Những người bẫy gà rừng không nhớ nổi đã bẫy bao nhiêu con gà. Không chỉ những người nghèo khó làm nghề bẫy gà rừng để mưu sinh mà ngay cả những người khá giả cũng đi bẫy gà rừng để tìm thú vui. Chính vì thế, núi rừng ngày càng vắng tiếng gà rừng.
Gà rừng bẫy được chờ đủ số lượng để xuất chuồng - Ảnh: H.NAM
Trước khi cho tôi đi cùng chuyến bẫy gà rừng, anh Phạm Đàm, một tay bẫy gà chuyên nghiệp ở huyện Đồng Xuân, trưởng nhóm, “thòng” một câu ơn nghĩa: “Nể quá mới cho anh đi. Truyền nghề nhiều người quá sợ sau này không còn gà để bẫy”. Dọc đường đi, sau khi tôi sởi lởi vài câu cầu thân, anh Đàm cho biết: “Các mối ở Bình Định vào đặt hàng cho tôi 30 con nhưng trong chuồng hiện chỉ nhốt 20 con, hẹn hai ngày nữa giao đủ”.
DÙNG GÀ LAI BẪY GÀ RỪNG
Vừa băng qua nhiều triền gò, luồng dưới tán rừng Suối Trưởng (thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), anh Đàm vừa nói: “Đi bẫy gà không phải ngồi chờ như đi nhử chim. Chỉ cần nghe tiếng gà bên ngoài gáy là “hốt bạc” liền”. Vừa dứt lời, một con gà rừng cất tiếng gáy, anh Đàm chọn vị trí buột con gà mồi rồi nhanh tay cắm bẫy; ra hiệu cho tôi nấp vào bụi cây, im lặng. Con gà mồi lập tức cất tiếng gáy lảnh lói như thúc giục đối phương. Sau ba tiếng gáy cách nhau một phút, con gà rừng hăng máu bay về, đứng cách xa gà mồi 10m. Con gà mồi đập cánh phành phạch, rướn gân cổ nhưng chưa kịp cất tiếng gáy thì con gà rừng hăng máu lao tới. Chúng tôi nín thở theo dõi, khi gà rừng còn cách khoảng 1m chuẩn bị bay vào đáù, lập tức hàng bẫy giò giăng sẵn gút chặt chân con gà rừng, giãy giụa. Gà mồi ngơ ngác nhìn, anh Đàm lao ra tóm gọn. Sau khi buột chặt con gà mới mắc bẫy, anh Đàm rút điện thoại ra nhắn tin đến các thành viên trong nhóm cùng đi lúc sáng: “Tóm được một chú rồi”. Đi bẫy gà, mỗi người đều mang theo điện thoại di động để thông tin cho nhau.
Gần ba năm làm nghề bẫy gà rừng, anh Đàm đúc kết kinh nghiệm: so với nhử chim, bẫy gà “mau thấy” vì đặc tính con gà “ghét nhau tiếng gáy”, trong khu rừng mình làm chủ bỗng dưng có một kẻ nào xâm nhập nên bằng mọi giá gà bay về đá, thế là sập bẫy. Một đặc điểm nữa là gà rừng háu đá, khi thấy đối phương chúng dựng lông cổ trợn mắt sấn sổ lao vào.
Để có một con gà mồi “chiến” như vậy, anh Đàm tìm mua con gà rừng về phối giống với gà tre cho ra gà rừng lai. Theo anh Đàm, nếu lấy gà rừng thuần chủng làm gà mồi, khi đi bẫy không hiệu quả bằng giống gà lai F1 này. Vì đặc điểm gà rừng nhát nên ra rừng ít gáy hơn gà rừng lai. Một yếu tố quan trọng nữa là gà rừng lai F1 khi thấy gà ngoài bay về chúng không háu đá mà chỉ đứng yên một chỗ gáy chọc tức đối phương. Còn những con gà mồi háu đá khi thấy gà rừng chúng lao ra nhũng nhẵng dây buột chân vì thế gà rừng hoảng hốt bỏ chạy. Con gà mồi đòi hỏi khi ra rừng phải siêng gáy mới chọc tức đối phương. Tuy nhiên, không phải con gà rừng lai nào cũng làm mồi được, có những con gà mồi khi ở nhà siêng gáy, khi ra rừng lại nín bặt thì vô dụng. Hiện nay giá một con gà mồi tính bằng triệu đồng. Như con gà anh Đàm đang sở hữu hơn 3 triệu đồng.
Sát thủ “bẫy giò” - Ảnh: H.NAM
“SÁT THỦ” BẪY GIÒ
Gọi là bẫy giò vì loại bẫy này gút chân, được làm bằng công nghệ những sợi dây thép mỏng manh nhưng rất bền vững. Dùng sợi dây thép nhỏ bằng sợi chỉ gút một thòng lọng chu vi bằng nắm tay, buột vào một đầu cây sắt 6 ly, dài khoảng 30 cm, một đầu cây sắt nhọn để dễ cắm sâu xuống đất. Trong tay một người đi bẫy gà ít nhất 20 bẫy giò, khi gà rừng nghe tiếng gà mồi gáy bay về thì những cái bẫy giò kia sẽ kết liễu cuộc sống hoang dã của gà rừng.
Sợi dây thép màu đen huyền mỏng manh như vậy nên dù gà rừng có tinh mắt cỡ nào cũng không phát hiện được, chính vì vậy bẫy được cả gà mái. Anh Trần Cây, một thành viên trong nhóm, phân tích: “Sau khi những con gà cồ bị dính bẫy để lại con gà mái suốt năm dài tháng rộng thui thủi ăn ngủ một mình, khi nghe tiếng “đấng trượng phu” (gà mồi) gáy, gà mái bay đến mong tìm lại một nửa đã mất của mình, chưa kịp nhìn tận mặt thì bẫy giò gút chặt chân. Nhưng đó chỉ vài trường hợp thỉnh thoảng thôi”.
Anh Cây không nhớ nổi đã bẫy được bao nhiêu con gà sau hai năm làm nghề bẫy gà rừng. “Trước đây tôi làm nghề tài xế. Khi thấy bẫy gà thu nhập cao, tôi bỏ hẳn nghề chạy xe”- anh Cây cho hay. Một con gà rừng giá 150.000 đồng, một ngày bẫy hai con thì không có ngày công lao động thủ công nào bằng, lại còn nhàn. Có ngày chịu khó đi xa bẫy được bốn con.
Đến suối Mun, cách Suối Trưởng 3 cây số, những người trong nhóm đặt con gà mồi, cắm bẫy. Anh Trần Huy, dáng người nhỏ thó, thành viên trong nhóm, giải thích: “Cắm bẫy phải biết cách, nếu vị trí đặt gà ở khu rừng triên (có độ dốc) thì bẫy gò cắm phía trên vì gà rừng dùng thế đá, khi gà rừng bay về nó đang ở phía dưới gà mồi, lập tức chạy vòng phía trên bay xuống đá. Qua theo dõi nhiều trận đá “mười con như chục” chung một quy luật như vậy”. Huy rít điếu thuốc, con gà mồi cất tiếng gáy vang, lập tức văng vẳng bên kia suối một tiếng gà đáp lại. Huy mừng ra mặt: “Có hàng nữa rồi”. Đúng như dự đoán, con gà mồi “thúc” thêm vài tiếng gáy rời rạc, lập tức một bóng từ trên cao như mũi tên lao vút đến. Vài phút sau gà rừng hăng máu “xáp” đến… dính bẫy. Bắt được con thứ hai chưa kịp nhắn tin báo vui cho các đồng nghiệp thì chuông điện thoại anh báo một lúc ba tin nhắn, trúng mánh rồi. Anh Huy quay lại nói với tôi: “Hôm nay ngày tốt thiệt. Có ba đứa bẫy được rồi”.
Theo Huy, không chỉ có những nông dân nghèo khó đi bẫy gà rừng mưu sinh, ngay cả những người khá giả cũng đi bẫy để tìm thú vui, sau đó giết thịt. “Mới đây, một số đại gia ở Nha Trang đánh xe con ra xin gia nhập nhóm bẫy gà”- Huy kể. Chính vì sự nở rộ của phong trào này mà gà rừng cồ ngày càng bị sát hại nhiều, bỏ lại những con gà rừng mái ở núi rừng. Ông Ma Quẫn, người dân tộc Ba Na, ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, nói: “Khi gà cồ bẫy hết rồi, gà mái đến chu kỳ đẻ trứng chúng vẫn đẻû. Đặc điểm gà rừng mái khi đẻ là chúng ấp, ấp đến khi nào trứng nở mới thôi. Khi trứng không cồ, gà mái ấp đến khi chết gục trong ổ. Gần đây, tôi đi rẫy thấy nhiều gà rừng mái nằm chết, dưới bụng là một ổ trứng. Cầm trứng gà lên đập ra, bên trong một màu vàng nghệ đặc sệt, trứng đó do không có cồ nên bụi “ung” (hư) rồi”. Ông Quẫn xót xa: “Bây giờ, núi rừng ngày càng vắng tiếng gà rừng, lúc trước gà rừng báo thức buôn làng thức giấc lên rẫy, nay chờ tiếng gà đánh thức ngủ luôn đến trưa”.
Đêm ngủ ở Suối Trưởng (xã Xuân Quang 1), Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2) sáng ra không nghe tiếng gà rừng nữa. Nhiều người dân địa phương cho biết đi rẫy xa “năm thuở mười thì” mới nghe tiếng gà rừng gáy… yếu ớt, đó là con gà rừng mới lớn vừa tập gáy.r
MẠNH HOÀI