Thứ Năm, 28/11/2024 13:46 CH
Hành trình gần 20 năm tìm mộ cha
Thứ Sáu, 24/07/2009 19:00 CH

Biết cha đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng nỗi buồn mãi đeo đẳng trong lòng chị Đỗ Thị Kim Ngân vì chưa tìm được mộ cha. Trọng chữ hiếu của đạo làm con, sau gần 20 năm lặn lội, chị đã tìm được mộ cha. 

 

Le-tuong-niem.090724.jpg
Lễ tưởng niệm liệt sĩ Đỗ Bách Trú

 

CUỘC “HỘI NGỘ” ĐẦY NƯỚC MẮT

 

Tại nhà lễ tân của Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, chị Đỗ Thị Kim Ngân, 48 tuổi, ở khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) tâm sự: Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp tưởng chừng nghẹt thở, tay chân run bần bật rồi bật khóc vì sung sướng khi cầm trên tay công văn của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên, xác nhận liệt sĩ Đỗ Bách Trú, bí danh Đỗ Bách Thắng, số hiệu quân nhân 8043, được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, số mộ 78, hàng thứ 4, lô C. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và rất thiêng liêng là gia đình nhận tin báo đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2008).

 

Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Đỗ Thị Kim Ngân liên tục bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt, khi chị kể về hành trình đi tìm mộ cha - liệt sĩ Đỗ Bách Trú (quê ở thôn Phước Hậu, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa). “Giá như lúc đó giấy báo tử ghi chính xác ngày 27/5/1966 thì việc đi tìm hồ sơ và mộ liệt sĩ của bố không phức tạp, khó khăn. Cũng vì chiến tranh nên công tác thông tin đôi lúc thiếu chính xác” - chị Ngân nói. Được biết giấy báo tử liệt sĩ Đỗ Bách Trú ghi ngày 19/4/1974 và cuối tháng 8/1975, gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công, trong đó cũng ghi liệt sĩ Đỗ Bách Trú hy sinh ngày 19/4/1974. Chị Ngân kể: “Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh mẹ ngất xỉu khi nhận giấy báo tử của cha”. Đó là một buổi chiều hè oi ả vào khoảng tháng 5/1974, khi đó chị Ngân 13 tuổi còn em gái mới lên 9.

 

HÀNH TRÌNH TỪ LÒNG HIẾU THẢO

 

Càng lớn lên, chị Ngân càng cảm nhận rõ sự thiếu thốn tình cảm, thiếu bàn tay chăm sóc của người cha. Nhìn bạn bè cùng trang lứa có cha, chị cảm thấy tủi thân và thầm hứa: khi công việc, kinh tế gia đình ổn định, sẽ dành toàn bộ thời gian để đi tìm mộ cha.

 

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (năm 1982), chị Ngân đã làm rất nhiều việc, từ dạy học, phiên dịch tại Nga đến nhân viên khách sạn, với mục đích tích lũy, chuẩn bị cho những chuyến đi tìm kỷ vật và mộ của cha. Năm 1992, chị bắt đầu hành trình tìm kiếm. Chị dùng thời gian nghỉ phép hay những ngày nghỉ lễ để “dò dẫm” thông tin, đi đến những nơi cha từng tham gia công tác và những nơi liên quan đến việc lưu trữ hồ sơ liệt sĩ như: Sư đoàn 350 ở TP Ninh Bình (lúc trước là Sư đoàn Bảo vệ Thủ đô Hà Nội), Quân khu Thủ đô, Phòng Quân lực Quân khu III (Hải Phòng), Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), Cục Lưu trữ TW. Chị lặn lội từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tìm đến các đồng đội cũ của cha để hỏi thăm tin tức. Hễ nghe ở đâu có người từng công tác với cha là chị cất công tìm, dò hỏi cho bằng được...

 

MO-LIET-SI.090724.jpg

Mộ liệt sĩ Đỗ Bách Trú, được ghi danh vào ngày 25/5/2009

 

Khoảng cuối tháng 6/2002, chị Ngân đến Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Hà Nội để trình bày và đưa những giấy tờ cần thiết có liên quan đến liệt sĩ Đỗ Bách Trú, với hy vọng tìm được manh mối nào đó về mộ cha mình. Một cán bộ của Phòng Lưu trữ nói rằng, mẫu giấy báo tử này không phải của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội mà do bên Cơ yếu Chính phủ cấp. Những người có mẫu giấy báo tử này thường là đi làm nhiệm vụ đặc biệt, hoạt động bí mật, đơn lẻ nên dễ hy sinh. Theo người cán bộ đó, thân nhân của người có giấy báo tử theo mẫu này ít ai tìm được mộ liệt sĩ. Cảm thấy hành trình mịt mờ nhưng vẫn không hết hy vọng, chị Ngân tìm đến Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban Kinh tế - Tài chính TW…, những nơi liên quan đến công việc của cha.

 

Đầu năm 2003, người thân ở Phú Yên báo cho Đỗ Thị Kim Ngân rằng có thông tin về cha chị. Nhen nhóm hy vọng, tháng 5/2003, chị về lại quê cha, tìm đến nhà các vị từng tham gia kháng chiến và từng công tác ở ngành Kinh tài, đồng thời đi về các khu căn cứ địa cách mạng Phú Yên có mạng lưới kinh tài, như Thồ Lồ, Suối Phẩn, bến Đá, dốc Mõ... để thu thập thông tin. Nhưng dường như tất cả những vất vả mà chị đã trải qua đều không mang lại kết quả. Chị nhận được cái lắc đầu hoặc thông tin rất chung chung.

 

ĐƯỢC GIÚP SỨC

 

Trong lúc không biết sẽ xoay xở theo hướng nào, tình cờ chị Ngân biết được thông tin: tháng 12/2006, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức triển lãm “Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B”. Nhờ có cuộc triển lãm ấy mà chị biết được rằng: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lưu giữ hàng vạn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B từ năm 1959 - 1975. Ngay lập tức, chị đến trung tâm này và thật vui mừng sung sướng khi cán bộ trung tâm thông báo: Có hồ sơ của ông Đỗ Bách Trú, bí danh Đỗ Bách Thắng, số hiệu 8043. Chị đã khóc khi cầm trên tay tập hồ sơ của cha, bao gồm: hồ sơ cán bộ, giấy chuyển sinh hoạt Đảng… Nắm chặt tay ông Nguyễn Tiến Đỉnh - Trưởng phòng Tổ chức sử dụng tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trong chị dâng tràn niềm biết ơn sâu sắc đối với những con người ngày đêm lưu giữ những tài liệu có giá trị nói chung và hồ sơ cán bộ đi B nói riêng để không chỉ chị mà nhiều gia đình có người thân đi B được trải qua những cảm xúc đáng nhớ và hạnh phúc như chị.

 

Với những hồ sơ, kỷ vật mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cung cấp cùng thông tin thu thập được từ các nguồn, ngày 19/9/2008, chị Ngân gửi toàn bộ tài liệu có liên quan đến Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên. Cầm trên tay công văn của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên, xác nhận liệt sĩ Đỗ Bách Trú được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, người con hiếu thảo đã bật khóc. Chị cảm kích: Nếu không có sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các anh chị đang công tác tại Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên, Bưu điện tỉnh, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác và nhiều người thân quen khác, thì tôi khó mà tìm được mộ cha mình.

 

Sau 17 năm, chị Đỗ Thị Kim Ngân đã hoàn thành tâm nguyện, tìm được mộ cha. Lễ tưởng niệm trang trọng và gắn bia ghi danh cho liệt sĩ Đỗ Bách Trú tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác đã được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên tổ chức vào ngày 25/5/2009.

 

Liệt sĩ Đỗ Bách Trú (Đỗ Minh Long, Đỗ Bách Thắng) sinh ngày 4/4/1936, quê quán: Xóm Sủng, thôn Phước Hậu, xã  Hòa Kiến, TP Tuy Hòa; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 4 năm tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Từng làm tiểu đội trưởng ở Đại đội 9, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 94, thuộc Sư đoàn Bảo vệ Thủ đô 350 trước khi chuyển sang Bộ Ngoại thương, làm việc ở Tổng Công ty vận tải Ngoại thương đường bộ… Tháng 4-5/1965, về Ban tổ chức Trung ương và có quyết định đi B, theo khối kinh tài TW. Tháng 10/1965: Về đến Phú Yên, làm ủy viên Ban Kinh tài tỉnh (công tác cửa khẩu Y12 tại Hố Dong, dốc Gò Sân, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa). Chiều 26/5/1966,  trên đường đi làm nhiệm vụ, bị địch phục kích, trúng đạn tại cầu Ông Trế, thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa). Sáng 27/5/1966, ông hy sinh tại nhà ông Nhàn (cơ sở cách mạng), được chôn tại gò. Năm 1984, mộ ông được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác.  

 

HUỲNH ĐỨC THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Săn” mật ong rừng
Thứ Tư, 15/07/2009 18:30 CH
An Xuân: Đường lên, đã mở...
Thứ Bảy, 04/07/2009 18:30 CH
Trên trục đường dọc Miền Tây
Thứ Tư, 01/07/2009 19:01 CH
Khát giữa... thành phố
Thứ Ba, 30/06/2009 19:00 CH
Thú vui chơi đá cảnh
Thứ Tư, 24/06/2009 18:30 CH
Giữ sóng trên đỉnh núi
Chủ Nhật, 21/06/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek