Thứ Năm, 03/10/2024 11:28 SA
Chuyện về cây cầu huyền thoại
Thứ Tư, 07/07/2010 19:00 CH

Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng của Hà Nội. Hơn 100 năm tồn tại cùng đất Thăng Long, cây cầu này đã trở thành nhân chứng lịch sử cho những đổi thay, phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhiều người dân Hà Nội có những kỷ niệm sâu sắc gắn với Long Biên và khi nhắc đến cây cầu này là đã chạm đến một miền ký ức thẳm sâu nhưng không dễ phai mờ.

 

longbien100707.jpg

Cầu Long Biên.

 

CÂY CẦU THÉP ĐẦU TIÊN TRÊN SÔNG MẸ

 

Được sinh ra trong kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất của người Pháp ở Đông Dương, cầu Long Biên ban đầu có tên là Doumer, xây dựng dựa theo phương án thiết kế của Gustave Eiffel (cũng là người thiết kế tháp Fiffel nổi tiếng). Chiều dài cầu 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá, ở giữa có hệ thống đường sắt, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đi bộ.

 

Theo những ghi chép để lại, ngày 13/9/1989, viên đá đầu tiên được đặt ở mố cầu bên bờ tả ngạn. Lúc đó, quyết tâm xây dựng cầu Long Biên của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vấp phải sự phản đối kịch liệt, thậm chí nhiều người còn cho đó là sự điên rồ “bởi làm sao có thể bắc được cây cầu trên con sông hung dữ, bất kham sâu đến 20m, mùa mưa lũ nước dâng cao làm vỡ cả đê điều; lòng sông lại luôn chuyển đổi bên bồi bên lở”. Bất chấp những nghi ngại đó, Long Biên vẫn được hoàn thành. Ngày khánh thành cây cầu (28/2/1902) đã trở thành một sự kiện lớn. Khi ấy, cầu Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới.

 

Hơn 100 năm đứng trên sông Hồng, Long Biên đã chứng kiến bao thăng trầm của người dân đất ngàn năm văn vật. Từ khi cây cầu hoàn thành, việc buôn bán, giao thương của cư dân đôi bờ cũng thuận tiện, dễ dàng hơn. Long Biên đã nối nhịp bước chân cho những người phụ nữ tảo tần, vai mang vác nặng những gánh hàng rau quả từ phía Gia Lâm vào nội thành bán rong. Ở đó, những cuộc chia ly đầy nước mắt đã diễn ra trong những năm tháng chiến tranh. Ở đó, tình yêu đôi lứa được gieo mầm và có cả những chết chóc đớn đau trong năm đói, rồi ngay tại nơi đó những mầm sống được hồi sinh. Có lẽ vì thế, cầu Long Biên đã trở thành phần hồn của người Hà Nội.

 

NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG THỂ PHAI MỜ

 

Với mỗi người dân Hà Nội, từng con đường, góc phố đều gắn với những kỷ niệm, ký ức khó phai mờ. Cầu Long Biên cũng vậy, cho đến bây giờ trong trí nhớ của nhiều người vẫn không thể quên được cảnh tượng vượt sông ngoạn mục năm 1947, câu chuyện sau này đã trở thành đề tài lớn cho văn học, điện ảnh. Trên cầu, lính Pháp lăm lăm tay súng, dưới chân cầu từng đoàn người rút êm ru sang vùng tự do. Và câu chuyện cảm động về một bà mẹ phải bịt miệng đứa con mấy tháng tuổi đến ngạt thở để giữ an toàn cho cả đoàn sau này vẫn được nhắc đi nhắc lại. Rồi chuyện hai người mẹ chạy giặc trên cầu, trong lúc hoảng loạn đã mang nhầm con của nhau, sau này cũng trên cây cầu huyền thoại họ gặp lại trong bao nỗi nghẹn ngào xen lẫn niềm vui khôn tả. Tất cả những điều ấy đã được các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ biến thành chất liệu để xây dựng thành các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

 

Có nhà nghiên cứu đã thống kê, trong hơn 2 triệu tấn bom đạn đế quốc Mỹ trút xuống Việt Nam, hơn một nửa là trút xuống cầu đường. Cầu Long Biên cũng đã oằn mình gánh chịu bom đạn chiến tranh, hai lần cầu gãy xuống lòng sông. Nhưng nhân dân Hà Nội vẫn nối lại cầu cho xe qua mỗi đêm, ban ngày lại dỡ ra che mắt địch. Dấu tích cho đến nay là Long Biên mất đi một đoạn vẩy rồng.

 

Chính vì những gì Long Biên gắn bó với con người Thủ đô nên lần đầu tiên, cây cầu đã  trở thành “nhân vật chính” trong một festival độc đáo - Festival Ký ức cầu Long Biên.

 

Theo bà Nguyễn Nga, chủ nhân Ngôi nhà nghệ thuật, đơn vị tổ chức festival, ngay khi kêu gọi các cá nhân tham gia triển lãm tranh, ảnh về cây cầu này, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia của rất nhiều người, đủ mọi tầng lớp. Điều đó đủ cho thấy cầu Long Biên có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Trong festival độc đáo này, Ban tổ chức đã tái hiện không gian Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với văn hóa ẩm thực, các làng nghề truyền thống và nếp sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Trên cầu Long Biên, các hoạt động chủ yếu là nghệ thuật đường phố, với gánh hàng rong, triển lãm tranh, ảnh về các thời kỳ khác nhau của cầu Long Biên (được treo dọc thành cầu). Cầu được chia ra thành từng ô, mỗi ô là một giai đoạn lịch sử, được tái hiện lại một cách sinh động không chỉ bằng tranh ảnh mà cả bằng lời kể của những nhân chứng của thời kỳ đó.

 

HÃY GIỮ NHỮNG GÌ CÒN LẠI

 

Thời gian gần đây, việc trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên đã được các ngành chức năng bàn luận. Bởi theo thời gian, cây cầu huyền thoại một thời đã xuống cấp nghiêm trọng. Khi cầu Chương Dương và Thăng Long được xây dựng, Long Biên không phải oằn mình tải nặng mỗi ngày nhưng dấu vết thời gian đã in hằn trên từng mố cầu hay sắt thép. Mặt bê tông gồ ghề nứt nẻ, mỗi chuyến tàu qua, cầu lại run lên bần bật.

 

Dù vậy, Long Biên vẫn là người bạn thân thiết của những người dân nghèo. Mỗi sáng, từng đoàn xe thồ than, rau xanh, cây cảnh vào nội thành. Những giọt mồ hôi mặn mòi được gió sông Hồng xoa dịu. Buổi tối, từng tốp học sinh đợi nhau về, tiếng cười loang trên mặt nước. Những đôi uyên ương chọn Long Biên để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất của tình yêu và sau đó bắt đầu cuộc sống gia đình hạnh phúc. Dưới chân cầu, người nghèo đã tụ cư lại, thành lập nên những xóm chài ven sông, dù cuộc sống còn bộn bề gian khó nhưng vẫn không thiếu tiếng cười. Nhịp thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, từ sáng đến tối, cầu Long Biên cũng chan hòa trong nhịp sống hối hả, bận rộn ấy.

 

Ngay từ năm 2001, Chính phủ Pháp và tổ chức Di sản Không biên giới đã chủ trì hội thảo quốc tế và đi đến thống nhất, cần tôn vinh sự hiện diện của cầu Long Biên ở Hà Nội như một biểu tượng của lịch sử, công nghệ, vẻ đẹp cũng như sự trường tồn giữa hai cuộc kháng chiến... Ngay sau đó, nhiều phương án trùng tu cầu Long Biên được đặt ra, trong đó người ta chú ý đến hai phương án chính, đó là: Tại vị trí cầu Long Biên hiện tại sẽ xây dựng cây cầu mới theo kiểu dáng như hiện nay và nâng cao lên thêm 3m. Còn cầu Long Biên cũ sẽ được giữ lại một số nhịp và di chuyển sang bên cạnh để làm kỷ niệm. Phương án 2 là giữ nguyên cầu Long Biên hiện nay và khôi phục nó để đảm bảo giao thông đô thị, đồng thời xây dựng cầu mới ở vị trí cách cầu Long Biên cũ 50m về hạ lưu. Chính phủ Pháp cũng quyết định tài trợ Việt Nam 808.000 euro để thực hiện dự án này. Mới đây nhất, Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Chính phủ đề án phát triển giao thông Hà Nội, trong đó có dự án cầu Long Biên. Theo đó, cầu Long Biên sẽ được xây dựng hoàn toàn mới, mang vóc dáng cầu Long Biên nguyên bản do Pháp xây dựng. Mặc dù đó mới chỉ là đề án nhưng nhiều người biết tin đã thẫn thờ, không thể quen với một sự thay đổi lớn như thế. Nhiều người còn tỏ ra lo lắng cho số phận của cầu Long Biên hiện tại và tương lai. Long Biên đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa, lịch sử Hà Nội, vì vậy, việc trùng tu, tôn tạo nó cần phải được xem xét kỹ lưỡng, để “dáng rồng” trên sông Mẹ mãi trường tồn với thời gian.

 

PHƯƠNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lời nguyền của một luật tục
Thứ Tư, 30/06/2010 19:00 CH
Bài 2: Đi chợ Hà Khẩu
Thứ Năm, 24/06/2010 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek