Lần nào về làng Đồng ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), chúng tôi cũng được nghe nói nhiều đến những gộp đá cheo leo trên đỉnh Kôn Clon sừng sững, kiêu hãnh từng là bức tường cản giặc thời chống Pháp, đánh Mỹ; nơi in đậm chiến tích của đồng bào Chăm, Ba Na ở vùng cao Thồ Lồ; nơi có những cánh ná vun vút những mũi tên thuốc độc vào quân thù… Người làng Đồng ngẩng cao đầu ngước nhìn lên Kôn Clon khi nhắc đến những mái đá chở che qua bao nắng mưa, bom đạn và không cầm được nước mắt trong mỗi lần kể về sự gian khó, ác liệt mà họ đã từng cắn răng chịu đựng…
Những tảng đá xếp thành mái nhà - Ảnh: MẠNH MINH TÂM |
CHỨNG TÍCH KỲ VĨ
Không thể tự lên đỉnh Kôn Clon (tiếng Ba Na là núi đá), chúng tôi được ông La Chí Vũ, Bí thư chi bộ thôn Phú Đồng (thường gọi là làng Đồng), ông La Chí Tâm, Phó thôn và ông La Chí Cường, người của làng, vui vẻ dẫn đường. Cùng đi với chúng tôi còn có anh Nguyễn Ninh, cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đồng Xuân. Khởi hành lúc 7 giờ, hì hục vượt qua nhiều khe dốc, hang gộp dựng đứng, hiểm trở, ông Vũ luôn miệng nhắc: “Đi khéo, chớ trật chân rớt xuống vực kia là tan xác đó!”. Thật ra, núi không cao lắm nhưng đường đi khúc khuỷu, gập ghềnh, dốc cao, trơn trượt, khá nguy hiểm nếu không có người địa phương đưa lối. Từ chân núi, phải mất gần 3 giờ leo bám, luồn lách trên 2 km đường rừng, chúng tôi mới tới được đỉnh núi. Hiện ra trước mắt là những mái đá khổng lồ, hàng trăm hang gộp sừng sững, liên hoàn, hun hút, thực sự là những thạch đạo hết sức kiên cố. Một hang gộp mẹ có hàng chục ngóc ngách gộp con, chia nhiều tầng nấc, kiểu dáng, rộng hẹp đủ cỡ! Có những hang thông nối với nhau, cao, sâu tới hàng chục mét, càng chui sâu càng tối om, nắng mưa không vào tới, chúng tôi thấy ớn lạnh vì nỗi sợ rắn rết...
Ông La Chí Cường, người đã từng được cha mẹ gùi lên ở đây trong những trận chống càn, chỉ dẫn tường tận: đây là nơi gia đình ông đã trú ngụ, kia là nơi họp dân làng bàn mưu kế chống càn, đánh địch; đây là cái hang nhỏ dành cho gia đình có ba người, kia là hang lớn dành cho gia đình có hàng chục người ở... Trên một mặt đá bằng phẳng, rộng, khi săn thú rừng về, người ta dùng làm nơi xẻ thịt, chia cho dân làng. Mỗi hang ở đều có một cái bếp, vết tích là những đụn tro ám khói ngả màu xanh rêu, những mảnh vỡ hũ sành, chai lọ còn sót lại... Ông Cường chỉ cho tôi những loại trái cây, lá rừng mà người dân đã từng ăn nó thay cơm. Vừa dẫn giải, ông vừa rủ rỉ kể chuyện: “Tui sinh năm 1958, hồi 1967 lên đây mới độ 9 tuổi. Năm đó, lính Đại Hàn vào làng Đồng xả súng, tui bị thương ở cánh tay phải nhưng cha mẹ cứ để vậy, “tha” tui chạy lên đây rồi mới tìm lá rừng băng bó vết thương. Truy kích theo dân làng, máy bay trực thăng bắn xối xả vào những gộp đá nhưng chẳng “thấm ngứa” gì, vì dân làng đã an toàn trong những mái đá dang tay che chở. Giặc chiếm giữ làng trong 7 ngày liền, với ý định chờ dân làng đói khát chịu hết nổi, ra khỏi hang để chúng lùa tập trung vào các ấp chiến lược. Nhà tôi cũng như dân làng không còn gì ăn, chờ tối trời mới mò ra suối Mằng Quân hái trái sung, trái ngái, trái bom núi, lá sắn, lá xanh… ăn thay cơm trong nhiều ngày. Vậy mà chẳng hiểu điều kỳ diệu nào đã giúp chúng tôi sống vượt qua những ngày đói cơm lạt muối…”.
HUYỀN THOẠI BRĂM CHI NGĂNG
Già làng Ma Doãn, nay đã 80 tuổi, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Phú Mỡ trước năm 1975, hồi tưởng: “Mình sống ở đất làng Đồng này qua hai cuộc trường chinh chống Pháp, đánh Mỹ nhưng chưa có thời kỳ nào dân làng chịu nhiều gian khổ ác liệt như những năm 1963-1967”. Bắt đầu từ năm 1962-1963, địch mở đầu chiến dịch mang tên “Hải Yến”, huy động 15 tiểu đoàn quân chính quy, nhiều máy bay tiến hành càn quét vùng miền núi tỉnh Phú Yên. Khi đến xã Phú Mỡ, chúng đốt phá hầu hết buôn làng, ai chưa trốn kịp, chúng dùng trực thăng đưa vào các khu tập trung ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Dân làng Đồng không bị bắt lùa đi là nhờ vào những hang gộp trên đỉnh Kôn Clon. Dân làng Đồng nói riêng, cả vùng núi Thồ Lồ này còn sống sót đến ngày nay luôn ngước mặt lên gộp Kôn Clon thầm nói lời biết ơn. Nếu không có những hang động trong ngọn núi đá này, dân các làng Đồng, Len, Thanh, Xí thuộc xã Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ) chắc không ai còn dưới sự tàn sát dã man trong nhiều trận càn quét của lính Đại Hàn. Ma Doãn kể: Khi đồng bào đã chui hết vào các hang gộp này, không một thằng địch nào dám bén mảng đến. Vì trong những ngóc hang đã bố trí những tay ná cự phách với hàng trăm mũi tên tẩm độc, sẵn sàng lao vun vút cắm thẳng vào quân thù; đó là Brăm chi ngăng, tiếng Ba Na là mũi tên độc. Thời chống Pháp, có những thằng Tây hăng máu truy đuổi dân làng lên đây đã bị chết không kịp ngáp; chúng đã kinh hồn với loại vũ khí không phát ra tiếng nổ, không định vị được đối phương nhưng tính sát thương, độ chính xác của dàn cung thủ thiện xạ vô cùng lợi hại. Đã dính vào tên độc thì không trường hợp nào gọi là bị thương mà chỉ có “từ chết tới chết”! Loài cây dùng để lấy nhựa làm thuốc tẩm tên độc có tên là Lon chi ngăng, bây giờ chỉ còn độc nhất một cây ở suối Mằng Quân.
Ở làng Đồng bây giờ chỉ còn ông Ma Thìn nắm giữ “bí kíp” công thức chế ra loại độc dược này song ông đã bỏ việc bào chế từ ba năm nay. Bên ché rượu cần với chúng tôi, Ma Thìn nói: “Ngày trước, làm thuốc độc tẩm vào băng cung, mũi tên để giết giặc, săn bắn thú dữ. Rừng bây giờ chỉ còn cây với lá, thú rừng đã bị súng đạn của lâm tặc ăn hết rồi, chế thuốc này để làm cái gì nữa?!”.
Cửa vào một hang đá sâu - Ảnh: MẠNH MINH TÂM |
THÀ CHẾT CHỨ KHÔNG THEO GIẶC!
Đó là lời thề một lòng chung thủy, sắt son với Đảng, với cách mạng của dân tộc Chăm, Ba Na vùng cao Thồ Lồ, Phú Mỡ. Đó cũng là câu nằm lòng của các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên đã giúp họ bền gan, vững chí, Kinh-Thượng đoàn kết, quyết tâm đánh giặc giữ làng. Ông La Chí Vũ vừa kể chuyện, vừa nhắc lại câu “Thà chết chứ không theo giặc!” với giọng điệu khẳng khái như trong lễ tuyên thệ. Ông kể rằng vào những năm 1962-1963, thời điểm Mỹ- ngụy thực hiện chính sách khủng bố “ba sạch” - đốt sạch, giết sạch, cướp sạch; chúng coi đó là biện pháp tách cá khỏi nước, hòng cô lập hoạt động cách mạng. Mặt khác, chúng ra sức càn quét, đánh phá dữ dội; toàn bộ nhà cửa, bò ngựa các vùng căn cứ cách mạng đều bị đốt phá, cướp bóc không thương tiếc. Đồng bào bị dồn vào các ấp chiến lược Bình Tuy, Đồng Tre, La Hai, Buôn Ma Thuột… Lúc này, làng Đồng là một trong những căn cứ của Huyện đội Miền Tây, Trung đoàn Ngô Quyền - bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào- chuẩn bị cho những trận đánh lớn vào quận lỵ Đồng Xuân, Sông Cầu.
Mùa khô năm 1967, địch tổ chức một trận càn quét quy mô bảy ngày đêm ở vùng núi Xuân Quang 1, Phú Mỡ (Đồng Xuân). Chúng huy động rầm rộ các lực lượng không quân, pháo binh, bộ binh; trên không máy bay oanh tạc, dưới đất biệt kích, biệt động dù đổ bộ la liệt. Rừng Chưn Bran, sông Hà Đan, suối Cà Tơn, một vùng Trường Sơn mênh mông trong xanh bỗng chốc rung chuyển, tan hoang trong lửa đạn. Dân làng Đồng được lệnh di tản vào gộp Kôn Clon tránh bom đạn. Đường hầm thiên tạo lạ lùng này đủ sức che chở cho hàng ngàn người lánh nạn càn quét. Bảy ngày nằm trong hang đá, cái chết do đói khát luôn rình rập dân làng.
Sau khi địch rút đi, hơn 50 gia đình với hàng trăm con người trở về làng thì nhà cửa, rinh (kho) lúa chỉ còn là đống tro tàn đổ nát; bò ngựa, heo gà lớp bị chúng cướp đi, lớp bị giặc sát hại, xác chất ngổn ngang, vất vưởng, ung thối cả một vùng rừng! Vừa đương đầu với bom đạn, chết chóc, giờ lại phải cầm cự với cái đói nghiệt ngã cùng cực…
Ông La Văn Lung, Trưởng thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, nguyên là trung đội trưởng đơn vị C3 đóng quân tại làng Đồng), kể: Nạn đói của làng Đồng bắt nguồn từ những trận càn năm 1963, kéo dài đến năm1967, tiếp đến là những đợt máy bay rải chất độc hóa học làm rừng cây trụi lá, rồi hạn hán mất mùa liên tiếp. Cái đói cứ kéo dài triền miên trong dân làng và bộ đội tận những năm 1970. Ông Lung nói: “Đói dữ lắm, đói không thể tả! Chuối cây, lá đu đủ mà người ăn cây không kịp lên, cành không kịp bén lá! Mỗi đọt sắn bấy giờ như một hạt gạo quý, vậy mà chất độc hóa học của Mỹ thiêu rụi, triệt hết nguồn sống!”. Già Lung kể tiếp: Dân làng hết cái ăn do mình làm ra, quay sang tìm rau rừng, củ núi, trái sung, trái ngái, củ pấu, củ nần, củ mài, rau chóc, lá rướng… là nguồn sống xung quanh làng nhưng đến lúc cũng phải cạn kiệt. Tìm cái ăn con người phải lang thang như con hươu, con nai đi tìm lộc cây, nguồn nước. Nhiều người đi tìm cái ăn bị đói lả, kiệt sức rồi chết ngoài suối, trong rừng. Củ nần, nấm độc đã cướp đi nhiều sinh mạng… Ngày lại qua ngày, nhìn những người thân thích ruột rà của mình lần lượt trút hơi thở cuối cùng mà bất lực. Trong làng ngày nào cũng có người chết. Nhà ông Ma Dơn giàu có nhất làng, bò năm bảy chục con, giờ trắng tay; 15 người thân trong nhà (kể cả người ở mướn) chết dần chết mòn đến không còn một ai. Nhẩm tính từ năm 1963 đến 1967, làng Đồng có trên 70 người chết đói, bệnh tật; chết nhiều nhất là năm 1967. Trong cảnh khốn cùng ấy, đại đa số dân làng vẫn ở lại với bộ đội, đồng cam cộng khổ sống chết có nhau.
Già làng Ma Doãn trầm ngâm: “Gia đình tôi sống đông đủ đến nay là may mắn nhất. Thằng La Chí Dũng kia, mẹ nó sinh ra năm 1964, năm đó đói quá, mẹ mất sữa, mỗi bữa tôi lần mò đến nhà nào có gạo nấu cơm để xin chắt vài giọt nước cơm mang về nhỏ vào miệng nó. Vậy mà nó qua được, sống và lớn phổng phao tới giờ. Tội cho bộ đội mình thời đó, một trung đội vài chục người ăn mà mỗi lần nấu chừng hai ký gạo; miếng sắn, trái sung cõng trên lưng vài ba hột cơm, chấm với tro tranh mà ăn ngon ngọt khác thường! Thấy mà thương đứt ruột, nhưng còn biết làm sao! Vậy mà vẫn gan dạ sống, chiến đấu đến ngày thắng lợi”.
CHỚ ĐỂ MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ BỊ LÃNG QUÊN
Đó là lời đề nghị, mong mỏi nhất của đồng bào dân tộc Ba Na làng Đồng hàng chục năm nay. Ông Ma Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, cho biết: Địa phương đã cử người xác minh, lập danh sách từ những gia đình có người tử nạn thời đó, số người chết trong những trận chống càn ở làng Đồng lên đến gần cả trăm. Cách đây 5 năm, xã Phú Mỡ đã gửi danh sách, tờ trình nhờ ông La Chí Noa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, làm việc với cơ quan chức năng xem xét, lập hồ sơ về gộp đá Kôn Clon là di tích kháng chiến. Thế nhưng, ông Noa đã đột ngột qua đời nên công việc dở dang, bây giờ chưa biết nhờ ai? Vợ ông La Chí Noa là Nguyễn Thị Diệu Thiền đã có lần phản ảnh ý kiến cử tri xã Phú Mỡ về sự kiện trên trong một kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên, song chưa được cơ quan chức năng để ý…
Những cái chết bất khuất, kiên cường để bám trụ buôn làng, để tự do, để được sống với cách mạng, để núi rừng miền Tây Phú Yên trở thành lũy thép thời đánh Mỹ. Gộp Kôn Clon gắn với sự hy sinh anh dũng, chiến công của biết bao đồng bào xứng đáng được nghiên cứu, bảo tồn, nhắc nhớ để tự hào, tôn vinh!
Ký sự của MẠNH TÂM – HÙNG PHIÊN