Nhịp sống hối hả đang từng ngày diễn ra dọc hai bên bờ sông, những nét văn hóa được hình thành và gìn giữ từ ngàn đời, ước vọng giản dị của những người nông dân chỉ biết bám vào dòng sông để sống, dòng sông Mê Kông ẩn chứa trong mình nó biết bao trầm tích văn hóa và cũng đặt ra cho con người một thái độ ứng xử đúng mực với dòng sông nổi tiếng này.
Những ngôi nhà nổi trên sông ở An Giang - Ảnh: M.TUẤN
“NGƯỜI KHỔNG LỒ ĐANG NGỦ”
Bắt nguồn từ vùng núi cao Thanh Hải (Trung Quốc), chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở Việt Nam, Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Tính theo độ dài, Mê Kông đứng thứ 12 trên thế giới và thứ bảy ở châu Á; còn tính theo lưu lượng thì đứng thứ 10 với lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu mét khối.
Nói về tiềm năng của dòng Mê Kông, TS. Hart Schaaf, cựu ủy viên Ủy ban Mê Kông cho rằng, đó là “người khổng lồ đang ngủ”, bởi dòng sông này ẩn chứa trong lòng một khối tiềm năng to lớn về thủy điện, về dẫn thủy nhập điền cũng như khả năng phòng lụt. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Mê Kông nguồn thủy sản dồi dào. Các nhà khoa học đã tìm được ở đây nhiều loài cá quý hiếm như cá chiên, cá lăng, thậm chí còn có nhiều loài đang có nguy cơ biến mất.
Với tất cả những gì thiên nhiên ưu ái ban tặng, dòng sông Mê Kông cùng những cộng đồng dân cư dọc hai bên bờ đã tạo nên một cuộc sống sản xuất, sinh hoạt độc đáo, mang những dấu ấn văn hóa rất riêng. Này là những cánh đồng bát ngát phù sa, cò bay thẳng cánh; này là những miệt vườn sum suê hoa trái; là chợ nổi náo nhiệt, sầm uất, một nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Ngoài ra, còn có những mảnh đời tuy suốt ngày lặn lội, vất vả với cuộc mưu sinh nhưng tâm hồn lại phóng khoáng, cởi mở như dòng sông vậy.
Có lẽ vì thế, mà Mê Kông và cuộc sống xung quanh dòng sông này đã trở thành đề tài của biết bao nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh gia, họa sĩ... Qua những tác phẩm nghệ thuật, Mê Kông hiện lên với vẻ đẹp bình dị, sinh động. Ở đó, cuộc sống của người dân tuy còn biết bao bộn bề, lo toan nhưng vẫn ánh lên niềm tin, niềm hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp. Và chính những lối sống, phong tục tập quán, nét văn hóa được hình thành trong quá trình sinh sống hài hòa với dòng sông của cư dân đôi bờ đã tạo cho Mê Kông một dấu ấn đặc biệt, nó không chỉ là một dòng sông mà còn là một chứng nhân văn hóa.
NHỊP SỐNG THƯỜNG NGÀY
Trên lãnh thổ Việt
Dòng sông huyền thoại Mê Kông cũng là nơi khởi nguồn của các lễ hội độc đáo, nét văn hóa của từng tộc người sống dọc hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, nhịp sống hiện đại hối hả cũng đang len lỏi vào từng nếp nhà, mang lại cho người dân nhiều tiện ích. Ngay cả những vùng xa xôi, hẻo lánh như 800 gia đình ở xã Samaki (tỉnh Stung Treng, Campuchia) cũng đã có cơ hội sử dụng điện thoại di dộng. Internet, điện thoại đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các hoạt động giao dịch, buôn bán của nông dân vùng đồng bằng châu thổ.
HÃY CỨU LẤY MÊ KÔNG
Mê Kông hùng vĩ cũng đang gặp phải những thách thức mà nếu con người không có sự điều chỉnh kịp thời trong cách ứng xử với Mê Kông thì có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sự thu nhỏ của đồng cỏ bàng do việc mở rộng các vuông tôm, ao cá đã khiến sếu đầu đỏ không còn nơi trú ngụ. Đàn sếu về ngày càng ít, trong khi môi trường sinh thái đang bị phá vỡ và ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, dự án bảo tồn sếu đầu đỏ đã chọn cách tiếp cận rất thực tế, khi người dân địa phương có thể tự nuôi sống mình bằng nghề đan bàng, đồng cỏ bàng được bảo tồn tốt, và sếu đầu đỏ lại trở về...
Ngoài ra, việc khai thác theo kiểu tận diệt các nguồn lợi thủy sản cũng đang khiến Mê Kông nghèo đi, nhiều loại thủy sản, vốn là đặc sản riêng của dòng sông này đang có nguy cơ tận diệt.
Chợ nổi trên sông ở Châu Đốc, An Giang - Ảnh: M.TUẤN
Kế hoạch xây dựng các con đập thủy lợi trên dòng sông này cũng được cho là sẽ đe dọa đến Mê Kông. Được biết, chính phủ các nước Lào, Campuchia và Thái Lan đang có kế hoạch xây 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê kông. Nếu được xây dựng, những con đập đó sẽ ngăn cản các luồng cá di cư và gây xáo động lớn tới dòng sông. Sông Mê Kông là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới, đang nuôi sống hơn 60 triệu người. Việc xây đắp các con đập trên dòng chảy chính sẽ làm cho các loài quý hiếm và vô số các loại cá di cư khác tới bờ tuyệt chủng.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mê Kông của Trung Quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho Myanmar, Bắc Thái Lan và Bắc Lào. Chẳng thế mà Liên minh cứu trợ sông Mê Kông đã phải phát động phong trào ký tên để cứu lấy dòng sông mẹ. Tính đến tháng 6/2009, đã có 17.000 người tham gia.
Nhịp sống hàng ngày vẫn hối hả trôi, Mê Kông vẫn đồng hành với cư dân đôi bờ như ngàn đời vẫn thế. Vẫn biết, việc khai thác Mê Kông đều phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân nhưng điều quan trọng là một thái độ ứng xử hài hòa, thân thiện với dòng sông này. Bởi khi dòng sông biến đổi, cuộc sống và các giá trị văn hóa cũng sẽ trôi theo. Bởi Mê Kông, bản thân nó không chỉ là một con sông mà còn là dòng chảy của văn hóa, lịch sử. Nó cần được tôn trọng.
KHÁNH PHƯƠNG