Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên, việc người chồng dứt áo ra đi sau khi vợ chết, bỏ lại những đứa trẻ mồ côi bơ vơ, không nơi nương tựa... là nỗi đau của gia đình và là một gánh nặng cho xã hội. Đây là hệ quả của một luật tục khi nó trở thành hủ tục.
Mí Ninh với ba đứa cháu mồ côi |
LUẬT TỤC CHUÊ NUÊ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ
Chuê nuê là một luật tục tồn tại khá lâu trong hôn nhân của người Êđê. Chuê là nối, còn nuê là một từ dùng để gọi người vợ hoặc chồng được thay thế. Theo luật tục chuê nuê, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hay thậm chí là người chị vợ già hơn mình rất nhiều, miễn là người đó chưa có chồng. Nếu không còn người để nuê thì người chồng về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Ngược lại, nếu người chồng chết mà gia đình chồng không muốn mất của cải cũng phải đưa anh trai hay em trai chưa có vợ (của người chồng đã mất) sang nhà người vợ để thực hiện tục chuê nuê. Luật tục quy định: “Rầm sàn gãy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này thì phải nối bằng người khác”, bởi người Êđê sợ rằng: “Gia đình sẽ tan nát ngoài nương rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ, giống nòi sẽ khô kiệt như những dòng suối cạn nước, kẻo tuyệt nòi không còn con cháu nữa”…
Người Êđê cho rằng, luật tục chuê nuê nhằm kế thừa và bảo trì tài sản, duy trì mối quan hệ thông gia; vì con cái của người đã chết; vì mục đích đền ơn. Riêng mục đích đền ơn thì người Êđê quan niệm: Phụ nữ sinh ra trong gia đình giàu có hoặc gia đình có thế lực trong buôn làng, lúc trẻ trung đã phải làm vợ nuê cho người đàn ông già cả. Khi chồng chết, bà đòi hỏi gia đình nhà chồng “bù lại” bằng cách chọn chàng trai trẻ chưa vợ làm chồng nuê của bà. Trong trường hợp chàng trai trẻ không đồng ý, gia đình phải bằng mọi cách thuyết phục. Nếu không làm như thế, bên nhà trai sẽ cảm thấy bất công, tàn nhẫn đối với người đàn bà ấy…
Tuy nhiên, việc làm vợ hoặc chồng nuê đều được thực hiện một cách tự nguyện, trên tinh thần hai gia đình có sự bàn bạc thống nhất (trong lúc hoặc sau đám tang), không ép buộc. Có thể nói, luật tục chuê nuê của người Êđê gắn với sự bảo vệ và duy trì chế độ mẫu hệ.
NỖI ĐAU KHI LUẬT TỤC TRỞ THÀNH HỦ TỤC
Chị Hờ Tóc là người ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh). Sau khi lâm bệnh nặng, được gia đình chạy chữa nhưng không khỏi, chị Hờ Tóc qua đời, để lại 3 đứa con; đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Vì trâu, bò, ruộng, rẫy… đều bán hết để chữa bệnh nên sau khi chị mất, gia cảnh gặp rất nhiều khó khăn. Sau đám tang vài tháng, do không có người để nuê, Kso Y Lôi (chồng Hờ Tóc) đã ra đi và cưới một người ở cùng xã làm vợ. Vậy là Oi Lâm, cha của Hờ Tóc phải nuôi ba đứa trẻ mồ côi. Cuộc sống của bốn ông cháu lẩn quẩn trong đói nghèo, vì Oi Lâm đã trên 70 tuổi, mất sức lao động, trong khi lũ cháu còn quá nhỏ. Ông Oi Lâm thở dài: Mặc dù lớn tuổi nhưng vẫn phải đi cày, đi cuốc để trồng củ khoai, củ sắn kiếm cái ăn cho gia đình. Sợ nhất là mai này mình chết đi, mấy đứa cháu không biết bấu víu vào đâu…
Mới 16 tuổi nhưng Hờ Riu ở buôn Ly (xã Ea Trol) vừa chăm sóc 5 đứa em, vừa phải quán xuyến mọi công việc trong gia đình. Năm 1994, chị Hờ Rứch (mẹ Hờ Riu) sau khi vượt cạn sinh Y Rin thì qua đời. Hơn một tháng sau, cũng do không có người để nuê, chồng chị dứt áo ra đi, bỏ lại gánh nặng gia đình cho đứa con gái đầu lòng là Hờ Riu. Hờ Riu phải chăm sóc 5 đứa em, trong đó em út Y Rin chỉ mới 1 tháng tuổi. Mặc dù được chính quyền địa phương và bà con trong buôn giúp đỡ rất nhiều nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình Hờ Riu mãi. Hờ Riu kể lại: Mẹ chết, ba bỏ đi, trong nhà không còn gạo để ăn, không có tiền mua sữa cho Y Rin bú. Em và hai đứa em lớn là Hờ Điêu, Y Đai phải đi làm rẫy, cuốc cỏ, chặt mía thuê cho người ta để kiếm tiền mua gạo. Có bữa thì ăn cơm, có bữa ăn sắn, bữa đói, bữa no…
Bà Sô Thị Phựa và 3 cháu, con chị Sô Thị Bưởi - Ảnh: ANH NGỌC |
Theo phong tục của người Êđê, con gái khoảng 16 tuổi có thể lập gia đình. Nhưng vì gia cảnh quá nghèo nên việc “bắt chồng” của Hờ Riu cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, Hờ Riu “bắt chồng”, theo phong tục thì phải nộp cho nhà trai rất nhiều lễ vật. Những lễ vật nhỏ như ché rượu cần, vòng đeo tay bằng đồng, khăn, áo, ên…, Hờ Riu lo được. Lễ vật một con bò sống để nộp cho nhà trai, một con bò chết để đãi người trong buôn… thì Hờ Riu lo không nổi. Hờ Riu tâm sự: Từ khi cưới chồng đến nay, Hờ Riu vẫn phải nuôi nấng và chăm sóc mấy đứa em. Đến nay đã có 3 đứa con, nhưng vẫn chưa trả xong nợ cho nhà trai…
Chủ tịch UBND xã Ea Trol Y Tleng cho biết, hiện tại ở xã này có gần 20 cháu mồ côi. Sau khi mẹ bọn trẻ chết, cha chúng cũng phải ra đi và cưới vợ khác. Thật đau lòng khi phải chứng kiến những cảnh đời bất hạnh mà nguyên nhân từ một luật tục. Luật tục này không chỉ có ở người Êđê mà còn tồn tại trong đời sống của người Chăm Hroi, với tên gọi mă kơ mai.
Gia đình Mí Ninh ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) cũng đang gánh chịu những hệ quả đau buồn từ luật tục mă kơ mai. Năm 2006, sau khi sinh con được 4 tháng, chị Sô Thị Mãi (con gái Mí Ninh) bị bệnh nặng và chết. Không lâu sau, Sô Minh Ngọc (chồng chị) đi cưới vợ khác ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), để lại cho Mí Ninh 3 đứa cháu, đứa lớn nhất mới được 5 tuổi. Hàng ngày Mí Ninh phải chăm sóc các cháu và đứa con bị bệnh tâm thần nên không còn thời gian để làm việc khác. Hơn nữa, do tuổi đã cao, Mí Ninh không còn đủ sức để lao động nặng nhọc. May nhờ có một người con gái của Mí tên là Sô Thị Hoa cung cấp gạo, mắm… cho gia đình. Nhưng Sô Thị Hoa còn phải lo cho chồng con nên nhà Mí Ninh thường xuyên thiếu đói. Anh Lê Mo Lập, phó thôn Tân Thành, nói: “Thôn Tân Thành còn rất nhiều hộ nghèo, nhưng gia đình của Mí Ninh là hộ nghèo khó nhất thôn hiện nay. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, sự giúp đỡ của người dân trong thôn, gia đình Mí Ninh rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức và xã hội…”. Tại thôn Tân Hội (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), năm 2001, chị Sô Thị Bưởi bị bệnh nặng qua đời, chồng chị đi cưới vợ khác, bỏ lại 3 đứa con cho bà ngoại Sô Thị Phựa đã già yếu nuôi nấng...
Hiện nay, tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên có không ít đứa trẻ sau khi mẹ chết thì mất luôn cả cha. Việc duy trì một luật tục mà trong đó có những quy định không phù hợp đã trở thành nỗi đau cho những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Bao giờ xóa bỏ được những quy định không phù hợp của luật tục này?
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên KA SÔ LIỄNG: TÔI RẤT ĐAU LÒNG VỀ NHỮNG LUẬT TỤC KHÔNG PHÙ HỢP Trong luật tục chuê nuê của người Êđê hay mă kơ mai của người Chăm Hroi có quy định, sau khi vợ chết, nếu không còn người để nối dây thì người chồng về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Quy định này nhằm kế thừa và bảo trì tài sản, đồng thời gắn với sự bảo vệ và duy trì chế độ mẫu hệ. Quy định này chỉ phát huy hiệu quả đối với các gia đình giàu có. Đối với những gia đình nghèo, hệ quả của nó là con cái mồ côi, thiếu ăn đói rách, không nơi nương tựa… Là người Chăm Hroi, tôi rất đau lòng về những quy định không phù hợp này. Chúng ta nên phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, đồng thời phải xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể… cần tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào, làm cho họ hiểu được đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời gắn trách nhiệm của người cha, người mẹ đối với con cái và vấn đề nam nữ bình quyền.
ANH NGỌC