Khi tôi đến nhà thì đã quá trưa, bên bộ trống đôi đã hoàn tất, Ma Hải (tức là ông So Mai, người Ba Na) còn cặm cụi ngồi vót nan tre để làm giàn cho lễ xoay cột buổi văn nghệ tối. Ma Hải bắt đầu làm bộ trống đôi này từ 6 tháng trước.
Ma Hải bên bộ trống đôi ông mới làm xong- Ảnh: N.T.HẬU
Ông nói: “Nghề làm trống đôi đã có từ thời cha ông của mình. Bây giờ mà để mất đi thì cái bụng không yên được”. Thế nên cho dù năm nay đã bước qua tuổi 65, tiền bạc có hạn, trong khi hoàn thành một bộ trống đôi phải tốn hơn 6 triệu đồng, Ma Hải vẫn bắt tay vào làm. Một lần biểu diễn cồng chiêng phải có 5 chiêng, ba cồng và một bộ trống đôi. Mỗi độ lễ tết, nếu vắng tiếng cồng chiêng, điệu trống đôi thì núi rừng cũng ít nhiều mất đi sự rộn rã. Bởi thế, trong 6 tháng ròng, sau việc nương rẫy, Ma Hải lại miệt mài với việc làm trống. Ông cho biết: “Khó nhất là công đoạn căng da bò cho hai mặt trống để tạo âm thanh. Trống đôi có hai đầu thì mỗi đầu vỗ vào sẽ cho một âm thanh khác nhau”.
Nếu quan sát kỹ thì mặt trống bên trái (tính theo phía người mang trống ) ta sẽ thấy một lỗ nhỏ ở vị trí đồng tâm. Khi vỗ vào mặt này sẽ cho ra âm thanh gọi là “tiếng đáp”. Vỗ vào mặt còn lại sẽ nghe “tiếng đối”. Điều đó tạo sự nhịp nhàng với tiếng âm của cồng, tiếng vang của chiêng và tiếng đối đáp của trống đôi, bắt nhịp cho điệu múa xoang thiếu nữ.
Ma Hải còn cho biết thêm, da bò để làm trống phải là da bò cái già. Bò càng già, âm thanh càng vang và độ bền càng cao. Da bò đực già dày hơn rất nhiều, độ bền hơn hẳn, song lại không có tính đàn hồi nên không cho âm thanh tốt, bởi vậy hầu như người Ba Na không sử dụng để làm trống đôi. Ma Hải cũng đã cất công tìm gỗ sầu đâu từ nhiều năm trước để làm tang trống. Ông nói, gỗ sầu đâu phải thật già mới cho vân gỗ đẹp. Đóng đinh nhôm để gắn kết da bò với gỗ sầu đâu trên trống đôi cũng là một kỹ thuật khó. Người làm trống phải biết cách làm sao đóng đầu đinh đi vào gỗ thật chậm, vừa khít, để âm thanh của trống không bị loãng. Mỗi chiếc trống trong bộ trống đôi được đóng 64 đầu đinh; đinh được đóng hai hàng ở hai bên đầu trống, mỗi bên 32 đầu. Sau khi đã đóng gỗ, căng da và đóng đinh, công đoạn cuối cùng là luồn dây đeo. Dây được luồn ôm hai đầu trống và đan qua thân sao cho khi biểu diễn, người thanh niên có thể hoạt bát vỗ, đung đưa bước chân theo nhịp múa.
Năm nào, vào dịp đầu xuân, xã Xuân Quang 1 cũng tổ chức văn nghệ truyền thống. Niềm vui như đọng lại trên đôi mắt của Ma Hải và cả mọi người khi mùa xuân này, bên cạnh lời ca tiếng hát lại có thêm tiếng cồng chiêng và tiếng trống đôi. Trên mái nhà rông, Ma Hải háo hức ngồi vỗ đôi trống mới tinh vừa làm xong. Tiếng trống đôi từ bàn tay ông trỗi lên như thúc giục, như gọi mùa xuân về và ở lại với buôn làng. Thấp thoáng bên những mái nhà sàn khác, có bóng sơn nữ đang ngắm lại bộ váy thổ cẩm, chuẩn bị cho điệu xoang theo tiếng đối tiếng đáp bên ánh lửa hồng khi đêm về.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã Xuân Quang 1 cho biết: “Xã xuân Quang 1 có năm thôn thì đã có hai thôn tập trung đồng bào Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê là Suối Cối 2 và Phú Tâm. Hiện nay bà con rất muốn khôi phục lại đội cồng chiêng truyền thống, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm của Ma Hải thật ý nghĩa, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nhạc cụ truyền thống của dân tộc, vừa giáo dục được tinh thần thế hệ sau. Nếu các ban ngành liên quan có biện pháp khuyến khích hơn nữa thì tôi tin, sắp tới các lễ hội cồng chiêng ở địa phương sẽ có thêm động lực để sống lại một cách mạnh mẽ”.
NGUYỄN THỊ HẬU