Thứ Tư, 27/11/2024 15:47 CH
Độc đáo gốm Quảng Đức
Thứ Tư, 25/02/2009 17:30 CH

Con sông Cái hẹp dòng, nước chảy xiết, nhưng khi về gần đến biển bỗng hiền hòa, rộng thênh thang, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bên kia sông là làng lụa Tân Châu nổi tiếng một thời, bên này sông là làng gốm cổ Quảng Đức một thời vang bóng. Ngày nay, làng gốm cổ Quảng Đức đã trở thành quá vãng song hàng ngàn sản phẩm của làng này vẫn nằm trang trọng trong các bộ sưu tập.

 

qd1090225.jpg

Những người nghiên cứu, sưu tầm gốm Quảng Đức trao đổi với cụ Nguyễn Thịnh - Ảnh: X.LUẬT

 

NGHỆ NHÂN CUỐI CÙNG

 

Xuân này chúng tôi về làng gốm cổ Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An). Trời lất phất mưa bụi. Con sông Cái vẫn hiền và đẹp như xưa, song bên kia sông, làng lụa Tân Châu đã im tiếng thoi đưa từ lâu; bên này sông, không khí sôi động của một làng nghề sầm uất cũng lùi vào dĩ vãng đã hơn nửa thế kỷ. Trong làng chỉ còn đúng hai nhà làm gốm, nhưng chỉ làm những đồ đơn giản, chủ yếu là chậu hoa, quy mô nhỏ. Hỏi những người từ trung niên trở xuống về nghề gốm Quảng Đức chỉ nhận được cái lắc đầu, hoặc có biết thì cũng đại loại là nghe các cụ kể lại… Chiến tranh, giặc giã đã làm cho nghề gốm Quảng Đức lụi tàn. Trong làng chỉ còn hai nghệ nhân biết khá tường tận về gốm cổ Quảng Đức và còn nắm được kỹ thuật chế tác gốm cổ Quảng Đức là cụ Nguyễn Thịnh và Nguyễn Dần, năm nay đều đã ngoài 80 tuổi. Khi chúng tôi đến nhà, cụ Nguyễn Thịnh đang mệt nằm trên võng, nhưng khi nghe nói đến gốm cổ Quảng Đức, đôi mắt bỗng sáng lên và cụ ngồi dậy trò chuyện với khách.

 

Theo cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào. Rất có thể gốm Quảng Đức là sự nối tiếp  gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ khoảng thế kỷ XII, XIII đến thế kỷ XIV, XV dưới triều Viaya Chămpa và Đại Việt sau này. Cụ Nguyễn Thịnh cho biết: Khi xưa làng gốm thịnh vượng lắm. Các lò gốm trong làng quanh năm đỏ lửa, trên bến dưới thuyền tấp nập, cả làng lúc nào cũng nhộn nhịp. Nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào, cả tỉnh duy nhất chỉ có một làng gốm, đặc biệt vị trí thuận lợi bên bờ sông Cái chính là điều kiện cho nghề gốm Quảng Đức phát triển. Hồi đó hầu như cả tỉnh Phú Yên này đều dùng gốm Quảng Đức, từ cái trã kho cá, cái lu, bọng giếng đến những sản phẩm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, thể hiện tinh túy của nghề gốm Quảng Đức như bình, lọ, nậm rượu… Không chỉ ở Phú Yên, gốm Quảng Đức còn có mặt ở các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ. Gần đây người ta phát hiện trong một chiếc tàu đắm được phát hiện tại Bình Thuận cũng có gốm Quảng Đức, điều đó cho thấy có thể gốm Quảng Đức còn được tiêu thụ ở ngoài nước.

 

qd2090225.jpg

Một số sản phẩm gốm Quảng Đức  - Ảnh: X.LUẬT

 

ĐỘC ĐÁO GỐM QUẢNG ĐỨC      

           

Cũng củi, cũng đất như bao làng gốm khác, nhưng các nghệ nhân làng Quảng Đức đã cho ra đời một dòng gốm độc đáo không lẫn vào đâu được. Theo ông Phan Đình Phùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, sự giản dị, mộc mạc, có phần xù xì, thô ráp của gốm cổ Quảng Đức với màu men giản dị, khiêm nhường nhưng rất bí ẩn đã tạo nên sự hấp dẫn, ấn tượng đối với các nhà nghiên cứu cũng như những người sưu tầm. Bí quyết nào tạo nên sự độc đáo đó? Cụ Nguyễn Thịnh giải thích: Gốm Quảng Đức chỉ làm từ duy nhất đất sét ở xã An Định. Đất sét xanh dùng để chế tác đồ gốm thông dụng, còn đất sét vàng dùng làm đồ gốm cao cấp. Đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm các đồ có kích cỡ lớn như chóe, chậu…

 

Nguyên liệu như thế, còn nhiên liệu cũng có sự đặc biệt, ấy là củi mằng lăng, lửa đượm mà lại lâu tàn. Khi xưa, vùng này mằng lăng bạt ngàn. Ngôi nhà thờ Công giáo lớn nhất Phú Yên ở xã An Thạch có tên là nhà thờ Mằng Lăng có lẽ cũng vì vậy. Yếu tố quyết định làm nên đặc sắc gốm Quảng Đức là vỏ sò. Vỏ sò đầm Ô Loan nhiều vô kể, được chở từ thôn 8 xã An Ninh Đông theo đường sông Cái. Theo quan sát của cụ Thịnh thì vỏ sò được nung nóng chảy ra lớp men bao phủ mặt gốm làm cho sản phẩm có nhiều hình nhiều vẻ trông rất độc đáo.

 

Anh Trần Thanh Hưng (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, một người nghiên cứu, sưu tầm gốm Quảng Đức) nói: “Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để đo nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, từ thế kỷ XIII ở Ý, song việc dùng sò huyết ở đầm Ô Loan chèn vào bao gốm, tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều màu sắc cho sản phẩm thì chỉ có ở gốm cổ Quảng Đức”. Anh Thanh Hưng là người có bộ sưu tập gốm Quảng Đức phong phú nhất hiện nay. Trong ngôi nhà tại 194 đường Nguyễn Công Trứ (TP Tuy Hòa), anh dành hẳn gian phòng lớn nhất để trưng bày gốm Quảng Đức. Đầy ắp những gốm là gốm, từ chóe, chậu đến bình, nậm…, trong đó có cả cặp bình vôi Quảng Đức vốn là sở hữu của Ngô Đình Cẩn. Mới đây, anh đã cùng với ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng tư nhân gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămmpa Bình Định mở cuộc triển lãm “Từ Gò Sành đến Quảng Đức” tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Anh Hưng cũng cho biết: Thời gian gần đây, trên trang web www.asia.si.edu, mục Nghệ thuật Đông Nam Á đã giới thiệu khá nhiều hiện vật gốm cổ Quảng Đức như bình vôi, hũ rượu, các loại chóe… Rất tiếc là các nhà nghiên cứu ngoài nước chưa biết chính xác xuất xứ của dòng gốm này mà chỉ ghi địa danh sản xuất là Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam. Còn tại Việt Nam, gốm Quảng Đức có mặt ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều (TP Hồ Chí Minh) và các bộ sưu tập tư nhân nhưng cũng không nhiều người biết địa danh xuất xứ của nó.

 

BẢO TỒN GỐM QUẢNG ĐỨC

 

Khôi phục kỹ thuật chế tác gốm Quảng Đức, không để dòng gốm này vĩnh viễn thất truyền là việc làm cấp bách của tỉnh Phú Yên. Ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam đang có dự định chế tác lại một mẻ gốm cổ Quảng Đức. Tiến sĩ Nguyễn Giang Hải, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Công việc không đơn giản nhưng  vẫn có thể làm được, vì ở làng Quảng Đức vẫn còn hai nghệ nhân là cụ Nguyễn Thịnh và Nguyễn Dần còn biết kỹ thuật này. Hiện hai nghệ nhân đều đã ngoài 80 tuổi, không làm sớm e sẽ không kịp. Theo ông Phan Đình Phùng và anh Trần Thanh Hưng, bảo tồn gốm Quảng Đức không phải là khôi phục một làng nghề, đưa sản phẩm gốm Quảng Đức ra cạnh tranh trên thị trường, điều này là không tưởng. Nhưng nếu  chế tác thành công gốm cổ Quảng Đức, chúng ta làm được một điều vô cùng ý nghĩa là chứng minh cho không chỉ các nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả thế giới về một kỹ thuật chế tác gốm độc đáo riêng có ở Quảng Đức. Thứ hai là bảo tồn theo cách xây dựng Quảng Đức thành một địa chỉ du lịch, nằm trong quần thể du lịch của địa phương gồm những di tích và thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia rất gần nhau như thành cổ An Thổ, đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, chùa Đá Trắng, mộ và đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương, địa đạo gò Thì Thùng…

 

Không còn cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền khi xưa, nhưng ngôi làng cổ bên dòng sông thơ mộng này có đủ điều kiện để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Đây cũng là việc làm ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 400 năm Phú Yên.

 

PHAN XUÂN LUẬT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Làng Dao dưới chân núi Chư P’Lôi
Chủ Nhật, 22/02/2009 18:07 CH
Đơm cá thài bai trên sông Ba
Thứ Tư, 18/02/2009 19:00 CH
Vượt sóng gió cứu ngư dân
Chủ Nhật, 15/02/2009 19:00 CH
Đi bẫy gà rừng
Thứ Tư, 11/02/2009 19:00 CH
Đầu năm, đi bắt tôm hùm giống
Thứ Tư, 04/02/2009 18:30 CH
Saint Petersburg – nơi mùa thu vĩnh cửu
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek