Thứ Năm, 03/10/2024 18:16 CH
Từ rừng núi trở về thành phố
Thứ Năm, 25/03/2010 09:05 SA

Thời tiết tháng 2, tháng 3 ở miền Tây Quảng Nam đang lạnh. Con đường 16 từ Khâm Đức đi xuống Phước Sơn, Làng Hồi, Nước Nẻ rộn rã suốt ngày. Được chỉ thị của Thường vụ Khu ủy khẩn trương sắp xếp công việc để nhanh chóng lên đường, Ban vật tư chi viện chiến trường khu tổ chức cuộc họp truyền đạt lại tình hình mới cho toàn thể cán bộ, đảng viên và công nhân viên cơ quan nhận thức, phân công cụ thể cho từng bộ phận, chỉ để lại một số ít cán bộ nhân viên lo trực cơ quan bảo vệ sản xuất, kho tàng còn lại đều xuống chiến trường trọng điểm.

 

Sau khi phổ biến chỉ thị của Khu ủy, đồng chí nào cũng xung phong để đi phục vụ chiến trường. Anh Quyết trưởng ban phát biểu: “Người nào cũng yêu cầu ra phía trước còn phía sau bỏ lại cho ai? Cơ quan vật tư chi viện là cơ quan tiếp nhận giao hàng, vận chuyển, bảo quản, chi viện cho chiến trường kia mà! Như vậy công việc phía sau có nặng như phía trước không? Không có phía sau chi viện cho phía trước làm sao có điều kiện hoạt động? Trừ khi ta giải phóng toàn khu bấy giờ mới không còn phía sau hay phía trước. Là cán bộ đảng viên, cấp trên phân công việc gì thì làm việc ấy. Giờ phút này là giờ phút đi vào quyết tử, thông báo cho các bộ phận trực thuộc cơ quan biết chỉ bảo vệ cơ sở sản xuất cũ không phát triển thêm diễn tính mới. Có heo, gà làm thịt bồi dưỡng cho anh em ăn để rồi chia tay lên đường làm nhiệm vụ”.

 

Tôi được phân công phụ trách một đoàn xe tải 8 chiếc chở đầy hàng hóa, vật tư lên chiến trường Tây Nguyên. Nghiên cứu kế hoạch phân bổ hàng cho các tỉnh trong đó có Phú Yên và Khánh Hòa.

 

Đoàn xe xuất phát từ Làng Hồi (Phước Sơn) tỉnh Quảng Nam lúc 7 giờ ngày 28/2/1975. Xe vượt qua Khâm Đức xuyên theo đường đông Trường Sơn băng qua bao cánh rừng săng lẻ, bao con sông, con suối in đầy bóng núi xanh thẳm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Nhiều chiếc cầu tạm bị chia cắt làm đôi, làm ba như một nhát rìu phang ngọn, ngập xuống ngổn ngang dưới lòng sông.

 

Ngày ở Trường Sơn sao mà dài thế, ngồi trên xe tải chán rồi lại nằm, đặt lưng xuống rồi lại nhổm phắt dậy. Cách vài tiếng đồng hồ lại có tiếng phản lực ì ì, lúc đầu thấy một tốp, hai tốp rồi ba, bốn tốp, chúng kéo nhau đi từng đoàn. Chiều đến những tia nắng nhạt cùng hấp hối sau những rặng núi xanh. Con đường ngả sang màu khói đục, đoàn nghỉ nấu cơm ăn sáng tiếp tục lên đường.

 

Đúng 2 giờ chiều ngày 6/3/1975, trời tạnh mây, gió nhẹ. Đoàn xe đưa chúng tôi đến giữa cánh rừng xanh đậm, nối nhau những hàng cây thẳng tắp chính là vùng kho “khu rừng xanh” nơi khu giao hàng cho B.3 (Nam Đắk Lắk), Khánh Hòa, Phú Yên đã từng công tác, cùng sống với nhau một thời cũng có mặt tại đây để nhận hàng. Tôi trao đổi với mấy đồng chí Phú Yên tổ chức bữa cơm liên hoan kẻo ngày mai chia tay mỗi người mỗi ngả biết lúc nào được gặp lại nữa!

 

Mấy cô nữ đáp lại: “Thủ trưởng có thì chiêu đãi chứ chúng em không có thứ gì cả!, “Đừng lo! Thứ gì cũng có! Tôi vào đây biết thế nào cũng gặp các cô, các cậu lên gùi hàng nên tôi chở theo nhiều thứ định tổ chức một bữa ăn cho vui để biết mùi vị của miền Bắc. Tôi không phải sinh ra ở Phú Yên nhưng rất Phú Yên”.

 

Đêm hôm ấy giữa những cánh rừng đông nam Tây Nguyên, bọn chúng tôi cột võng ngồi xúm xít xung quanh đống lửa, tâm sự trao đổi với nhau, hết chuyện này sang chuyện khác không sao ngủ được, đã giúp tôi hiểu thêm tình hình mấy năm xa cách Phú Yên, tôi cố nhớ và ghi chép lại để sau khi kết thúc chiến tranh tôi sẽ tặng Phú Yên tập hồi ký mang tính sử thi để sau này bổ sung cho lịch sử địa phương tiếng nói của người trong cuộc.

 

Tôi ở vùng kho “rừng xanh” 2 ngày, ngày 8/3 trở ra đứng ở phía tây nam cách Buôn Ma Thuột khoảng 7km được cán bộ quân sự Quân khu và Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết một cách cụ thể là chiến dịch mở màn từ ngày 4/3/1975 quân ta đã cắt đường 14 giữa buôn Hồ và Plâycu cắt đường 21 đánh nghi binh hướng Kon Tum - Plâycu. Ngày 8/3 đánh chiếm quận lỵ Thuận Mẫn (Đông bắc Buôn Ma Thuột 65km) và quận lỵ Đức Lập (tây nam Buôn Ma Thuột 60km), nhân dân nổi dậy phá banh các khu dồn dân và các ấp chiến lược xung quanh quận lỵ. Địch phản ứng quyết liệt. Số cán bộ nội thị đã chuẩn bị sẵn sàng chờ khi tấn công thì vào trung tâm thị xã lúc đó mới triển khai, vào sớm sợ lộ mục tiêu. Anh Chính đại diện ủy ban Cách mạng khu tặng cho tôi một gói thuốc thơm và thông báo cho bọn tôi biết tình hình: “Đêm nay sẽ đánh vào nội thị”. Tin ấy loan ra làm xôn xao cả khu rừng mọi người đều nhảy đổng lên vì vui sướng.

 

Đúng 1 giờ 55 ngày 10/3, được pháo binh hỗ trợ có xe tăng dẫn đầu tấn công chiếm các mục tiêu quan trọng. Đứng trên đồi cao nhìn xuống trại Mãnh Hổ, sân bay Hòa Bình, sở chỉ huy Sư đoàn 32 ngụy bị pháo binh, quân giải phóng rót đã tan tành. Cơ sở hợp pháp bên trong thị xã phối hợp với cán bộ bất hợp pháp lọt vào dẫn đường đưa các cánh quân chiếm lĩnh các mục tiêu, các đoàn công tác bám dân phát động quần chúng nổi dậy truy bắt ác ôn, truy lùng các ổ đề kháng kêu gọi những người làm việc cho địch ra trình diện, nạp vũ khí. Các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội phân công cán bộ quản lý chặt chẽ các cơ sở kho tàng nhà máy, bệnh viện không để thất thoát; chăm lo cứu tế cho dân nghèo, giải quyết ốm đau bệnh tật cho quần chúng, giữ vững an ninh trật tự cho thành phố.

 

Đây là công việc mới mẻ, phức tạp, cán bộ ta chưa có kinh nghiệm quản lý đô thị, một thủ phủ 6 tỉnh Tây Nguyên sầm uất. Ta tiếp quản Buôn Ma Thuột vẫn còn nguyên vẹn. Lần đầu tiên tôi mới tới đây, giai đoạn kháng chiến chống Pháp tôi công tác vùng đông Tây Nguyên nhưng chỉ hoạt động xung quanh vành đai huyện Ma Đờ Rắc và huyện Cheo Reo chứ làm gì biết được Buôn Ma Thuột?

 

Mới giải phóng được mấy hôm mà trật tự an ninh đã thật sự trở lại. Các chợ trong thị xã im lìm đóng cửa, bỏ sạp, dần dần nhộn nhịp đông vui hẳn lên. Trên các nẻo đường người qua kẻ lại nô nức mua sắm và thăm hỏi anh chị em từ chiến khu trở về thật là cảm tình đầm ấm.

 

Chúng tôi đang đi giữa thị xã Buôn Ma Thuột với niềm vui giải phóng thế mà đài Sài Gòn và đài BBC to mồm đưa tin: “Buôn Ma Thuột” quyết “tử thù” còn “vững vàng chống trả”, thật là nực cười!

 

Cau Song Bo.jpg
Cầu Sông Bờ, đường 7, nơi diễn ra trận đánh lịch sử 35 năm trước. Ảnh: H. Quyên

 

Ngày 14/3 đoàn xe chúng tôi trên đường trở ra, ghé vào khu vực Bầu Cạn và Plâycu nghe tình hình ở đây rất lộn xộn bọn địch khắp nơi tập trung dồn tới bị quân ta bao vây chặn đường đi lại các ngả từ phía bắc đến phía tây thị xã. Đạn róc két của quân ta nã tới tấp rơi gần sân bay. Chiều 15 bọn chúng rút chạy khỏi Plâycu và Kon Tum theo quốc lộ 14 phía nam Thành An, ở đây rẽ về phía Đông theo đường số 7 xuống Phú Bổn để về đồng bằng Phú Yên. Bọn chúng tưởng như thế là thoát thân nhưng lại bị quân dân Phú Bổn và quân dân Phú Yên bắt sống tiêu tiệt toàn bộ.

 

Cuộc tháo chạy tán loạn của gần 2 vạn quân ngụy ở Tây Nguyên tháng 3/1975, nhà báo Mỹ Frank-srepp viết “Quân của tướng Tất, người điều khiển cuộc rút chạy, gây rối ren thêm. Ông ta quên chuẩn bị việc sơ đẳng nhất. Do đó lính và dân chen chúc, trộn lẫn với nhau, còn xe tăng và xe bọc thép chở nặng thì lại dẫn đầu. Một đoàn quân gồm 2.000 xe hơi, xe Zip, xe vận tải nhanh chóng ngập trong sông bùn”.

 

Plâycu, Kon Tum giải phóng, chúng tôi ở đó công tác 3 ngày, được lệnh của Khu ủy giao toàn bộ hàng hóa, vật tư kho tàng của khu còn lại dọc Trường Sơn cho tỉnh quản lý khẩn trương về khu tiếp quản các thị xã đồng bằng.

 

VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một chuyến ra khơi đánh cá
Thứ Tư, 24/03/2010 16:00 CH
Cuối tuần, ra hồ câu cá
Thứ Tư, 17/03/2010 14:30 CH
Giữ hồn trống đôi
Thứ Năm, 11/03/2010 11:00 SA
Soi cua ở cửa sông
Thứ Tư, 10/03/2010 14:00 CH
Chong mành tôm hùm giống
Thứ Tư, 03/03/2010 07:25 SA
Năm mới ở xóm Gò trong phố
Thứ Tư, 24/02/2010 07:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek