Thứ Năm, 03/10/2024 11:40 SA
Lời nguyền của một luật tục
Thứ Tư, 30/06/2010 19:00 CH

Một số cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên từ bao đời nay vẫn còn lưu truyền nhiều luật tục, trong đó có luật tục lặn nước (phiên âm theo tiếng đồng bào là “nhũ ia”). Khi có xích mích, nghi kỵ lẫn nhau mà phân xử không được thì họ kéo nhau ra suối để phân biệt ai đúng, ai sai bằng cách... lặn nước. Họ quan niệm rằng, người nào dối trá thì khi lặn xuống nước sẽ bị “đấng thần linh nhét vào miệng, vào mũi những vật lạ” không cho thở; sau khi thua sẽ phải chịu phạt nặng trước buôn làng nhưng quan trọng hơn là người đó bị cô lập, né tránh...

 

Lannuoc-100630.jpg
Ma Bui ở buôn Dành A, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) bên địa điểm mà ông “thi” lặn nước với Oi Gái -Ảnh: N.CHUNG

 

LUẬT TỤC XƯA

 

Đảng và Nhà nước ta chủ trương giữ gìn, tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, phát huy những yếu tố tích cực và từng bước cải tạo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với sự tiến bộ của xã hội. Chỉ thị số 24/1998/CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ có nêu nội dung việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của buôn làng phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của địa phương, không được lợi dụng hương ước, quy ước để duy trì các hủ tục, tập quán lạc hậu…

Luật tục lặn nước đã có từ rất lâu, hiện nay vẫn tồn tại ở một số cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên. Già làng Ma Thô ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) cho biết: Khi trong buôn có những mâu thuẫn, xích mích, nghi kỵ lẫn nhau mà không phân xử được, đồng bào dân tộc thiểu số thường áp dụng luật tục lặn nước để phân biệt ai đúng, ai sai. Bên nào thua sẽ bị phạt rất nặng theo sự thỏa thuận trước, vì người đó bị dân làng xem là dối trá, không trung thực. Đồng bào tin tưởng rằng, nếu mình không làm điều gì sai trái thì được “thần linh” che chở còn những người nào ăn gian, nói dối, làm những điều bất chính thì sẽ bị trừng phạt. Ông Ma Bưng, một thầy cúng ở buôn Hai Krông, kể: Nghi thức của luật tục lặn nước là mỗi bên có quyền mời một thầy cúng “cao tay ấn”; thầy cúng này phải là người ở trong buôn, nếu không thì phải được sự đồng ý của đối phương. Tùy theo điều kiện của gia đình mà lễ vật cúng “thần linh” trước khi lặn nước phải có rượu ché, gà luộc, con heo thiến… Hai bên giao kèo trước sự chứng kiến của buôn làng, nếu bên nào thua sẽ bồi thường cho bên thắng. Sau đó, hai bên chọn một vị trí nào đó của con suối chảy qua buôn, nếu trong buôn không có suối thì phải chọn một con suối khác. Trước khi lặn, thầy cúng của hai bên làm lễ cúng bái, thầy cúng bên này quan sát người lặn nước bên kia; có khi buôn làng chọn một hoặc hai người nào đó ở trong buôn để làm công việc này. Người nào ngoi đầu lên khỏi mặt nước trước thì thua và tất nhiên phải bồi thường theo sự thỏa thuận.

 

Lúc nhỏ, ông Ma Vi ở xã Ea Bia nghe kể, ngày xưa mấy người giàu có ở trong buôn làng thường hiếp đáp dân nghèo, khi bị mất trộm họ đổ thừa cho một hoặc nhiều người nghèo trong buôn, đồng thời buộc trưởng buôn phải đứng ra xét xử bằng cách tổ chức cho họ lặn nước. Ỷ thế cậy quyền, những người giàu được ưu tiên lặn nước bằng… hai bàn chân, còn những người bị nghi ăn trộm phải lặn bằng mũi, bằng miệng. Những lần lặn nước như thế, tất nhiên phần thắng thuộc về người giàu. Nhưng có một lần nhà giàu cũng bị thua, vì bỗng dưng có con cua to bằng bàn tay đến kẹp vào chân nên họ phải giở chân lên khỏi mặt nước. Chính vì câu chuyện truyền miệng từ đời này qua đời khác mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất tin tưởng vào luật tục lặn nước, rằng nếu người nào bất chính thì “thần linh” trừng phạt, còn người tốt thì được “thần linh” phù hộ, che chở…

 

LỜI NGUYỀN CỦA LUẬT TỤC

 

Đầu tháng 5/2009, vài trăm người trong và ngoài buôn Dành A, xã Ea Bia tập trung về con suối Da ở buôn Dành A để chứng kiến cảnh “thách đấu” bằng lặn nước giữa Oi Gái và Ma Bui. Nguyên nhân là Oi Gái đổ thừa Ma Bui bỏ thuốc đầu độc mình.

 

Theo Ma Bui, ngoài công việc nương rẫy và đồng áng, ông còn có một tấm lưới và thường đánh bắt cá ở các con suối, con sông gần buôn để cải thiện bữa ăn. Một ngày đầu tháng 4/2009, Ma Bui đánh bắt được rất nhiều cá nên mời bà con xóm giềng đến ăn. Mọi người vui vẻ vừa ăn vừa cầm cần nhâm nhi rượu ché, một số người được Ma Bui cho cá đem về nhà, trong đó có Oi Gái. Hôm sau Oi Gái thấy sức khỏe không bình thường, vậy là đổ thừa Ma Bui đã bỏ thuốc độc vào thức ăn. Oi Gái đến nhà, buộc Ma Bui phải lo chữa bệnh cho ông và đốt bò (giết bò), mổ heo để tạ lỗi. Ma Bui không chịu nên sự việc càng ngày càng căng thẳng; buôn làng cùng chính quyền xã, các ban ngành liên quan ở huyện đã đưa vụ việc ra để hòa giải. Sau 6 ngày hòa giải nhưng cũng không thể giải quyết được, cuối cùng Oi Gái áp dụng luật tục buộc Ma Bui cùng lặn nước để xác định ai đúng, ai sai. Ma Bui kể, ông mời thầy cúng Ma Hoa, người trong buôn, đến nhà cúng theo luật tục. Ma Bui cũng đã mượn tiền để mua một con heo, vài con gà và chuẩn bị mấy ché rượu để làm lễ vật dâng lên thần linh… Sau khi làm xong thủ tục cúng thần linh, hai bên cùng dân làng đến con suối Da chảy ngang qua buôn để “thi” lặn nước. Cuối cùng Oi Gái thua. Như đã giao kèo trước khi lặn, Oi Gái phải bồi thường ba con bò sống, một con bò chết, 1,2 triệu đồng tiền cơm nước để đãi và tạ lỗi với dân làng. (Còn nếu Ma Bui thua, ngoài ba con bò sống, một con bò chết và 1,2 triệu đồng, Ma Bui phải lo tiền nuôi bệnh Oi Gái). Khoảng một tháng sau, Oi Gái chết vì bị bệnh quá nặng mà không lo chạy chữa.

 

Lannuoc-4-100630.jpg

Ma Sun ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) kể lại sự việc khiến Oi He “thách đấu” lặn nước với ông - Ảnh: P.NAM

 

Vào năm 2006 tại buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cũng xảy ra cuộc thách đấu bằng lặn nước giữa Oi He và Ma Sun. Trước đó, Oi He đến nhà Ma Sun uống rượu cùng một số người khác trong buôn. Về nhà, Oi He đau bụng, bèn đổ thừa Ma Sun đầu độc mình. Hai bên cãi vã, cuối cùng đi đến quyết định áp dụng luật tục lặn nước. Sau khi lặn nước, Oi He thua nên phải đốt một con bò để tạ lỗi buôn làng và đền cho Ma Sun một con bò sống cùng 1,4 triệu đồng. Cũng từ đó, bà con trong buôn luôn né tránh Oi He, cho rằng ông đã dối trá. Sau một thời gian, Oi He phải bỏ lên núi sống biệt lập cho đến nay, ít khi quay về buôn.

 

Ma Hét ở buôn Ly, xã Ea Trol kể rằng, lúc còn rất nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh cha mình bị người khác ép phải lặn nước. Việc Oi He bỏ buôn làng lên núi sống biệt lập chính là do lời nguyền của “đấng thần linh”, lời nguyền của luật tục…

 

Ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh, cho biết: “Luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số là những quy định bất thành văn được các buôn làng đặt ra và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Bản chất của luật tục là nghiêm khắc trừng phạt những thói hư tật xấu, những việc làm bất chính của một bộ phận đã làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Nhưng có những luật tục trở thành hủ tục, như tục lặn nước, vì bà con không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào cả mà chỉ tin vào thần linh. Dù hiếm khi xảy ra, song những cuộc “thách” lặn nước vẫn còn trên địa bàn huyện Sông Hinh. Ngành Văn hóa đang phối hợp với các địa phương cùng các ban ngành liên quan tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn, từng bước vận động họ xóa bỏ những luật tục lạc hậu”.

  

NGỌC CHUNG - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Đi chợ Hà Khẩu
Thứ Năm, 24/06/2010 13:30 CH
Bài 1: Chuyến xuất ngoại dễ dàng
Thứ Tư, 23/06/2010 13:30 CH
Mê Kông: Thách thức và mơ ước
Thứ Tư, 02/06/2010 18:00 CH
Tiểu đoàn 365 anh hùng
Thứ Sáu, 14/05/2010 16:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek