Một làng mới của người Dao từ các tỉnh cực Bắc được lập nên dưới chân dãy
Bàng Nguyên Toàn chăm sóc lúa trong hốc núi Chư P’Lôi - Ảnh: LY KHA |
LÀNG CỦA NHỮNG “NHÀ MÁY ĐIỆN” 600.000 ĐỒNG
Chỉ mươi ngôi nhà thưa thớt ngay dưới chân dãy núi Chư P’Lôi, làng Dao này có rất nhiều cái “không”: Không đường, không trường, không trạm, không chợ… Nhưng điện thì có.
Vài ngôi nhà tựa vào vách núi, đồi cao cách xa nhau từ vài trăm đến hàng kilômét, nhưng vẫn rực sáng ánh đèn điện, tivi, đài mở suốt ngày… Nếu có cố công tìm thì tuyệt nhiên sẽ không tìm thấy một cột điện, trạm điện nào ở vùng rừng sâu núi thẳm này. Tất cả đều được phát ra từ những dòng suối con con len lỏi trong những khe núi của dãy Chư P’Lôi.
Bàng Nguyên Chiến đưa tôi đi vào trong một khe núi, nơi anh dựng nên một “nhà máy điện” cỡ nhỏ đủ để làm điện sinh hoạt trong gia đình. Cả “nhà máy điện” của anh gồm có 4 “hạng mục”: tua bin cỡ nhỏ (chỉ cầm trên một tay), một máng nước nối theo dòng suối, một cây cột đỡ máng nước và đường dây điện dẫn về nhà. Giá thành xây dựng “nhà máy điện” của Chiến là 600.000 đồng. Điện được dùng quanh năm từ tháng nắng đến ngày mưa mà không trả một khoản phí nào. Chiến nói: “Ở đây nhà nào cũng vậy cả!”.
Từ tỉnh cực Bắc Hà Giang, Bàng Nguyên Chiến vào Sông Hinh năm 2000. Cũng như các bậc “tiền bối”, Chiến đi khai hoang từng mảnh ruộng nhỏ men theo triền núi ở 2 bên sườn những dòng suối làm lúa nước. Chiến đưa tôi vào tận nơi “thâm sơn cùng cốc” của Chư P’Lôi, gặp Bàng Nguyên Toàn. Toàn, cũng người gốc Hà Giang, đặt chân đến Chư P’Lôi vào năm 1996. Chân anh đã đặt đến nhiều nơi trong dãy núi rậm rạp, âm u này. Anh đã chọn khe núi nơi sâu nhất để làm chốn an cư. Toàn kể, khi mới vào, anh cũng đã làm “nhà máy điện” ở khu vực những người đào vàng để chiếu sáng hành nghề. Sau đó, anh vào đội 5, Nông trường Cà phê Ea Bá. Vừa trồng cà phê cho nông trường, anh dành thời gian khai hoang ruộng bên những khe núi trồng lúa nước, trồng sắn. Đến những năm làm cà phê khó khăn vì giá thấp, anh bỏ hẳn để toàn tâm vào đây.
Chiến lại đưa tôi đến nhà anh Bàng Nguyên Sáu, cũng là người dân tộc Dao, quê Cao Bằng, vào đây làm ăn từ hơn 10 năm trước. Ngôi nhà 3 gian, 2 chái của anh Sáu chỉ chừa một cửa đi, còn lại đều đóng cả, bên trong đèn điện sáng choang, vợ anh Sáu đang xem truyền hình. Tất cả nguồn điện đều xuất phát từ “nhà máy điện” trong khe núi cách nhà anh Sáu hơn 200m. Tôi lại vào tận khe núi xem hệ thống phát điện của Sáu. Y hệt như “nhà máy điện” của Chiến, anh Sáu xây dựng “nhà máy điện” của mình với “tổng giá trị xây lắp” 600.000 đồng. Sáu giải thích, anh sử dụng tua bin điện loại 0,5KVA, hiện tại mùa khô ít nước vẫn thắp được 5 bóng đèn điện loại tròn 220V/75W hoặc các loại bóng tuýp neon và xem truyền hình cùng lúc. Nếu sử dụng loại tua bin 1KVA, có thể dùng thắp sáng cho trên 20 bóng đèn điện, tivi và dùng cho cả máy bơm nước để tưới cây. Từ những điểm phát điện có thể kéo đường dây điện đi rất xa đến vài kilômét.
Từ những dòng suối có lưu lượng nước nhỏ, những người Dao ở đây làm một máng nước bằng gỗ với kích thước bề rộng 40cm, cao 30cm chiều dài thì tùy khoảng cách dẫn từ dòng nước ra tới chỗ vực có độ sâu ít nhất là 1m. Gần đầu máng nước khoét một lỗ hổng ở sàn máng, bắt vào đó ống nhựa hoặc một cây gỗ khoan thủng ruột để nước có thể chảy xuống. Ngay điểm khoét, dựng đứng tua bin. Tua bin có chiều cao 60cm, một đầu là hệ thống cách quạt, bên trên là hệ thống biến thế tạo ra nguồn điện từ vòng quay của quạt. Cánh quạt được đặt vào lỗ thủng của máng, nước suối chảy vào đó (rồi chảy xuống ống cây rỗng thoát ra ngoài) làm xoay cánh quạt, hệ thống quạt nối với biến thế bằng trục thẳng đứng với 2 ổ bi. Cánh quạt xoay làm cho tua bin xoay theo phát ra điện.
Sáu nói: Tua bin phát điện này khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những người Dao ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn dùng nhiều nhất. Hiện tại, giá mỗi chiếc máy 0,5KVA là 500.000 đồng, máy 1KVA từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng, ngoài ra còn có loại 0,25KVA.
BẢN SẮC LÀNG DAO
Bàng Nguyên Toàn chính là “công dân” đầu tiên của hốc núi này và là người đầu tiên mang công nghệ “nhà máy điện” cỡ nhỏ này áp dụng ở đây. Đến năm 2000, có rất nhiều người Dao vào định cư ở khu vực này, hầu như ai cũng dùng máy phát điện, điều chưa bao giờ có đối với vùng đất của người Ê đê, Ba na. Trước đó, làng người Dao đã được hình thành cách hẻm núi chừng mười cây số, tập trung chủ yếu người Dao vào lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Sông Hinh. Họ làm việc trong nông trường và khai khẩn đất hoang ven suối trồng lúa nước. Tùy vào từng mảnh ruộng ở bậc nào, mọi người đều có cách dẫn nước tới, hoặc trực tiếp, hoặc làm con mương nhỏ, hoặc dùng thân tre chẻ đôi làm máng dẫn nước tưới ruộng.
Khi chúng tôi đến, Bàng Nguyên Toàn đang bơm thuốc cỏ cho một vạt đất rộng được anh khai hoang sắp thành ruộng lúa, cạnh đó anh và vợ đang chăm 4 sào lúa khác (4.000m2). Lúa của Toàn cấy theo hàng thẳng tắp, anh còn dùng cả thuốc trừ cỏ. “Chỉ khi nào có sâu bệnh nặng mới phun thuốc trừ, nhưng ít khi lắm” – Toàn nói. Cả Toàn và Chiến đều nói rằng năng suất lúa do những người Dao ở đây sản xuất đạt từ 6-10 tấn/ha/vụ.
Cha con ông Nông Văn Quang, Nông Văn Nguyên là hàng xóm của anh Toàn, vào Chư P’Lôi năm 2000. Đến năm 2004, cha con ông Quang làm được căn nhà khang trang cùng với 4 sào lúa nước và 2 rẫy sắn. Bàng Nguyên Sáu là một trong những người có nhiều lúa nước nhất với 7.000m2 chưa kể rẫy sắn. Sáu nói: “Chúng tôi đều từ những cao nguyên đá ở các tỉnh cực Bắc vào đây. Đất đai ở đây còn nhiều, nên cuộc sống người Dao đều ổn định”.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Duẩn cho hay: “Đồng bào người Dao làm thay đổi rất nhiều về cuộc sống và cách canh tác ở vùng đất này. Đối với người Ê đê bản địa, họ chỉ trồng lúa rẫy ở những nơi đất đai thuận lợi. Đồng bào Dao thì rất chịu khó khai khẩn, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ, làm điện để sinh hoạt, để tưới tiêu… Bản sắc của những làng đồng bào Dao khác hẳn”.
48 hộ người Dao đã lập nên làng Dao mới, cách làng Dao cũ gần 10km khi huyện Sông Hinh đầu tư mở tuyến đường đất vào đây. Nhưng từ làng Dao mới đến chỗ của những hộ Bàng Nguyên Sáu, Nông Văn Nguyên… định cư thì không có đường bởi đến được đây là đã đặt chân lên những ngọn núi thuộc dãy Chư P’Lôi. Muốn đến được “làng của những “nhà máy điện 600.000 đồng”, người đi đường phải vượt qua rất nhiều khe suối, triền núi, vũng lầy… Cũng chính vì vậy, sức sống của đồng bào Dao nơi đây thật mãnh liệt như đại ngàn Chư P’Lôi.
PHẠM LY KHA