Lên Điện Biên bây giờ có nhiều lối đi, lối nào cũng được mở rộng, núi bạt xuống thành đường, vực nâng cao thành cầu, lán trại công nhân cầu đường nhiều như nấm. Xa lộ Hà Nội - Điện Biên khoảng năm trăm cây số khi hoàn thành thì con đường bộ đội dân công từ khu ba lên Tây Bắc năm nào đi ròng rã mấy tháng, nay chỉ một ngày ô tô, nhàn tênh. Điện Biên không còn xa.
Hội xuân ở vùng cao Điện Biên - Ảnh: ANH TUẤN |
Tôi vừa lên Điện Biên theo lối bến Âu Lâu, qua sông Thao. Trong chiến dịch Điện Biên đây là lối đi của các binh đoàn chủ lực. Qua Âu Lâu bây giờ bằng cầu sắt. Bờ lau cờ, nơi ngày xưa ông Đỗ Nhuận ngồi viết Du kích sông Thao nay mọc lên dãy nhà cao tầng. Chỉ nước sông Thao mùa thu đông là vẫn thế, sẫm đặc phù sa.
Bến Tạ Khoa thời kháng chiến đêm đêm bộ đội dân công qua sông Đà tay phải bám chặt vào sợi dây mây chăng ngang để lỡ sẩy chân thì không lăn xuống thác, nay qua sông có cầu bê tông vĩnh cửu mới khánh thành. Một chiếc cầu có dáng cong, bê tông mà nhìn mềm mại như nét vẽ tranh màu nước.
Ở đây, tôi được ông Cao Nguyên Dũng, đạo diễn của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, đang tìm tài liệu để làm phim Ký ức Điện Biên kể cho nghe câu chuyện tình của người phụ nữ H’Mông đứng đợi người yêu suốt đời chỉ vì một mảnh gương.
Chỗ này đây, ông Dũng bảo, xưa có anh công binh giữ bến đò Tạ Khoa mến một cô gái trong bản H’Mông, tặng cô một chiếc gương soi. Một lời hẹn giữa ồn ào những người là người ra trận, một thoáng gặp nhau trong lập lòe ánh đuốc dân công dễ gì ghi lòng tạc dạ. Anh lính công binh nghĩ thế, nên sau chiến thắng Điện Biên anh chẳng bận lòng về chiếc gương, mà về quê lấy vợ.
Đến hơn hai chục năm sau, anh đã về hưu, đi trong đoàn cựu chiến binh thăm chiến trường xưa, đến Tạ Khoa thật bất ngờ gặp lại người con gái năm nào. Khổ thân người đàn bà chung tình vẫn giữ chiếc gương trong túi áo. Bao năm nay, bà bảo, cứ mỗi lần cầm gương lên soi lại nhớ lời hẹn của anh là sẽ tìm nhau sau chiến thắng nên cầm lòng đứng đợi chứ không đi lấy chồng. Vì mình mà để người đàn bà lỡ dở, ông cựu chiến binh xin được đón người tình xưa về quê, kể đầu đuôi với vợ, để chị em nhận nhau cho người đàn bà H’Mông có một mái ấm ở tuổi đã lỡ thì. Chuyện tưởng có cái kết có hậu, hóa ra lại không được cơm lành, canh ngọt.
Tôi la cà ở mấy cái quán nước đầu cầu, biết thêm người đàn bà H’Mông về quê được một dạo, thấy chen vào hạnh phúc đang êm ấm của người khác cũng chẳng sung sướng gì, lại nhớ Tạ Khoa, nên bà quay lại làm trang trại ở lưng chừng núi kia, sống già nhân ngãi với một ông thương binh cùng cảnh ngộ. Tôi ngước nhìn lên núi, mong thấy ở trên ấy sợi dây phơi tã lót, khăn áo trẻ con nhưng chỉ thấy miên man là rừng bạch đàn xanh thẫm. Nước sông Đà xanh màu lá bạch đàn phả xuống như một tấm gương trời.
Qua cầu Tạ Khoa mới thật sự bước lên bậc thang Tây Bắc. Đường nâng cao dần theo bình độ núi, để tránh đột ngột khi gặp đèo Pha Đin ngoằn ngoèo những 32 cây số. Tôi nhớ có đọc bài bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông cho rằng đặc sản của Điện Biên là mây trắng. Có lẽ thế thật, đặc sản mây quanh năm đem phơi trên nong trời trải rộng từ Pha Đin đến tận Mường Tè. Dưới mây trắng là con đường xoắn như ruột gà, từ đỉnh Pha Đin tôi để ý thấy xe trườn qua tám trăm hai mươi sáu vòng cua tay áo mới chớm đến nép sông Nậm Rốm.
Những ngày ở Điện Biên tôi tìm gặp ông Hoàng Tuế, người được coi là pho sử sống của đồi A1, để hỏi chuyện. Ông vốn là chiến sĩ Sư đoàn 316, từng đi ở mũi chủ công đánh đồi A1. Lính đơn vị chủ công của ông từng có câu: Ăn như Khung, vác thùng như Tuế.
Khung là lính công binh, chỉ huy việc đào hầm xuyên vào lòng cao điểm A1. Anh chàng lực điền này ăn một loáng chín bát, rồi cắp cái xẻng vào nách lên trận địa, đào cả đêm, hai bàn tay tóe máu mới chịu bò ra. Tối đến lại chín bát nữa, rồi cắp xẻng bò vào…
Còn Tuế là người khỏe nổi tiếng, từng vác cả thùng nước chạy từ suối lên lưng chừng đồi, cho lính ta thỏa một bữa tiệc nước. Tráng sĩ thuở xưa giờ người chỉ còn một chẽn vì bệnh dạ dày. Nhưng mắt còn tinh, ngày ngày ông Tuế lên đồi A1 vẫn chưa phải chống gậy.
Đưa tôi lên lưng đồi, ông kể, đơn vị chủ công của ông hơn trăm tay súng, sau một đêm xung phong, chưa vượt qua hết ba lớp hàng rào kẽm gai của địch đã hy sinh gần hết, chỉ còn lại mươi người bị thương, trong đó có ông. Rồi ba mươi tám ngày đêm sau đó A1 là nơi đọ sức giằng co ác liệt nhất của mặt trận Điện Biên. Nhiều đơn vị thay nhau đánh chiếm A1, có đêm máu chiến sĩ tưới đẫm các chiến hào. Cả ngàn chiến sĩ tiếp nhau ngã xuống để đến tận nửa đêm 6 tháng 5, khối bộc phá 980 cân thuốc nổ mới được điểm hỏa khai tử cho cả tiểu đoàn Ma-rốc số 4 chiếm giữ nơi này, để quân ta tràn qua A1, thẳng tiến đến bắt sống tướng Đờ-cát, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau trận đại thắng, vì cái tình đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường, ông Hoàng Tuế chỉ về thăm quê Hải Dương dăm bữa, rồi quay lại dựng nhà ngay dưới chân đồi A1 để ngày một, hôm rằm hương khói cho các liệt sĩ.
Ông Hoàng Tuế bảo, bao nhiêu năm ông sống ở đây chờ nghe tiếng gõ cửa của các chiến hữu nhưng chỉ một lần ông mơ màng nghe thấy tiếng gọi Tuế ơi, âm âm như vọng lên từ lòng đất. Dường như có ứng nghiệm.
Năm ngoái, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Điện Biên trùng tu, khơi lại một đoạn chiến hào chỉ chừng ba chục mét ở phía Tây đồi A1 đã phát hiện 13 hài cốt liệt sĩ, có một vài hài cốt còn nguyên vẹn, ngực dắt chiếc bút piốt, lưng đeo bát sắt, xung quanh có 28 quả lựu đạn. Có hài cốt nơi vùng ngực còn chiếc bật lửa, một lọ pênixilin đựng nước, một lọ cao con hổ, một tấm gương soi hình chữ nhật, một nửa chiếc lược sừng gói cùng lọn tóc dài đựng trong túi vải dù. Ông Tuế nhận ra danh tính của người chiến sĩ suốt nửa thế kỷ vẫn ngồi ở tư thế xuất phát xung phong này là chiến sĩ Phạm Văn Bân, cùng quê Tiên Lữ, Hưng Yên.
Từ đó mà ông tìm ra chủ nhân của lọn tóc dài là bà Lã Thị Hảo, cũng cùng quê, vốn là chiến sĩ đội du kích Hoàng Ngân nổi tiếng thời chín năm kháng Pháp. Bà Hảo năm nay đã ngoài tám mươi, nhiêu chuyện ngày xưa giờ chỉ còn nhớ lõm bõm, nhưng cái lọn tóc thề thời thanh xuân gửi cho anh Bân thì bà không quên. Bao nhiêu năm rồi mà ông ấy vẫn còn nhớ tôi ư, bà ngẩn ngơ giữa đàn con cháu.
Ngày cuối của chuyến đi làm phim Ký ức Điện Biên, các anh bên tỉnh đội biết tin có tốp nhà văn cựu chiến binh tìm về A1 nhất định mời về ở với lính vài ngày cho vui. Lâu lắm tôi mới lại được thức ngủ theo hiệu lệnh của kèn đồng. Như là được trẻ lại những năm hành quân, những năm ngủ rừng nắng mưa tầm tã, những quần quật hối hả cả ngày. Doanh trại tỉnh đội trên khu đất cao, lên tầng thượng của nhà khách có thể nhìn bao quát cả thành phố Điện Biên ở xen lẫn với trận địa năm xưa.
Đồi A1 đang được bê tông hóa cả hố bộc phá, cả chiến hào để biến nơi thiêng liêng này thành tượng đài chiến thắng. Sông Nậm Rốm cũng sẽ được chặn lại bằng con đập tràn để nước dâng lên thành hồ tắm táp mát lành cho vùng đất từng qua lửa chiến tranh…
Điện Biên đang đổi thay và không xa...
HÀ ĐÌNH CẨN - (SGGP)