Thứ Sáu, 04/10/2024 10:19 SA
Khát giữa... thành phố
Thứ Ba, 30/06/2009 19:00 CH

Cứ đến mùa khô, khi nước sông kiệt, tình trạng xâm nhập mặn lại xảy ra tại thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), khiến nhiều sinh hoạt của dân cư bị đảo lộn. Khát nước ngay giữa thành phố là một nghịch lý diễn ra nhiều năm tại địa phương này song đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

 

man.090630.jpg

Ông Đỗ Đình Chung dùng máy bơm xả nước mặn trên vườn rau bị bỏ hoang - Ảnh: LÊ BIẾT

 

KHỔ VÌ NƯỚC NHIỄM MẶN

 

58 tuổi đời, ông Đỗ Đình Chung ở thôn Ngọc Lãng đã có 22 năm phải sống chung với nước mặn vào mùa khô. Gia đình ông ở cuối dải đất hình lưỡi gà giữa hai con sông Chùa và sông Ba. Mùa khô năm 1967, ông phát hiện ra giếng nước nhà mình bị mặn. Càng về sau, mức độ nhiễm mặn càng tăng, đến nỗi không thể sử dụng được nên đành lấp và khoan giếng khác mạch nông hơn để sử dụng. Thế nhưng, chỉ sử dụng được thời gian ngắn cũng bị nhiễm mặn. Ông Chung cho biết: Vào mùa hè, mỗi ngày ba lần phải lên tận xóm trên để xin từng can nước về nấu ăn, uống. Hôm nào lỡ nấu nước mặn thì sáng hôm sau cơm bị thiu. Chuyện tắm giặt không còn cách nào khác là phải dùng nước mặn. Làm cả ngày về nhà, tắm xong vẫn không chịu được vì “rít rắm”.

 

Nhiều gia đình khác ở thôn Ngọc Lãng cũng đang trong cảnh sống chung với… nước mặn. Ông Phạm Chót, 75 tuổi đã quá quen với chuyện nước mặn mỗi năm. Ông Chót cho biết, thông thường cứ đến tháng 4, tháng 5 là tình trạng xâm nhập mặn xảy ra. Có năm gió Nam về sớm, hầu hết các giếng nước ở đội 8 đều bị nhiễm mặn. Nhân dân địa phương chủ yếu trồng rau, nếu tưới phải nước mặn thì không cây gì phát triển được. Sau khi tưới, muối đóng trắng lá rau, người và súc vật không chịu nổi, huống gì cây cối, rau cỏ.

 

Thôn Ngọc Lãng hiện có khoảng 600 hộ, trong đó có 100 hộ sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, sản xuất. Có năm địa phương này có đến hơn 1/3 số giếng nước bị nhiễm mặn. Riêng năm nay, đã có hơn 100 hộ có giếng nước bị nhiễm mặn. Là mảnh đất giữa hai sông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào các loại cây hoa màu, mùa này không sản xuất được cũng có nghĩa là mọi chi tiêu trong gia đình bị “teo” lại. Những người có sức khỏe chuyển sang làm nghề khác để sống. Những người còn ở lại cố chăm cây cỏ để chăn dắt con bò đợi qua mùa đông, nước lụt rửa mặn rồi mới bắt tay vào sản xuất. Cuộc sống của một vùng đất tưởng như yên bình bỗng đảo lộn khi thiếu nước. Nhà ông Lê Dũng có 6 sào đất vườn, sau mùa rau tết, từ cuối tháng giêng đến nay phải theo các chủ thuyền ở phường 6 đi biển. Thu nhập không cao, chỉ trên dưới 1 triệu/tháng, theo ông cũng đủ trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày, không làm cũng chẳng biết phải xoay vào đâu.

 

BAO GIỜ HẾT KHÁT?

 

Ông Lê Tài, Trưởng thôn Ngọc Lãng cho biết: Chuyện nhiễm mặn ở đây đã xảy ra từ những năm 60 của thể kỷ trước, thế nhưng 10 năm trở lại đây mức độ nhiễm mặn càng trở nên nghiêm trọng và đồng loạt ở nhiều gia đình. Bức xúc trước tình trạng này, cứ mỗi lần có cuộc họp hay tiếp xúc cử tri lại đề đạt nguyện vọng đưa nước máy về thôn để nhân dân có nước sạch sinh hoạt, đồng thời phục vụ một phần cho sản xuất trong mùa khô. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

 

Ông Lê Khắc Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, cho biết nhân dân Ngọc Lãng đã nhiều lần phản ánh tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước vào mùa khô nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết. Thôn Ngọc Lãng nằm một bên đường sắt Bắc - Nam, khi ngành chức năng nghiên cứu phương án đấu nối hệ thống ống nước băng ngang qua đường sắt thì “ngại” thủ tục, vì phải thông qua các ngành chức năng quản lý tuyến đường sắt. Mặc khác, khu vực bị nhiễm mặn nặng hiện nay nằm trọn trong khu quy hoạch 30 ha dành cho dự án làng sinh thái do Công ty Thành Vinh đầu tư. Dự án này sẽ có khoảng 130 hộ được giải tỏa. Toàn bộ quy hoạch chi tiết cho khu này đã được công bố, vì thế muốn xây dựng cũng phải theo quy hoạch, chờ dự án. Theo ông Lê Khắc Sinh, chuyện thiếu nước ở Ngọc Lãng do nhiễm mặn, chỉ một mình chính quyền địa phương không thể giải quyết được gì.

 

Được biết dự án xây dựng làng sinh thái Bình Ngọc đã được đề cập từ năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai, các cơ quan chức năng cũng chỉ mới dừng lại ở việc đo đạt thực địa. Mong muốn của người dân vùng nhiễm mặn Ngọc Lãng sớm triển khai dự án làng sinh thái để được tái định cư ổn định cuộc sống, hoặc phải có giải pháp đưa nước máy về càng sớm càng tốt.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thú vui chơi đá cảnh
Thứ Tư, 24/06/2009 18:30 CH
Giữ sóng trên đỉnh núi
Chủ Nhật, 21/06/2009 07:00 SA
Ra bè câu mực lá
Thứ Bảy, 13/06/2009 15:00 CH
Chơi xe Cub tân trang
Thứ Tư, 10/06/2009 18:30 CH
Đua nhau đi bắt hải sâm, bào ngư
Thứ Tư, 03/06/2009 15:30 CH
“Rẩu nước”
Thứ Tư, 27/05/2009 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek