Tôi không gặp nhiều khó khăn khi tìm đến những gia đình đã trả sổ hộ nghèo, vươn lên khấm khá. Cuộc sống đã đổi thay ở từng gia đình, thôn xóm cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm. Những câu chuyện thoát nghèo càng thêm ý nghĩa khi chúng ta đang kỷ niệm 34 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hộ phụ nữ ở TP Tuy Hòa đang vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên. - Ảnh: Q.THUẦN |
QUA CƠN BĨ CỰC...
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cùng cán bộ khuyến nông xã đưa tôi đến nhà ông Trần Phụng ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước. Lần này là để bàn bạc với gia đình ông Phụng về cách tăng năng suất trên một đơn vị diện tích cây trồng và chăn nuôi bò.
Là một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu của địa phương, gia đình ông Phụng rất biết ơn Đảng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để gia đình ông phát triển kinh tế. Ông Phụng tâm sự: Hồi trước, vợ chồng tôi làm thuê cuốc mướn khắp nơi, cực nhọc lắm mà vẫn nghèo khó. Chúng tôi chỉ thoát được nghèo khi được Hội Nông dân đứng ra tín chấp vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trồng cỏ chăn nuôi bò, được Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 300 cây điều ghép.
Để đồng vốn phát huy hiệu quả, cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và cán bộ tín dụng ngân hàng hướng dẫn cách chăn nuôi bò sao cho khỏi bệnh, trồng cây điều sao cho hiệu quả. Nhờ vậy mà đồng vốn ngày một sinh sôi. Giờ đây, nhà ông Phụng không chỉ có 10 con bò. Diện tích điều đã tăng lên 4 ha với 900 cây và bắt đầu thu hoạch, mỗi năm cho thu nhập gần 30 triệu đồng.
Chị Trần Thị Huệ ở thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) cũng từng phải làm thuê cuốc mướn để mưu sinh. Bây giờ, trong ngôi nhà khang trang, chị tâm sự: “Hồi trước ở đây không ai nghèo bằng tôi đâu. Những năm tháng khó khăn, muốn kiếm vài trăm ngàn đồng làm vốn cũng khó. Nhờ 6 triệu đồng vay từ NHCSXH tỉnh Phú Yên, tôi đầu tư chăn nuôi heo, vịt để gây vốn lận lưng”. Câu chuyện của chị Huệ và hàng trăm chị em trong Hội Phụ nữ xã Hòa Hiệp Bắc tràn đầy niềm tin và hy vọng vào tương lai khi cùng lúc được tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo vay, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh - môi trường nông thôn, cho học sinh - sinh viên vay. “Số vốn mà hội đã đứng ra tín chấp cho hội viên phụ nữ xã vay đạt gần 6 tỉ đồng. Bây giờ chị em nghèo không còn lo chạy ăn từng bữa mà phải tính chuyện phát triển kinh tế và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn bởi vốn của NHCSXH luôn đồng hành với các chị” - Chị Trần Thị Nên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Hiệp Bắc nói trong niềm vui tràn đầy.
Đến buôn Zô, xã Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh sẽ thấy những ngôi nhà sàn mái tole mọc lên đẹp đẽ ở nơi một thời thưa vắng và nghèo khó. Căn nhà của Mí Cách, nhóm trưởng phụ nữ buôn Zô, minh chứng cho cuộc sống đầy đủ của mí. Được hỏi về đời sống hiện tại của bà con, mí hồ hởi: “Bây giờ thì chưa giàu, nhưng đã khá hơn rất nhiều so với thời mới vào bám đất dựng buôn, ra khỏi nhà cũng có chiếc xe máy mà đi”. Lần đầu tiên được tiếp cận vốn ngân hàng từ dự án phát triển kinh tế gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản do NHCSXH và Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên phối hợp thực hiện, sau 5 năm gia đình Mí Cách cũng như gần 100 hộ phụ nữ nghèo ở buôn Zô đã thoát được cảnh nghèo khó. Nhiều hộ cùng lúc tiếp cận từ 1 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi như: cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay, cho hộ nghèo vay, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay… Từ một buôn tái định cư, gần 100% là hộ nghèo, đến nay tỉ lệ hộ nghèo trong buôn giảm đáng kể, nhiều hộ đã làm ăn khấm khá.
...ĐẾN NGÀY THÁI LAI
Những gia đình chúng tôi ghé thăm là những trường hợp thoát nghèo tiêu biểu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Phú Yên những năm qua. Họ là những tấm gương để những người nghèo khác tự tin vươn lên trong cuộc sống. Gần 20.000 hộ đã trả sổ hộ nghèo trong 5 năm qua, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 11,66% vào cuối năm 2008. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên cho rằng: “Công tác xóa đói giảm nghèo đã được cả cộng đồng hưởng ứng, nên huy động được sức mạnh của các hội, đoàn thể và từng người dân. Đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến 100% thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Chính điều đó tạo nên sức mạnh để công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả có tính chất bền vững”.
Việc tạo điều kiện để người nghèo xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc không chỉ để thúc đẩy kinh tế phát triển, mà còn là mục tiêu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên. Hiện nay, chính sách cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình đi kèm với những lớp khuyến nông, dạy nghề. Nguồn vốn gần 800 tỉ đồng đi kèm với gần 600 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, học tập mô hình canh tác hiệu quả giúp cho gần 20.000 hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên thoát nghèo trong thời gian 5 năm qua cho thấy chính sách “ý Đảng, lòng dân” đang phát huy hiệu quả. Đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã góp phần không nhỏ vào việc tăng sản lượng nông nghiệp, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các vùng nông thôn. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp giữa NHCSXH với các cấp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể… thành lập tổ vay vốn. Đây là mắt xích quan trọng để chuyển tải vốn đến đúng đối tượng và nâng cao chất lượng dư nợ.
Thực tế Phú Yên vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, nhất là tình trạng các hộ cận nghèo rơi xuống mức nghèo và tái nghèo. Ông Đào Tấn Nguyên nói: “Cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tin rằng, đời sống của người nghèo và đối tượng chính sách sẽ được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần”.
QUANG THUẦN