải thích Chương trình Việt Minh, kêu gọi nhân dân tích cực chuẩn bị chờ lệnh khởi nghĩa giành chính quyền, hôm nay tỉnh chưa cho lệnh.

 

Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng biểu tình, trưởng đồn lính khố xanh Tuy Hòa xin giao đồn, nộp vũ khí cho cách mạng. Tri phủ Tuy Hòa mang ấn triện, giấy tờ xin nộp và xin giao chính quyền cho cách mạng.

 

Đại diện Việt Minh lâm thời Tuy Hòa lúng túng vì chưa có lệnh của tỉnh, nên ra lệnh cho trưởng đồn khố xanh đưa vũ khí về đồn, ra lệnh cho tri phủ Tuy Hòa đem ấn triện, giấy tờ về lại phủ đường; niêm phong, giữ cẩn thận, chờ lệnh của tỉnh.

 

Các đoàn biểu tình tỏa ra diễu hành qua các đường phố chính trong trung tâm thị xã, rồi tự giải tán trong trật tự.

 

Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh thắng lợi, ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Thái - Tỉnh ủy viên, thành viên của Ủy ban khởi nghĩa đưa Hồ Ngận - tỉnh trưởng bù nhìn vô Tuy Hòa ra lệnh cho đồn trưởng khố xanh giao đồn, nộp vũ khí cho cách mạng. Chiếm xong đồn khố xanh, ta phát triển chiếm phủ đường và các công sở.

 

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, thay mặt Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh, đồng chí Nguyễn Thái chủ trì một cuộc họp với sự có mặt các đại biểu của Việt Minh lâm thời Tuy Hòa, Việt Minh lâm thời phủ Tuy Hòa (Lý Thường Kiệt), Việt Minh lâm thời khu Tuy Hòa và đồng chí Trần Đình San… trao đổi và quyết định thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh phủ Tuy Hòa và thị xã Tuy Hòa(4).

 

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa tổ chức cuộc mít tinh tại sân vận động trước Trường Tiểu học Tuy Hòa, mừng ngày Độc lập, đón nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa ra mắt trước nhân dân.

 

Là thành viên trong nhóm đồng chí Trần Đình San, tôi tham gia tổ chức cuộc biểu tình ngày 23 tháng 8 năm 1945, được chỉ định vào Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh phủ Tuy Hòa.

 

Cuối tháng 9 năm 1945, lính Nhật đến vây cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng phủ Tuy Hòa, bắt anh Nguyễn Hoằng - Chủ tịch và anh Trương Sinh - Ủy viên Tư pháp. Ta cử đoàn đại biểu đến gặp tên chỉ huy đóng ở chùa Ông, phản đối, đòi nó phải thả hai anh. Đồng thời, ta tổ chức bao vây, cắt mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm đối với đồn binh Nhật. Hai ngày sau, chúng phải thả hai anh.

 

Tiếp theo, lính Nhật lại kéo đến trước cơ quan Ủy ban Việt Minh phủ, đào công sự, đặt súng máy chĩa nòng vào cơ quan. Ta cử anh Lê Trọng Khoan ra trực diện đấu tranh đòi chúng phải rút. Trong lúc còn giằng co, cơ quan thu xếp cho một số anh em mang tài liệu đi ngõ sau, rút ra Phước Hậu.

 

Cuối tháng 9 năm 1945, tôi được triệu tập đi học lớp cảm tình Đảng. Phụ trách lớp là anh Trần Quý Hai - Xứ ủy viên và anh Trương Chí Cương - Bí thư Tỉnh ủy. Lớp học mở ở chùa, trên sườn núi Chóp Chài. Trong lớp, tôi gắng học để tiếp thu được những lời giảng về chủ nghĩa cộng sản, về tiêu chuẩn của người đảng viên cộng sản, mà đối với tôi, đây là “bài học vỡ lòng” vô cùng quan trọng. Tôi biết sau lớp học này, tôi còn phải cố gắng vượt bậc trong công tác và rèn luyện bản thân tốt hơn nữa, để nếu được kết nạp vào Đảng, sẽ trở thành một đảng viên trung kiên, tin cậy.

 

Lớp học bế mạc, tôi về ngay cơ quan và được cử xuống các làng, tham gia xây dựng chính quyền, các đoàn thể, xây dựng phong trào dân quân tự vệ, tổ chức việc huấn luyện quân sự và bố phòng, động viên bà con chuẩn bị kháng chiến, thực hiện “Tuần lễ vàng”. Chính trong “Tuần lễ vàng” này, tôi nhận thức sâu sắc tấm lòng yêu nước của nhân dân, sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Góp một chiếc nhẫn, một đôi bông tai, một lá vàng, đâu có phải là chuyện giản đơn. Nhưng đất nước vừa có độc lập, tự do, nạn đói đang đe dọa, nạn ngoại xâm đang đe dọa, tình thế lúc ấy nói làm sao cho hết khó khăn, cho hết thử thách.

 

Góp vàng vào quỹ quốc gia; gởi những đứa con thân yêu vào đội ngũ những người kháng chiến; dành dụm từng lon gạo để nuôi quân luyện tập, toàn là những công việc to lớn, đẹp đẽ, ai cũng muốn góp phần mình, theo khả năng của mình với Chính phủ Cụ Hồ.

 

Đang say mê hoạt động trong những ngày lịch sử ấy, thì tôi được gọi về đi học lớp đào tạo cán bộ Việt Minh. Từ Phú Yên đi Huế, đường xa dằng dặc, vậy mà niềm phấn khởi đã giục giã bước chân tôi. Cơ quan Bộ Lại của Bảo Đại, nay là “trụ sở” của lớp học. Anh Trần Tống, anh Nguyễn Chí Thanh phụ trách việc giảng dạy. Học về “Dân chủ mới” về công tác quần chúng và một số môn thiết thực cho hoạt động trước mắt của địa phương.

 

Hơn một tháng học tập, nhận thức được nâng lên, quan điểm quần chúng, xem như được học một bài học rất bổ ích, rất thiết thực. Chỉ riêng về bài học “công tác quần chúng” đã làm cho chúng tôi sáng ra nhiều điều. Sau này, khi đọc một bài viết của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tôi càng thấm thía một câu trong bài viết ấy: “Còn dân thì nước còn, mất dân thì nước mất”.

 

Ở lớp học về, tình hình địa phương đã có nhiều thay đổi: Các cơ quan tỉnh đã dời về thị xã Tuy Hòa; cơ quan phủ dời về Phú Lâm. Anh Trần Quỳnh được trên điều lên làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh và được bổ sung vào Tỉnh ủy, làm Phó Bí thư; anh Chỉnh quê ở Núi Sầm (Hòa Trị) làm Chủ nhiệm Việt Minh phủ; các đoàn thể cũng có thay đổi như: chị Trần Thị Húc làm Thư ký Phụ nữ cứu quốc thay chị Trần Thị Trảng; anh Đào Tấn Ngoạn làm Thư ký thanh niên cứu quốc; anh Nguyễn Hoằng được trên rút về phụ trách tờ báo Quyết Chiến Trung bộ, cụ Huỳnh Lưu quê Tuy An làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng phủ… Phủ Tuy Hòa đã thành lập Phủ ủy do đồng chí Trần Thanh Từ - bí danh Hùng - làm Bí thư.

 

Tôi được phân công phụ trách công vận, Thư ký Công đoàn. Trước mắt, phải tập trung làm công tác vận động bầu cử Quốc hội.

 

Trước ngày bầu cử Quốc hội lần thứ nhất (khóa I), chi bộ cơ quan Phủ ủy tổ chức lễ kết nạp tôi vào Đảng. Hai đồng chí giới thiệu là Trần Thanh Từ - Bí thư Phủ ủy và anh Khang (tức Hồng) - phủ ủy viên. Trở thành đảng viên, tôi nguyện suốt đời phấn đấu dưới lá cờ của Đảng, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với tuổi 21, chân trời mở rộng trước mặt, tôi cùng các đồng chí và bạn bè hăng hái tiến bước trên con đường cách mạng.

 

LÊ VĂN HIỀN

 

———————

(1) - Bốn đồng chí: Trương Kiểm (Trương An, Trương Chí Cương), Lê Cấp (Mẫn), Đòan Sơ (Sửu), Hoàng Văn Phúc (Xuân).

(2) - Trích từ trang 2 bức thư ngày 20/6/1974 của đồng chí Trương Chí Cương gởi Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Yên.

(3) - Trích từ trang 3 bản báo cáo ngày 25-9-1971 của đồng chí Trương CHí Cương gởi Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

(4) - Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa gồm các đồng chí: Trần Suyền - Chủ tịch; Nguyễn Hoằng (Vĩnh Mai) - Phó Chủ tịch; cụ Trần Chương - Ủy viên Tuyên truyền; Nguyễn Thanh Hương - Ủy viên Trật tự; Cao Đức Sinh (Trương Sinh) - Ủy viên Tư pháp; Lê Liên - Ủy viên Thanh niên. Ủy ban Việt Minh phủ Tuy Hòa: Chủ nhiệm - Trần Quỳnh và các ủy viên: Huỳnh Nựu - Thường trực; Lê Tấn Thăng phụ trách tài chánh; Trần Ý phụ trách công đoàn; Phan Văn Dự phụ trách nông hội; Trần Thị Trảng phụ trách Phụ nữ cứu quốc; Lê Liên phụ trách Thanh niên cứu quốc; Lê Trọng Khoan phụ trách văn phòng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Tuy Hòa: Lê Văn Phú - Chủ tịch; Nguyễn Trung Mai - Phó Chủ tịch…

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi biển một mình
Thứ Tư, 21/07/2010 19:00 CH
Chuyện về cây cầu huyền thoại
Thứ Tư, 07/07/2010 19:00 CH
Lời nguyền của một luật tục
Thứ Tư, 30/06/2010 19:00 CH
Bài 2: Đi chợ Hà Khẩu
Thứ Năm, 24/06/2010 13:30 CH
Bài 1: Chuyến xuất ngoại dễ dàng
Thứ Tư, 23/06/2010 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek