Thứ Sáu, 04/10/2024 08:26 SA
Buồn vui nuôi ngựa giống
Thứ Tư, 05/08/2009 14:30 CH

Giữa núi đồi bao la của An Xuân, xã nằm ở độ cao hơn 400m ở huyện Tuy An, có những vùng đất phẳng rộng, dù được người dân địa phương gọi là gò. Mùa này, khi dưới đồng bằng nắng như đổ lửa, khí hậu An Xuân vẫn mát mẻ.

 

ngua-1.090805.jpg
Ông Võ Ngọc “tưng tiu” chú Tía của mình. - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Trên những vạt đất phẳng ấy, loài cỏ Trung Quốc – cách người địa phương gọi một loại cây lạ không rõ từ đâu mọc lan nhanh trên đất gò - bất ngờ trổ đầy hoa tím, đẹp lạ lùng. Giữa thảm hoa tím ấy, một chú tuấn mã có nước lông nâu óng đang ngơ ngác ngước nhìn những vị khách lạ là chúng tôi, rồi gõ móng, cất tiếng hí vang. Đó là một trong hai chú ngựa đực đang được nuôi dưỡng ở An Xuân, vùng đất nổi tiếng Phú Yên và cả khu vực miền Trung vì có hội đua ngựa gò Thì Thùng vào mỗi dịp tết Nguyên đán.

 

CHỌN MẶT TRAO... NGỰA

 

Đường sá đi lại ở An Xuân rất khó khăn, nhiều đèo dốc. Người sống trên cao, nhưng làm ruộng ở thung sâu (vì chỉ dưới đó mới có nước) và làm rẫy trên những lưng đồi nghiêng nón úp. Bởi vậy, từ trước nay, ngựa là phương tiện vận tải chính của người An Xuân. Chỉ có ngựa mới thồ được hàng hóa, nông sản từ ruộng dưới thung, rẫy trên núi về nhà; hoặc băng qua những con đường lầy lội, trơn trợt, lởm chởm đá tảng, đá cuội mà xuống đồng bằng, về thị trấn Chí Thạnh để mua bán nông sản. Có thời, ở An Xuân, nhà nào cũng nuôi ngựa. Cụ Lê Xuân Cẩn, 84 tuổi, trọn đời sống ở An Xuân, nói: “Dân vùng này sống không thể thiếu ngựa được. Ngựa chính là cái chân, là cái xe của người An Xuân”.

 

Nhưng bây giờ, đời sống người dân khá hơn, việc mua xe máy cũng dễ dàng hơn, nên đàn ngựa ở An Xuân ngày càng ít dần. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 50 nhà nuôi ngựa, mà toàn ngựa cái. Vài năm trước, khi hội đua ngựa gò Thì Thùng được nâng lên thành lễ hội văn hóa - thể thao cấp tỉnh, người ta nhận thấy những chú ngựa cái An Xuân đã còm cõi, già nua. Từ đó, UBND tỉnh Phú Yên quyết định đầu tư vốn để cải thiện chất lượng đàn ngựa ở địa phương này, bằng cách cấp cho An Xuân hai con ngựa đực giống có chất lượng, được mua từ TP Hồ Chí Minh.

 

Hai ông Võ Ngọc và Võ Chín là những người có nhiều kinh nghiệm nuôi ngựa ở An Xuân, đã được chọn mặt để… gởi ngựa đực. “Năm 2007, khi chúng tôi vào thôn Hảo Sơn (huyện Đông Hòa) để nhận ngựa giống, hai chú ngựa này còn nhỏ xíu, chưa rụng lông cào. Nhưng sau gần 2 năm được chăm sóc, nuôi nấng cẩn thận, giờ hai chú đã trưởng thành, trở thành tuấn mã thực thụ” – ông Võ Ngọc nói.

 

Ông Ngọc nay đã 55 tuổi, là một trong những người đầu tiên gầy dựng lại hội đua ngựa gò Thì Thùng sau ngày đất nước được giải phóng. Ông kể, từ nhỏ ông đã quen với những chú ngựa được người cha nuôi trong chuồng nhà. Rồi chiến tranh khốc liệt, giặc giã liên miên, năm lên 12 tuổi, ông Ngọc đến xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nuôi ngựa thuê cho người ta. Nhờ vậy, ông biết cỡi, biết điều khiển ngựa phi, nhảy, đi nước kiệu… Sau năm 1975, ông Ngọc đã nuôi nhiều chú ngựa và chú nào cũng đẹp, cũng mập, nên được tín nhiệm giao nuôi ngựa đực.

 

Còn ông Võ Chín, 54 tuổi, cũng là người nuôi ngựa có tiếng ở An Xuân. Từ năm 1985 đến nay, ông Chín đã nuôi 7 con ngựa. Con nào cũng đẹp, đến khi chúng trưởng thành, có người trả được giá, thường ông Chín bán để mua ngựa khác về nuôi, biến chúng từ xấu thành đẹp. Chính những điều ấy giúp ông được chọn nuôi ngựa giống để cải tạo chất lượng đàn ngựa An Xuân.

 

BUỒN VUI NUÔI “TUẤN MÔ

 

Nhiều người dân An Xuân cho biết, nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi - thứ có bát ngát ở An Xuân, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần. Ngựa rất ít bệnh tật, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác, chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng thường là tự hết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một điều đặc biệt là đến nay, người ta hầu như không bào chế vắc xin phòng bệnh cho ngựa vì chúng quá… ít bệnh. Theo ông Võ Ngọc, vòng đời của ngựa đến 40 năm, trong khi bò sống cao lắm là 15 năm. “Ngựa thường không chết vì dịch bệnh, mà là do lao lực quá lớn nên về già đuối sức mà chết” – ông Ngọc cho biết.

 

ngua-2.090805.jpg

Ông Võ Chín bên chú ngựa cái vừa sinh một ngựa con nhờ ngựa đực giống của “dự án” - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Cứ tưởng ngựa nào cũng là… ngựa và việc nuôi nấng, chăm sóc chúng cũng như nhau. Nhưng theo hai người nuôi ngựa đực ở An Xuân, nuôi dưỡng chúng khó khăn hơn nuôi ngựa cái. Ông Võ Chín thổ lộ: “Ngựa cái thồ hàng thì có thể “đánh đôi đánh đọ”, đi thành từng đàn được. Ngựa cái hiền lành, lại tận tụy, nên dù thồ yếu hơn (khoảng 120kg) vẫn được nhiều người chuộng nuôi. Ngựa đực, dù sức thồ mạnh hơn, dẻo dai hơn ngựa cái (khoảng 150kg), nhưng đưa chúng đi thồ hàng là phải “một mình một cõi”, bởi nếu cậu chàng mà gặp ngựa cái là mình chẳng nhờ vả được gì”. Ông Võ Ngọc kể, con Tía mà ông đang nuôi đây, có lần đã hất cả tạ chuối vừa thu hoạch xong để theo một “nàng” ngựa mà nó phát hiện trên đường từ rẫy về nhà!

 

Nhưng “khổ” nhất, theo cả hai ông nuôi ngựa họ Võ, là chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm vụ phối giống để cải tạo chất lượng đàn ngựa địa phương. Ông Võ Ngọc cho biết: “Nhà nước giao chúng tôi nuôi dưỡng ngựa đực, yêu cầu trong 3 năm nuôi phải phối giống sao cho đẻ được 30 ngựa con, khi đó chúng tôi mới được giao sở hữu hẳn con ngựa đực này. Chỉ tiêu đó quả khó thật!”. Khó, một phần vì đàn ngựa cái của An Xuân đã già, đa số 25-30 tuổi rồi nên khả năng thụ thai rất thấp. Khó, phần khác là vì con ngựa đực giống của ông Võ Ngọc chỉ có một “cà” (tinh hoàn) nên khả năng gây thụ thai không cao. Cho đến nay, con ngựa đực của ông Võ Chín đã giao phối hàng chục lần với 30 con ngựa cái, nhưng mới đẻ được 3 con và 6 con khác đang mang thai; còn con Tía của ông Ngọc thì cũng “rập” hàng chục con ngựa cái, nhưng sau 2 năm nuôi mới có khả năng gây thụ thai được… 2 con ngựa cái!

 

Ngoài ra, nuôi ngựa đực giống còn phải dành thời gian đưa chúng chạy vận động để vừa tăng thêm sức mạnh, sức dẻo dai, đảm bảo tinh lực. Ông Ngọc cho hay, nếu rảnh rỗi, một ngày ngựa đực phải được cho chạy 60-90 phút, trên quãng đường khoảng 5-6 cây số. Tích lũy tốt thể lực là vậy, nhưng những mùa đua trên gò Thì Thùng, hai chú ngựa đực này không được tham gia. Lý do là những người có ngựa đua khác ở địa phương ngại ngựa đực mạnh mẽ, phi nhanh khiến những chú ngựa cái khác khó có lòng theo kịp, cuộc chơi mất đi sự công bằng; còn hai ông chủ ngựa đực thì lo chú tuấn mã của mình mải mê theo “bạn tình” thay vì… chạy đua!

 

Dù vậy, niềm tự hào của ngựa An Xuân nói chung, hai chú tuấn mã nói riêng, là dịp Festival Tây Sơn – Bình Định vừa qua, người ta vào Tuy An mướn 20 con ngựa ở An Xuân và 10 con ở An Hiệp, đưa lên xe Kamaz chở thẳng ra miền đất võ, vì Bình Định không tìm ra được đàn ngựa nhiều như thế. Những người nông dân và những chú ngựa Tuy An được mặc đồ lễ, được chải chuốt cẩn thận để diễu hành. Và hai chú tuấn mã được dẫn đầu hai hàng kỵ mã bên tả, bên hữu, chầm chậm bước đi thật hùng tráng giữa rừng cờ hội rực rỡ sắc màu, trong nô nức tiếng nhạc, tiếng kèn và cả tiếng tung hô vang dội của những người dự liên hoan…

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi tìm địa đạo
Thứ Tư, 29/07/2009 11:01 SA
Hành trình gần 20 năm tìm mộ cha
Thứ Sáu, 24/07/2009 19:00 CH
“Săn” mật ong rừng
Thứ Tư, 15/07/2009 18:30 CH
An Xuân: Đường lên, đã mở...
Thứ Bảy, 04/07/2009 18:30 CH
Trên trục đường dọc Miền Tây
Thứ Tư, 01/07/2009 19:01 CH
Khát giữa... thành phố
Thứ Ba, 30/06/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek