Thứ Tư, 27/11/2024 14:52 CH
Chuyện về một binh nhất tiêu diệt biệt kích
Chủ Nhật, 04/07/2010 15:00 CH

Trong Bảo tàng di vật lịch sử ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có trưng bày một khẩu súng AK báng gập, phía dưới có dòng chú thích: Đây là khẩu súng đã được binh nhất Đặng Văn Phán, chiến sĩ Đồn Biên phòng 125 - BĐBP Phú Khánh sử dụng để tiêu diệt một tên biệt kích trong nhóm phản động lưu vong, xâm nhập bằng đường biển với âm mưu gây rối, chống phá nhà nước ta vào năm 1978.

 

Lần theo những trang lịch sử BĐBP Phú Yên viết về thời kỳ đầu sau ngày đất nước thống nhất và chỉ dẫn của anh em Đồn Biên phòng 356, tôi tìm về làng biển Phú Thọ 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) - nơi anh Đặng Văn Phán đang sống.

 

phan100702.jpg
Anh Đặng Văn Phán

 

CHIẾN CÔNG CỦA MỘT BINH NHẤT

 

Gặp anh trong bộ quần áo tuềnh toàng, bạc thếch vì nắng, gió biển, nụ cười hiền khô và lối nói chuyện mộc mạc, chân chất của một ngư dân chính hiệu, tôi chưa thể hình dung ra một Đặng Văn Phán với chiến công của 32 năm về trước. Khi nghe anh em Đồn Biên phòng 356 nhắc về một thời quân ngũ, ký ức trong anh như ào ạt chảy về.

 

Là người con của vùng đất Hòa Hiệp, Đặng Văn Phán đã lớn lên với đầy ắp niềm tự hào về quê hương anh hùng giàu truyền thống cách mạng. Năm 1976, vừa tròn 18 tuổi, anh vào quân ngũ và là chiến sĩ thuộc lực lượng an ninh vũ trang. Sau 3 tháng quân trường, anh được điều về làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng 125 (BĐBP Phú Khánh), đóng quân ngay cạnh cửa biển Đa Ngư - Hòa Hiệp Nam. Ngày đó, địa bàn do Đồn Biên phòng 125 quản lý kéo dài từ khu vực giáp ranh vùng biển Đông Tác vào tận Vũng Rô. Không quản ngại gian khó, Đặng Văn Phán cùng đồng đội mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số khắp vùng ven biển thuộc địa bàn để tuần tra, nắm tình hình, xây dựng cơ sở trong nhân dân. Điều đó đã giúp nhân dân trên địa bàn luôn đề cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ của đồn truy quét tội phạm, bảo vệ quê hương.

 

Kể về lần anh Phán cùng đồng đội triệt phá nhóm tội phạm phản động xâm nhập địa bàn năm xưa, thiếu tá Ngô Xuân Lộc, đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng 356 nhớ lại: Những ngày cuối năm 1978, bà con ngư dân đi biển báo về: Có một chiếc tàu lạ chiều nào cũng vào quanh quẩn ở khu vực Bãi Tiên thuộc xã Hòa Tâm. Kế hoạch kiểm soát chặt ở khu vực “có sự vụ” được ban chỉ huy Đồn Biên phòng 125 nhanh chóng triển khai. Xẩm tối, anh Phán được giao mang khẩu súng AK báng gập, cùng anh em trong đội vũ trang nhận lệnh lên đường tuần tra. Đúng như tin báo, ra đến bờ biển, tổ tuần tra thấy có chiếc tàu rất lớn đã vào sát bờ, chuẩn bị neo đậu. Trung sĩ Nguyễn Văn Hòa, đội trưởng đội tuần tra lệnh cho toàn đội dùng thúng chai bơi đến, cập mạn rồi lên chiếc tàu lạ để kiểm tra. Qua kiểm tra, cả năm người đi trên phương tiện này không có giấy tờ chứng minh hành trình hợp pháp. Đội trưởng phân công một số anh em giải ba trong năm người này về đồn để tiếp tục điều tra. Cùng với trung sĩ Nguyễn Văn Hòa, binh nhất Đặng Văn Phán được phân công ở lại  tàu giám sát hai người còn lại và trông giữ phương tiện.

 

Sau phần “khơi nguồn” của thiếu tá Ngô Xuân Lộc, nhớ lại khoảnh khắc “sống còn” ngày ấy, anh Phán kể: Lúc đó, tôi đang đứng ở đầu mũi tàu để hướng dẫn chúng thả dây neo. Trong nhập nhoạng tối, bất ngờ một trong hai tên đạp mạnh, khiến tôi rơi khỏi tàu. Vốn con nhà làm biển, tôi đã giữ được thăng bằng, rồi vừa bơi vừa hướng mắt quan sát chiếc tàu. “Ban đầu, tôi cứ nghĩ đó chỉ là một chiếc tàu đánh cá bình thường, họ đi làm ăn mà thiếu giấy tờ thủ tục. Đến lúc bị đẩy rơi xuống nước, mình mới bật hiểu, chúng là tội phạm” - anh Phán nói. Từ dưới biển nhìn lên tàu, anh lờ mờ thấy cả hai tên tội phạm đang cố sức vật lộn và kéo anh Hòa ra mạn tàu để đẩy xuống nước. Ngụp lặn dưới nước, ngửi thấy mùi dầu loang ra, anh Phán nghĩ: Vậy là chúng xả dầu, chắc có ý định đốt tàu. Nếu mình không ra tay, chúng sẽ giết chết anh Hòa rồi tẩu thoát... Lập tức, anh giương súng lên, siết cò. Hai tiếng nổ “đoàng…đoàng…” phát ra, cùng lúc anh nhìn thấy có một tên thật to cao ngã nhào xuống biển. Tên còn lại vội vàng buông anh Hòa ra và nhảy xuống nước, bỏ trốn. Anh Phán cố sức bơi vào cập mạn và leo lên thuyền, cởi dây trói cho anh Hòa.

 

Tiếng súng của binh nhất Đặng Văn Phán cũng là tín hiệu báo tin về cho đồng đội “đã có sự bất an”. Ban chỉ huy đồn nhanh chóng điều một tổ ra hiện trường tiếp ứng, bắt gọn tên tội phạm vừa bỏ chạy. Sau khi kiểm tra toàn bộ phương tiện tang vật, anh em phát hiện bên trong kho chứa hàng có khoảng sáu tạ dầu, rất nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men và tài liệu, giấy tờ phục vụ cho hoạt động chống phá nhà nước ta.

 

Cuộc đấu tranh với ba đối tượng bị giải về đồn cũng mở ra nhiều thông tin rất quan trọng. Những tên bị bắt đã khai nhận, chúng nằm trong tổ chức phản động của bọn Lưu Tiên Tiệm từ Indonesia trở về Phú Khánh bằng đường biển. Trên đường về, chúng đã cho ba tên xâm nhập vào bờ biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để đến Mũi Điện bằng đường bộ, móc nối cơ sở trên bờ. Số còn lại về đến đây thì bị truy kích. Thông tin này giúp cho lực lượng công an vũ trang Phú Khánh tổ chức vây bắt tất cả bọn phản động trong nhóm này.

 

Với chiến công trên, binh nhất Đặng Văn Phán đã được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tặng bằng khen, Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và đã được nâng quân hàm từ binh nhất lên trung sĩ.  

 

TÍCH CỰC THAM GIA BẢO VỆ VÙNG BIỂN QUÊ HƯƠNG

 

Năm 1982, được đơn vị động viên đi học sĩ quan nhưng vì nhà quá nghèo, Đặng Văn Phán xin phục viên, trở về làm biển để phụ giúp cha mẹ nuôi các em.

 

Về với gia đình nhưng tình đồng đội gắn bó và “chất” lính biên phòng vẫn không ngưng chảy trong anh. Sau những chuyến đi biển, anh lại trở về thăm đơn vị, thăm những đồng đội cũ, chia sẻ nhiều điều giúp anh em Đồn Biên phòng 356 (ngày trước là đồn 125) bảo vệ vùng biển. Anh Phán thổ lộ: “Chiến công vẻ vang nhất trong suốt 32 năm làm ngư dân của tôi chính là những cuộc truy kích, vây bắt các đối tượng đánh cá bằng thuốc nổ để bảo vệ vùng biển Hòa Hiệp”. Nở nụ cười sảng khoái, anh kể: Khu vực đảo Hòn Khô (Hòa Hiệp Nam) là nơi có rất nhiều loài cá ngon, giá trị nhất là cá bò vàng. Đó cũng là địa điểm mà rất nhiều đối tượng chuyên đánh cá bằng thuốc nổ ở các nơi “nhắm” tới. Một dạo bị các đối tượng đánh thuốc nổ phá hoại, cả khu vực này tan tác. Thế nhưng khi nghe ngư dân báo về, tàu BĐBP xuất kích đến nơi, bọn chúng đã cao chạy xa bay. Thời gian sau, anh Phán đã đề nghị dùng phương tiện của mình ngụy trang, rồi chở anh em BĐBP ra tận hiện trường vây bắt gọn bọn tội phạm. Năm 2004, khi Đồn Biên phòng 356 xây dựng mô hình tổ Tàu thuyền an toàn (TTAT) tại Phú Thọ 3, Đặng Văn Phán đã tiên phong có mặt trong tổ TTAT số 01 do anh Lê Văn Hay làm tổ trưởng. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ vùng biển, anh em trong tổ lập nhiều chiến công trong việc truy kích các đối tượng đánh cá bằng thuốc nổ tại Hòn Khô. “Liên tục từ năm 2003 đến 2007, anh Phán đã cùng với các thành viên tổ TTAT 01 phối hợp Đồn Biên phòng 356 phát hiện hàng chục vụ, truy đuổi, vây bắt các đối tượng dùng thuốc nổ đánh cá. Đó là thành quả đáng tự hào của các ngư dân ở làng biển này. Những năm gần đây, nơi này không còn dấu tích của việc dùng thuốc nổ đánh cá”. Thiếu tá Ngô Xuân Lộc, đội phó đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng 356 khẳng định.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek