Đầu mùa thu năm trước, được sự giúp đỡ của Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, đoàn cán bộ nghỉ hưu chúng tôi đi thăm các tỉnh Tây Nguyên. Tham gia đoàn có các anh: Nguyễn Văn Trúc, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Chín, Nguyễn Tài và tác giả bút ký này.
Trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - Ảnh: V.T.C |
Dù đã nghỉ hưu song mỗi người trong đoàn còn sức khỏe và rất hăng hái, mong được “biết đó, biết đây” để mở mang tầm nhìn, gặp gỡ bạn bè quen biết ở các tỉnh bạn. Chúng tôi tự nhủ phải cố gắng để tự mình làm chậm lại quá trình lão hóa của mỗi người, từ cơ bắp, gân cốt, trí tuệ và nếu có thể được thì tìm hiểu thu thập chút kinh nghiệm nào đó để có dịp tham gia ý kiến với tỉnh nhà, nhằm góp phần xây dựng một tỉnh Phú Yên ngày càng giàu, đẹp. Đã lâu lắm mới có một chuyến đi thật sự bổ ích và thú vị.
Ngược quốc lộ 25, theo dòng sông Ba uốn khúc dưới từng mảng rừng xanh nối tiếp với ruộng bắp và những cánh đồng mía tốt tươi, nhìn thấy người dân đang hăng say lao động sản xuất xen lẫn đàn bò vàng chăn thả dọc hai bên đường khá vui mắt, đã nói lên phần nào sức sống của quốc lộ 25 lịch sử. Mỗi người trong đoàn đều nghĩ rằng: Nếu con đường này được đầu tư nâng cấp và tổ chức lại các điểm dân cư, hình thành các thị tứ, giao lưu mua bán sản phẩm, mở dịch vụ ăn uống, giải khát phù hợp thì chẳng bao lâu nó sẽ trở thành nhộn nhịp đông vui của một hành lang giao thông, kinh tế “cửa ngõ” của Phú Yên đối với Tây Nguyên.
Từ ý nghĩ ban đầu khích lệ, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình qua thị xã
Mặc dù vậy, với một loạt công trình thủy điện, thủy lợi như Sông Hinh, Ea Krông Hnăng, Sông Ba Hạ và Ayun Hạ, liên quan dòng nước thượng nguồn sông Ba đổ về hạ du, qua đập Đồng Cam, đòi hỏi các nhà chức trách phải có một kế hoạch phối hợp điều tiết nước khoa học thì người dân sống ven sông Đà Rằng mới tránh được khó khăn do hạn hán, lũ lụt gây ra sau này.
Xe chúng tôi đi qua những cánh đồng nhỏ bạt ngàn cà phê, hồ tiêu và rừng trồng của vùng đông Gia Lai. Ở đây toát lên cảnh trù phú trong nét mặt hớn hở của người dân. Được biết tỉnh bạn đang trên đường phát triển, thu nhập quốc dân sản xuất tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây, kinh tế tăng trưởng khá, tổng thu ngân sách cao hơn Phú Yên, thành phố Pleiku được chỉnh trang quy hoạch, từng bước xây dựng thành một đô thị hiện đại tại trung tâm của vùng cao nguyên với cụm khách sạn cao tầng của Tập đoàn kinh tế Hoàng Anh Gia Lai uy nghi, lộng lẫy và Biển Hồ thơ mộng.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các anh lãnh đạo cũ của tỉnh đã đón tiếp đoàn hết sức chân tình, tạo cho mỗi thành viên trong đoàn những ấn tượng khó quên.
* * *
Đến thăm tỉnh Kon Tum vào chiều ngày thứ ba của chuyến đi, đoàn được Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đón tiếp, hướng dẫn đi thăm cầu treo qua sông Đăkbla, nhà ngục Kon Tum, thăm một số cảnh đẹp trong thị xã. Buổi tối, đồng chí Đào Xuân Quý, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, cùng một số anh chị em trong Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân thị xã Kon Tum tiếp đón đoàn thật chân tình và rất trọng thị.
Anh Đào Xuân Quý là người Phú Yên theo gia đình lên hoạt động và trưởng thành tại tỉnh Kon Tum. Trong câu chuyện tâm tình, đoàn được biết tỉnh Kon Tum vẫn còn khó khăn trong phát triển kinh tế, tuy vậy các đồng chí ở đây rất cố gắng, đang tập trung trồng rừng xây dựng vùng nguyên liệu giấy, chuẩn bị cho nhà máy giấy quy mô lớn sẽ được đầu tư xây dựng. Cùng ngày, tỉnh mời đoàn đi thăm cụm du lịch đang được đầu tư hình thành tại Măng Đen thuộc huyện Kon Rẫy, cách trung tâm tỉnh khoảng 40 km hướng về đông. Măng Đen một địa danh nổi tiếng mà hơn 50 năm trước đây, giặc Pháp ngạo mạn rêu rao là “một tiền đồn bất khả xâm phạm” đã bị bộ đội ta tiêu diệt, san bằng trong chiến dịch Tây Nguyên cuối năm 1953 đầu 1954, để lại dấu ấn trong lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như một kỳ tích, một chiến công chói lọi, giờ đây được quy hoạch, đầu tư thành một khu du lịch. Măng Đen quả thật giống như một “tiểu Đà Lạt” có khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ, đang mọc lên nhiều biệt thự, khách sạn, nhà hàng, chuẩn bị đón khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch từ khu kinh tế Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi lên đây nghỉ ngơi… Chúng tôi thầm mong cho tỉnh bạn thành công.
Đoàn lại tiếp tục lên đường thăm Đắc Tô, Tân Cảnh, Plây Cần - ngã ba Đông Dương lừng lẫy chiến công và thăm cửa khẩu quốc tế Bờ Y giáp với nước bạn Lào đang trong thời kỳ hoàn chỉnh. Chúng tôi nghĩ, từ cửa khẩu quốc tế có quy mô không nhỏ này xuôi theo quốc lộ 14 và quốc lộ 25, từ ngả ba biên giới Việt - Miên - Lào tại Bờ Y đến Phú Yên chỉ khoảng non 300 km. Chắc chắn không chỉ có người dân - du khách từ Tây Nguyên đến với Phú Yên, mà còn cả du khách Lào, Miên, Thái Lan và du khách quốc tế khác, nếu chúng ta có hệ thống đường sá tốt, tổ chức nhiều dịch vụ tiện ích, thuận lợi, có giá cả phù hợp thì cơ may phát triển ngành du lịch biển Phú Yên là hoàn toàn không nhỏ.
Cầu treo Kon Klor nổi tiếng ở thị xã Kon Tum - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Tỉnh Kon Tum còn khó khăn hơn Phú Yên, song chúng tôi cảm nhận và nhớ mãi quang cảnh nhà khách của tỉnh, bao gồm khách sạn, nhà hàng khá đẹp đẽ, khang trang, tiện lợi cho đón khách và phục vụ khách của tỉnh. Trong câu chuyện, anh Đào Xuân Quý đã chuyển đến đoàn Phú Yên lời chào và thăm hỏi sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo khác trong Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc các anh chị ấy không đến được và thông báo cho đoàn đôi nét về sự phát triển của tỉnh nhà. Các thành viên trong đoàn, đặc biệt là các đồng chí trẻ tuổi, sức khỏe còn tốt đã trải qua những thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thoải mái, bổ ích, đáng nhớ như một kỷ niệm tại thị xã Kon Tum.
* * *
Rời thị xã Kon Tum, xuôi đường 14 về thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk chúng tôi mang theo điều trăn trở: Giá như Chính phủ đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh quốc lộ 25 và ba tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có chương trình phối hợp phát triển du lịch thì vùng biển đẹp của Phú Yên sẽ là điểm đến thuận lợi, hấp dẫn biết bao!
Xe chúng tôi đi qua thị trấn Buôn Hồ, vào địa phận thành phố Buôn Mê Thuột, có ai đó trong đoàn đã đọc lại câu ca dao cũ :
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”
Tại nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, không khí đón tiếp đoàn thật ấm cúng, vui vẻ. Các thành viên trong đoàn được tỉnh bạn bố trí nơi ăn nghỉ thật lịch lãm, sang trọng và đầy đủ.
Thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ của miền cao nguyên đất đỏ, nơi đây từng diễn ra trận chiến đấu lịch sử mở màn chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975, khiến kẻ địch phải rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, rồi lần lượt bị quân ta tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đoàn thăm tượng đài chiến thắng, bảo tàng lịch sử và cách mạng của các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột và thăm khu du lịch Bản Đôn, có dịp để các “ông già cưỡi voi đi dạo “ giải trí, thư giãn thật vui vẻ.
Toàn tỉnh Đắk Lắk đều trồng cà phê và cao su, nhân dân nhiều huyện trong tỉnh đã khá giả lên, nhiều nhà có máy cày, máy kéo, máy xới và trang bị hệ thống bơm tưới hiện đại, hầu hết hộ gia đình đều mua được xe gắn máy, ti vi, tủ lạnh, trẻ em được học hành, giao lưu kinh tế, hoạt động mua bán nhộn nhịp, sầm uất, đời sống vật chất, văn hóa các dân tộc anh em trong cả tỉnh không ngừng được cải thiện, làm bừng sáng lên cả một vùng trời Tây Nguyên.
Thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang trở thành “thủ đô cà phê của Việt Nam và quốc tế”, nhiều nhà máy chế biến cà phê hiện đại mọc lên, Công ty Cà phê Trung Nguyên làm ăn phát đạt, có ảnh hưởng tích cực đến chương trình phát triển kinh tế xã hội của cả tỉnh. Với nhiều dự án phát triển tổng hợp quy mô lớn mở ra nhiều triển vọng đưa thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk vươn lên mạnh mẽ trong một thời gian ngắn sắp tới.
Thành phố Đà Lạt - Ảnh: Đ.L.H |
Tỉnh bạn cùng với tỉnh Phú Yên chúng ta hợp tác xây dựng trục đường giao thông ĐT645 nối dài từ thành phố Tuy Hòa qua huyện Sông Hinh vượt cầu Đắc Phú đến thành phố Buôn Ma Thuột, rút ngắn cả trăm kilômét so với quốc lộ 26, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho du lịch biển Phú Yên phát triển và ngược lại, từ biển Phú Yên đi Buôn Ma Thuột hoặc về Gia Nghĩa, Đắk Nông cũng chỉ còn bằng “gang tấc”. Vấn đề là lãnh đạo hai tỉnh cần đẩy mạnh kế hoạch hợp tác đầu tư để đường ĐT645 sớm hoàn thiện. Hơn lúc nào hết, sau thời gian ngắn ngủi thăm tỉnh bạn, suy nghĩ của đoàn cán bộ hưu trí chúng tôi lại hướng về sự hợp tác của hai tỉnh, chúng tôi thầm mong ước giữa hai tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk có chương trình hợp tác dài hạn và mạnh mẽ hơn để cả hai địa phương có thể bổ sung thế mạnh cho nhau cùng phát triển. Sự hợp tác chặt chẽ của hai tỉnh còn là điều kiện, là tiền đề để mở ra kế hoạch hợp tác khu vực, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và cả hợp tác quốc tế trong một tương lai gần.
***
Chia tay các anh chị em ở văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, chia tay anh Ma Oanh và các anh nguyên lãnh đạo tỉnh là người Phú Yên, đoàn chúng tôi xuôi về thị xã Gia Nghĩa, thăm tỉnh Đắk Nông trong tình cảm lưu luyến.
“ Đắk Nông có chuyện lạ đời
Biến người “nô lệ” thành người tự do”
Câu thơ vui của ai đó tặng những người đàn ông mạnh khỏe là cán bộ tỉnh Đắk Nông nhưng gia đình đang sống ở Buôn Ma Thuột, bởi cả tuần, sống, làm việc tại thị xã Gia Nghĩa, chỉ có hai ngày thứ bảy, chủ nhật mới có dịp về Buôn Ma Thuột giúp đỡ gia đình, vợ con. Đắk Nông là tỉnh mới được chia ra từ tỉnh Đắk Lắk, dân số khoảng nửa triệu người, chuyên sống bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, nhưng có mức thu nhập bình quân đầu người rất khá. Thị xã Gia Nghĩa có địa hình “đồi bát úp” được quy hoạch hiện đại. Trụ sở những cơ quan hoàn thành đã đưa vào sử dụng, phần lớn cơ quan còn lại đều đang xây dựng dở dang. Quan sát tổng thể những ai đến đây cũng dễ nhận ra tiềm năng và sức vươn lên của một tỉnh mới, giàu sức sống và đầy khát vọng.
Chủ tịch một số huyện và lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là người quê Phú Yên. Chúng tôi gặp nhau, tay bắt mặt mừng và có không biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau.
Đoàn được bố trí nghỉ tại một khách sạn du lịch do doanh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh lên đầu tư xây dựng, đầy đủ tiện nghi. Buổi tối đoàn được mời ăn cơm tại một nhà hàng sang trọng. Tại đây, đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho chúng tôi biết: Nếu một vài năm tới, các dự án khai thác, chế biến bôxít quy mô lớn được triển khai xây dựng thì chẳng bao lâu thu nhập quốc dân (GDP) của Đắk Nông sẽ vượt các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh đồng bằng vùng Nam Trung Bộ. Hiện tại cả tỉnh đang trong tình trạng phấn chấn, chờ đợi nguồn “vàng trắng” bôxít để mở ra hướng làm giàu. Chúng tôi biết phần nào thông tin về vấn đề này và chân thành cầu mong tỉnh bạn sớm đạt được.
Thị xã Gia Nghĩa với hầu hết đàn ông, thanh niên đều là “người tự do” nên nhiều nhà hàng, cửa hiệu, quán karaoke vui hát rất khuya, và cũng là dịp các thành viên trong đoàn Phú Yên hòa nhập, chứng tỏ sức “trẻ, khỏe” và khả năng ca hát của mình.
***
Chia tay bạn bè ở Đắk Nông, đoàn xuống thăm thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng. Lần đầu tiên các thành viên trong đoàn và cả tài xế đi con đường này, cung đường gần, hơi dốc, chỉ khoảng 30 km trước khi đến huyện Đức Trọng chưa được thảm nhựa, phần còn lại đường khá tốt, phần lớn đều xuyên rừng rậm, từng đoạn vài chục kilômét xe qua suối cạn có thác nước thật nên thơ.
Đến thành phố Đà Lạt, đoàn được tỉnh bố trí nghỉ tại nhà khách trung tâm (Dinh 2 cũ). Tại đây, chúng tôi gặp một số bạn bè và đi dạo Đà Lạt về đêm quanh hồ Xuân Hương. Sáng hôm sau, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thăm Thiền viện Trúc Lâm bằng cáp treo và một vài di tích thắng cảnh trong thành phố. Trong đoàn ai cũng đã nhiều lần đến thăm Đà Lạt, lần này gặp thời tiết chuyển mùa nên cả đoàn quyết định rút ngắn thời gian.
Anh Huỳnh Đức Hòa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng - mời đoàn ăn cơm trưa, hỏi thăm sức khỏe các thành viên và kể chuyện tỉnh Lâm Đồng đang hợp tác làm ăn với nhiều tổ chức kinh tế cả trong và ngoài nước, giúp chúng tôi biết thêm nhiều thông tin mới mẻ.
Suốt chuyến đi hơn một tuần qua 4 tỉnh Tây Nguyên, đoàn được bạn bè nhiệt tình và chân thành chúc mừng Phú Yên đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn (thời kỳ này báo chí đăng nhiều tin tức về tỉnh Phú Yên khởi sắc trong hợp tác đầu tư). Tiếp nhận lời chúc của bạn bè, cả đoàn đều chân thành cảm ơn. Là người của tỉnh, mỗi thành viên đều hiểu rõ phía sau thông tin bề nổi, Phú Yên cũng có những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi giữ nguyên tắc “không bình luận” và tôn trọng tuyệt đối việc làm của lãnh đạo tỉnh nhà.
Anh Hòa kể những khó khăn, vướng mắc suốt quá trình hợp tác đầu tư, nói kinh nghiệm của Lâm Đồng có dự án được trao giấy phép và hoàn thành thủ tục cả thời gian dài, có dự án sau 5-6 năm mà nhà đầu tư không làm gì cả, tỉnh bạn đành phải thu hồi giấy phép. Qua ý kiến chân thành của đồng chí chủ tịch tỉnh bạn, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề cần thẩm tra năng lực tài chính của các chủ dự án đầu tư và động cơ sâu xa của họ là rất cần thiết. Biết vậy, song cũng chỉ là những thông tin tham khảo. Chúng tôi bảo nhau, chỉ khi nào có dịp và thật cần thiết mới nên nói ra mà đã nói ra thì phải nói đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng và tin tưởng tuyệt đối vào cơ quan chức năng cùng những cán bộ có trách nhiệm của tỉnh nhà.
Tiếp nhận những chai rượu “Vang Đà Lạt”, món quà tình nghĩa của Ủy ban nhân dân tỉnh, đoàn cảm ơn đồng chí Chủ tịch và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
***
Rời Đà Lạt, đoàn xuôi về thành phố biển Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa theo hướng đi thẳng xuống ngã ba thành Diên Khánh.
Ngày hôm sau, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đưa đoàn chúng tôi đi thăm hai cơ sở du lịch: Hòn Tre - Hòn Ngọc Việt Vinpearland bằng cáp treo và khu du lịch Sông Lô. Nha Trang - Khánh Hòa vừa gần gũi, quen thuộc vừa có quan hệ “ như một gia đình” trong 14 năm hợp nhất tỉnh trước đây nên chúng tôi đi thăm rất tự nhiên và như không giới hạn.
Phải nói tỉnh bạn Khánh Hòa có rất nhiều cơ sở du lịch quy mô lớn, trong đó Hòn Ngọc Việt Vinpearland và Sông Lô. Tại nơi đây được đầu tư xây dựng quy mô lớn, hiện đại, nhiều bộ phận chức năng phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và ẩm thực cho du khách rất hài hòa. Mỗi khu du lịch có năng lực đón khách lớn, lại rất đông khách, có doanh thu cao, lợi nhuận khá, đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ được đào tạo chuyên nghiệp.
Điều đặc biệt gây sự thích thú là cả hai khu du lịch đều do người Việt
Chuyến tham quan ngắn ngủi thật sự đã làm các thành viên trong đoàn nghĩ về cách làm ăn của tỉnh bạn, liên hệ với tỉnh mình và nhận thấy việc mời gọi các dự án đầu tư lớn từ nước ngoài rất cần thiết, nhưng trong khi xúc tiến và chờ đợi, mỗi địa phương nên tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp và chủ động đề ra cơ chế, chính sách mềm dẻo, rộng rãi để Việt kiều và gia đình họ tham gia một cách thiết thực, nhất là dự án quy mô nhỏ hoặc quy mô vừa vào các lĩnh vực dễ làm, nhanh mang lại lợi nhuận đang trở nên quá cần thiết và cũng quá cấp bách. Dù sao, người Việt
***
Với ngót 10 ngày đi thăm 5 tỉnh Tây Nguyên và hai khu du lịch biển của thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa là một thời gian không dài nhưng đã đọng lại trong tâm trí chúng tôi những kỷ niệm thật ngọt ngào và sâu sắc.
Cảm nhận trước tiên là đất nước mình tươi đẹp, mỗi địa phương có cảnh sắc khác nhau với nhiều núi non, sông suối thật kỳ vĩ, thơ mộng, đất đai bạt ngàn chưa được khai thác, sản xuất đúng mức để đem lại nguồn của cải phục vụ cho đời sống người dân. Nếu dưới lòng đất lại có thêm nguồn tài nguyên khoáng sản như thông tin, dự báo và nguồn tài nguyên ấy được đầu tư khai thác, chế biến một cách khoa học sẽ có giá trị lớn biết chừng nào.
Cáp treo ra khu du lịch Vinpearl - Ảnh: D.L
Tươi đẹp và giàu có là hai nét đặc trưng của Tây Nguyên. Khả năng và triển vọng hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để bổ sung thế mạnh cho nhau, cùng nhau phát triển để vươn lên làm giàu cho mỗi tỉnh cũng rõ ràng đang ở trong tầm tay. Tuy điều này đối với các thành viên trong đoàn chỉ là mơ ước và chờ đợi.
Cảm nhận tiếp theo là tại mỗi tỉnh bạn, cơ sở vật chất và sự giàu nghèo có khác nhau, nhưng nơi nào cũng nhiệt tình, trọng thị, hiếu khách. Tuy đã nghỉ hưu nhưng chúng tôi được bạn bè đón tiếp, giúp đỡ nhiệt tình. Mỗi người chúng tôi nhớ lại: Khi còn đang công tác, ít nhiều cũng đã đến các tỉnh Tây Nguyên, nhưng cũng chỉ đến, làm việc rồi đi, chỉ có lần “tham quan” này mới có điều kiện thâm nhập, tìm hiểu kỹ hơn, do đó càng thấy cảm phục và yêu mến đất Tây Nguyên và người Tây Nguyên hơn lúc nào hết.
Với hai khu du lịch biển Nha Trang, đã thật sự gây ấn tượng rất mạnh. Chúng tôi nghĩ: Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chúng tôi mong muốn và tin tưởng trong tương lai gần, tỉnh Phú Yên chúng ta cũng hoàn toàn có đủ khả năng thu hút đầu tư để xây dựng những khu du lịch biển tương tự và hơn thế. Đi sau, dù chậm nhưng bao giờ cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Bởi cuộc sống là như vậy.
Tháng 9/2008 – tháng 8/2009
NGUYỄN TƯỜNG THUẬT