Thứ Năm, 28/11/2024 15:35 CH
Giữ sóng trên đỉnh núi
Chủ Nhật, 21/06/2009 07:00 SA

Họ là những cán bộ kỹ thuật của đài phát sóng phát thanh - truyền hình đặt trên đỉnh núi Chóp Chài, có nhiệm vụ giữ cho những cánh sóng luôn thông suốt, để tín hiệu phát thanh, truyền hình được truyền đi muôn nơi. Dù sống giữa lòng TP Tuy Hòa, nhưng trên độ cao 391m so với mực nước biển, họ vẫn gặp không ít khó khăn trong đời sống và công tác, đặc biệt là đối mặt với hiểm nguy do thiên tai.

 

cc2-090620.jpg

Anh Nguyễn Đình Chương (PTP) bên thiết bị ghi nhận các cú sét đánh vào antene phát sóng Chóp Chài - Ảnh: K.DUY

 

Đi trên quốc lộ 1A, từ xa hàng chục cây số đã thấy ngọn Chóp Chài hiên ngang. Trên đỉnh chóp ngọn núi, sừng sững trụ antene cao vọi và thấp thoáng một khối nhà kiên cố. Thỉnh thoảng, vào mùa thu đông, những đám mây trắng sà xuống đỉnh ngọn núi, “vướng” lại nơi này, tạo một khung cảnh nên thơ, lãng mạn.

 

GIỮ SÓNG

 

Sống ở nơi “bồng lai tiên cảnh” ấy là các cán bộ, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên (PTP) và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (PVTV). Hôm chúng tôi đến, hai anh Đặng Rõ, Nguyễn Văn Thạo – cán bộ kỹ thuật của PVTV - người đang nằm phòng lạnh xem tivi, người còn lại đang bật máy tính… chơi game. Anh Rõ nói vui: “Công việc của chúng tôi “nhàn” lắm. Miễn mấy cái “ông” máy ở phòng trong kia cứ chạy “rù rù” là mình thong dong. Tất nhiên, khi mấy “ổng” “hắt hơi sổ mũi” thì mình mệt rồi, phải nghiên cứu cách khắc phục ngay, vì nếu không thì tín hiệu sóng truyền hình bị gián đoạn, bạn xem đài khắp nơi không xem được chương trình”.

 

Anh Nguyễn Đình Chương, nhân viên kỹ thuật của PTP cho biết, đến khung giờ phát sóng của đài, anh phải ngồi rịt trong phòng máy để nếu có xảy ra sự cố gì thì xử lý ngay. “Thường trước giờ phát sóng, trực kỹ thuật chúng tôi phải đo đạc, kiểm tra từng thiết bị một, đồng thời chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết để lỡ xảy ra sự cố thì phải xoay xở giải quyết ngay. Với phát thanh, mất tín hiệu vài giây thôi là coi như chương trình bị vỡ. Mình thiếu cẩn trọng một chút có thể khiến công sức của bao người “dưới núi” bị đổ sông đổ biển” – anh tâm sự.

 

Các cán bộ kỹ thuật ở đây cho biết, chương trình phát thanh, truyền hình được sản xuất ở trung tâm đài đặt dưới mặt đất, sau đó truyền tín hiệu qua viba, đài phát sóng trên đỉnh núi nhận tín hiệu đưa qua các máy phát sóng công suất lớn, đẩy lên antene cao 75m, truyền tải, lan tỏa vào không gian. Hiện PVTV có ba máy phát sóng công suất lớn và hai máy phát dự phòng, còn PTP có 2 máy phát công suất lớn và 2 máy dự phòng. Chính thức hoạt động từ 2003, đài phát sóng này đã đưa tín hiệu phát thanh đến 100% địa phương ở Phú Yên; còn sóng truyền hình PVTV đã phủ trong bán kính 60-70km, một số địa phương ở các tỉnh lân cận cũng có thể bắt được tín hiệu.

 

Đội “giữ sóng” của PVTV hiện có 6 người, mỗi ca trực hai người, ở trạm hai ngày đêm. Còn tổ của PTP có 5 người, mỗi ca trực ban ngày một người, tối hai người, bình quân mỗi người trực hai đêm một ngày.

 

“TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊN LÔI”

 

Theo anh Đặng Rõ, sống trên đỉnh Chóp Chài, dù được cơ quan quan tâm chăm lo đời sống các cán bộ, nhân viên, nhưng các anh gặp không ít khó khăn. Ăn uống thì mỗi kíp trực tự mua thực phẩm lên, đủ để tự nấu ăn trong thời gian trực, nhưng khó khăn lớn nhất là nước. Hiện trên núi có hàng chục người của các đơn vị PVTV, PTP, công an, hải quân, nhân viên trạm viba nhưng chỉ xài chung một bể nước được hứng từ… mưa. “Thường lúc hết nước đột xuất, anh em dùng xe máy chạy xuống núi, chở lên vài ba can nước xài tạm. Nhưng cũng có khi hết nước mà bận công tác không thể đi được, chúng tôi phải xài cả nước chảy ra từ… máy lạnh. Thỉnh thoảng cơ quan thuê xe bồn chở nước lên, giá mỗi khối nước đến 100.000 đồng, nhưng lên đến nơi chỉ còn… nửa khối vì đường đi khó khăn, dồng xóc khiến nước chảy ra ngoài. Khó khăn vậy nên mấy anh em trên này thường… nhịn tắm, chờ giao ca trực, chạy về nhà tắm luôn” – anh Rõ tâm sự. Bên cạnh đó, nỗi buồn của họ là không được sống trong môi trường cơ quan, cứ biết hết ca trực về nhà để nghỉ, đến giờ trực lại lên núi…

 

cc1-090621.jpg
Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thạo (PVTV) đang theo dõi tại Đài phát sóng Chóp Chài - Ảnh: K.DUY

 

Những người giữ sóng cho biết, sống trên cao, nhìn xuống phía dưới thu cả tỉnh vào tầm mắt, thấy rất tự hào, đặc biệt là khi phát hiện ra những công trình mới mọc lên trên quê hương. Nhưng ở trên cao, càng gần trời thì càng lo… trời đánh. Kỹ sư Đinh Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật của PTP, kể một câu chuyện vui: Vào một tối giao thừa, các kíp trực của PVTV, PTP, đội cảnh sát bảo vệ trên núi Chóp Chài quây quần với nhau. Hết nói chuyện “trên trời dưới đất”, các anh chuyển sang làm thơ, mỗi người đóng góp một câu, gộp lại cũng thành bài, ngông ngông, ngồ ngộ, giờ thành “đặc sản” ai cũng nhớ: “Thấp hơn một ông trời/ Cao hơn muôn vạn người/ Ngâm nga cùng gió rít/ Trò chuyện với Thiên lôi”.

 

Hôm chúng tôi đến đã giữa hè. Xế chiều, trên đỉnh Chóp Chài đầy gió, trời đang nắng chói chang bỗng dưng tối lại. Mây đen ngùn ngụt kéo về thật nhanh. Đã có kinh nghiệm “nắm” thời tiết, anh Nguyễn Đình Chương, kỹ thuật viên của Đài phát sóng Phát thanh Phú Yên vội vàng cắt cầu dao điện lưới, nhanh chóng chạy vào buồng mở máy nổ phát điện. “Với diễn biến này, có thể chốc nữa sẽ có sấm sét. Sử dụng điện máy nổ cho chắc ăn, để lỡ “ông Sét” có “ghé thăm”, “nện” vào điện lưới thì hệ thống máy móc ở đây không sao, sóng không gián đoạn, tiếng nói phát thanh vẫn truyền đi muôn nơi” – anh nói. “Nhưng đôi khi tránh được cái này “ổng” lại đánh vào cái kia, đó là đánh vào trụ antene. Dù tại đây đã được trang bị các thiết bị chống sét hiện đại, nhưng vẫn không thể lường hết được. Lo ngại nhất là mỗi đợt sét thường đánh liên tục 6-7 cú với cường độ cực mạnh, mình đang khắc phục sự cố máy móc mà bị truyền sét thì kể như… toi” – anh Đặng Rõ thổ lộ.

 

Anh Nguyễn Đình Chương đưa chúng tôi đến xem thiết bị ghi nhận các cú sét đánh vào trụ antene phát sóng. Trên đó ghi số 33. Chia cho 5 năm kể từ khi trung tâm chính thức hoạt động, bình quân mỗi năm sét đánh vào đây gần 7 lần. Anh Đặng Rõ nói: “Thực tế tần suất sét đánh nhiều hơn, vì “ông trời” đâu chỉ đánh vào antene. Riêng năm nay, giông sét đến sớm hơn thường lệ, “ông Sét” đã hai lần “ghé thăm” chúng tôi rồi. Lần gần nhất là lúc 15g45 ngày 24/5, sét đánh vào trụ antene gây tê liệt hệ thống phát hình trong 40 phút!”.

 

Dù khó khăn vất vả, đối mặt với hiểm nguy, những người trực kỹ thuật đài phát sóng phát thanh, truyền hình trên núi Chóp Chài vẫn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, đưa tín hiệu âm thanh, hình ảnh động đến với mọi nhà, mọi người…

 

Nhà báo TẠ TẤN ĐÔNG, Giám đốc PVTV:

 

Đài phát sóng phát thanh, truyền hình trên núi Chóp Chài rất quan trọng đối với các PVTV lẫn PTP. Mọi chương trình muốn đến được với người nghe, người xem đài đều phụ thuộc vào đài phát. Bởi vậy, nỗ lực giữ sóng của các cán bộ kỹ thuật trong nhiều năm qua, đặc biệt là dưới điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, rất đáng được biểu dương.

 

QUỐC THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ra bè câu mực lá
Thứ Bảy, 13/06/2009 15:00 CH
Chơi xe Cub tân trang
Thứ Tư, 10/06/2009 18:30 CH
Đua nhau đi bắt hải sâm, bào ngư
Thứ Tư, 03/06/2009 15:30 CH
“Rẩu nước”
Thứ Tư, 27/05/2009 15:00 CH
Đi đường bộ đến... cực Đông
Thứ Tư, 13/05/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek