Thứ Năm, 28/11/2024 12:33 CH
Thâm nhập “làng” hải mã
Thứ Tư, 19/08/2009 14:30 CH

Ven quốc lộ 1A đoạn qua các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh (huyÇn Sông Cầu), hàng quán bán cá ngựa “mọc” lên la liệt. Dân nơi đây đổ xô kinh doanh loại thủy sản quý hiếm, có nhiều đặc tính dược học độc đáo được nhiều người quan tâm.

 

Ca-ngua.090819.jpg

Một đoạn “làng” cá ngựa ven quốc lộ qua Sông Cầu. Ảnh: Đ.T.TRỰC

 

CẬN CẢNH “LÀNG” CÁ NGỰA

 

Ban đầu, trên đoạn đường này chỉ rải rác vài quán nhỏ bán cá ngựa ngâm rượu trắng. Càng ngày số người mua càng tăng lên rất nhiều. Các quán, cửa hàng kinh doanh cá ngựa lần lượt xuất hiện, với những tấm biển quảng cáo đủ kích cỡ, màu sắc. Người đi đường qua đây có cảm giác như mình đang đi trên một “làng” cá ngựa. 

 

Cá ngựa ở đây có nhiều màu vàng, đen, trắng, tím… được mua từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cá còn sống, chủ quán cho vào bồn thủy tinh sục khí ôxy. Với cách này, cá ngựa có thể sống khoảng 7 ngày. Nếu cá chết, phải đem ướp lạnh hoặc phơi khô. Trong quán lúc nào cũng có ba loại cá sống, lạnh, khô, đáp ứng nhu cầu của người mua. Cách chế biến, ngâm rượu cá ngựa cũng khá đơn giản. Ông Tống Ngọc Minh, chủ một quán rượu cá ngựa, cho biết: “Cá ngựa ăn phù du, ở nước mặn nên không bẩn như các loài khác, chỉ cần rửa sạch bên ngoài, cho vào bình rượu ngâm là xong”. Có nhiều cách ngâm khác nhau. Thông thường người ta ngâm một cặp cá ngựa sống (cỡ bằng ngón tay cái) trong hai lít rượu gạo nguyên chất; có khi ngâm nhiều cá kết hợp với tắc kè, sao biển, sáp ong, củ đinh lăng hay một vài vị thuốc bắc. Giá một bình rượu cá ngựa 2 - 4 lít 200.000 - 400.000 đồng. Nếu khách cần mua cá sống, ngâm đá hay phơi khô, quán cũng có ngay. Giá mỗi con cá 50.000 - 80.000 đồng. Người mua cá sống tự tay bắt cá ngâm vào bình rượu đã chuẩn bị sẵn, mang về.

 

Khách của “làng cá ngựa” chủ yếu là các quý ông tham quan du lịch, công tác ghé lại mua về bồi dưỡng cơ thể hoặc làm quà. Ông Minh cho biết: Bây giờ quán nhiều, người mua thì ít. Trước kia, trung bình mỗi  ngày bán được một bình rượu, nay cả tuần có khi không bán được bình nào, khách chỉ vào xem rồi đi”.

 

SĂN TÌM HẢI MÃ

 

Cá ngựa thường xuất hiện nhiều từ tháng hai đến tháng năm âm lịch. Khi gió nam về, cá ít hơn. Săn cá ngựa chủ yếu là ngư dân vùng biển xã Xuân Phương, Xuân Thịnh. Họ đi đánh cá rồi lặn bắt thêm cá ngựa như một nghề tay trái. Nhóm thứ nhất là những người đi câu mực, đánh cá ở trong vịnh, tranh thủ lặn bắt, may mắn thì mỗi đêm cũng được vài con. Bắt kiểu này, cá còn sống. Sáng sớm, họ bày bán giữa chợ, mỗi con giá 30.000 - 60.000 đồng. Nhóm thứ hai là những người đi giã cào ngoài khơi. Mỗi lần kéo lưới, ngư dân thu được vài ký cá ngựa. Khi vào đến bờ, cá đã chết, có thể ướp lạnh hoặc phơi khô, giá rẻ hơn.

 

Tôi đến chợ xem cá. Ở đây, cá ngựa cũng được bày bán như các loại cá khác. Thấy tôi, một chị bán cá vồn vã: “Chú mua đi, cá sống tốt lắm!”. Tôi nói: “Sáng nào chị cũng bán cá ngựa thế này chắc khá to”. Chị cười: “Ông xã tôi đi biển, lâu lâu mới lặn bắt được vài con chứ cá đâu mà sáng nào cũng bán”. Được vài con cá ngựa, tôi thấy khuôn mặt chị vui như người được mùa. Đi bắt cá ngựa, dù là nghề tay trái nhưng cũng mang lại thu nhập đáng kể cho ngư dân.

 

“HẬU” CÁ NGỰA

 

Cá ngựa có tên khoa học là Hipocampus, sống nhiều ở vùng biển châu Á Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá ngựa có khắp các vùng biển nhưng nhiều nhất là vùng biển Sông Cầu. Đây là loại thủy sản quý hiếm, có tác dụng trị bệnh và bồi dưỡng cơ thể. Theo Đông y, cá ngựa có tính ôn vị ngọt, giúp khí huyết lưu thông tốt. Dân gian dùng cá ngựa dùng để trị bệnh hen suyễn, đinh nhọt, tráng dương bổ thận…  

 

ca-ngua-2.090819.jpg
Cá ngựa sống nuôi trong bể thủy tinh. - Ảnh: Đ.T.T
     

Người tiêu dùng thích cá ngựa màu vàng vì cho rằng loại này hiếm nên giá trị càng cao. Giới sành chơi gọi rượu ngâm loại cá này là “rượu ông uống bà khen”. Có một câu chuyện vui về rượu ngâm cá ngựa, rằng có một quý ông tìm mua được một bình rượu cá ngựa. Chưa được hai tháng, hũ rượu sắp cạn và “sức khỏe” cũng trở lại như thời trai tráng. Một ngày kia, ông đem “chuyện vui” khoe với người bạn cùng lứa, hai người ngồi nhâm nhi những ly rượu cuối cùng. Trong bình chỉ còn lại hai con cá ngựa khô. Bỏ thì tiếc, mỗi người một con, đưa lên miệng cắn thấy cứng quá, sẵn lò than họ cho vào nướng, ai ngờ nghe mùi nhựa khét lẹ. Hóa ra là hai con cá… nhựa!

 

Cá ngựa đã được Viện Hải Dương học nuôi dưỡng thành công nhưng sự tăng trưởng còn chậm. Con giống được lấy từ tự nhiên. Môi trường  sinh sản của cá ngựa vẫn là môi trường biển, chưa lai tạo được. Vùng biển Sông Cầu có nhiều vịnh, gành, thích hợp cho loài cá ngựa tập trung sống và sinh sản. Hiện nay, loài thủy sản quý hiếm này đang bị ngư dân đánh bắt bừa bãi, e sẽ mất cân bằng sinh thái và sẽ sớm cạn kiệt.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hái lá giang... ra tiền
Chủ Nhật, 16/08/2009 07:29 SA
Buồn vui nuôi ngựa giống
Thứ Tư, 05/08/2009 14:30 CH
Đi tìm địa đạo
Thứ Tư, 29/07/2009 11:01 SA
Hành trình gần 20 năm tìm mộ cha
Thứ Sáu, 24/07/2009 19:00 CH
“Săn” mật ong rừng
Thứ Tư, 15/07/2009 18:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek