Thứ Năm, 28/11/2024 15:35 CH
Thú vui chơi đá cảnh
Thứ Tư, 24/06/2009 18:30 CH

Trời đất đã ban tặng cho Sông Hinh nhiều sông, suối với cảnh quan thơ mộng. Dưới lòng những con sông, dòng suối đó, thiên nhiên đã tạo nên những đá cảnh kỳ thú.

 

da-5-090624.jpg
Lộc bình bằng đá cảnh - Ảnh: N.CƯỜNG

 

CHUYỆN VỀ ĐÁ CẢNH SÔNG HINH

 

Dân chơi đá cảnh ở Sông Hinh đang lên “cơn sốt” với những viên đá lấy từ dòng sông Ba. Đá sông Ba có rất nhiều chủng loại mà dân chơi đá cảnh phải “ghiền”. Đó là những viên đá tròn xoe như quả địa cầu màu vàng óng ánh (kim hoa thạch), có viên lại màu đen bóng loáng (hắc thạch), còn đá vân thì muôn hình, vạn trạng.

 

Anh Trần Đình Pháp, một người chơi đá cảnh ở Sông Hinh thổ lộ: Cái thú của chơi đá cảnh là ban đầu thấy hay hay, nhưng đến khi đã bước vào rồi thì đâm ra “ghiền”. Mà đã gọi là “ghiền” thì vợ con có cằn nhằn, khó chịu đến mấy vẫn cứ chơi. Thấy ai có tác phẩm gì hay hơn mình là lại muốn mình cũng phải có hàng “độc” hơn. Cái khó của người chơi đá cảnh là phải “thuận vợ, thuận chồng”. Điều này thì hầu như ít khi gặp nhau vì chơi đá cảnh là thú vui, nhưng cũng tốn khá nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Ai có nhiều tác phẩm thì cũng chứng tỏ là “có bản lĩnh đàn ông” lắm đấy (trừ mấy anh mua đi bán lại).

 

Đối với những người sưu tầm đá cảnh thì lúc nào tâm hồn cũng bay bổng cùng Long, Lân, Quy, Phụng, hay những hình dáng thế thần như: mẫu tử, vọng phu, tam sơn, ngũ nhạc... Cái cảnh chiều chiều bên những góc đường, những đấng mày râu tụm năm, tụm ba bình luận xôn xao về những tác phẩm đá cảnh mới sưu tầm được là hình ảnh rất sinh động ở phố núi Hai Riêng trong những ngày Thủy điện Sông Ba Hạ đóng nước. Việc mua bán diễn ra cũng chẳng giống ai. Cũng hòn đá ấy, cũng ông chủ ấy và với cái giá phát ra cũng “trên trời, dưới biển”. Nhưng khách mua thì lại khác nhau, mỗi người một vẻ tuỳ theo cảm nhận và ý thích của mình. Có người trả giá vài ba triệu đồng, nhưng cũng có người chỉ trả giá vài ba trăm ngàn đồng cho cùng một hòn đá, thậm chí có người xem xong phán một câu xanh rờn: “Hòn này cho cũng không thèm lấy”, làm nản lòng những “nhà sưu tầm không chuyên”. Nhưng cuối cùng hòn đá đó sẽ về những tay chơi nào có duyên với đá, dù có khi không phải là người đến trước hay là người trả giá cao.

 

 

da-3-090624.jpg

Hòn đá có hình con rùa - Ảnh: N.CƯỜNG

 

Ngay từ năm 2003, ông Bùi Đức Tầm, Trưởng Ban giám khảo chấm thi đá cảnh năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh, khi ra Phú Yên làm bộ phim “Bên dòng sông Ba”,  ông đã ngắm hòn đá cảnh “Mãnh Sư” ở quán cà phê Thảo Nguyên mấy ngày liền và đã đưa ra nhận xét: “Đá cảnh ở đấy rất đẹp, có tiềm năng lớn có thể khai thác thương mại và tôi sẵn sàng làm đối tác đầu ra cho dòng sản phẩm này”.

 

Nói về đá cảnh Sông Hinh thì phải kể đến dòng đá cảnh sông Ba. Từ khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ khởi công thì cũng là lúc nghề chơi đá cảnh ở hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa “lên đời”. Từ chỗ chỉ có ít người sưu tầm, đến khi dòng sông Ba cạn thì những viên đá cảnh nằm sâu dưới lòng sông hàng triệu năm mới có dịp khoe sắc với đời. Trong các tác phẩm về đá cảnh, không thể không nhắc đến hòn đá cảnh có hình bản đồ Việt Nam của anh Nguyễn Đình Vượng. Tiến sĩ địa chất Đặng Xuân Phú đã ghi trong cuốn sổ lưu niệm của chủ nhân hòn đá vào ngày 29/4/2009 khi ông vô tình ghé vào quán cà phê Thảo Nguyên ở thị trấn Hai Riêng  như sau: “Tôi xem hòn đá có hình nước Việt Nam, tôi thấy đó là hòn đá cảnh rất đẹp. Theo ông Vượng hòn đá nhặt ở sông Ba nên rất khó xác định niên đại của nó. Vì không đập ra được nên tôi chưa rõ đó là đá gì. Ông Vượng có đập 1 chút (0,5 mm) thì tôi thấy rất có thể là hòn thạch anh opan trong đất bazan. Nếu vậy thì niên đại của nó là 65 vạn năm. Đây là hòn đá đẹp và có ý nghĩa sâu sắc về nhân văn, lịch sử”.

 

Ở huyện Sông Hinh có rất nhiều người chơi đá cảnh, đá nghệ thuật như ông Chín Phụng, Trần Đình Pháp, Trường Sinh, Đức Thịnh, Tám Tào, Đình Vượng, Quang Dũng, Bốn Đức, Thành Đức... Đây là những tay chơi đá chỉ biết có “nhập” vào chứ không nói đến chuyện “xuất” ra, cho nên đá của các tay chơi này khá đa dạng và phong phú. Ông Nguyễn Đức Thịnh hiện đang có trong tay hàng trăm tác phẩm đá đã lên đôn, lên đế rất có hồn và bắt mắt. Hiện ông đang dự định sẽ sưu tập đủ 250 tác phẩm để kỷ niệm 25 năm thành lập huyện Sông Hinh vào dịp 25/2/2010.

Câu hỏi đặt ra là đá cảnh Sông Hinh đã đi về đâu? Theo giới chơi đá cảnh, đá cảnh Sông Hinh và sông Ba đã đi khắp nơi trên mọi miền đất nước. Ngoài ra, còn có một số khách hàng là người nước ngoài tới để sưu tầm. Chính vì vậy, vừa qua các ban ngành ở huyện Sông Hinh chỉ đạo Chi hội Văn học nghệ thuật huyện thành lập câu lạc bộ đá cảnh, tập trung những người chơi đá lại với mục đích cùng nhau sưu tầm, giữ gìn, phát huy những thế mạnh của đá cảnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

 

 

xa-khoi-090625.jpg
Tác phẩm Xa khơi

 

CŨNG LẮM CÔNG PHU...

 

Theo thuyết âm dương, đá vốn có tính âm nên khi chơi đá phải chọn những nơi có nhiều khí dương để trưng bày: Ví dụ nếu đặt ở trong nhà thì nên chọn chỗ nào có ánh nắng mặt trời có thể chỉ cần một lần trong ngày chiếu vào cũng được hoặc để ở trong hồ cá, bể nước, vì nước là thủy có tính dương mà âm dương cân bằng thì rất tốt. Nếu không thì lâu lâu ta mang ra phơi nắng phơi mưa cho đá hút thêm tinh khí của đất trời làm cho nó sống động hơn đẹp hơn.

 

Còn đá cảnh đã để ở nơi công cộng, nhà hàng quán xá thì tùy, miễn sao vị trí thích hợp an toàn cho du khách và người thưởng ngoạn là được. Vì những nơi công cộng dương khí nhiều có thêm dăm bảy hòn đá thì càng cân bằng âm dương  giúp cho công việc làm ăn kinh doanh trôi trảy và phát đạt hơn.

 

Chơi đá cảnh dứt khoát phải làm đế, làm đôn cho đá, hòn đá cảnh được lên đế, lên đôn cũng như con người được lên đời vậy. Làm xong cứ để lên chỗ nào thích hợp mà ngắm thì thấy đá càng đẹp hơn. Đế tốt nhất làm bằng gỗ, gỗ càng quý thì... thấy đá càng đẹp.

 

 

Phải nói rằng, đá cảnh Sông Hinh nói riêng và đá cảnh của Phú Yên nói chung là đá đẹp được nhiều người. Chẳng vậy mà trong suốt mấy năm qua, đã có biết bao người mê đá đến với Sông Hinh vì những viên đá cảnh mà chẳng nơi nào có được.

 

NGỌC CƯỜNG - ĐƯỜNG VỊNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giữ sóng trên đỉnh núi
Chủ Nhật, 21/06/2009 07:00 SA
Ra bè câu mực lá
Thứ Bảy, 13/06/2009 15:00 CH
Chơi xe Cub tân trang
Thứ Tư, 10/06/2009 18:30 CH
Đua nhau đi bắt hải sâm, bào ngư
Thứ Tư, 03/06/2009 15:30 CH
“Rẩu nước”
Thứ Tư, 27/05/2009 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek