Thứ Tư, 27/11/2024 15:47 CH
Hai giờ xuất ngoại:
Bài 2: Đi chợ Hà Khẩu
Thứ Năm, 24/06/2010 13:30 CH

Bài 1: Chuyến xuất ngoại dễ dàng

 

Bài 2: Đi chợ Hà Khẩu

 

Bước ra khỏi Trung tâm Kiểm tra an ninh cửa khẩu Hà Khẩu là gặp ngay những hình ảnh đặc trưng Trung Quốc mà ta thường thấy ở những khu phố Tàu thuộc quận 5 TP Hồ Chí Minh hoặc trên phim ảnh của quốc gia này. Những dãy nhà phố cao 4-5 tầng liên kế, san sát nhau, treo biển hiệu dọc đầy chữ Trung Quốc, được ngăn cách bởi những con đường nhỏ hẹp khoảng 3-4m ngang. Trên đường, nhiều người Trung Quốc thồ hàng bằng xe lôi đạp, người đi mô tô, ô tô, xe điện chen chúc nhau nhộn nhịp.

 

hk3-100624.jpg
Ô tô tấp nập trên một đường phố ở Hà Khẩu – Ảnh: Q.THANH

 

TRÀN NGẬP XE GIÁ RẺ

 

Vừa bước xuống chợ đã gặp một thanh niên, mà sau này anh cho biết tên là Cường, 23 tuổi, mặc áo thun cổ lọ, quần lửng tửng đến gối, mang dép lê. Cường nhoẻn nụ cười thân thiện, mời mọc bằng thứ tiếng Việt khá sõi: “Các bác đi xe điện nhé. Em sẽ chở đi đúng một vòng Hà Khẩu này. Chỗ nào các bác muốn xuống xe đi tham quan, đi chợ thì em dừng. Khi nào chở các bác về đúng chỗ này em mới lấy tiền, không cần biết thời gian bao lâu”. Hà hỏi tôi: “Anh muốn đi bộ, hay là đi xe điện?”, rồi gợi ý thêm là thời gian của tôi ở đây ngắn ngủi, trời lại nắng nóng, nên đi xe điện cho khỏe. Cường nói với tôi rằng vì đây là thuê nguyên chuyến, nên giá đúng 100 nhân dân tệ (CNY), nếu trả bằng tiền đồng (VND) thì khoảng 300.000.

 

Đó là loại xe điện khá phổ biến ở Hà Khẩu. Mỗi xe có ba hàng ghế ngang xoay về phía trước và một ghế quay mặt ra sau, giống như loại xe thường thấy trong các sân golf, nhưng dài và rộng hơn, có thể chở được tối đa 10 người, tốc độ nhanh nhất 80km/h. Mặt trước xe trông giống hệt xe bus, có kính chắn gió lớn, cần gạt nước mưa, biển kiểm soát hẳn hoi. Chúng hoạt động như một loại taxi trên phố. Khá nhiều hành khách, từ những người mặc đồ công chức nhà nước, các cô gái đẹp mặc váy ngắn, quần jean đến những bà đi chợ… chọn phương tiện này để đi lại.

 

Dù chỉ là một thị trấn, nhưng ở Hà Khẩu, xe hơi tấp nập không thua những thành phố lớn ở Việt Nam mình. Xe du lịch chạy nối đuôi từng dãy dài trên phố. Cường cho biết hầu hết đó là xe giá rẻ. Chẳng hạn những chiếc ô tô loại bốn chỗ kiểu dáng giống mấy chiếc Dawoo Matiz, Kia Morning… thì giá chỉ chừng 90 triệu VND. Cũng có rất nhiều xe kiểu dáng hiện đại, nhìn nhanh qua nội thất thấy cũng sang trọng, có chiếc in mạc xe toàn chữ Hán, lại có chiếc là hàng liên doanh - chẳng hạn bên cạnh ký hiệu hãng Hyundai còn có thêm mạc bằng tiếng Trung Quốc nằm cạnh…

 

Trên đường chúng tôi đi, các loại mô tô, xe máy chạy ầm ào, chen chúc nhau khá nhộn nhịp. Nhìn nhanh, thấy nhiều kiểu xe lạ lẫm mà ở Việt Nam chưa bao giờ mình bắt gặp. Cường cho hay, đấy toàn là xe Trung Quốc sản xuất, giá rẻ, chỉ khoảng 2-8 triệu VND một chiếc.

 

CHỢ “TRÊN TRỜI”, CHỢ “SÁT ĐẤT”

 

Dù chỉ là một thị trấn, nhưng theo lời Hà, Hà Khẩu có đến 90 vạn dân (tính đến cuối năm 2009). Hầu như khắp nơi trong thị trấn đều là phố mua bán. Có những khu vực hiện đại và hoành tráng, tập trung các siêu thị hàng hóa chuyên doanh, điện đèn sáng choang, người bán hàng – đa số là nữ - đẹp và lịch sự. Nhưng cũng có những khu bán hàng khá “ổ chuột”, những dãy kiốt xập xệ bán đủ thứ hầm bà lằng. Lại có cả những người trông vẻ rất quê mùa gióng gánh bày bán vài loại củ quả, mớ cá thịt… ngay trên đường, như kiểu chợ “chồm hổm” họp vài giờ ở nông thôn bên mình. Cũng theo lời Hà, những người buôn bán tại các cửa hàng, cửa hiệu ở Hà Khẩu đa số không phải là chủ nhà. Họ chỉ là chủ hiệu, thuê nhà, vừa buôn bán vừa ở. “Không ai cất ngôi nhà ở một thị trấn cửa khẩu mua bán nhộn nhịp này để chỉ ở” – Hà khẳng định.

 

Không hiểu sao dân mình có chung suy nghĩ là đến vùng cửa khẩu sẽ mua được nhiều đồ giá rẻ. Trước khi sang Hà Khẩu, bạn tôi nhắc rằng đừng mua bất cứ đồ đạc gì bên đó, bởi nếu không mua hố giá thì cũng gặp phải hàng kém chất lượng. “Muốn mua, về chợ Cốc Lếu mà mua, giá rẻ hơn nhiều” - bạn tôi nói. Nên việc tôi vào một số nơi mua sắm chỉ là để xem, để biết.

 

Cường dừng xe trước một khu gọi là Trung tâm Dịch vụ tổng hợp cửa khẩu Hà Khẩu. Hà vừa đưa tôi đi, vừa giới thiệu rằng đây là khu mua bán hàng hiệu của Hà Khẩu. “Hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất, nhưng là hàng chất lượng cao của họ nên giá khá đắt. Ở mỗi cửa hàng thế này đều có những cô, cậu người Việt được thuê bán hàng đấy, vì lượng khách du lịch lẫn người đi buôn từ Việt Nam sang đây là chính” – Hà nói. Tôi thử bước vào một cửa hiệu của nhãn hàng kim khí điện máy của hãng Haier. Rất nhiều loại hàng hóa từ tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, lò vi sóng… khá bắt mắt và trông sắc sảo được trưng bày trong hai tầng của ngôi nhà. Nhưng hấp dẫn nhất là hàng loạt tivi LCD do hãng này sản xuất với đủ kích cỡ được treo trên tường. Với đôi mắt của một người… không rành lắm về điện tử, tôi nhận thấy tivi LCD của Trung Quốc cũng khá sắc sảo hình thức và độ nét, màu sắc của hình ảnh. Chỉ có điều, giá bán nhẩm ra tiền VND khá cao. Tỉ như một chiếc tivi LCD loại 42 inch của hãng này treo giá đến hơn 60 triệu VND!

 

Tôi cũng vào thử một hiệu hàng da của hãng Kangnai, bày bán các loại giày, dép, ví, túi xách nam, nữ. Phải nói hàng hóa ở hiệu này có kiểu dáng đẹp, sắc, phong phú. Tuy nhiên, giá bán lại không dễ chịu đối với người làm công ăn lương nhà nước như tôi: Một đôi giày nam loại trung bình của hãng này bày bán ở đây giá tiền Việt đến hơn 2,8 triệu đồng. Dĩ nhiên, tại cửa hiệu này cũng có những đôi giày, chiếc túi da giá lên đến cả chục triệu đồng. Hàng hiệu dành cho giới sành điệu, người thượng lưu thì giá phải đi đôi với “tầm cỡ” đó là đúng. Bên Việt Nam mình thiếu gì người có tiền đi đôi giày Tây vài ngàn USD, thiếu gì quý cô mang chiếc túi da hàng hiệu đến cả chục ngàn “đô Mỹ”. Đi chợ thượng lưu ở Hà Khẩu sẽ giúp bạn xóa đi ấn tượng rằng hễ hàng Tàu là hàng… rẻ tiền.

 

Nhưng tại thị trấn này cũng có những shop bán hàng với giá rẻ “sát đất”. Chúng tôi ghé lại một shop hàng nhỏ ven đường, nơi trưng biển bằng tiếng Hoa phía trên và phía dưới là dòng chữ Việt: “Kết hợp nhà máy trực tiếp bán buôn, bán lẻ 19”. Hà giới thiệu: “Tại Hà Khẩu có không ít cửa hàng bán hàng một giá thế này. Chẳng hạn như ở đây, với 19CNY (khoảng 55.000VND), anh có thể mua bất cứ món hàng nào trong shop”. Chỉ có một người phụ nữ khoảng 35 tuổi, không nói được tiếng Việt, đứng bán hàng. Trong cửa hàng là đủ thứ đồ: từ quần Âu, áo Á đến đôi giày trẻ con, cái bấm móng tay… Lúc tôi rời đi, chị chủ hàng nói một tràng dài, khó khăn cố diễn tả bằng tiếng Việt rằng nếu tôi có mua món gì thì chị chỉ bán với giá 50.000VND. Cái giá 19CNY một món hàng chưa phải là rẻ nhất, vì đây đó ở khu chợ này, tôi bắt gặp nhiều nơi bán hàng chỉ 2, 5, 7, 10CNY/món mà thôi.

 

VÀ “CHỢ TÌNH”

 

Chúng tôi cũng ghé vào “chợ Việt Nam – Hà Khẩu”. Ở mặt tiền và những gian hàng phía ngoài ở tầng một của chợ này, người ta bán hầu như đủ các loại hàng hóa từ Việt Nam mang sang: từ ký mực khô ở miền duyên hải đến các loại trái cây sầu riêng, măng cụt từ Đông – Tây Nam Bộ, từ gạo tám thơm đến những tiệm cơm Việt Nam… Hà giới thiệu tất cả người trong chợ này đều là người Việt, trong đó phần lớn đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, còn lại là người Yên Bái, Nam Định, Thái Bình…

 

Đây cũng là nơi công khai bán những món hàng mà ở trong nước bị cấm nghiêm ngặt. Trên đường đi, chúng tôi luôn được mời chào bằng những câu mới nghe đã thấy… khiếp: “Xì ke, xì ngất gì không anh ơi?”, “Lưỡi lê, kiếm Nhật, dao bấm không bác?”…

 

Trên tầng hai của ngôi chợ này là nơi mua bán dâm công khai, mà theo một số liệu thống kê chưa chính thức của Ban Quản lý chợ Hà Khẩu là có đến hàng trăm cô gái Việt. Có thông tin nói rằng việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền sở tại và sự không kiên quyết của cơ quan chức năng ở đây khiến tình trạng mại dâm gia tăng. Hà Khẩu được tỉnh Vân Nam đưa vào danh sách những điểm nóng của đại dịch HIV/AIDS.

 

Những thông tin trên khiến giờ phút cuối của tôi ở Hà Khẩu trở nên buồn bã, thay cho sự hồ hởi ham khám phá lúc mới đến cách đó hai giờ đồng hồ. Chiếc xe điện của Cường trờ tới. Tôi cùng Hà leo lên và giây lát sau đó đã có mặt ở Trung tâm Kiểm soát an ninh cửa khẩu Hà Khẩu. Nhận 300.000 đồng tiền cước thuê xe điện của tôi, Cường cười tít mắt: “Cám ơn các bác nhiều. Mai mốt, nếu có dịp thì bác lại sang Hà Khẩu chơi nhé, nhớ gọi thằng em nhé!”. Tôi cám ơn và chào Cường rồi chầm chậm đi qua cửa kiểm soát của hải quan Hà Khẩu với cái đầu trống rỗng…

 

Tiếng Việt ở Hà Khẩu

 

hk7-100624.jpg

Tiếng Việt trên một cửa hiệu ở Hà Khẩu

Là chợ vùng biên mậu, khách giao dịch ở Hà Khẩu ngoài người bản xứ có rất đông người Việt, do vậy trên các biển hiệu trưng ở khắp nơi trong thị trấn đều có chú thích thêm tiếng Việt bên dưới. Nhưng tiếng Việt ở đây khá ngộ nghĩnh vì sai chính tả, vì… vô nghĩa. Chẳng hạn ở một shop bán các loại đĩa nhạc, phim “chua” dòng chữ Việt thế này: “Bán các loại đĩa trắng phim chuyên Âu, Mỹ đĩa nhạc lưu hành”. Biển hiệu của một tiệm bán đồ may mặc trẻ em viết: “Hiêu trang phue tre con chuột Coby”. Còn một hiệu cắt, uốn tóc trưng bảng: “Nhụâm sấy ép nối tóc”…

 

Cường, người lái xe điện chúng tôi thuê, là dân Hà Khẩu chính hiệu. Đã lái xe ở đây 3 năm, tiếp xúc không biết bao nhiêu người Việt, anh chàng này nói tiếng Việt khá sõi. “Nhờ tiếp xúc với người Việt thường xuyên nên giờ vốn tiếng Việt em rất khá. Em cũng có học mấy tháng tiếng Việt, nhưng nói được mà viết lại sai quá, nên thôi không học nữa”.

 

QUỐC THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek