Thứ Ba, 01/10/2024 04:26 SA
Người đàn bà dưới những tán rừng
Chủ Nhật, 07/05/2006 08:51 SA

“Bà Năm Giỏi hả? Ở trên rừng chớ đâu. Từ ngả ba, cứ theo đường lớn đi miết là tới”- Người hàng xóm bà Giỏi huơ tay chỉ đường. Và chúng tôi đi theo sự hướng dẫn của chị. Đúng hơn là đi theo sự thôi thúc của những dòng chữ viết tay trong bản báo cáo có con dấu của Đảng ủy xã Hòa Xuân Nam “Năm 1962 bắt sống được cố vấn Mỹ tại cầu Sông Mới ga Hảo Sơn. Cuối năm 1962 bị địch bắt, đến năm 1965 mới ra tù… Từ năm 2001 đến năm 2005 làm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng”.

 

Những dòng chữ ngắn gọn và ít oi, chưa thể phác họa chân dung một nữ du kích gan dạ trong chiến tranh, càng không thể giúp tôi hình dung đầy đủ về người đàn bà 59 tuổi đang ngày đêm giữ rừng Đèo Cả.

 

“Đường lớn” mà người hàng xóm của bà Giỏi nói chỉ có một đoạn ngắn tương đối bằng phẳng rồi bất ngờ dựng đứng bởi dốc Dinh Bà. Một lối đi chênh vênh xuyên vào rừng, mặt đường lại bị những mùa mưa xé cho rách toạc. Chiếc xe máy gắng sức chồm qua những lằn ngang rãnh dọc gồ ghề, được chừng mươi phút thì hoàn toàn bị khuất phục bởi một con dốc khác, lổn ngổn đá nhỏ đá to. May mà gặp toán công nhân đang xây trụ điện để gởi xe. Bắt đầu cuốc bộ. Bắt đầu thấm mệt. Mồ hôi túa ra. Phía trước mặt vẫn chỉ có con đường mòn hun hút. Tới khi thở qua tai, thì thấy ngay cạnh con đường heo hút xuyên rừng, bên bờ suối hiện ra một cái trại nhỏ như nắm tay, tuềnh toàng. Và kia, từ trong trại bước ra một người đàn bà thấp đậm, mái tóc cắt ngắn đã chớm bạc. Bà ngạc nhiên kêu lên: Ủa, làm sao mà dzô tới đây?”

 

060507-namgioi.jpg
Bà Năm Giỏi đang đi kiểm tra rừng - Ảnh: Phương Trà

 

Bà Giỏi này khác với bà Giỏi áo quần phẳng phiu tham dự chương trình giao lưu giữa Câu lạc bộ Nhà báo nữ với các phụ nữ tiêu biểu của huyện Đông Hòa độ nửa năm trước. Bà mặc bộ đồ bông cũ, đầu đội chiếc mũ bạc thếch. Riêng nụ cười vẫn vậy, cởi mở, bộc trực.

 

Trong khi chủ nhà bắc ấm nước lên ba hòn đá đen in, nhóm lửa, khách tranh thủ nhìn ngắm xung quanh. Cái trại dựa lưng vào núi, quay mặt ra con đường mòn. Bên cạnh trại, gần chái bếp nơi mấy con gà giò đang bươi đất tìm mồi, một con suối rách từ trên núi len lỏi xuống, đổ nước vô cái vụng trong vắt, nằm ở bên kia đường. Chỉ cần nhón chân bước trên mấy tảng đá lô nhô nổi lên chỗ vụng nước là có thể đứng dưới những tán cây. Bà Giỏi và tổ của bà đã trồng chúng từ mấy năm trước.     

 

*  *

*

 

Hay tin Ban quản lý rừng cấm Đèo Cả giao rừng, bà Phạm Thị Giỏi liền đứng ra nhận. Chẳng biết căn cứ vào đâu mà bà tin rằng mình đủ sức đảm đương công việc khó khăn này. Người đàn bà bộc trực, quê mùa suy nghĩ rất đơn giản: Trước là bảo vệ tài nguyên, sau là hưởng đồng lương. Năm 2001, bà trở thành tổ trưởng tổ khoanh nuôi bảo vệ 320 ha rừng ở khu vực Dinh Bà. Tổ có 15 người, đều là bà con chòm xóm, “đóng quân” trong một cái trại ở phía trên, cách trại này độ nửa cây số. Ngoài việc ngăn chặn bước chân lâm tặc, tổ còn có nhiệm vụ trồng bổ sung cây lâm nghiệp, bình quân 100 cây/ha. Mồ hôi của họ đã đổ xuống những thân sao, xà cừ… khi chúng còn bé tí. Nhưng trồng cây không khó bằng việc đối phó với những người cứ lăm le “xẻ thịt” rừng. “Lúc mới lên đây, khổ lắm!” - Bà Giỏi vừa pha trà vừa kể - “Dân đi làm gỗ, đốt than nhiều. Năm đầu, tình hình phức tạp, tụi tui được kiểm lâm, biên phòng yểm trợ. Sau đã thành nếp rồi thì dễ hơn.”            

  

Đến năm 2003, mới được nửa chặng đường, các thành viên trong tổ lần lượt rút về nhà. Theo quy định của nhà nước, lương “trọn gói” cho 6 năm trồng cây và giữ rừng là 1 triệu đồng/ha, bao gồm cả tiền mua cây giống. Chia ra cho từng năm thì ở giai đoạn trồng cây bổ sung và chăm sóc (2001 - 2003), thu nhập của các thành viên trong tổ đỡ hơn, còn từ 2003 - 2006, những người giữ rừng chỉ kiếm được 50.000 đồng/ha. Bà Giỏi kể: “Người ta nói thu nhập thấp quá, nên nghỉ. Còn mình, là tổ trưởng, đã lãnh trách nhiệm thì phải bảo vệ cho tròn năm tròn tháng.”

 

Vậy là, từ đó đến nay, chỉ còn bà Giỏi ở lại. Một mình bà với 320 ha rừng! Sáng sáng thức dậy, bà vác rựa lên vai, đi rảo coi có dây leo bám lên những cây sao, cây xà cừ thì rong cho cây phát triển. Án ngữ ngay tại cửa rừng, bà chặn những người cưa gỗ, chặt củi đốt than. “Nhiều lúc cũng gay go. Bà con ở các xã ngoài vô đây đông lắm. Mình phải phân tích thiệt hơn cho họ nghe. Mặt khác, các xã cũng mời bà con lên giáo dục”. Bà Giỏi vừa cười vừa kể, hồi mới ở một mình, cũng chuẩn bị kỹ lắm, nào cây, nào rựa… đề phòng. May là chưa lần nào xảy ra xô xát. Cũng như  bao người dân lớn lên ở Hảo Sơn, bà đã từng lên núi chặt cây, đốt than để kiếm tiền chợ. Bà hiểu nỗi cơ cực của người đốt than nên dùng lời lẽ phân tích thiệt hơn để họ quay về. Nếu phát hiện có người cưa cây trong rừng-của-mình, bà tới tận nơi, nói chuyện phải quấy. “Tui chẳng sợ gì hết” - bà bảo - “Họ cũng là con người như mình. Làm việc phạm pháp, họ cũng sợ chớ… Một lần cưa cây, họ đi năm bảy người. Mình chỉ nói, chớ không bắt được. Họ không nghe thì mình làm đơn báo để kiểm lâm lên”.

 

Cứ năm, mười bữa, bà Năm Giỏi vác rựa đi vòng theo đường ranh. Mới đây thôi, trên đường “tuần tra”, bà bắt gặp người ta đẽo cây trong rừng-của-mình. Tới nơi, họ đã giấu biệt rìu rựa. Bà nhẹ nhàng: “Tui biết mấy anh cũng khổ, nhưng mà tui đã lãnh đồng lương của nhà nước, tui phải có trách nhiệm bảo vệ…” Nói có tình có lý, người ta không thể không nghe.

 

Đôi khi, nỗi lo như một đám mây xám lướt qua đầu người đàn bà giữ rừng. Mình đụng chạm tới chén cơm manh áo của người ta. Lỡ họ thù hằn… Nhưng việc đã nhận rồi thì phải làm cho tròn, bỏ ngang đâu có được. Cửa rừng này mà không có người canh giữ thì tan hoang hết.

 

060507-Da-bia.jpg
Màu xanh của rừng đèo Cả có bàn tay đóng góp của bà Năm Giỏi - Ảnh: DTX
 

Trại của bà Giỏi thường xuyên được “tăng cường lực lượng”. Hai người con trai xong việc đồng áng thì lên đây giúp mẹ một tay. Chồng đau yếu, bà chỉ còn con trai san sẻ nỗi nhọc nhằn. Có họ, bà thấy vui hơn, vững vàng hơn. Anh em kiểm lâm cũng thường ghé lại. Họ phần nào yên tâm vì đã có người bám trụ trên này. Ba bốn bữa, bà Giỏi xuống rừng đi chợ, tạt qua nhà chút xíu rồi về. Đoạn đường từ trại về nhà không quá xa đối với bàn chân đã quen băng rừng vượt dốc. Cứ thong thả đi bộ, độ một tiếng là tới. Còn không thì nhắn qua bà con đi bứt mây để con cái gởi đồ ăn lên. Tết nhứt, hăm sáu hăm bảy tháng Chạp về nhà, mùng bốn Tết đã lật bật trở lại, y như cán bộ nhà nước đi làm việc. Theo kinh nghiệm của bà, mùng mười trở lên, người ta đã đi rừng. Dân ở đây hay lắm, biết rừng vắng người là họ “tấn công”.

 

Năm ngoái, bà Giỏi dời xuống phía dưới dựng cái trại này, cho gần hơn một chút. Ở đây không có điện đài, buồn hiu. 6 năm sống với rừng, bà Năm Giỏi đã quen với cảnh thâm u vắng lặng, song vẫn sợ đêm hôm gió máy. Cũng nhờ trời nuôi, 6 năm nay chưa có bệnh đau gì…

 

*  *

*

 

Hết mùa nắng rồi đến mùa mưa. Những cơn mưa ào ạt trút xuống, nước suối dâng lên tận chân bếp. Những đêm rừng thét gào, một mình trong cái trại nhỏ như cái nắm tay, bà Giỏi chống chọi với nỗi buồn cô quạnh. Bà thả tâm trí lan man về những ngày xa lắc. Song sắt nhà giam. Những trận đòn tàn khốc. Những lần bị tra điện chết đi sống lại. Vì Năm Giỏi chuyên tiếp tế cho Việt cộng trên núi, lại “cầm đầu” nhóm bắt sống một cố vấn Mỹ tại cầu Sông Mới. Không lâu sau, lính kéo về làng đông như kiến cỏ. Tối, lính tới nhà, kêu cửa, bắt hai cha con, sáng hôm sau thì bắt luôn em gái bà nhốt vô nhà lao khu chiến. Cha và em bị giam ngót một năm. Trong thời gian đó, đứa em trai ở nhà phải đi lượm than bán để kiếm tiền đong gạo. Còn bà bị nhốt tới 3 năm, đến  đầu năm 1965 mới được thả về.

 

Những người tóc đã chớm bạc ở Hảo Sơn vẫn còn nhớ chuyện một nữ du kích trẻ măng dẫn đầu toán ba người “dụ” địch từ trên xe xuống rồi bắt sống êm ru, không mất một tiếng súng thị uy. Còn những người lớn lên sau chiến tranh, như chị Lê Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, biết một bà Năm Giỏi nhiệt tình với phong trào vào đầu thập niên 90, giờ đang giữ rừng. Xà cừ, sao do bà trồng có cây gốc đã bằng bắp chân. Chúng khoẻ khoắn vươn lên, tiếp thêm cho rừng sinh lực. Đấy cũng là niềm vui để bà tiếp tục bám trụ, vững vàng, khoẻ khoắn hơn tuổi 59 của mình. Cái trại nhỏ như nắm tay là chốt canh. Năm Giỏi ở đó, với cái rựa để rong dây leo, với cái mũ bạc thếch đội đầu, không cho người ta làm chảy máu  khu rừng mà bà đã mến yêu, đã đổ mồ hôi xuống những gốc cây từ khi chúng còn non trẻ.

 

Mặt trời gần đứng bóng. Bà Năm Giỏi tiễn khách ra về với lời dặn: Chừng nào lên lại thì nhớ nhắn trước, để chuẩn bị thứ gì… Biết bao giờ gặp lại con đường mòn râm ran tiếng ve có những phiến lá đỏ tươi như hoa? Con đường thật đẹp, theo kiểu của rừng, vậy mà nó từng là đường đi của lâm tặc. “Nhưng từ khi có người giữ rừng, tình hình đã thay đổi. Khu vực này không còn lâm tặc hoành hành” - Ông Lã Ngọc Tình, Trưởng Ban quản lý rừng cấm Đèo Cả nói vậy. Năm Giỏi, người đàn bà nhỏ bé đã làm một công việc, dẫu chẳng to tát, song không phải ai cũng làm được. Tôi tin chắc bà làm không chỉ vì đồng lương. Vì tình yêu của một người đã ăn quả của rừng, uống nước của rừng. Rõ ràng là Năm Giỏi chưa thấy mệt, vì bà mong muốn được nhận bảo vệ thêm 100 ha nữa! Bà nói: “Còn sức lực thì còn giữ rừng. Chừng nào hết sức mới thôi”.

 

Ký của PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm cử nhân
Thứ Bảy, 06/05/2006 07:32 SA
Cứu lấy những trái tim non!
Thứ Sáu, 05/05/2006 07:45 SA
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek