Tôi tháp tùng chuyến thị sát trục đường dọc Miền Tây của Thường trực Tỉnh ủy; hai Phó Bí thư Tỉnh ủy: Phạm Đình Cự và Vũ Văn Phúc dẫn đầu đoàn, với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan, đương nhiên là không thể thiếu lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, hôm đó đích thân ông Đỗ Trí Sơn - Giám đốc sở đưa đoàn đi.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Cự và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Phúc cùng các đồng chí trong đoàn tại điểm giáp địa phận với Vân Canh (Bình Định) |
Ông Sơn đã chọn hành trình bắt đầu từ điểm tiếp giáp với huyện Ma Đrắc (Đắk Lắk) đến điểm giáp với Vân Canh (Bình Định), nên từ sớm, đoàn từ TP Tuy Hòa ngược lên Hai Riêng (Sông Hinh), rồi theo ĐT649 để vào điểm xa nhất mút đầu phía Nam của trục đường, nằm sâu phía trong vùng núi rừng buôn Kít (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh).
Rời thị trấn, qua cầu Ea Bia, cây cầu xây kiên cố cao như chiếc cầu vượt so với con đường nhỏ dẫn qua lòng suối cũ ở bên dưới, đã cho thấy một dự cảnh về sự vươn dậy của tuyến đường này với tầm vóc mới; dù cho mặt đường đoạn này chưa được nâng cấp, xe liên tục nảy lên quăng xuống, tung bụi bay mù.
Đó là ký ức của tôi. Còn ký ức của anh Năm Tân - quê ở xã Hòa Tâm tận cuối dòng Bàn Thạch, nhưng tham gia cách mạng lên căn cứ từ hồi thanh niên, từng làm Bí thư Huyện ủy Sông Hinh - thì sâu sắc hơn. Anh kể: “Hồi chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi cũng vào vùng này. Rừng không, chẳng thấy đường sá gì, chỉ có đường mòn từ Dốc Phường lên đây. Rồi khi làm Bí thư huyện ủy, lại có thời gian phụ trách xã Sông Hinh, tôi vào ra đây thường xuyên, nhưng khi mưa lớn thì chịu; bà con trong này cũng không ra được Hai Riêng, nhu yếu phẩm phải lấy từ Ma Đrắc sang”
Rồi xe tiếp tục lao đi trong nắng gió của buổi sáng mùa hè vùng cao. Năm nay mưa sớm, nên không thấy cảnh khô hạn thường gặp. Ngược lại, màu xanh mát mắt trải khắp nơi, từ cỏ cây hai bên đường, đến hoa màu trên ruộng rẫy, rồi uốn lượn với những ngọn đồi bát úp và lan xa trên những cánh rừng.
Miền Tây là đây. Miền Tây tưởng như xa xôi mà gần gũi. Huyện Sông Hinh này thời chống Mỹ là huyện Tây
Miền Tây bây giờ là chỉ chung cho cả vùng đất rộng lớn ở phía Tây của tỉnh gồm cả 3 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Từ khi tái lập tỉnh, tỉnh ta đã có chủ trương đầu tư khai thác tiềm năng của vùng đất phía Tây từ rất sớm, thế nhưng, có những việc muốn nhưng không làm được. Muốn miền Tây giàu lên thì phải đầu tư cho đường sá, không chỉ có đường đến những thị tứ, thị trấn, mà đường phải đến được vùng xa xôi nhất, phải có trục giao thông xương sống của toàn vùng.
Hơn mười năm trước, kế hoạch về trục giao thông xương sống ấy ra đời, có tên gọi là trục đường miền Tây. Vai trò của nó trên địa bàn Phú Yên, ngay từ khi đó, được xác định giống như vai trò đường Trường Sơn công nghiệp hóa đối với địa bàn cả nước.
*
* *
Đoàn xe chợt dừng lại bên một cánh rừng thưa. Ông Sơn - Giám đốc sở là người vốn hoạt bát và nhanh nhẹn, càng thấy năng động hơn mỗi khi đi thực tế ở những công trường. Trong khi Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Cự vốc nước suối rửa mặt, ông Sơn đã kịp trải chiếc bản đồ lớn lên đầu trước xe. Trục giao thông dọc miền Tây là một đường màu đỏ uốn lượn chạy dài theo chiều đứng của bản đồ.
Chỉ vào đó, ông Sơn báo cáo với hai Phó Bí thư Tỉnh ủy về tình hình thi công trên toàn tuyến: Trục giao thông dọc miền Tây nối Phú Yên với Đắk Lắk và Bình Định có chiều dài 115,56 km; trên toàn tuyến có 11 cầu, 2 cống tràn liên hiệp; qua gần ba năm thi công, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 cầu. Hiện các cầu, cống còn lại đang thi công khẩn trương, dự kiến sẽ thông tuyến toàn bộ trục đường quan trọng này vào cuối năm nay; toàn bộ tuyến đường sẽ hoàn thành vào quý III/2011. “Phía trước là đoạn nối với Ma Đrắc là một đoạn quan trọng, đang được nhà thầu tập trung thi công quyết liệt” - ông Sơn nói .
Và đúng như vậy, xe vừa tiếp tục lăn bánh, đã thấy công trường phía trước hiện ra chạy giữa một bên là rừng già và một bên là vùng bán ngập của lòng hồ thủy điện. Nhiều đoạn ngổn ngang cát sỏi, bê tông, đầy khói bụi, cùng tiếng xe máy vang dội. Có những đoạn bạt núi, hai bên là mái ta-luy cao ngất, cùng những tảng đá to bằng ngôi nhà đứng sừng sững, cho thấy mở đường qua đây khá gian nan.
Qua đoạn thi công nền đường, đến đoạn đã thảm bê tông nhựa nóng, mặt đường đã thảm nhựa và chiếc cầu mới Ea Ly làm cho chúng tôi mất một lúc mới nhận ra phần đường còn lại qua con suối cũ dẫn về nông trường bộ giữa rừng cà phê bát ngát năm nào. Mấy căn nhà của nông trường bộ cũ kỹ vẫn nằm đó, âm thầm chứng kiến cho những đổi thay ở nơi này, trong đó có câu chuyện của con đường.
Đoạn đường nhựa tiếp giáp với địa phận Đắk Lắk đã sắp hoàn thành. Tại đây, anh Trần Đình Diệu - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa, đang chỉ huy thi công, vừa tháo khăn bịt mặt chống nóng, vừa chào các đồng chí lãnh đạo. Anh cho biết: “Đơn vị đang tập trung nhiều xe máy cùng hơn 40 người, chia làm 3 nhóm, liên tục thi công để sớm hoàn thành đoạn này. Ở đây, có cái khó là vùng giáp với Tây Nguyên, nên không như Tây Nguyên mà cũng chẳng giống đồng bằng, mưa nắng thất thường”.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa xây dựng luôn một trạm trộn bê tông nằm ở giữa rừng. Khi chúng tôi đến thăm, Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Ảnh nói: “Trạm này mua hơn 3 tỉ đồng, lắp đặt mất thêm 400 triệu nữa, nó vừa giảm giá thành so với vận chuyển bê tông nhựa từ nơi khác đến, lại vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công”.
Tại công trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Cự và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Phúc ân cần thăm hỏi các kỹ sư, công nhân. Mọi người rất phấn khởi với sự có mặt động viên của các đồng chí lãnh đạo ngay tại điểm thi công xa nhất của trục đường.
Khi đoàn xe quay đầu ở điểm giáp ranh với tỉnh bạn tiếp tục hành trình đã định, chúng tôi gặp những chiếc xe mang biển số 47 ngược chiều từ địa phận Phú Yên về lại Đắk Lắk. Tuyến đường này chưa hoàn chỉnh, song xe từ Đắk Lắk qua lại đây ngày càng nhiều.
*
* *
Trục đường dọc miền Tây, nếu tính từ điểm đầu phía Nam, sẽ đi theo ĐT649 qua các xã: Sông Hinh, Ea Trol, Ea Bia về đến Hai Riêng nhập vào ĐT645, xuống đến Đức Bình Tây tại ngã ba Tuy An (cũ), thì rẽ trái và theo tuyến đường mới vượt sông Ba sang thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa).
Nhìn từ xa, cầu Sông Ba nổi lên ở lưng chừng tầm mắt như một cánh cung lực lưỡng mà thanh thoát. Đây là cây cầu lớn nhất trên toàn tuyến có 12 nhịp với tổng chiều dài 432 mét, đã được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2008. Sự hiện diện của nó hôm nay xóa đi sự cách trở bao đời nay giữa đôi bờ, làm mọi người qua đây dần quên bến đò ngang Chí Thán năm nào, vốn thật hiểm nguy mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Nhiều đoạn đường phải thi công vượt núi |
Trong lúc nghỉ trưa thật ngắn ngủi ở thị trấn Củng Sơn, giữa câu chuyện trao đổi giữa các thành viên trong đoàn và lãnh đạo huyện Sơn Hòa, ông Nguyễn Minh Hòa - Chủ tịch UBND huyện đề nghị nên đầu tư thêm hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu Sông Ba. Tôi nghĩ nếu được như vậy, thì cây cầu nằm giữa hai huyện miền núi này càng đẹp hơn, hiện đại hơn khi đêm xuống.
Từ cầu Sông Ba, Trục đường dọc miền Tây tiếp tục chạy về phía Bắc giao nhau với quốc lộ 25 ở ngã tư Cây Me, rồi nhập vào ĐT646 đi về Trà Kê. Đến Trà Kê tại Km19+050, trục đường rẽ phải quặt về hướng Vân Hòa đi theo ĐT643.
Chúng tôi đã đi trên con đường này từ nhiều năm trước và quả thật đây là “con đường đau khổ”. Còn nhớ hồi mới chia tỉnh, vẫn có xe đò Hòa Đa - Tân Lương ì ạch cả ngày trời mới lên được đến đây, nhưng chỉ vào mùa nắng, còn mùa mưa, nhiều khi không có xe nào đi lọt, kể cả xe tải của Nông trường cà phê Vân Hòa và xe U-oát đã cài hai cầu. Nên thi thoảng vẫn gặp ngựa thồ hàng đi lên từ dưới đồng bằng.
Song hiện tại con đường đã đổi khác, những chiếc cầu mới kiên cố bắc qua những con suối, nơi mà trước kia xe muốn qua phải nhảy chồm chồm trên đá giữa lòng khe cạn; mặt đường tuy chưa rải nhựa nhưng đã bằng phẳng hơn rất nhiều.
Đến xã Sơn Định, Trục đường dọc miền Tây không xuống Vân Hòa, mà rẽ trái đi theo ĐT642 ra Đồng Xuân. Sơn Định là một trong ba xã cánh Bắc Sơn Hòa, vùng hậu cứ của cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương, vùng căn cứ cách mạng của Phú Yên thời chống Mỹ. Cách ngã ba này không xa là Nhà thờ Bác Hồ, nơi mà ngày 19/5 vừa rồi, diễn ra Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ.
Cũng như Sơn Định, những vùng đất trên Trục đường dọc miền Tây đều là vùng căn cứ trong kháng chiến. Vì thế, xây dựng trục đường này, không chỉ là sự đầu tư cho miền núi, không chỉ là sự đầu tư cho vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mà còn là sự tri ân dành cho vùng đất đã vắt hết sức mình cống hiến cho cách mạng.
*
* *
Từ Sơn Định theo ĐT642 qua huyện Đồng Xuân, xe chạy trên một quãng đường đổ dốc thật dài. Điều đó khiến tôi nhớ lại con dốc Trà Kê đã vượt qua lúc trưa, một con dốc quanh co, chỉ có lên mà không có xuống giống như các con đèo lên Tây Nguyên vậy. Còn giờ đây, lại có cảm giác “hạ sơn” thật thỏa mái trong ánh nắng đã ngã về chiều đang nghiêng xuống những triền nương rẫy. Xe chạy theo tuyến đường thấp xuống dần, thì màu xanh của lúa nước ở Xuân Phước đã hiện ra.
Trung tâm xã Xuân Phước bây giờ đã là một thị tứ nhà cửa san sát hai bên đường, đã có nhiều cửa hiệu kinh doanh, không còn dáng vẻ khó khăn như trước đây. Đoạn ĐT642 từ Xuân Phước về thị trấn La Hai được trải nhựa, các phương tiện giao thông đi lại khá thuận tiện.
Chẳng mấy chốc, xe đã chạy đến cầu La Hai, cây cầu lớn thứ hai trên Trục đường Miền Tây, vượt sông Cái, với chiều dài 413 mét. Cây cầu mới này không chỉ giúp La Hai thoát cảnh cô lập trong mùa mưa lũ, mà đường dẫn của nó còn mở ra một hướng mới ở phía
Từ La Hai, Trục đường Miền Tây lại nối vào ĐT641 để chạy hết đoạn cuối cùng ra Xuân Lãnh để nối với Vân Canh (Bình Định). Đoạn La Hai- Xuân Lãnh xưa kia nằm trên con đường thiên lý Bắc
Đoạn đường có bề dày lịch sử ấy xuống cấp nghiêm trọng trong những năm chiến tranh, và sau đó không được đầu tư trong một thời gian dài, nên chỉ là con đường đất đi lại rất khó khăn. Trục đường Miền Tây đi qua đây, vì thế là cơ hội để đánh thức tuyến đường này.
Chúng tôi qua đây đã thấy những cầu, cống mới xây dựng kiên cố. Ở đoạn cuối qua trung tâm xã Xuân Lãnh giáp với huyện Vân Canh, đơn vị thi công đang lu lèn mặt đường để chuẩn bị trải nhựa. Tại đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Cự và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Phúc sau khi thăm hỏi động viên đơn vị thi công, đã có những trao đổi với lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải và lãnh đạo Ban Quản lý chuyên ngành giao thông. Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Cự yêu cầu phải tập trung mọi khả năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công trên công trình quan trọng này.
Đứng ở điểm giáp ranh với địa phận Bình Định, sau một ngày đi qua toàn bộ trục dọc miền Tây, tôi thấy mặc dù còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công, trong thời suy giảm kinh tế toàn cầu, song với quyết tâm thực hiện không còn bao lâu nữa, trục đường Miền Tây này sẽ hoàn thiện, góp phần thay đổi số phận của những vùng đất mà nó đã đi qua, tạo nên diện mạo mới cho miền núi Phú Yên.
Bút ký của HUỲNH HIẾU