Thứ Sáu, 04/10/2024 10:20 SA
Đi tìm địa đạo
Thứ Tư, 29/07/2009 11:01 SA

Như Báo Phú Yên đã thông tin, mới đây, những người đi rà phế liệu đã phát hiện ra một địa đạo còn khá nguyên vẹn dài 100m trên đỉnh núi Hòn Trung, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Để hiểu rõ hơn về địa đạo này, chúng tôi đã cùng với anh Trần Quốc Huy (cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Đồng Xuân) và anh Trần Minh Phương, một người dân địa phương, làm chuyến khảo sát về nơi này...

 

bandodia-dao090729.jpg

Vị trí bản đồ tại điểm tọa độ: Theo VN 2000: X=555.075; Y=140.730. Theo UTM: X=285.072; Y=1.842.653 - Ảnh: Q.HUY

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, hồi còn nhỏ, anh Trần Minh Phương ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 thường nghe cha mình kể về một công sự ngầm được đào trên đỉnh núi Hòn Trung-là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 13 (Trung đoàn 10). Nhưng khi chiến tranh lùi xa, ký ức ấy đối với anh Phương cũng phai nhạt dần. Cách đây gần hai năm, anh Phương và người anh trai trong lúc đi rà sắt trên rừng đã phát hiện ra một công sự ngầm được đào trong lòng đất còn khá nguyên vẹn, có cả bếp Hoàng Cầm. Lúc đầu, anh Phương không dám vào địa đạo vì không có đèn pin. Song vì hiếu kỳ nên các anh quyết định dùng quẹt ga soi đường lần dò vào địa đạo. Nhưng chỉ đi được 20m thì phải dừng lại, vì dơi quá nhiều. Sau đó, nhiều lần anh cùng với mấy người rà sắt ở thôn Triêm Đức tiếp tục đến khu vực này để rà sắt và phát hiện ở đây có khá nhiều sắt, dây đồng, tiền đồng và cả chiếc đe to gần 50kg.

 

Tháp tùng cùng anh Phương, chúng tôi đến địa đạo. Vừa vào tới cửa hang, mấy con dơi nghe hơi người, hoảng loạn bay ra. “Có dơi ở trong này thì không có rắn!” - giọng anh Phương vang lên. Đi vào sâu hơn gần 50m, qua hai ngách thông lớn, chúng tôi chui sâu vào bên trong thì phát hiện một nơi có khoảng đất rộng, bằng phẳng như là phòng họp. Tiếp tục chui vào lòng đất chúng tôi còn phát hiện có 3 ngách giao thông, một ngách đi thẳng, hai ngách chếch về hai dòng suối. Địa đạo dài khoảng 100m, cao 1,9m, rộng 1m, càng vào sâu càng tối và khó thở. Trong lòng địa đạo còn có 3 điểm rộng vuông vức, mỗi điểm rộng 12 m2. Phía cuối mỗi ngách giao thông thu hẹp dần, người qua phải chui.

 

dd2090729.jpg
Đường vào địa đạo  - Ảnh: VĂN TÀI

 

Anh Phương cho biết: “Cách đây không lâu, tôi và 2 người nữa mang máy rà sắt hiện đại (loại bắt tín hiệu độ sâu 4-5m-PV) lên rà phế liệu và phát hiện được xâu tiền cổ (loại đồng tiền có lỗ), nhiều vỏ đạn và cặp sừng nai”.

 

Sau khi tham quan trong lòng đất, chúng tôi đi quanh địa đạo và phát hiện ra bếp Hoàng Cầm nằm bên cạnh bờ suối Sổ với nhiều đường ống dẫn khói liên hoàn chạy nối dài dưới mặt đất. Tuy nhiên, có nhiều đoạn bị sụp xuống, nhiều đoạn bị tắt.

 

Để hiểu rõ hơn về địa đạo này, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Quế, một cán bộ cách mạng lão thành, thoát ly năm 1964. Sau khi xem lại hình ảnh do chúng tôi chụp được, ông Quế khẳng định: Đây là địa đạo của Tiểu đoàn 13 (Trung đoàn  Ngô Quyền). Nơi đây từng là trạm thông tin bí mật của cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ. Nhưng ông cũng không rõ tại sao địa đạo này lại nằm trên đỉnh núi cao chót vót, hiểm trở như vậy? Có lẽ là do bí mật quân sự?

 

dd-090729.jpg

Nơi rộng nhất của địa đạo  - Ảnh: H.NAM

Để tiếp tục có thêm thông tin về địa đạo giữa đại ngàn Hòn Trung, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Trần Đình Phương, 39 tuổi đảng, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang thời kỳ 1970-1971. Ông Phương giải thích thêm: “Đây chính là địa đạo của Trung đoàn Ngô Quyền. Địa đạo này được bố trí nằm cạnh bệnh viện Hồ Tây thuộc khu vực suối Sổ. Năm 1968, tôi có lên bệnh viện điều trị vết thương và có nghe thông tin về địa đạo, nhưng cũng rất ít người biết vì bấy giờ là trạm thông tin nên phải hết sức bí mật”. Còn ông Đoàn Cảnh Mai, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Đồng Xuân và hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Xuân thì bảo: “Lúc tôi còn là Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện thập niên 80 đã nghe thông tin về địa đạo nhưng lúc ấy không ai biết chính xác nó nằm chỗ nào”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết sẽ chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Đồng Xuân tổ chức khảo sát, trên cơ sở đó lập hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận đúng theo Luật Di sản.

 

VĂN TÀI-HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hành trình gần 20 năm tìm mộ cha
Thứ Sáu, 24/07/2009 19:00 CH
“Săn” mật ong rừng
Thứ Tư, 15/07/2009 18:30 CH
An Xuân: Đường lên, đã mở...
Thứ Bảy, 04/07/2009 18:30 CH
Trên trục đường dọc Miền Tây
Thứ Tư, 01/07/2009 19:01 CH
Khát giữa... thành phố
Thứ Ba, 30/06/2009 19:00 CH
Thú vui chơi đá cảnh
Thứ Tư, 24/06/2009 18:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek