Đang mùa thu hoạch mì. Những chiếc xe tải chở mì lặc lè từ trang trại nối đuôi chạy ra ĐT 645 rồi ngược về Nhà máy Chế biến tinh bột sắn. Không trúng mùa bằng năm ngoái nhưng cây mì, củ mì cũng mang lại niềm vui cho những người nông dân, trong đó có anh Đào Văn Ổn. Người dân ở đây gọi anh bằng cái tên thân mật: Tám Ổn. Dù bận rộn điều hành công việc ngoài rẫy, Tám Ổn vẫn tranh thủ nói chuyện cùng tôi về chuyện làm ăn và bí quyết làm giàu của anh.
KHỞI NGHIỆP
Anh Tám Ổn đang chăm sóc đàn bò - Ảnh: T.Q
Năm 1977, Đào Văn Ổn lên đường làm nghĩa vụ quân sự, được biên chế ở đội trinh sát thuộc Tỉnh đội Phú Khánh. Đến năm 1981 thì ra quân, anh về làm Phó Chủ nhiệm HTX mua bán Hoà Phong. Thời điểm ấy, Phó Chủ nhiệm HTX mua bán là lớn lắm, nhưng anh vẫn không ham. Mặc cho người thân bạn bè khuyên can Đào Văn Ổn vẫn quyết định từ chức. Người ta cho anh là hâm, có vấn đề!
Cưới vợ với lưng vốn đủ mua hai chú nghé con, anh bắt đầu tập tành đi buôn bò! Nghề buôn bò đã giúp Ổn kiếm được kha khá vốn và anh lại nghĩ đến chuyện nuôi bò, lập trang trại. Năm 1988, Đào Văn Ổn có mặt ở huyện mới Sông Hinh. Vùng đất đỏ badan khu vực buôn Thung, xã Đức Bình Đông đã hút hồn anh. Có bao nhiêu vốn anh đổ vào mua đất, đầu tư trồng mía, trồng cỏ nuôi bò.
QUYẾT CHÍ LÀM GIÀU
Sau 5 năm, cái tên Tám Ổn đã có trong danh sách những người nông dân làm trang trại thành công của huyện Tây Hoà (trước đây là huyện Tuy Hoà). Bí quyết làm ăn của Tám Ổn ở thời điểm này chỉ gồm hai chữø: Cần cù. Anh luôn tìm cách không cho đất nghỉ. Mùa nào thức nấy. Vậy mà cũng thất bại! Đó là mùa mía năm 1996 – 1997. Trước đó đúng một mùa, mía của bà con nông dân trồng không đủ bán cho các nhà máy nên ai cũng đổ xô xuống giống. Tám Ổn cũng vậy, có bao nhiêu vốn liếng dồn vào mua giống mía, phân bón, làm đất với một tâm trạng hồ hởi và hy vọng khi nghĩ đến mùa thu hoạch. Nhưng lần đầu tư quyết định này lại bất ổn! Mía rớt giá thê thảm, hơn 10 hécta của anh và hàng trăm hécta khác của bà con nông dân không bán được. Thế là phải thuê công chặt xuống rồi đốt, thêm một lần lỗ nặng.
“Thua keo này, bày keo khác”. Tám Ổn tìm đến cây cà phê. 20.000 cây cà phê xanh bạt ngàn cả một vùng đồi. Nhìn chúng lớn nhanh như thổi, nghe ngóng giá cà phê đạt đến đỉnh điểm, anh hăng hái vay tiền đầu tư hệ thống tưới nước kiên cố, nhà sấy đạt tiêu chuẩn và lại hy vọng. 3 năm sau, mùa thu quả bối cũng là thời điểm cà phê rớt giá! Đốn gốc càphê làm củi mà mồ hôi chan đầy nước mắt. Đó là năm 2000. Ở mức thấp nhất, mỗi gốc cà phê trị giá 40.000 đồng, thì thiệt hại đã lên đến cả tỷ bạc! Cả gia đình anh điêu đứng. Để duy trì “sự sống” của trang trại, Tám Ổn phải giật gấu vá vai, vay nóng. Rồi những dự án dứa cayen, gừng… góp phần làm cho Tám Ổn nhiều phen lao đao. Nhưng cũng chính từ đây, anh rút ra nhiều bài học lớn để có thể vượt qua khó khăn, trụ được và phát triển.
CƯU MANG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Con bò vẫn có duyên với Tám Ổn. Trong khi những cây ngắn ngày lẫn dài ngày đều mất mùa, mất giá thì bò là chỗ bù lỗ duy nhất. Bán bò bù cây, nhưng mấy mùa liền anh vẫn kiên trì với mô hình trang trại tổng hợp cây – con. Trời chẳng phụ người có công, sau thất bát là những mùa bội thu. Nhớ lại vụ thu hoạch sắn năm ngoái, gương mặt anh như giãn ra, đầy phấn khởi. Chưa bao giờ sắn trúng và được giá như thế!. Ngoài sắn nhà trồng, Tám Ổn còn làm đại lý mua lại của những người nông dân mà chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số. Thoạt nghe cứ ngỡ anh làm trung gian để ép giá nông dân bán lại cho nhà máy để kiếm lời, nhưng không phải vậy. Đầu mùa sắn chưa có giá, nhà máy chỉ mua nhỏ giọt, trong khi người nông dân đang cần tiền để xoay xở. Nhờ nghiên cứu thị trường và óc phán đoán nên anh mạnh dạn vay vốn mua sắn để giải quyết khó khăn tức thời cho bà con lại mua cao hơn nhà máy 5 giá. Và đúng như dự đoán, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà máy “hút” nguyên liệu. Khi đó, Tám Ổn ung dung bán ra số sắn của mình!
Những năm gần đây, khi cơ ngơi trang trại đã ổn định, Tám Ổn tính chuyện trả ơn đất, ơn người. Anh bộc bạch: “Mình cũng có duyên với đất và người ở buôn này lắm. Đất cho mình mùa màng, con người ở đây ủng hộ thì mới làm nên chuyện”. Cách trả ơn, theo anh, là giúp bà con có việc làm và biết cách làm ăn. Đầu mùa, những hộ khó khăn đến, anh cho mượn tiền mua giống, phân bón… Đến cuối mùa, sản phẩm thu hoạch bán được, bà con trả lại số vốn ban đầu anh không hề tính lãi. Thậm chí ai không bán được, anh làm “đại lý” mua theo đúng hoặc hơn vài giá so với thị trường. Nhờ vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có vốn sản xuất, đồng thời, biết cách ăn nên làm ra. Những hộ thừa công lao động cũng được Tám Ổn ưu tiên thu nhận làm công nhân thời vụ cho trang trại của mình. Mỗi ngày 8 giờ đồng hồ, tiền công từ 30.000 đồng – 35.000 đồng. Vì thế, nhiều nông dân có việc làm để tăng thêm thu nhập. Lúc cao điểm, trang trại anh có tới 70 – 80 người làm công. Ma H’Léo cho biết: “Mình và nhiều bà con buôn Thung có cơ ngơi như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của Tám Ổn nhiều lắm đấy. Tám Ổn giúp từ tiền vốn mua phân bón đến tiền ăn giáp hạt, nhưng quan trọng nhứt là nó bày cách làm ăn mà không giấu giếm”.
Những người làm công lâu dài cho anh kể những câu chuyện cảm động. Họ là trẻ mồ côi, gia đình quá khó khăn. Có người thì nhờ quen biết gửi từ quê lên, cũng có trường hợp anh tình cờ gặp, thương hoàn cảnh rồi đem về cưu mang. Với anh, họ là những “nông trang viên”. Hiện trang trại anh có 6 “nông trang viên” như vậy. Tất cả chi phí ăn, ở, sinh hoạt, thuốc men đều do anh lo, lương chính thức của những “nông trang viên” được tính bằng bò. Công việc chính của họ là chăn bò cho trại cũng là chăn bò cho mình và cùng ông chủ quản lý cả nông trại khi đến vụ mùa. Vì thế họ luôn xem anh như người cha, người chú. Nguyễn Văn Hà là một “nông trang viên” đặc biệt ở đây. Đặc biệt vì em là người làm giỏi nhất, có nhiều “tài sản” trong thời gian ngắn nhất. Từ năm 2002 đến nay, Hà đã có trong tay lưng vốn 10 con bò. Hà còn phụng dưỡng mẹ già bị thiểu năng trí tuệ. Tám Ổn cho biết, gia đình Hà đang quản cả khu rừng xa cừ 10 ha và trại bò hơn 300 con dưới ấy. Nhưng với anh, tài sản lớn không nằm ở rừng xa cừ đầy hứa hẹn và đàn bò đông đúc mà chính là uy tín của mình với bà con ở vùng đất này. Và tài sản vô giá đối với anh là 5 đứa con đã khôn lớn. Hai con lớn đã vào đại học, 3 đứa nhỏ đứa nào cũng học hành chăm ngoan. Anh rít một hơi dài thuốc lá, cái thói quen có từ những năm đầu bám trụ ở vùng đất cao nguyên. Gương mặt phong sương khắc khổ già hơn cái tuổi 49 nhưng đầy mãn nguyện.
Năm 2004, Đào Văn Ổn vinh dự là đại diện của Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên tham dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
THẾ NHƠN
“Điều đáng quý của Đào Văn Ổn không chỉ ở chuyện làm giàu chân chính mà anh còn là một thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh xã Hoà Phong, huyện Tây Hoà. Chất lính vẫn còn đậm trong người cựu chiến binh này, khi anh dám nghĩ, dám làm, không chỉ cho mình mà cho những người xung quanh”. (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phú Yên Huỳnh Ngọc Sanh)