Thứ Sáu, 04/10/2024 14:37 CH
Đi đường bộ đến... cực Đông
Thứ Tư, 13/05/2009 07:00 SA

Đi bộ vượt sa mạc cát. Ngồi chênh vênh trên thuyền thúng. Bạn có thể trải nghiệm các cảm giác này bằng chuyến du hành thú vị đến hai điểm cực Đông trên bộ của Tổ quốc: hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa).

 

mui-doi.jpg

Mũi Đôi là điểm đón nhận những đợt sóng đầu tiên vỗ từ biển Đông vào đất liền. Phía trước là đảo Hòn Đầu với những tảng đá được thiên nhiên tạo thành những hình đầu người, đầu thú... Đây cũng là nơi nuôi chim yến lấy tổ. - Ảnh: T.T.D.

 

Khởi hành từ TP Nha Trang trong buổi sáng mưa dông tối trời, tôi thuê xe gắn máy chạy theo quốc lộ 1A đi lên Mũi Đôi (Khánh Hòa) và Đại Lãnh (Phú Yên), dự định tìm hiểu điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam theo lộ trình khám phá Mũi Đôi trước rồi sẽ đón bình minh tại mũi Đại Lãnh vào sáng hôm sau.

 

ĐÓN BÌNH MINH Ở ĐẠI LÃNH

 

Vào đến Đầm Môn (bán đảo Hòn Gốm, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), tôi đến đồn biên phòng 358, xin được hướng dẫn ra Mũi Đôi - nơi được dân “phượt” (dân du lịch bụi bằng môtô) xem là cực Đông trên bộ của Việt Nam. Đồn trưởng Nguyễn Duy Nội cho biết chẳng có con đường bộ nào ra đấy cả và khuyên nên thuê thuyền du lịch ở vịnh Vân Phong cho an toàn. Nhưng ngồi tàu du lịch là chọn lựa chẳng đặng đừng đối với dân du lịch bụi. Tôi hỏi thuê thuyền đánh cá của bác Nở ở bãi Hòn Gầm, thỏa thuận sáng sớm xuất phát qua mũi Hòn Ngang rồi đến Mũi Đôi (đi về mất bốn giờ, giá 500.000 đồng). Thế là lịch trình phải thay đổi: đón ánh bình minh ở ngọn hải đăng Đại Lãnh trước rồi sẽ du thám Mũi Đôi (hai vị trí cách nhau khoảng 50km).

 

dai-lanh1.jpg

Đón ánh bình minh đầu tiên của VN trên ngọn hải đăng Đại Lãnh - Ảnh: T.T.D

 

Nghỉ đêm tại trạm hải đăng Đại Lãnh (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên), 5g sáng tôi đã có mặt trên ngọn tháp đèn có cao độ 110m (từ tâm đo sáng đến mặt nước biển) để hồi hộp đợi ánh bình minh khi phía đông có nhiều mây che phủ. Hơn 6g mặt trời mới chịu hé lộ để chiếu những tia nắng đầu tiên sưởi ấm bãi cát mịn, bên cạnh dòng suối nước ngọt mát lạnh chảy qua bãi Môn.

 

Sau khi bấm máy GPS xác định kinh độ, vĩ độ tại điểm này và chào tạm biệt những con người đáng mến ở đây, tôi quay lại vượt hai ngọn đèo Cả và Cổ Mã để kịp giờ hẹn lên thuyền ra Mũi Đôi. Đến nơi chẳng thấy thuyền đâu, người ta bảo hôm nay gió lớn thuyền không ra khơi được! Tôi trở lại đồn biên phòng 358 xin giúp đỡ. Cuối cùng, ban chỉ huy đã cử binh nhất Nguyễn Minh Thái làm bạn đường.

 

Đúng 7g30, hai chúng tôi cùng với Việt Thành (một dân “phượt” độc hành với chiếc môtô xuyên Việt, vừa gặp ở Đại Lãnh) xuất phát về phía đông. Cả một sa mạc cát hiện ra. Qua đồi cát thứ nhất, lại một dốc núi cát thứ hai. Xuyên qua rừng cây gủ, lầu tấu, mà ca, trâm, mai rừng, chúng tôi thở dốc khi vượt qua đỉnh cát thứ ba, rồi ra đến bãi Na - một bãi biển tuyệt đẹp và sạch vô cùng.

 

CHINH PHỤC MŨI ĐÔI BẰNG...…THUYỀN THÚNG

 

Đến trạm biên phòng Hố Na, binh nhất Thái lắc đầu: “Tôi chỉ biết đến đây thôi, còn Mũi Đôi thì chưa đi bao giờ...”. Đúng là bó tay! Bản đồ lại được mở ra.

 

Theo máy định vị GPS, chỉ còn 2km đường chim bay sẽ đến nơi. Chúng tôi quyết định đi tiếp về cuối bãi cát và leo qua các mỏm đá lởm chởm dọc bờ biển về hướng đông. Leo được một đoạn, chợt thấy hai cái thúng của ngư dân gửi gần đấy, Thái gợi ý hay chúng tôi đi thử.

 

Ngồi trên cái thúng nhỏ đường kính 1,2m, chúng tôi như con kiến giữa trùng khơi sóng gió. Không chịu được những cú nhồi, lắc lư giữa một bên là sóng biển, một bên lởm chởm bờ đá chìm nổi, Thành bị say sóng phải trở vào khi đi được hơn 200m. Sau này tôi được biết người bạn đồng hành của tôi đã phải bỏ cuộc chơi vì toàn bộ máy ảnh, điện thoại, máy GPS (trị giá gần 50 triệu đồng) đã bị rơi xuống biển khi anh bước hụt chân lên bờ ngay lúc sóng ập vào.

 

Tôi cùng binh nhất Thái quyết định tiếp tục cuộc hành trình chưa thấy đích đến trên cái thúng nhỏ. Đến Mũi Na, tôi leo lên bờ đá đi thăm dò để Thái được ngơi tay chèo và bơi thúng đi theo. Được một đoạn, tôi trở lại thúng để băng qua một eo biển rộng tên địa phương gọi là Sủng Ớt, rồi qua Sở Lưới Đăng. 11g25, chúng tôi kéo thúng lên hòn đá to nhô ra biển, trên đó có cắm ba cột cờ để tiếp tục tìm lối đi (sau này tôi được biết đây là mũi Eo Gió, nơi ngư dân vào tránh gió và lấy nước ngọt). Đi được một đoạn gặp một núi đá lớn cản đường, ngay bên dưới là vực biển sâu, tôi lại trở ra chiếc thúng nhỏ đang chờ mình bên ngoài.

 

11g55, chúng tôi tiếp tục đến một mũi đá có cái miếu nhỏ trong hốc, Thái cố chèo nhưng không qua được luồng nước và sóng đập ầm ầm trắng xóa vách đá. Vòng trở lại tìm nơi khuất gió, lại kéo thúng lên bờ đá. Đến lúc đường đi trước mặt không còn lối, mệt mỏi dựa lưng vào vách đá, tôi đã nghĩ đến đường về. Tình hình rất bi quan. Bỗng Thái gọi to: “Anh ơi, có đường rồi, có đường qua bên kia”.

 

Tôi bật dậy theo chân Thái. Len lỏi một hồi, rồi chui xuống một cái khe hẹp dưới tảng đá to, thế là qua được bên kia. Đi thêm được chừng chục mét, qua một hốc đá lớn, chúng tôi thấy một hòn đảo hiện ra trước mắt. Đó là Hòn Đầu, vậy là chúng tôi đã đến nơi (nhìn bản đồ, Hòn Đầu là đảo duy nhất nằm gần và cách Mũi Đôi vài trăm mét). Sững sờ trong vài giây, tôi hét lên: “Đến nơi rồi, chúng ta đến được Mũi Đôi rồi!”.

 

Nơi đây có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau hướng ra biển. Lúc đó là 12g25. Đứng ra ngoài trời gần tảng đá to nhất, tôi mở GPS ra chấm tọa độ. Vậy là Mũi Đôi de ra biển Đông 00001’46" so với điểm ở Đại Lãnh.

 

Trên đường trở ra quốc lộ về Nha Trang, tôi thấy nhiều dự án kinh tế và công trình xây dựng khu du lịch đang trong giai đoạn chuẩn bị. Một tuyến đường từ Đầm Môn đang được thi công băng qua đồi cát, hướng về núi Cỏ Ống. Trong tương lai, các nhà du thám sẽ dễ dàng đến gần cực Đông hơn khi khu du lịch Hòn Ngang, Bãi Cát Thấm và Cỏ Ống dần dần hình thành. Hy vọng nó sẽ còn giữ lại một góc hoang sơ như bây giờ.

  

Chúng tôi dùng mọi cách: bò, chui, trườn, nhảy... để di chuyển qua những tảng đá nóng bỏng xếp chồng lên nhau cao như những tòa nhà 2-3 tầng. Lúc “bay” qua một tảng đá to để sang bên kia, máy ảnh đeo sau lưng tôi bất ngờ đập mạnh vào núi đá. Thế là “toi” cái ống kính 18-200mm, may là còn một máy dự phòng mini.

 

Một lần tôi chạm tay vào đống da rắn lột khi bám lấy cái ụ cỏ để leo qua tảng đá lớn, thật hú vía! 

 

Theo TT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Điện Biên không xa
Thứ Tư, 06/05/2009 07:30 SA
Tiếp sức cho người nghèo
Thứ Bảy, 02/05/2009 07:24 SA
Thạch đạo trên non cao
Thứ Sáu, 01/05/2009 18:16 CH
Tự “mở cửa” vào bầu trời
Thứ Năm, 23/04/2009 18:34 CH
Nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh
Thứ Năm, 09/04/2009 18:30 CH
Một thoáng Diêm Trường
Thứ Hai, 06/04/2009 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek