Thứ Tư, 02/10/2024 17:32 CH
Trên đỉnh Đá Bia...
Thứ Tư, 04/03/2009 18:28 CH

Một buổi sáng, sau tết trời đẹp, tôi theo những người bạn lên núi Đá Bia (huyện Đông Hòa) tìm cây cảnh. “Đổ bộ” từ xã Hòa Tâm, chúng tôi tay xách, nách mang, thử làm một cuộc hành trình về với miền đất thiêng này.

 

dbia-090304.jpg

Các bậc thang dẫn lên đỉnh núi Đá Bia. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

CHUYỆN XƯA - CHUYỆN NAY

 

Dọc theo triền núi, thấp thoáng trong rừng cây một ngôi chùa nho nhỏ. Dừng chân để lấy nước, chúng tôi trò chuyện với người giữ chùa. Vì chùa đặt nơi “thâm sơn cùng cốc” nên rất đơn sơ. Người giữ chùa cho biết: Trước đây, lâu lắm, có một người trên đường lưu lạc, thấy núi cao, địa thế hiểm trở, đã lập ra một am nhỏ để tu Tiên. Bây giờ nơi này là Chùa Tiên

 

Mặt trời đã dần treo cao. Chúng tôi vội vã lên đường vì lo ngại cái nắng thiêu đốt nơi núi rừng. Những người dẫn đường đã quá quen với việc trèo đèo, lội suối, họ đi thoăn thoắt. Còn chúng tôi, những người cả năm trời chỉ quen với bàn giấy, vừa đi vừa thở, thở đằng mũi, đằng miệng, cả đằng tai vẫn… tụt lại phía sau. Càng lên cao, dấu vết sự tàn phá của con người càng dày. Đó đây, bên đường, những người đốt than, mặt mày đen thui, chỉ còn hai con mắt là trắng, đang  gánh vội những bao than xuống núi. Cây cối bị tiện sát gốc. Hầm ủ than xuất hiện khá dày.

 

Sẵn máu mê lan rừng, trong lúc nghỉ, tôi rủ những người bạn đồng hành tranh thủ đi lùng để về bổ sung cho vườn lan nhà và kỷ niệm một chuyến đi. Mấy anh bạn dẫn đường nhìn nhau cười, cho biết bây giờ trên dãy núi Đá Bia này làm gì còn lan rừng! Theo họ, trước đây, dọc theo triền suối, lan Nghênh xuân (Ngọc điểm, Đai châu) nhiều lắm, nhưng bây giờ gần như đã tận diệt. Trên dãy núi này chỉ còn lác đác vài cụm Huệ lan (Phong lan kiếm) vì thứ ấy không ai mua.

 

Cũng trong lúc nghỉ, mấy anh bạn tranh thủ đi rảo tìm những gốc cây độc. Ngồi một mình, nghe có tiếng sột soạt trong mấy lùm cây trước mặt, tự dưng tôi thấy sợ, dù biết rằng thú rừng ở núi Đá Bia bây giờ chẳng còn mấy con. Nhưng nhớ đến những chuyện được nghe từ  năm 1982, vẫn thấy sợ cọp! Năm ấy, tôi cùng với thanh niên trong làng đến Bãi Chính, một khu đồi tranh nằm ở phía đông nam núi Đá Bia, để khai hoang, dựng trại, lợp nhà… Chúng tôi được một đơn vị bộ đội đóng quân ở đấy giúp đỡ nhiệt tình. Nhiệm vụ của đơn vị này là bảo vệ kho vũ khí của ta từ hồi chiến tranh còn để lại. Tối tối, dưới ánh trăng mờ ảo của chốn núi rừng, trong tiếng ghi-ta bập bùng, những câu chuyện về cọp nơi đây được các anh kể, nghe sởn cả gai ốc. Ấn tượng nhất có lẽ là chuyện anh đại đội trưởng một mình chiến đấu với con cọp ba chân. Con cọp này, theo các anh, đã thành tinh, chuyên mò vào chuồng heo của đơn vị bắt heo. Các anh lên phương án diệt gọn nó bằng cách cài mìn. “Cu cậu” quen đường cũ, vướng phải mìn. Cả đại đội khấp khởi mừng, sau khi mìn nổ, tất cả cùng lao ra nhưng… xác cọp không thấy, chỉ thấy vương vài vệt máu trên mặt đất và tiếng gầm ngày càng xa…Vài ngày sau, cả tiểu đội chó của đơn vị không cánh mà bay! Thủ phạm chắc chắn là con cọp này rồi! Một buổi tối, trăng mờ mờ, anh chỉ huy đi kiểm tra trở về, đụng phải con cọp này. Nói đúng hơn, con cọp chủ động chặn đường anh ta. Tình thế bất khả kháng, một mình chiến đấu với cọp dữ, không thể chần chừ, anh tìm một gốc cây để núp, lựa thế nổ súng. Nghe tiếng súng dồn dập, đơn vị lập tức triển khai đội hình hành quân, chiến đấu. Đến nơi, thấy người đại đội trưởng gan dạ đã diệt gọn con cọp ba chân!

 

Vẫn tiếng sột soạt, lại thêm cành cây rung xào xạc. Tôi nghĩ vẩn vơ: Chắc là khỉ! Trước đây, ở khu vực chân núi Đá Bia nối với Bãi Môn, cây cối um tùm từng là giang sơn của một bầy khỉ đông đến hàng nghìn con. Theo một anh bạn cùng cơ quan, trong những năm đói khổ, anh đã đến Bãi Môn để hái lá sâm nam, đồ ăn thức uống phải luôn mang theo mình khi luồn rừng, nếu không muốn phải nhịn đói vì giấu nơi đâu cũng bị bầy khỉ ấy  phá phách,  lấy trộm, thậm chí ỷ đông, chúng còn hù dọa và làm nhiều trò… khỉ ngay trước mặt con người! Giờ đây, hàng chục năm đã qua, bầy khỉ ấy không còn nữa... Biết vậy, nhưng giữa chốn núi rừng, không cách nào kiềm nén nỗi sợ hãi. Phải chăng, con người tự xưng mình là chúa tể của muôn loài khi hợp quần, còn khi đơn lẻ, con người cũng chỉ là một kiếp phù du! Sợ hãi tất cả, kể cả tiếng động do mình tạo ra!

Sau chừng 15 phút, không hẹn, các ông bạn cùng đi đều trở lại. Lạ kỳ là trên tay mỗi người đều có một vốc lá. Hỏi lá gì, không ai đáp. Không nén được tò mò, tôi lấy thử một lá, vò vò trên tay và ngửi: mùi trà xanh thoang thoảng, ngai ngái. Thì ra, trên triền núi cao của Đá Bia có một vườn trà tự nhiên, theo nhiều người kể lại là do ông thầy Tiên kia trồng. Chuyện thực hư thế nào không biết, chỉ biết cảm ơn các vị tiền bối đã để lại cho hậu sinh một thức uống tuyệt vời trên đỉnh non cao. Trong lúc uống trà, một người trong nhóm hết lời khen chất lượng của loại trà này. Theo anh ta, hơn hẳn các thứ trà xanh không độ đang quảng cáo hàng ngày trên TV. Uống xong chén nước trà này, ai cũng bỗng thấy khỏe, đủ sức để lên đỉnh núi!

 

NGHĨ TRÊN ĐỈNH ĐÁ BIA

 

Sau bao thời gian luồn rừng, chui dưới những chùm dây leo chằng chịt, chúng tôi cũng đến được đích. Trên đỉnh núi không còn cây cao, chỉ có cỏ tranh và các loại cây bụi lúp xúp. Ngửa mặt nhìn lên bia đá. Bia đá cao vòi vọi. Thử săm soi khắp tảng đá để tìm dòng chữ ngày nào vua Lê Thánh Tông đã khắc chạm lên đấy, đánh dấu chủ quyền của quốc gia Đại Việt. Biết đã bao người tìm kiếm không thấy, nhưng tôi vẫn cứ tìm. Tìm không thấy dấu vết người xưa, không thất vọng, chỉ thấy trào lên một niềm tự hào về cha ông một thời mở cõi. Muốn xây dựng một quốc gia phồn thịnh, bậc Minh quân lỗi lạc ấy đã không quản đường xa, đem quân đi chinh phạt miền đất phương Nam đầy hiểm trở này để lại một huyền tích về lòng dũng cảm, về tinh thần bất khuất của người Đại Việt. Trên đỉnh núi, gió bốn phương ù ù thổi. Nghe trong tiếng gió như có tiếng của đoàn quân ngày nào đang đạp rừng lướt tới cùng với vị Minh quân chinh phục đỉnh núi, chinh phục Chiêm Thành, chinh phục cả lòng người  miền biên viễn.

 

Từ trên tầm cao của đỉnh núi Đá Bia, chúng tôi chong mắt về phía Đông. Biển cả mênh mông xanh thẳm một màu. Trên cái nền nhung xanh, những con tàu viễn dương tiến vào cảng Vũng Rô thong dong, chậm rãi. Lại nhớ về những con tàu không số ngày nào, trong cuộc hành trình xuyên qua tuyến lửa phải lượn lờ ngoài khơi xa, chờ đêm xuống cập bờ, mang vũ khí, mang niềm tin vào vùng đất trắng này. Dưới cảng Vũng Rô, có một địa điểm, trên một chiếc phao dập dềnh  sóng nước, một dòng chữ đơn sơ: DI TÍCH LỊCH SỬ TÀU KHÔNG SỐ! Chiếc phao ấy có thể một lúc nào đó đứt dây, trôi mất nhưng với người dân các xã ven núi Đá Bia, những đêm hồi hộp chờ tàu, mừng mừng tủi tủi như gặp lại người thân, hối hả chuyển vũ khí lên bờ vẫn còn sống mãi trong tâm trí của bao người.

 

Nhìn ngược về hướng Tây, những trụ điện cao thế nối tiếp nhau băng qua các mỏm, triền núi, đang ngày đêm mang nguồn sáng, sự văn minh, no ấm đến với miền đất này. Dưới đường dây, dòng sông Bàn Thạch loang loáng nước, bình lặng, lững lờ xuôi về biển Đông. Nhìn mặt sông, ai có ngờ ngày xa xưa, thời mở cõi, đó là nơi trú ngụ của đàn sấu dữ. Sấu không chỉ hoành hành trên sông mà còn lên cả trên bờ rình chộp gia súc. Không chịu nổi trước loài giặc nước này, tráng đinh làng Đa Ngư đã ra tay chiến đấu với thủy quái. Họ không chỉ diệt sấu nơi thôn làng mà còn theo dòng sông, ngược nguồn lên tận nơi chia đôi của sông Ba để diệt. Ghi nhận công đức ấy, làng Đa Ngư được ban cho đặc ân toàn quyền khai thác nguồn lợi trên sông, các làng ven sông muốn đánh bắt cá phải đóng thuế cho họ.

 

da-bia090304.jpg
 - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Lần theo ký ức, tự dưng nhớ tới tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân. Ông không chỉ là người chơi chữ nghĩa, theo tôi, ông còn là nhà tiên tri. Trong tùy bút trên, khi viết về những thác dữ trên sông Đà, có thể trong một phút xuất thần, ông dự đoán: Rồi đây, những nhà trị thủy sẽ trị dòng sông, bắt nó làm ra điện để một ngày nào đó, dòng điện sông Đà chảy vào đến tận Sài Goòng (chữ của Nguyễn). Trong dòng điện đang chảy về quê mình kia, biết đâu có những hạt điện phát nguyên từ mỏm đá ngày trước Nguyễn đã ngồi để ngẫm nghĩ và sáng tạo nên thiên tuỳ bút ấy!

 

Trời dần ngã bóng. Bắt đầu chiều.

 

Những ngôi nhà ở xã Hòa Tâm, nơi tôi chọn làm điểm xuất phát chỉ còn là những chấm nhỏ trên cái nền thẫm xanh cây lá. Xen giữa màu xanh ấy, những đìa tôm như những ô bàn cờ, lóe sáng. Rồi đây, trong một ngày, có thể không xa, những ngôi nhà kia, những đìa tôm ấy không còn. Thay vào đó là những ống khói của Khu công nghiệp Lọc hóa dầu Hòa Tâm. Khu liên hợp công nghiệp nặng ấy vẫn còn trên giấy, nhưng với những người dân hiền hòa dưới chân núi này, viễn cảnh tươi sáng đã mang lại cho họ niềm tin, niềm hy vọng về một sự đổi đời. Lúc đó, trong đoàn người đi đốt than ban sáng, con cháu ai sẽ đứng bên những cỗ máy khổng lồ lọc, hóa những thùng dầu thô thành “vàng trắng” để xuất đi muôn phương, để Hòa Tâm trở thành một địa danh không còn xa lạ với những ai tiêu thụ dầu? Ai sẽ lên đỉnh núi này trồng hoa thơm cỏ lạ để những người công nhân kia, trong những ngày nghỉ cuối tuần có thể theo cáp treo lên thẳng đỉnh núi này nghỉ ngơi, chiêm nghiệm.

 

Không còn sớm nữa, trên đỉnh Đá Bia, mây bắt đầu sà xuống trên đầu Bia Đá. Chúng tôi như lẫn vào mây trời, gió núi. Người bồng bềnh, hơi thở nhẹ, lồng ngực căng tràn không khí chốn thần tiên. Lặng lẽ thu xếp hành lý, chúng tôi xuống núi. Nhẹ nhàng, nhón nhén. Sợ kinh động đến chốn linh thiêng. Phía tây, bảng lảng trong nắng chiều, biển hồ hiện ra, mặt nước nhuộm một màu vàng óng ả của ráng chiều. Biển hồ như một tấm gương soi…

 

THẾ DŨNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Độc đáo gốm Quảng Đức
Thứ Tư, 25/02/2009 17:30 CH
Làng Dao dưới chân núi Chư P’Lôi
Chủ Nhật, 22/02/2009 18:07 CH
Đơm cá thài bai trên sông Ba
Thứ Tư, 18/02/2009 19:00 CH
Vượt sóng gió cứu ngư dân
Chủ Nhật, 15/02/2009 19:00 CH
Đi bẫy gà rừng
Thứ Tư, 11/02/2009 19:00 CH
Đầu năm, đi bắt tôm hùm giống
Thứ Tư, 04/02/2009 18:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek