Những cánh rừng phía tây Phú Yên có một loại “hàng độc”, đó là mật ong rừng. Nghề đi lấy mật ong khá công phu, song cũng không kém phần thú vị.
Một thợ săn đang lấy tổ ong từ cây cao
LÊN RỪNG TÌM ONG
Mờ sáng, hành trình đi tìm mật ong rừng của những người sống ở thôn Xuân Trung (xã An Xuân, huyện Tuy An) bắt đầu. Họ có nhiều nhóm, mỗi nhóm 3-4 người. Tôi theo chân “bầu trưởng” Nguyễn Xuân Thảo (45 tuổi) cùng hai “đồng nghiệp” Đặng Tấn Phát và Đào Xuân Tựu. Hướng được chọn đi hôm ấy là cánh rừng già hai bên bờ suối Tía, một con suối lớn chảy từ huyện miền núi Sơn Hòa về Đồng Xuân đổ ra sông Cái. Ngoài cơm ăn gạo dỡ, dụng cụ mang theo còn có rựa, rìu, xà beng, đục, can nhựa... Hơn một giờ trèo dốc băng đồng, cả nhóm mới đến được đầu khu rừng già. “Ông bầu” chỉ tay, “lệnh” cho mỗi người đi một nẻo, giữ một khoảng cách vừa để khi cần “hú” có thể nghe. Sợ tôi “lạ nước lạ cái” đi lạc, Thảo có nhiệm vụ phải “kèm chặt”. Cả nhóm cứ thế len lỏi cắt rừng băng thẳng. Chân bước, tay vịn, mắt chăm chăm vào những cây to, bờ đá, ụ mối.
Hơn nửa giờ luồn trong rừng, Tựu là người phát hiện tổ ong đầu tiên trong bọng cây bằng lăng. “Gom” được anh em, tất cả ngồi nghỉ chân, châm thuốc, uống nước. Trên bọng cây ong ra vào vù vù, các chú ong thợ cần mẫn làm nhiệm vụ “giữ cửa” bám kín miệng tổ. Bằng kinh nghiệm của mình, Thảo nhận định: “Ổ ong này đúng mật nên rất hung, mình phải un khói”. Bằng tay nghề điêu luyện, Phát gom lá cây khô châm lửa. Khói bốc lên, phả vào cửa tổ ong. Tựu tranh thủ dùng rìu khoét miệng bọng cây. Bị “tra tấn” nhưng đàn ong “dị ứng” với khói nên không con nào bay ra, cánh ong thợ đi lấy hoa từ xa về cũng không dám “nhào vô cứu nhà”. Cửa tổ ong rộng, Tựu đưa tay lấy ra những bánh ong vàng rộm, trái ké ứ mật… đặt lên tấm nhựa đã trải sẵn. Thấy mật, tôi “láu ăn” vội “đớp” liền hai miếng nhỏ cổ đã nghẹn bứ vì độ keo gắt của mật, phải tìm nước để giải nhiệt. “Bầu trưởng” Nguyễn Xuân Thảo chọn lấy những tàng ong có nhiều mật, vắt vào bầu. Những bánh có con non và sáp, anh gói riêng trong túi nhựa làm “chiến lợi phẩm” để chiều mang về.
BẮT ONG CÓ NGHỀ
Ong rừng có nhiều loại. Cho mật tốt nhất là loại ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ trong rừng săn non. Giá một lít mật ong ruồi hiện nay lên đến trên triệu đồng, nhưng muốn mua không phải dễ. Ong bọng ở trong bọng cây, ụ mối, khe đá (người ta thường gọi là ong bọng hay ong lỗ), ong này cho mật ngon chất lượng tuyệt hảo. Ong thế thường ở trên cây cao trong rừng sâu, tổ lớn, có khi to bằng nửa chiếc chiếu, mật nhiều, có vị hơi chua, không bằng ong bọng.
Anh Phát là một trong những người lấy mật ong kinh nghiệm nhất trong nhóm mà tôi theo “tháp tùng”. Anh cho biết: “Ong vùng này thường đúng mật vào độ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Lúc này trên rừng hoa ké, bằng lăng, gạo, bông lúa, hoa dại… nở nhiều. Ong đi lấy hoa, hút nhụy làm mật và sinh con để “dự trữ” trong mùa mưa”. Phát nói như một sự tự hào: “Mấy năm rừng còn nguyên, ong rộ, mỗi mùa tôi kiếm cũng được gần chục triệu”.
Phải có kinh nghiệm mới dễ dàng tìm thấy ong. “Buổi sáng, tôi tới vũng nước trong rừng nhìn ong đến đây hút nước. Khâu này, mắt mình phải tỏ và có tầm xa. Quan sát thấy ong bay về hướng nào thì tổ sẽ có ở hướng đó. Từ điểm đậu hút nước, ong bay vút lên cao thì tổ ở cách xa; ong bay ngang vào rừng chắc chắn tổ đóng ở gần. Xác định được hướng rồi, vào rừng mình chú ý các cây to như: bằng lăng, ké, lậu, da đá… và trong bờ đá. Trong vòng chưa đầy 2 tiếng tôi tìm có liền” - Thảo “mách nhỏ” tôi như vậy.
Ngoài cách tìm ong, nhớ ong, để dành ong cũng là một “chiêu” của “bầu” Thảo: “Gặp tổ ít mật mình chỉ lấy khoảng 2/3 số bánh (tàng), sau đó lấy đá nhét kín cửa, chú ý không cho nước mưa vào. Còn con non nên cả đàn ong sẽ không bỏ tổ. Lâu lâu ghé lại coi, có mật thì mình lấy tiếp. Nếu tổ ong mật nhiều thì mình lấy sạch, sau đó cũng làm như vậy, thế nào mùa sau ong cũng trở lại ở. Trong bộ nhớ của tôi, lúc nào cũng “ghi” những điểm đó”. Điều này đã được kiểm chứng rõ ràng vì hôm đó Thảo là người “nhớ” liền hai tổ ong cũ.
Có nghề nhưng khi bắt ong, bị ong đốt là chuyện thường tình. Ong thế là loại ong hung hăng nhất, ong thế lớn con, số lượng nhiều. Vừa phát hiện người, tôi thấy từ trên đọt cây ké cao, cả đàn đã chớp chớp cánh. Anh Phát bảo anh em ngồi dưới gốc cây nhóm lửa đề phòng. Anh trèo lên cây, tay cầm theo trái khói (đốt tổ kiến kim xì khói). Vương mùi khói, cả đàn ong “rút lui” dần lên một cành cây cao, chệch hướng. Phát dùng rựa rọc nguyên tàng ong rơi xuống tấm nhựa dễ dàng. Lấy xong, anh bày tỏ kinh nghiệm: “Có tổ vừa phát hiện người, cả bầy ong đã rớt xuống tấn công. Trường hợp này mình phải nằm im, không nhúc nhích, chạy là tới số, nó theo tới nơi. Còn nếu lỡ có bị ong đuổi rồi nhanh chóng tìm nơi có khói để đuổi chúng đi, chỉ có khói mới “trị” được loại này. Nếu bị ong đốt thì rút nọc (vì ong đốt để lại nọc trên da), thấm nước miếng vào chỗ đốt là cách tốt nhất.”
TRONG Ổ ONG CÓ MẬT... MÍA!
Mật ong rừng hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tại thôn Xuân Trung, mỗi lít mật ong bọng có giá trên 300.000 đồng, mật ong thế trên 200.000 đồng nhưng không có mật để bán. Người “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đã đành, người tiêu dùng cũng thích “tinh hoa núi rừng” hơn mật ong nuôi, mặc dù ong nuôi giá rẻ, chỉ khoảng 120.000 đồng một lít và có khá nhiều.
Một tổ ong thế giữ rừng An Xuân
Trà trộn trong “thị trường” thật, lâu lâu xuất hiện những người đi bán mật ong giả. Những người này “cải trang” giống như “ở trên núi mới xuống”. Nào vai mang gùi, tay cầm rựa, lam lũ in chất núi rừng.
“Đồ nghề” của họ là những mẩu tàng ong thật đã dùng bơm tiêm hút hết mật (hoặc tàng ong không có mật), rồi bơm “mật” đường vào cho con ong non, ong già muối “mật” ướt cánh nằm la liệt bay không được. Trên tàng ong có cả dăm cây, lá rừng… Đi kèm “hiện trường” đó là những lời mời như thật, khiến nhiều người không rành tin tưởng, móc hầu bao mua. Không ngờ vài ngày sau, chai mật sình lên, khi đó “Thượng đế” mới hay mình bị “chúng nó lừa” bán mật… mía.
Nói về chuyện phân biệt mật ong thật với mật ong giả, anh Thảo giảng giải: “Mật ong thật có độ keo sóng sánh, màu vàng trong, nếm vào ngọt thanh và có hương vị riêng. Mật pha đường thì loãng, ngọt lợ, không có hương vị. Tuy nhiên, nếu là người không có kinh nghiệm thì rất khó phân biệt. Muốn chắc chắn, phải thử bằng giấy. Mình cho hai giọt mật lên tờ giấy, nếu mật ong thật sẽ không có chất nước thấm ra xung quanh và ở dưới, còn mật giả thì nước thấm ướt nhèm”. Anh còn cho biết thêm: “Mật thật để bao nhiêu năm cũng được, càng để lâu càng keo, càng đậm. Nếu để lâu bề mặt sẽ tạo thành một lớp sáp cứng, khi dùng ta gạt bỏ phần này”.
Một ngày “tham quan”, dù không “nghề” nhưng tôi cũng biết khu rừng này không còn nguyên vẹn. Nhiều cây mằng lăng, ké, da đá… có đường kính trên 1 mét đã bị con người “tiện” không thương tiếc, chỉ còn trơ bộ gốc… “Rừng bị tàn phá nên ong cũng không còn ở nhiều như mấy năm trước nữa” - anh Thảo tiếc rẻ.
Cả ngày, chúng tôi săn được 5 tổ ong, trong đó có một tổ ong thế. “Sản phẩm” thu được là 2 lít mật. Ngoài ra còn có một túi tàng ong, con non mang về vắt lấy “sữa chúa” pha rượu, món này “sung sức”, “đại bổ”. Chuyến đi đã cho tôi chút “vốn” kha khá về ong rừng nói chung và một phần quà hết chỗ chê: một bình rượu ngâm tàng ong đầy ứ để sáng hôm sau tôi mang về thành phố có cớ “nổ” với bạn bè.
ĐÀO TẤN TRỰC