Thứ Ba, 01/10/2024 06:36 SA
Cứu lấy những trái tim non!
Thứ Sáu, 05/05/2006 07:45 SA

“Thật bất hạnh khi các em đang sống, lại phải nghĩ đến cái chết cận kề. Những bệnh nan y mà thầy thuốc bó tay thì thôi, còn bệnh tim bẩm sinh, hoàn toàn có thể chữa được, sao lại để các em phải chết?”. Nói thế rồi ông chủ nhiệm Uỷ ban Dân số- Gia đình- Trẻ em tỉnh Phú Yên Bùi Thanh Tuấn chỉ tay vào ngực mình, bức xúc: “Chúng tôi phải gõ cửa đủ nơi. Chừng nào tim mình còn đập thì chúng tôi còn gõ cửa. Khoản tiền từ 30-60 triệu đồng để chữa trị một ca tim bẩm sinh là quá sức đối với các gia đình nghèo ở nông thôn. Trong khi cơ quan của tôi không có gì ngoài một tấm lòng nhiệt tình và … trái tim không bị bệnh mà thôi”.

 

NGÚT HƠI

 

15 tuổi, cậu bé Lê Hữu Danh người gầy nhom như một đứa trẻ lên 10. Quầng mắt, môi và các đầu móng tay của em thâm tím. Danh đã đủ lớn để hiểu về căn bệnh thông liên thất, hở van hai lá mà mình đang mang trong người. Thấy sức khoẻ ngày càng yếu dần, Danh hoang mang lắm. Nghĩ đến việc vì chữa bệnh cho mình mà cha mẹ kiệt sức, các em bữa đói, bữa no, rồi nếu mình không khỏi bệnh, phải chết, xa những người thân yêu… đêm nào Danh cũng khóc. Hôm rồi, trên đường đi học về, tim đập dồn, Danh ôm ngực ngồi thở dưới gốc cây. Thấy người bà con bên bờ ruộng, em gọi: “Bà Sáu, Bà Sáu ơi! Chắc con chết quá!”. Hai bà cháu ôm nhau giữa đồng làng, nước mắt cứ chảy dài, thổn thức.

 

060505-day-hoc.jpg

Cậu bé Cao Hoàng Thái bên mẹ - Ảnh: Thu Thủy

 

Cơm nguội khô khốc không thể ăn được, nhưng ăn mì gói lại phải tốn thêm một ngàn đồng. Chị Luyện chỉ nấu phân nửa, phần còn lại để dành cho con. Nghĩ đến bệnh của đứa con đầu, nước mắt chị đầm đìa. Chị cố nuốt mì mà chẳng trôi. Bà Sáu hàng xóm sang động viên: “Cố ăn để lấy sức mà còn lo cho con. Thằng Danh rồi sẽ lành bệnh, trời thương mình mà”. Người phụ nữ với gương mặt nhợt nhạt, nói giọng run run: “Tôi cầu trời khẩn phật suốt mười mấy năm qua mà bệnh của thằng Danh nào có thuyên giảm. Giờ chỉ mong sự giúp đỡ của mọi người, của Nhà nước, con tôi được mổ tim, may ra mới khỏi bệnh”. Bà Sáu quay sang tôi tiếp chuyện: “Không phải vợ chồng nó lười lao động nên mới nghèo túng. Đồng tiền nào làm ra được đều lo chữa bệnh cho con. Bi đát quá. Thằng Danh bệnh, hai vợ chồng nó cũng bệnh. Con Luyện như người mất hồn. Chiều chiều, lăn người ra trước thềm nhà rồi gào: “Không lẽ con tôi phải chết”. Sao những điều khó, điều dữù lại cứ đến với người nghèo như vậy vậy?”.

 

Danh biết nhà mình sống theo kiểu làm mai ăn chiều nên chẳng dám đòi hỏi. Bệnh nặng như em mà có bao giờ biết đến ly sữa bồi dưỡng. Bữa cơm, cứ canh rau bỏ thêm chút muối là xong. Mẹ không có tiền sắm quần áo mới nên cái quần ngắn lên mắc cá, cái áo lửng ngang rốn, em vẫn mặc. Danh bảo “Ngại gì, nhà em nghèo, sao phải mắc cỡ. Mà nghèo là do em bệnh đó chị à. Mẹ nói, hồi mới 7 tháng tuổi, em đã nằm bệnh viện tỉnh. Rồi 5 năm qua, cứ 2 - 3 tháng là vào Sài Gòn chữa bệnh. Tiền thuốc thang, đi đứng mỗi lần, cũng tốn từ 1,5-2 triệu bạc. Nợ nần của ba mẹ em, biết bao giờ mới trả hết?”

 

Từ những lần đưa con vô Sài Gòn chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Luyện và chị Lê  Thị Trinh người cùng thôn (Phước Nông- Hoà Bình 1- Tây Hoà) trở nên thân quen. Lúc buồn, lúc khóc hay có điều gì trăn trở, các chị đều có nhau. Khác với Danh, cậu bé Cao Hoàng Thái mới 9 tuổi nhưng vóc người cao lớn hơn bạn bè. Chị Trinh bộc bạch: “Lần đi khám bệnh nào các bác sĩ cũng cho uống nhiều thuốc  bổ nên nó thấm mập. Coi vậy chứ yếu lắm. Đi học hay bị mệt, cô giáo chở về suốt. Vậy mà cháu vẫn ráng học. Mới lớp 3 mà có tới 7 giấy khen”.

 

Chị nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Có ít ruộng, chị kêu bán với giá 1,3 triệu trong vòng 5 năm để có tiền chạy chữa cho con. Ngôi nhà chừng 10m2 cất được vài năm vẫn còn trơ gạch. Trời mưa xuống, nước trong nhà chảy như sông. Để sắm một gánh cá bán, chị cũng không xoay xở nổi, đành đi bán mướn cho người ta.

 

Cả chị Luyện và chị Trinh đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không ai đỡ đần. Lớn lên lập gia đình, họ gặp những tấm chồng gia cảnh chẳng khá hơn. Và giờ đây, cả hai gia đình này đang nằm trong diện nghèo có mã số. Trong tiếng thở dài, chị Trinh thảng thốt: “ Tụi nhỏ ngút hơi vì bệnh, còn tụi tui ngút hơi vì tiền”.

 

HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ!

 

Gánh cái khó này chưa xong, cái khó khác lại ập đến. Với họ, cuộc đời thật trớ trêu.

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan, anh Trương Văn Lộc (Nhiêu Hậu, Xuân Thọ I, Sông Cầu) người làm mướn, người đốt than. Anh Lộc trốn chui trốn lủi vì làm chuyện trái pháp luật nhưng anh cũng không còn cách nào khác, phải nhắm mắt làm liều để mỗi ngày may mắn có được vài chục ngàn đồng tích cóp chữa bệnh cho con.

 

060505-anh-doc.jpg

Chị Nguyễn Thị Luyện não nề mỗi khi xem lại chi phí báo mổ - Ảnh: Thu Thủy

Năm ngoái, tai hoạ liên tục ấp đến với cái gia đình khốn khó này. Đầu tháng 5, đứa con trai anh bị xe lu đụng. Người lái xe bỏ trốn. Chi phí nằm viện công, viện tư, gia đình anh phải  cắn răng chịu đựng. Giữa tháng 7, trong lúc chặt củi để đốt than, anh Lộc lại chặt ngay vào chân mình. Chị Loan như người mất hồn. Nước mắt cứ chảy ngắn, chảy dài. Nhà thì có đó, nhưng một  mái tranh tuềnh toàng che trên đất người khác thì làm sao bán. Lẽ ra phải đi khám bệnh tim cho con gái theo định kỳ, nhưng đành gác lại. Bé Trương Thị Nga 6 tuổi bệnh tình ngày càng nặng.

 

Mới đây, có trường hợp còn bi đát hơn. Vừa đưa con khám ở bệnh viện Huế về, anh Nguyễn Oai (Phú Thọ 2, Hoà Hiệp Trung, Đông Hoà) phân trần: “Con mình sinh ra, mình phải lo chứ đâu ỷ lại Nhà nước. Có bán nhà chữa bệnh cho con cũng phải đành”. Nghe câu nói hết lòng vì con, ai nấy đều thầm khen anh. Vậy mà, chỉ hai ngày sau, tôi lại thấy anh nằm viện do chấn thương sọ não. Vợ anh, chị Huỳnh Thị Phấn cũng nằm viện vì bị nứt xương đòn gánh và chấn thương vùng mắt. Cả hai vợ chồng được cấp cứu vào tối 30-4. Thấy anh trong tình trạng mê sảng, chẳng nhận ra ai, tôi không sao cầm được nước mắt.Tai nạn xảy ra khi anh  vợ chồng chở cá đi bán kiếm tiền chữa bệnh cho con. Bé Nguyễn Thị Thuỳ Dung, hơn 3 tuổi chỉ nặng chừng 7 ký đang được người thân chăm giúp. Cháu khóc suốt vì nhớ cha, nhớ mẹ. Nhìn anh, tôi lại lời nói: “Bé Dung trông nhỏ vậy nhưng lanh lắm cô à. Nó ngủ thường ở tư thế chổng mông mới thở được, thấy mà đứt ruột”. Rồi mai đây, ai sẽ chăm sóc bé, ai đưa bé đi mổ tim?

 

Mấy ngày nay, câu chuyện về  gia đình anh Oai  cứ hiện lên trong giấc ngủ của tôi. Ở đó, Bé Dung đã lành bệnh, đang đùa vui trong vòng tay bố mẹ. Trong những ngôi nhà từng chứa đầy nước mắt, đã có tiếng cười của con trẻ, đã nghe được nhịp đập bình thường của trái tim non sau lần  phẫu thuật.

 

CHỜ NHỮNG TẤM LÒNG

 

Gần hai tháng nay, chuyện về những trái tim ngày nào cũng nóng lên trong căn phòng nhỏ, nơi hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em Phú Yên (04 Trần Cao Vân - TP Tuy Hoà). Ông Nguyễn Bá Trắc loay hoay với chuyện liên lạc các bệnh viện Huế, Sài Gòn để thương lượng mổ tim với giá thấp nhất và vận động quỹ từ các nơi. Chị Nguyễn Thị Tường Vi bận bịu với hơn 80 hồ sơ xin trợ giúp chữa bệnh tim. Đi sớm về muộn với chị không còn là chuyện lạ. Đã làm mẹ, chị thấu hiểu tận nỗi đau những người mẹ xót con. Họ buồn, chị cũng buồn theo. Từ chuyện đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh, rồi tận tình hướng dẫn họ làm thủ tục đi khám, mổ… đêm về chị  cứ  mãi trằn trọc: “Giá mà có được phép màu cho các em”.

 

“Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, để biết trẻ có bị tim bẩm sinh, không chỉ dựa vào số lần đập của tim mà khi đặt ống nghe vào, thì lồng ngực ấy sẽ phát ra tiếng “bụp- xoà”, đứa trẻ luôn ở trạng thái ngút hơi. Những căn bệnh thường gặp là tứ chứng Fallol, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch chủ, thông liên thất…Bệnh tim bẩm sinh nếu không được theo dõi chữa trị sớm, dễ gây tử vong”.

Từ năm 2004, chương trình mổ tim trẻ em ở Phú Yên đã được tổ chức  phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ (EMWF) tài trợ một phần cho điều trị bệnh bằng phẫu thuật. Nhờ đó, 24 trái tim tật nguyền của trẻ đã lành lặn. Năm 2006 này, EMWF tiếp tục giúp những gia đình nghèo, khó khăn mổ tim cho trẻ với số lượng không giới hạn, chỉ cần phía gia đình có vốn đối ứng. Đây là một cơ hội hiếm thấy. Song, xem ra không mấy gia đình đủ sức để thực hiện điều ấy.

 

Hôm rồi, bệnh của cậu bé  Phan Văn Danh đã đến thời kỳ phải mổ gấp, không đợi được  nữa. Không để mất con, chị Đoàn Thị Thái (Mỹ Thạnh Trung 2, Hoà Phong, Tây Hoà) phải chạy kiếm 10 triệu đồng đối ứng bằng cách nhờ người vay nóng với lãi suất 4%. Như vậy, mỗi tháng chị phải trả lãi 400.000 đồng. Cả hai vợ chồng đều làm thuê, làm mướn liệu bao giờ mới dứt nợ?. Các chị Luận, Trinh dù với phần hỗ trợ của EMWF, mỗi người vẫn phải đóng thêm 31 triệu. Họ chỉ biết khóc vì đã thấy đường cùng ngay trước mắt…

 

Được biết, những năm qua, hàng trăm trái tim tật nguyền ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã được trả lại nhịp đập bình thường. Chi phí mổ tim được đóng góp từ gia đình, Nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức. Có tỉnh trích 0,05% tổng chi ngân sách hàng năm cho Quỹ bảo trợ trẻ em, trong đó, phần lớn dành cho trẻ bệnh tim. Có tỉnh thực hiện theo cách huy động đóng góp một ngày công của cán bộ công nhân viên nhà nước. Bên cạnh đó, còn có sự giúp đỡ không nhỏ từ cộng đồng và các tổ chức từ thiện.

 

Trả lại nhịp đập bình thường cho những trái tim của trẻ em, tại sao không?

 

DƯƠNG THU THỦY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek