Thứ Năm, 03/10/2024 20:31 CH
Năm mới ở xóm Gò trong phố
Thứ Tư, 24/02/2010 07:15 SA

Câu chuyện đầu năm mới với những anh em “xóm Gò” thuộc khu phố Ninh Tịnh 2 - khu phố nhà vườn khá đặc trưng của thành phố trẻ Tuy Hòa - làm tôi cảm thấy phấn khởi. Ở một cụm xóm nhỏ chỉ dăm ngôi nhà thấp tè năm nào giờ khang trang hẳn. Các hộ đã tự vận động nhau làm được một đoạn đường bê tông, bắt điện đường, treo cờ trong những ngày lễ tết và làm cả tấm băng - rôn “Chúc mừng năm mới” mắc dưới ánh điện nhấp nháy ngay đầu ngõ...

 

xom-go.jpg

Xóm Gò đón tết - Ảnh: G.MINH

Đã gặp nhiều tấm băng-rôn, bảng hiệu và đi qua không biết bao nhiêu con đường bê tông bề thế, nhưng tôi thật sự ấn tượng khi đón Tết Canh Dần cùng những hộ cư dân ở “xóm Gò” thuộc khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa. Cái xóm ở ngay sau lưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đang xây dựng, có chưa tới chục nóc nhà, đã tự “hùn” tiền làm đường bê-tông, bắt điện đường và treo cả câu “Chúc mừng năm mới ở ngay đầu hẻm. Cái xóm mà cách đây chưa tới chục năm chỉ là những ngôi nhà tạm bợ lụp xụp bên cạnh những ngôi mộ rải rác.

 

Sự đổi thay cũng như quyết tâm của những cư dân mới đã biến xóm Gò cũ kỹ, vắng vẻ ngày nào trở thành một khu phố đúng nghĩa. Anh Đặng Thế Vũ, “bác tài” cộ bò, một trong những cư dân đầu tiên ở xóm Gò, nhớ lại: “Hồi ấy xóm này chưa tới chục nóc nhà ở xen lẫn với mồ mả. Nếu chồng đi làm hoặc có việc đi về khuya, vợ ở nhà không dám ngủ một mình”. Anh Hai Nghĩa ở đầu xóm lại kể câu chuyện khác: Tết năm ấy, cả xóm còn xài đèn dầu tối om, nhà lại cách xa nhau. Đêm giao thừa, buồn quá, bốn năm anh em mỗi người mang một cây đèn hột vịt tập trung lại đánh bài uống rượu để chờ đón giao thừa.

 

Thế nhưng hình ảnh ấy, câu chuyện ấy chỉ còn trong ký ức của những người đầu tiên đến xóm Gò này. Sau 10 năm, xóm Gò ngày nào đã khoác lên mình chiếc áo mới. Nhà cửa mọc lên nhiều hơn, san sát nhau, khang trang. Xóm đón thêm nhiều cư dân mới, đời sống khá hơn hẳn nhờ sự chăm chỉ, chí thú làm ăn và rất đoàn kết. Một ví dụ điển hình cho sự đoàn kết là chuyện làm đường bê-tông, treo khẩu hiệu, treo cờ Tổ quốc ngày tết. Trong một cuộc trà dư tửu hậu, anh Vũ “cộ bò” cùng mấy anh em trong xóm bỗng nảy ra “sáng kiến” mọi người cùng góp sức, góp của để làm đường bê-tông vào hẻm, để xóm sạch sẽ, thoáng đãng, ra vẻ là khu dân cư ở thành phố một chút. Ý tưởng hay là vậy, nhưng với dân nghèo, để góp đủ tiền làm được một đoạn đường bê-tông không phải là chuyện nói xong là “làm cái rụp”. Vậy là, “liên gia xóm” nghĩ ra cách để mỗi nhà đóng góp làm một đoạn theo phương thức để dành, đủ đoạn nào làm đoạn đó. Sau hai năm tổ chức và vận động, đến Tết Canh Dần này, con đường vào hẻm dài 50m đã hoàn toàn được “bê-tông hóa”.

 

Có đường bê-tông rồi, để ra mặt phố phường, người dân trong xóm lại ngồi cùng nhau và ai cũng phấn khởi hưởng ứng khi có người đề xuất bắt điện cho sáng con hẻm, vừa văn minh lại góp phần phòng chống tệ nạn. Phương án chia đều đóng góp theo đầu hộ lại được triển khai, để mua dây, mua bóng đèn compact tiết kiệm điện và trả tiền điện hàng tháng. “Công trình” hoàn thành trước Tết Nguyên đán trong sự “hâm mộ” của nhiều cụm hộ dân khác. “Mô hình” thắp điện đường của hẻm anh Vũ “cộ bò” nhanh chóng được nhân rộng ra các hẻm anh Hội, anh Pháp, anh Tùng lân cận.

 

Vậy là, đường vào xóm Gò tối om, buồn hiu hắt trong những tối hôm nào nay đã trở nên sáng sủa, sạch sẽ, nhộn nhịp. Anh Trần Đăng Mỹ, một người dân trong xóm xung phong đến tiệm quảng cáo in luôn một tấm băng-rôn “Chúc mừng năm mới” và cành mai vàng rực treo băng ngang hẻm. Anh Hải cũng góp phần mình bằng dây đèn “ôtô mitít” (automatic) nhấp nháy. Bọn trẻ trong xóm được dịp vỗ tay vui như tết.

 

Không chỉ là những việc vui bề nổi, đời sống xóm Gò ngày nào giờ cũng đang đổi khác. Người dân xóm Gò có đủ thành phần nghề nghiệp. Người kéo cộ bò, kẻ làm công, người thợ xây, thợ mộc… nhưng rất đoàn kết và chí thú làm ăn. Ngoài nghề chính của mình, mỗi hộ đều có nghề tay trái là làm vườn trồng hoa, cây kiểng. Cuối năm, từ nguồn thu nhập này, người dân xóm Gò cũng rủng rỉnh tiền tiêu tết và có khoản để dành nuôi con ăn học. Anh Tư Diện làm nghề kéo cộ bò, phấn khởi nói: “Đời mình kéo cộ bò đã quá khổ rồi nên phải lo cho con kiếm cái chữ để có tương lai”. Anh Nguyễn Mỹ tổ trưởng tổ dân phố, cho biết: “Đời sống bà con xóm Gò đang đổi thay từng ngày. Đáng quý là tinh thần đoàn kết, nghĩa xóm làng và cách nghĩ về tương lai cho con em. Riêng “mô hình” dân tự góp công, góp của làm bê tông vào các con hẻm nhỏ, bắt điện đường sẽ được báo cáo để nhân rộng khắp khu phố”.

 

GIA MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chị Thịnh hiến máu cứu người
Thứ Năm, 18/02/2010 11:00 SA
Chuyện nghề của ba phi công lão luyện
Thứ Tư, 17/02/2010 15:00 CH
Biển của huyền thoại
Thứ Tư, 17/02/2010 07:00 SA
Còn đó Miễu Ông Cọp
Thứ Ba, 16/02/2010 15:00 CH
Lũa, đá ngàn năm...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:30 SA
Dòng họ giỏi võ
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek