Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, khi tôm hùm giống được giá, biển êm, đại bộ phận ngư dân làng biển ở các xã An Chấn, An Hải, An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã chong mành suốt đêm bắt tôm hùm giống…
Người dân xã An Hải chuẩn bị ra khơi chong mành bắt tôm hùm giống - Ảnh: VĂN TÀI |
CHONG MÀNH “SĂN” TÔM HÙM GIỐNG
Ngay trong những ngày đầu xuân, nhiều ngư dân thuộc các xã An Hải, An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã ra khơi lặn bắt tôm hùm giống. Anh Trần Minh Thanh, ngư dân ở thôn 4, xã An Hải nói: “Gió càng mạnh, tôm hùm giống càng vào rạn, gành trú ngụ và nổi lên nhiều chừng đó.
Dụng cụ của nghề đánh bắt tôm hùm giống rất đơn giản, chỉ có một giàn lưới mành dài gần 400m, trị giá khoảng 15 triệu đồng. Đầu tiên, người ta thả giàn mành xuống biển theo hình chữ V, sau đó cho tàu vào giữa và nổ máy, chong đèn sáng suốt đêm để dụ tôm hùm giống chui vào… Theo kinh nghiệm của ngư dân, ở những vũng nước sâu, gần nhiều rạn đá, cách bờ khoảng vài trăm hải lý thường có nhiều tôm con và tôm hùm thịt (khoảng 5 lạng-PV) thì có nhiều tôm hùm nhất.
Trở lại chuyện chong mành cùng anh Thanh. Sau khi tàu đã ra Hòn Lao, chúng tôi neo tàu và bắt đầu đưa giàn mành xuống biển. Chúng tôi kéo đèn về phía giữa mành, rồi ra hiệu dỡ mành, để dụ và dồn tôm vào đáy mành. Thông thường lưới rút hay mành rút đan bằng hai loại chỉ, phần trên đan bằng chỉ vải khúng, phần đáy đan bằng loại sợi gai chắc hơn. Chiều dài của mành rút từ 40 đến 42m (kể cả phần đáy), chiều rộng của mành rút tương đương với chiều dài. Viền mành rút làm bằng dây dừa (hoặc dây cước). Phía chiều rộng của lưới có cột các hòn đá, còn ở 2 bên viền lưới được gắn nhiều phao. Ô mắt lưới của mành rút có độ rộng theo các cấp. Khoảng đầu (10m) lỗ mắt lưới rộng 10 phân. Khoảng tiếp theo (10 - 15m) lỗ mắt lưới rộng 8 phân. Khoảng cuối (chừng 20m) lỗ mắt lưới rộng 6 phân. Phần đáy lỗ mắt lưới rộng 8 phân được ngư dân dùng để bắt tôm ở Hòn Lao, Vũng Bầu, Sơn Hô, Hòn Chùa... Bên cạnh đó, người làm nghề còn dùng bóng đèn cao áp hoặc 4-5 bóng đèn tuýp chụm lại để nhử tôm dính vào lưới mành. Tuy nhiên, cách làm này thường có nhược điểm là tôm con dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng mạnh và bị trầy xước trong quá trình kéo lưới lên ghe.
Theo nhiều ngư dân, hiện nay tôm hùm giống có giá cao hơn so với mọi năm. Một con tôm hùm sao có giá từ 60.000-65.000 đồng. Do vậy, nhiều ngư dân đã tranh thủ ra khơi sớm để kiếm thêm thu nhập từ nghề này. Theo ông Trần Văn Răng, mỗi đêm đi chong mành ông bắt được vài chục con tôm hùm sao, thu được một khoản tiền kha khá để chi tiêu và lo cho mấy đứa con ăn học. Hiện cả thôn 4, xã An Hải có khoảng 150 hộ dân thì đã có hơn 50% hộ lấy việc chong mành đánh bắt tôm hùm giống làm nghề chính.
Tại An Hải, An Ninh Đông, An Chấn, nghề bắt tôm hùm giống bắt đầu hình thành vào năm 1995. Ở những khu vực này có nhiều rạn đá ngầm, là nơi trú ngụ ưa thích của loài tôm. Hàng năm cứ từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 4 năm sau, tôm con lại xuất hiện. Tôm hùm không đẻ nhân tạo được, lại khá hiếm ở vùng biển và chỉ xuất hiện khi biển động, vì thế rất có giá. Tùy theo loại, giá giao động 60.000-65.000 đồng/con tôm hùm sao.
Anh Trần Minh Thanh “khoe” con tôm hùm thịt 4 lạng mà anh bắt được trong một chuyến ra khơi - Ảnh: VĂN TÀI |
NIỀM VUI ĐẦU NĂM
Tôm giống bắt lên, có người mua ngay tại làng. Xã An Hải có 5 đầu mối mua tôm, trong đó ông Võ Thanh Hải là người mua nhiều nhất. Tại nhà ông Hải, những chiếc bể xi măng chứa tôm hùm giống khá nhiều. Theo các ngư dân, trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu này, tôm hùm giống xuất hiện khá dày trên vùng biển huyện Tuy An. Nhiều nhất từ Hòn Lao (xã An Hải) đến Hòn Chùa (xã An Phú). Vì vậy, hàng trăm người dân ven làng biển này đã dùng mành trủ, mành rút đánh bắt tôm hùm giống và đã trúng đậm, khiến cho làng biển những ngày đầu năm thêm vui và rộn ràng. Bình quân mỗi người bắt được 30 con tôm hùm giống/đêm. Cá biệt có người còn bắt được 150 con tôm hùm giống/đêm, mang lại thu nhập cao đối với ngư dân.
Khác với mọi năm, tôm hùm giống xuất hiện vào mùa biển động thì năm nay lại xuất hiện vào mùa biển êm và gần bờ. Thời gian đánh bắt tôm hùm giống chỉ từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau. Vì vậy thu hút rất nhiều người tham gia. Anh Nguyễn Hùng, ở thôn 6, xã An Ninh Đông cho biết: “Năm nay, ngư dân rất vui vì được Nhà nước hỗ trợ xăng dầu khi ra biển. Đồng thời, đầu năm, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều, giá lại cao nên ngư dân trúng lớn”. Còn ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải bảo: “So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôm hùm giống năm nay giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, giá bán cao hơn mọi năm khoảng 40% nên ngư dân có thu hhập tương đối khá. Hiện nay, toàn xã có 220 tàu thuyền, công suất 15-165CV và chuyên làm nghề đánh bắt tôm hùm giống. Do vậy, những ngày đầu năm việc tôm hùm giống được mùa, được giá đã làm cho bà con rất phấn khởi”.
VĂN TÀI - XUÂN HUY
Sông Cầu: Tôm hùm giống xuất hiện nhiều Từ mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đến nay, tại các vùng biển trên đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài ở huyện Sông Cầu, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều. Nhiều ngư dân ở Vịnh Hòa, Từ Nham, Phú Dương (xã Xuân Thịnh), Vũng La, Vũng Chào (xã Xuân Phương), Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh)… một đêm khai thác được vài chục con, cá biệt có người một đêm được 350 con. Với giá bán dao động khoảng 50.000-60.000 đồng/con, các ngư dân bắt tôm hùm giống thu được hàng triệu đồng sau mỗi đêm đánh bắt. KIỀU BA