Sau 22 giờ vật lộn với sóng nước biển khơi trên hành trình thực hiện nhiệm vụ đưa tàu cá và những ngư dân bị nạn giữa biển trở về đất liền, 17g30 ngày 6/2, chiếc tàu BP 10-04-01 của Hải đội 2 Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên đã cập bờ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ tàu cá PY 6858. Tôi bắt gặp những dòng nước mắt hạnh phúc, những nụ cười mừng vui không chỉ ở đoàn người từ biển khơi trở về mà cả những người từ đất liền dõi theo hành trình của chuyến tàu đi cứu hộ.
Đại úy Lê Văn Công và ông Nguyễn Xưa, thuyền trưởng tàu PY6858 khi về đến bờ |
HÀNH TRÌNH TIẾP CẬN MỤC TIÊU
19g10 ngày 5/2, thiếu tá Phạm Ngọc Dân, Hải đội trưởng Hải đội 2 tiếp nhận thông tin từ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Một tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên bị hỏng, đang trôi tự do ngoài khơi tại tọa độ 13 độ 30 phút vĩ độ Bắc, 109 độ 50 phút kinh độ Đông. Hải đội chuẩn bị cứu hộ cứu nạn. Sau lệnh triệu tập đơn vị, Hải đội trưởng chỉ đạo: Các bộ phận kiểm tra, nhanh chóng bổ sung nhiên liệu, thực phẩm cho tàu và cán bộ chiến sĩ tổ cơ động ở tư thế sẵn sàng. 19g45, nhận lệnh điều động của đại tá Nguyễn Trúc Thơm, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên, tàu cứu hộ BP 10- 04 - 01 cùng 6 cán bộ chiến sĩ do thiếu tá Hải đội trưởng Phạm Ngọc Dân trực tiếp chỉ huy nổ máy, lên đường làm nhiệm vụ. Con tàu vượt qua cửa Đà Diễn, xé màn đêm dày đặc bao phủ phía trước, tiến thẳng ra khơi. Máy đàm thoại tiếp phát thông tin liên tục để xác định vị trí tàu bị nạn và tiếp nhận chỉ đạo của chỉ huy qua tổng đài thông tin.
Thuyền trưởng Trịnh Đình Cường kể lại: Rời cảng, tàu đi khá nhanh vì biển êm, có đoạn tốc độ trên 10 hải lý một giờ. Thế nhưng chỉ sau một tiếng đồng hồ, khi tàu ra giữa biển, gió thổi mỗi lúc một dữ dội, sóng ầm ầm, lắm lúc cảm giác như mũi tàu lủi xuống dưới nước. Ngược gió, ngược sóng nên tốc độ tàu chậm dần. Từ giữa đêm về sáng, tốc độ của tàu cứu nạn càng chậm, có chặng một giờ chỉ đi được ba hải lý. Sóng đánh mạnh nên con tàu bị nghiêng và lắc liên hồi. Bình thủy, ấm trà, ly chén uống nước, đồ đạc của cán bộ chiến sĩ bị tung lên hất xuống nhiều lần. Chiếc ti vi, dù được vít chặt vào kiềng và buộc kỹ với nhiều vòng dây bao quanh cũng không thể chịu được sức đánh bật của sóng, bất ngờ bong dây, văng đập vào đầu hải đội trưởng trong lúc anh đang căng mắt quan sát phía trước…
Hừng đông vừa hửng lên trên mặt biển thì trên định vị, kim chỉ tọa độ đã nhích dần đến vị trí tàu bị nạn. Một chấm nhỏ hiện lên giữa biển mênh mông. Những người lính biên phòng cho tàu đi về mục tiêu vừa nhìn thấy mà lòng dạ bồi hồi, mừng không tả nổi.
GIAN
Dẫu đã về đến bờ, thuyền trưởng tàu bị nạn PY 6858 TS Nguyễn Xưa vẫn còn nhớ rõ cảm giác hoang mang lo sợ lúc con tàu bị gãy cốt hộp số giữa biển. Anh kể: “Tàu đến vùng đánh bắt, sắp thả neo thì cốt hộp số bị gãy. Dù đã cố gắng hàn lại nhưng không được, chúng tôi nhờ một phương tiện đi đánh bắt cùng chuyến kéo về. Anh em lai kéo về được nửa đường thì gặp đợt gió mùa Đông Bắc. Gió lớn quá, phần thì tàu mới vừa xuất bến, tổn còn đầy nên kéo rất nặng. Không thể đi tiếp được, họ đành thả chúng tôi để quay lại khu vực tiếp tục đánh bắt. Tôi mở máy bộ đàm gọi về Đồn Biên phòng 348. Giữa biển, chúng tôi nghe rõ tiếng trung tá Nguyễn Văn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 348 động viên và hứa sẽ báo cáo về BĐBP tỉnh để giúp đỡ. Mọi người đỡ lo phần nào nhưng cũng chỉ biết chờ đợi. Suốt một đêm, tàu cứ trôi tự do, tôi và anh em nằm trằn trọc, hoang mang. Đầu óc chỉ mới lẩn quẩn nghĩ đến cảnh vợ con phải chạy vạy khắp nơi, vay góp có đủ 70 triệu đồng tổn cho chuyến biển này, tôi đã ứa nước mắt. Trời sáng dần. Tôi bước ra boong tàu hướng mắt về đất liền, nhìn thấy từ mù xa tít tắp có một chấm nhỏ. Cùng lúc, tiếng hai, ba anh em lao động trên thuyền hô to: Tàu cứu nạn BĐBP ra rồi! Trống ngực đập thình thịch, tôi liền gọi một người vào lấy chiếc ghế đưa lên mui tàu để đứng quan sát cho rõ. Hơn một giờ đồng hồ từ khi nhìn thấy, tàu của BĐBP mới tiếp cận được chúng tôi”.
Sau khi dây kéo giữa hai con tàu được buộc, nối chặt vào nhau, tàu BP 10 - 04 - 01 hướng về đất liền kéo theo tàu bị nạn. Hải đội trưởng Phạm Ngọc Dân cho biết: Chặng về chúng tôi càng phải hết sức thận trọng. Vừa quan sát hướng sóng, hướng gió, chúng tôi vừa lái, đồng thời chỉ đạo cho cán bộ chiến sĩ trên tàu giữ dây kéo, lúc thả, lúc giữ hoặc giằng lại để tránh không gây va đập giữa hai tàu, tuyệt đối không ai được phép lơ là, dù chỉ một giây. Lúc thì tàu hướng về đất liền theo lối gối sóng, khi phải chấp nhận đi theo đường dích dắc để tránh bị sóng đánh úp.
Suốt 22 giờ đánh vật với sóng gió giữa biển khơi, 17g30 ngày 6/2, tàu cứu nạn của Hải đội 2 cập vào bờ ở khu vực Vũng Lắm thuộc huyện Sông Cầu. Chị Nguyễn Thị Cất, vợ thuyền trưởng tàu bị nạn ôm túi bánh mì và sữa, ngồi đợi hàng giờ trên bờ biển Xuân Thọ 2, đến lúc này niềm xúc động và hạnh phúc như vỡ òa. Chị nghẹn ngào: “Suốt cả cuộc đời, gia đình tôi mang ơn anh em bộ đội biên phòng. Chồng tôi điện đàm về nói: tàu chạy liên tục cả ngày cả đêm, mấy anh chỉ ăn mỗi mì tôm khô rồi uống nước để đỡ đói…” Giây phút chộn rộn của niềm vui qua cơn hoạn nạn vừa tan, bất chợt tôi nhìn về phía bờ cát, thấy Hải đội trưởng Phạm Ngọc Dân và thuyền trưởng Trịnh Đình Cường đang “làm nước” cho đôi chân của mình. Thuyền trưởng tàu bị nạn PY 6858 TS Nguyễn Xưa xúc động kể: “Suốt hơn 22 tiếng đồng hồ qua, hai anh đã đứng cầm lái và quan sát. Máu dồn xuống chân tê cứng. Tàu cập bến, hai anh phải nhích từng bước một để lên bờ”.
PHƯƠNG OANH