Thứ Sáu, 04/10/2024 16:26 CH
Quyết giữ nét xưa...
Thứ Bảy, 21/03/2009 19:00 CH

Hai cụ già quá tuổi “xưa nay hiếm” ở hai huyện Đông Hòa, Tây Hòa quyết định giữ lại những ngôi nhà, vật dụng cổ xưa, dù được nhiều người ngã giá mua rất cao.

 

gia1090318.jpg

Cụ Lê Văn Phó trong căn nhà cổ.

 

GÌN GIỮ NHÀ XƯA

 

Cụ Lê Ngọc Cừ ở thôn Phú Lương, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) năm nay đã bước sang tuổi 95. Cụ Cừ đang sở hữu một ngôi nhà lá mái – ngôi nhà được cho là cổ xưa nhất trong thôn, mà theo lời cụ là được ông cha xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Cụ Cừ tự hào: “Nhà này tôi được thừa kế của ông nội, nó có niên đại khoảng 180 năm. Trải qua thời gian, tuy một số chỗ đã bị xuống cấp, nhưng tôi quyết giữ gìn. Đến hôm nay, ngôi nhà còn giữ được khoảng 85% giá trị nguyên thủy”.

 

Biết được ước nguyện của cha là muốn tôn tạo lại để gìn giữ giá trị kiến trúc của ngôi nhà, gốc tích của tổ tiên để lại cho con cháu mai sau, con trai lớn của cụ Cừ là ông Lê Phi Hạc đã lo kinh phí để trùng tu, giữ gìn ngôi nhà cổ này. Ông Hạc nói: “Tôi đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng để tôn tạo lại ngôi nhà này, vì nó có giá trị lớn, không chỉ về kiến trúc nhà cổ, mà còn về mặt tinh thần. Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết và hy vọng họ tộc của tôi sẽ giữ mãi ngôi nhà này”. 

 

gia2090318.jpg

Đèn tam quang cổ trong nhà cụ Lê Ngọc Cừ.

Nhà của cụ Cừ thể hiện rõ đặc điểm chung của nhà lá mái ở miền Trung. Nhà phân chia thành 3 gian, 2 chái. Hai gian đầu dùng để thờ cúng tổ tiên, gian dưới là buồng ngủ. Khuôn viên, bình khuôn, bộ khung nhà chính, trang thờ… vẫn còn giữ nguyên nét cổ xưa. Theo cụ Cừ, nhà của cụ chỉ thay đổi một số chi tiết như mái lợp (nguyên thủy nhà này có hai lớp mái, một bằng đất sét và một bằng cỏ tranh, có tác dụng cách âm, cách nhiệt và chống hỏa hoạn; mát về mùa hè, ấm về mùa đông) nay thay bằng ngói âm dương; khu mặt tiền (trước kia được kết cấu bằng các trụ lõi gỗ sơn), nay thay bằng các trụ bê tông. Phần kết cấu chính của ngôi nhà – dàn trò (dàn nội) vẫn còn giữa nguyên với bộ khung được kết cấu bằng gỗ tốt (hầu hết là lõi gỗ sơn), có 4 hàng cột, 4 dây kèo, nối kết bằng xiên, trính, trụ lỏng, phỏng theo bộ cối chày. Liên kết cấu trúc hoàn toàn bằng mộng, vững chắc, vẫn còn khả năng chịu được nắng gió khắc nghiệt.

 

 

gia3090318.jpg

Cụ Lê Ngọc Cừ bên trong ngôi nhà lá mái cổ  - Ảnh: T.HỘI

 

MIỄN BÀN CHUYỆN MUA BÁN

 

Tại thôn Nông Nghiệp, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) có một ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ XX. Người sở hữu ngôi nhà này là cụ Lê Văn Phó, 86 tuổi. Đó là ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà xà cò, cột cái áp má, không liên kết bằng mộng như nhà lá mái; vách, nền nhà được làm bằng các nguyên vật liệu hỗn hợp cát vôi, nước lá bù lời, than, nước mật… Ngôi nhà hiện vẫn còn giữ được nguyên trạng, chưa thay đổi chi tiết, hạng mục nào, dù đã ít nhiều xuống cấp.

 

Đặc biệt, cụ Phó vẫn còn lưu giữ khá nhiều hiện vật thờ cúng được cẩn ngọc trai có giá trị như tam sơn, bình khuôn, ghế án, tam hoành, nghi, liễn, giá thau… Cụ Phó cho biết: “Đã có nhiều người lạ đến hỏi mua những hiện vật của nhà tôi, nhưng tôi tuyệt đối không bàn đến, dù nghèo khó nhưng tôi quyết không bán đi những hiện vật cổ truyền của họ tộc. Về cuối đời, nếu có điều kiện tôi sẽ tu bổ lại ngôi nhà này để làm nhà từ đường, giữ lại ngôi nhà của ông cha xây cất để lại chứ quyết không dỡ bỏ để xây lại nhà mới theo quy cách nhà hiện đại. Nếu tôi lực bất tòng tâm thì con cháu tôi sẽ thực hiện theo ước nguyện của tôi”.

 

Ông Đỗ Đình Tây, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hòa cho biết: “Những ngôi nhà cổ ở huyện Đông Hòa hầu hết bị mai một do một số người chưa hiểu biết giá trị đích thực nét văn hóa kiến trúc nhà ở cổ xưa và có thị hiếu đua theo lối kiến trúc mới. Việc làm của ông Lê Ngọc Cừ thể hiện ý thức cao trong việc giữ gìn tôn tạo và bảo tồn nét kiến trúc cổ đáng trân trọng. Chúng tôi nghĩ Bảo tàng tỉnh Phú Yên nên quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để kịp thời động viên tinh thần của những người gìn giữ, trùng tu những ngôi nhà cổ xưa có giá trị văn hóa như cụ Cừ, cụ Phó, góp phần xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo Chỉ thị số 84/2008/CT-BVHTTDL ngày 3/11/2008 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đừng để những ngôi nhà cổ với những nét văn hóa đặc sắc thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống của địa phương đến một lúc nào đó biến mất vĩnh viễn”.

 

LÊ THANH HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đào bới sông Ba tìm vàng, đá cảnh
Thứ Hai, 16/03/2009 14:22 CH
Mua bán “đồ hung của dữ” giữa phố
Thứ Tư, 11/03/2009 07:30 SA
Trên đỉnh Đá Bia...
Thứ Tư, 04/03/2009 18:28 CH
Độc đáo gốm Quảng Đức
Thứ Tư, 25/02/2009 17:30 CH
Làng Dao dưới chân núi Chư P’Lôi
Chủ Nhật, 22/02/2009 18:07 CH
Đơm cá thài bai trên sông Ba
Thứ Tư, 18/02/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek