Thứ Sáu, 04/10/2024 14:31 CH
Tự “mở cửa” vào bầu trời
Thứ Năm, 23/04/2009 18:34 CH

Đó là cách mô tả của thượng tá Vũ Đức Quý, Trung đoàn trưởng Đoàn Không quân 910 (đóng tại sân bay Tuy Hòa) về thời điểm học viên phi công lần đầu tiên được thả bay đơn vòng kín. Phi công học viên một mình đưa máy bay phản lực tiêm kích L-39 cất cánh lên không trung, thực hiện một vòng bay theo quy định và hạ cánh xuống đường băng mà ở buồng lái phía sau không có phi công giảng viên hướng dẫn.

 

Sau gần 3 tháng được huấn luyện công tác chuẩn bị mặt đất và khoảng 400 lần cất hạ cánh với các phi công giảng viên, 11 học viên phi công lái máy bay phản lực chiến đấu khóa 34 của Trường Sĩ quan không quân Việt Nam, đang được huấn luyện tại Đoàn C10, lần đầu tiên một mình điều khiển máy bay phản lực.

 

bay4-090422.jpg

Nụ cười hạnh phúc của học viên phi công Lê Hoài Nam sau khi thực hiện thành công chuyến bay đơn đầu tiên  - Ảnh: K.DUY

 

6 PHÚT “TRÊN BỒI HỒI, DƯỚI XUYẾN XAO”

 

Buổi sáng chớm hè. Trời xanh trong, gió nam giật mạnh. Mới 7 giờ sáng mà đường băng sân bay Tuy Hòa tóe nắng. Trên đường lăn, những chiếc L-39 được xếp hàng đúng vị trí, thẳng tăm tắp. Dưới đường, lực lượng sĩ quan, bộ đội kỹ thuật đang kiểm tra máy bay, đảm bảo cho những chuyến bay an toàn.

 

Học viên phi công được thả bay đơn ngày hôm đó là Nguyễn Hải Hà. Trước khi đội mũ bảo vệ, đeo găng tay, chàng phi công cao gần 1m80 này leo lên, ôm choàng chiếc máy bay số hiệu 8731, hôn và vỗ về như đang thể hiện tình cảm với một người bạn thân thiết. Giây lát sau đó, Hà ngồi vào ghế trước máy bay. Giảng viên phi công - thượng úy Nguyễn Văn Liệu, người thầy trực tiếp huấn luyện bay với Hà mấy tháng qua, không leo lên buồng lái phía sau như thường lệ, mà đứng trên giá đỡ bên ngoài máy bay. Anh hướng dẫn học trò tỉ mỉ từ việc thắt đai an toàn đến điều chỉnh một số công tắc, trao đổi những kinh nghiệm xử lý tình huống cần kíp nhất. Phía bên dưới, các kỹ thuật viên lắp thiết bị từ xe điện mặt đất vào máy bay, giúp khởi động máy. Trong tiếng ầm ào của động cơ phản lực thét lên mỗi lúc một lớn, gương mặt cả hai thầy trò đều lộ rõ sự hồi hộp…, có tiếng ai đó nhắc: “Bình tĩnh, tự tin nhá!”.

 

7g51. Thượng úy Liệu úp cửa buồng lái, khóa chốt an toàn. Sĩ quan tổ trưởng kỹ thuật kiểm tra máy bay lần cuối trước khi các kỹ thuật viên rút các đòn canh dưới bánh càng. Trên loa phóng thanh treo ở nhà vòm sân bay, chúng tôi nghe phi công Nguyễn Hải Hà báo cáo: “50 (số hiệu của phi công Nguyễn Hải Hà – PV) khóa buồng lái bịt kín tốt. Lăn ra”. Từ đài chỉ huy cách đường lăn hơn 1km, giọng thượng tá Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý vang lên: “Quan sát tốt, lăn ra!”. Tiếng Hà: “50 nghe tốt. Lăn ra”, tiếng từ đài chỉ huy: “Thả phanh, lăn ra tuyến cuối”. Chiếc L-39 do Nguyễn Hải Hà điều khiển chầm chậm rời vị trí, cua một vòng trên đường lăn. Tiếp đó là liên tục những đối đáp: “50 xin lên đường băng”, “Lên đường băng, 50”; rồi chỉ huy: “Tăng hết ga, kiểm tra động cơ, 50”, “50 kiểm tra động cơ tốt. Xin cất cánh”, “Hiệp điều la bàn, ghi thời gian. Cất cánh, 50”.

 

Đó là lúc 7g57. “Chú én bạc” L-39 nặng 4,7 tấn gầm thét, bắt tốc độ cực lớn trên đường băng, ngước đầu lên rồi nhổm toàn thân lao vào trời xanh. Bên dưới, thượng úy Nguyễn Văn Liệu gần như không rời mắt khỏi chiếc máy bay do người học trò của anh lần đầu tiên tự lái một mình. Vẻ hồi hộp xuất hiện trên gương mặt người giảng viên phi công trẻ này. Mà không chỉ có Liệu, từ Chính ủy Trung đoàn Trần Hà Lan, Tham mưu trưởng Dương Hồng Trường cùng toàn bộ các sĩ quan, học viên phi công và lực lượng kỹ thuật, hậu cần đều dõi theo chiếc máy bay thực hiện vòng cua đầu tiên, nhỏ dần và ổn định độ cao. Trên đài chỉ huy, Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý hướng dẫn tỉ mỉ cho phi công Nguyễn Hải Hà từng thời cơ điều khiển máy bay như thu cánh tà, thả càng, cải độ cao, thu ga, thả cánh tà, bay xuống...

 

Rồi chiếc máy bay lớn dần lên từ phía đàng tây. Tiếng động cơ mỗi lúc một lớn. Khi máy bay chuẩn bị lao xuống đường băng với tốc độ còn khá cao, thượng úy Nguyễn Văn Liệu thốt lên: “Kéo căng quá! Nhẹ thôi, Hà ơi!”. Dù không nghe được lời nhắc của người thầy đang đứng dưới mặt đất, nhưng phi công Nguyễn Hải Hà vẫn điều khiển máy bay hạ cánh xuống đường băng an toàn, đúng kỹ thuật. Đó là lúc 8g03. Những người dưới đường băng vỗ tay chúc mừng phi công Nguyễn Hải Hà đã hoàn thành tốt bài kiểm tra thả bay đơn vòng kín từ khi anh hạ cánh đến lúc điều khiển máy bay lăn về vị trí xuất phát.

 

Thiếu tá phi đội trưởng phi đội 2 Hoàng Tuấn Anh cho tôi biết: “Trong bay vòng kín của học viên phi công, tốc độ máy bay L-39 khi rời đường băng đạt đến 350km/h, khi bay bằng là 300km/h và khi hạ cánh - tiếp đất nằm trong khoảng 260-100km/h. Mỗi vòng bay dài 12km, rộng 4km”. Phi công chỉ mất 6 phút cho một vòng bay kín, nhưng thời gian dường như kéo dài hơn, tạo cho người ta nhiều cảm xúc hơn. Nói như giảng viên phi công - thượng úy Nguyễn Văn Liệu là “trên bồi hồi, dưới xuyến xao”.

 

bay-090422.jpg

Giảng viên phi công Nguyễn Văn Liệu đang dặn dò học viên phi công Nguyễn Hải Hà trước lúc cất cánh bay đơn lần đầu tiên  - Ảnh: K.DUY

 

KHÔNG LÀ “SÂN CHƠI” CỦA NGƯỜI HÈN NHÁT

 

Ngay sau sự khởi đầu suôn sẻ của phi công Nguyễn Hải Hà, lần lượt hai học viên phi công khác trong ban bay hôm đó là Nguyễn Hoàng Duy và Lê Hoài Nam cũng đã thực hiện tốt chuyến “sát hạch” thả bay đơn vòng kín. Tất cả họ đều cười tươi, đón nhận những bông hoa chúc mừng do Chính ủy trung đoàn Trần Hà Lan trao.

 

Khi đã “trở về mặt đất”, học viên phi công Nguyễn Hải Hà thổ lộ: “Trước lúc khởi động máy bay, tôi thật sự hồi hộp. Từ ngày đến Đoàn C10, thực hiện hàng trăm lần cất hạ cánh, nhưng lần đầu tiên bay mà không có thầy phía sau để “dựa lưng” thì cảm giác khác lắm. Song, khi nắp buồng lái khóa kín, đưa máy bay ra đường lăn là tôi tập trung hoàn toàn theo lệnh chỉ huy bay, tự bảo với mình và quyết tâm phải thực hiện tốt chuyến bay quan trọng này”. Cả Nguyễn Hoàng Duy và Lê Hoài Nam cũng suy nghĩ như Hà. Họ cho biết chuyến bay đơn đầu tiên này khiến họ có cảm giác bồi hồi so với những khi bay với giáo viên, tuy nhiên không ai lo lắng gì vì tự tin rằng họ sẽ thành công. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi với phi công tâm lý vững vàng là điều căn bản. Với phi công lái máy bay công kích, điều đó đòi hỏi càng cao hơn.

 

Thượng tá Dương Hồng Trường – Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn C10 cho biết: “Những học viên phi công khi đến huấn luyện ở Đoàn C10 phải trải qua 3 năm học tập, huấn luyện tại Trường Sĩ quan không quân, đã tích lũy được kinh nghiệm bay đơn loại máy bay YAK-52. Trước khi được thả bay đơn với máy bay phản lực L-39, mỗi học viên phi công đều đã tích lũy được khoảng trên dưới 100 giờ bay, do vậy họ không quá lo lắng, bỡ ngỡ khi được thả bay đơn với máy bay phản lực L-39”.

 

Đến phòng họp rút kinh nghiệm ban bay từ đài chỉ huy bay, thượng tá Trung đoàn trưởng Vũ Đức Quý tươi cười bắt tay chúc mừng 3 học viên bay và các giáo viên: “Với điều kiện gió cạnh thổi rất lớn nhưng học viên nào cũng hạ cánh đẹp, an toàn như thế này thì quá tuyệt. Cứ hạ cánh như thế này thì tôi tin rằng tất cả các bạn sẽ là những sĩ quan phi công lái máy bay chiến đấu cừ khôi”. Giải đáp thắc mắc của tôi vì sao quan tâm nhiều đến việc hạ cánh, thượng tá Quý cho biết: “Với phi công, kỹ thuật nào cũng quan trọng, nhưng hạ cánh an toàn là một trong những kỹ thuật phức tạp và khó nhất. Máy bay lao xuống đường băng với tốc độ cao, trong những điều kiện thời tiết phức tạp khác nhau, nếu phi công không nắm kỹ yếu lược, không xử lý tình huống tốt, tâm lý không vững có thể dẫn đến tai họa khôn lường. Có khá nhiều học viên bay tốt, xử lý tình huống trên không tốt, nhưng khi hạ cánh lại lo sợ. Bởi vậy chúng tôi bảo với nhau, bầu trời không phải là sân chơi cho những người hèn nhát”.

 

Bởi vậy nên việc tuyển chọn và sàng lọc phi công chiến đấu cực kỳ khắc nghiệt. 11 học viên có năm sinh từ 1984 đến 1986 được tuyển chọn để huấn luyện bay phản lực cơ chiến đấu ở Đoàn C10 năm nay là những “tinh túy” của hàng ngàn thanh niên cùng trang lứa trên khắp cả nước. Đây cũng là số lượng học viên phi công lớn nhất mà Đoàn C10 tổ chức huấn luyện kể từ khi đến đóng quân tại Phú Yên năm 2003. Thượng tá Vũ Đức Quý cho biết, từ nay đến cuối khóa huấn luyện (khoảng tháng 11/2009), những phi công trẻ này tiếp tục được huấn luyện hàng loạt khoa mục phức tạp, gian khó hơn, như không vực, biên đội, đường dài, công kích, xuyên mây… Họ sẽ bay với tốc độ tối đa của L-39 là 700km, ở độ cao tối đa 11.000m. “Khi đã hoàn thành tốt những khoa mục này trên máy bay L-39, học viên phi công mới đủ điều kiện tốt nghiệp, trở thành sĩ quan phi công. Sau đó, họ được đưa về các đơn vị chiến đấu” - thượng tá Vũ Đức Quý nói.

 

Và, chưa dừng lại ở việc làm chủ máy bay L-39, những Hà, Duy, Nam, Trường, Thảo, Dũng… đều cho chúng tôi biết, mơ ước của các anh là lái những loại máy bay tiêm kích cấp cao hơn, được tiếp tục huấn luyện để bảo vệ sự bình yên của bầu trời Tổ quốc.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh
Thứ Năm, 09/04/2009 18:30 CH
Một thoáng Diêm Trường
Thứ Hai, 06/04/2009 16:00 CH
Quyết giữ nét xưa...
Thứ Bảy, 21/03/2009 19:00 CH
Xuống đầm cào dắt
Thứ Tư, 18/03/2009 19:00 CH
Đào bới sông Ba tìm vàng, đá cảnh
Thứ Hai, 16/03/2009 14:22 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek