Thứ Ba, 01/10/2024 04:38 SA
Xóm cử nhân
Thứ Bảy, 06/05/2006 07:32 SA

“Xóm Tân Lập nằm biệt lập, học trò phải cuốc bộ 3 cây số mới đến trường. Cả xóm có trên 30 hộ, và cũng chừng ấy người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhiều người ở xã vẫn gọi Tân Lập là xóm cử nhân”. Lời giới thiệu ngắn gọn, đầy tự hào của ông Bí thư Đảng uỷ xã An Hoà (huyện Tuy An) đã thúc giục tôi về Tân Lập giữa trưa nắng để tìm hiểu về sự học nơi xóm nghèo này.

 

060506-KIM-CHI.jpg

Chị Nguyễn Thị Kim Chi đang hướng dẫn con học bài

Theo con đường lởm chởm sỏi đá vòng vèo qua mấy đám ruộng, tôi mới nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên của xóm. Giữa trưa, nắng chang chang nên chẳng thấy bóng người trên những đám ruộng lúa, mía đang vào mùa thu hoạch. Chốc chốc lại gặp vài cô cậu học trò đeo khăn quàng đỏ tung tăng trên đường đến trường. Vài con bò cột ở những gốc cây ven ruộng đang thong dong nhai đọt mía. Khung cảnh làng quê thật yên ả, thanh bình. Chúng tôi đến nhà ông trưởng thôn Tân Định và cũng là “trưởng xóm” Tân Lập. Ông tên là Nguyễn Cảnh, nhưng bà con ở đây vẫn gọi bằng cái tên thân mật: Thầy Hai.

 

CHUYỆN NHÀ ÔNG “TRƯỞNG XÓM”

 

Thầy Hai là một trong những người đầu tiên xung phong đưa gia đình đến đây lập xóm. Khi đó, xóm chưa tới 10 hộ, nhưng toàn là những hộ nghèo. Những ngày đầu ở vùng đất mới, buổi tối muỗi vo ve, tiếng kêu của côn trùng, thú hoang nghe đến não lòng. Trong ngôi nhà tranh vừa dựng, bên ấm trà, ngọn đèn hột vịt không đủ soi tỏ mặt ngườøi, thầy Hai cùng những cư dân mới thề quyết chí làm ăn, lo cho con ăn học. Phải đổi đời bằng cái chữ!

 

Hai người con lớn của thầy Hai đều được đến trường. Một mình ông vừa đi dạy học, vừa làm ruộng để nuôi con và người vợ đau yếu. Đầu thập niên 1980, cuộc sống còn khó khăn vô vàn, nhiều lúc thầy Hai muốn buông xuôi, nhưng khát vọng về cái chữ của người thầy giáo đã giúp ông trụ được. Đến năm 1989, thầy Hai cũng đành bỏ nghề vì lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi 4 đứa con. Sức lực và thời gian thầy đổ xuống đám ruộng. Nhờ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của cha, chị Nguyễn Thị Kim Chi, con gái đầu lòng của thầy Hai trở thành người nhiều chữ nhất ở cái làng nhỏ bé này. Học xong 12, chị nối nghiệp cha theo nghề sư phạm. Nhà nghèo nhưng thầy Hai vẫn quyết tâm  cho con ăn học. Đến lúc anh Nguyễn Kim Viên, con trai thứ hai, vào Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh thì kinh tế gia đình kiệt quệ hẳn. Thương cha mẹ một đời vất vả với ruộng đồng, Nguyễn Kim Viên vừa học vừa tự xoay xở. Tốt nghiệp ra trường, anh đi làm, tiếp tục nuôi hai em trai vào đại học.

 

Cái nắng trưa như dịu lại. Trong căn nhà vừa mới xây, tôi như cậu học trò đang ngồi nghe thầy giáo kể chuyện. Ông nhấp một ngụm trà: “Những năm ấy sao mà khổ, khổ trần ai, có cơm độn khoai ăn đã là quý. Bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ chúng lại mắc bệnh nan y. Lúc ấy người ta gọi tui là “thợ đụng”, đụng gì làm nấy, ai mướn gì cũng làm miễn là chân chính và có tiền, giờ nghĩ lại…”. Ông nhấp một ngụm trà, giọng  đầy mãn nguyện: “Nhờ phước nhà, con cái đứa nào cũng chịu khó lam lũ mà không bỏ học”.

 

Đã qua thời cơm độn khoai, mồ hôi trộn nước mắt, giờ đây vợ chồng thầy Hai không còn lo nghĩ  chuyện kiếm tiền, chỉ mong có sức khoẻ để sống vui với con cháu. Thầy Hai thì vẫn lo việc làng, việc xã, đặc biệt là đốc thúc chuyện học hành của tụi nhỏ trong xóm.

 

XÓM CỬ NHÂN

 

Bà NGUYỄN THỊ KIM CHI, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tuy An:

Tôi thật sự vui mừng, ấn tượng lẫn khâm phục trước những thành tích giáo dục mà xóm Tân Lập đã làm được. Thành tích ấy là niềm tự hào chung của cả xã An Hoà, của những người làm công tác giáo dục trong huyện. Tôi cũng thật sự khâm phục nghị lực vượt khó đi tìm chữ, tìm tri thức của những người nông dân nơi đây. Tính chuyên cần hiếu học của những bạn trẻ như một sự khẳng định mình trước thách thức của hoàn cảnh, môi trường sống.

 

Chúng tôi sẽ biểu dương, tuyên truyền về “xóm cử nhân” như một điển hình đến toàn ngành và địa phương. Mong rằng ngày càng có nhiều “xóm cử nhân” như Tân Lập.

 

Xóm Tân Lập (thôn Tân Định, xã An Hoà, huyện Tuy An) có 33 hộ, 176 nhân khẩu, trong đó có 36 người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trong nước. Hiện cả xóm còn 28 em trong độ tuổi đi học. 100%  trẻ em đến lớp, không có học sinh bỏ học giữa chừng.

Anh Nguyễn Đàm, Phó ban nhân dân thôn Tân Định, cũng là một cựu giáo viên, lấy trong tủ ra một quyển sổ bìa đã ngả màu, giới thiệu: “Đây là quyển sổ ghi chép chuyện xóm, nhưng chỉ những chuyện lớn thôi, còn chuyện sự vụ thì có sổ khác”. Sổ được ghi rất kỹ lưỡng, rõ ràng: số hộ, tên, tuổi, năm sinh, năm thi đỗ Đại học và cả tên trường. Anh Đàm giải thích: “Khúc này là xóm Một có 8 người, đoạn này là xóm Hai, có 17 người; đoạn dài nhất này là xóm Tân Lập, có 36 người… đỗ vào các trường cao đẳng, đại học từ lúc lập thôn đến nay”. Tôi quả thật ấn tượng với con số 36 cử nhân trên 33 hộ trong xóm và cách làm tỉ mỉ, khoa học của ông Phó ban nhân dân thôn. Mỗi năm đến mùa khai giảng, anh lại lật quyển sổ cũ kỹ ấy để bổ sung vào danh sách những người trúng tuyển và những người tốt nghiệp.

 

36 cử nhân với đủ ngành nghề khác nhau: kế toán, makerting, xây dựng, giao thông vận tải, kiến trúc, tin học nhưng nhiều nhất là giáo viên. Có đến 14 giáo viên ở xóm nhỏ này. Cử nhân của làng làm trong các cơ quan Nhà nước hoặc lập nghiệp ở đất Sài Gòn. Hôm tôi đến, rất may gặp cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi, được nghe thêm nhiều câu chuyện của những gia đình “thắt lưng, buộc bụng” nuôi con ăn học. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Nhị. Chồng mất sớm, một mình bà phải chèo chống nuôi 4 người con vào đại học. Đó là Nguyễn Khánh Dương, một sinh viên nghèo nhưng đầy quyết tâm. Để được đi học, Dương phải làm việc cật lực từ lúc còn học phổ thông và tự trang trải cuộc sống suốt thời gian học đại học. Đặc biệt, nhà ông Nguyễn Định có 5 con đều vào đại học; cả nhà ông Đỗ Chín đều là giáo viên …

 

Xóm nhỏ Tân Lập không chỉ nhiều cử nhân mà còn có học sinh thi đậu vào trường ở nước ngoài. Hôm tôi đến, gia đình anh Nguyễn Đàm đang tràn ngập niềm vui. Cô con gái đầu của anh là Nguyễn Lê Thị Vĩnh Hoà vừa nhận thông báo trúng tuyển vào trường San Joaquin Delta College (bang California, Mỹ). Tin vui ấy đối với gia đình anh thật quá lớn, vui đấy rồi chuyển ngay sang lo lắng. Anh Đàm nói với tôi: “Bán cả sản nghiệp, vay mượn thêm chắc cũng vừa đủ học phí cho con, nhưng…” Câu nói bị bỏ lửng rơi xuống như một chiếc lá nhẹ tênh. Tôi hiểu phía sau dấu  ba chấm ấy là biết bao trăn trở của gia đình này. Mắt đỏ hoe, Vĩnh Hoà an ủi cha mẹ: “Không du học được thì con tiếp tục học trong nước tìm cơ hội khác, tìm những suất học bổng để cha mẹ đỡ lo”.

Tân Lập bình dị với những ngôi nhà cấp bốn (chưa có nhà cao tầng) nhưng tôi cảm nhận một sự giàu có khác, còn hơn là của cải!

 

XÓM VĂN HOÁ

 

Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hoà khẳng định: “Phong trào khuyến học của xã tương đối đều và mạnh ở các thôn, nhưng Tân Lập là số một cả về phong trào lẫn  hiệu quả của nó”. Có nghe những câu chuyện của nông dân nơi này, mới biết để có được những thành tích học tập như hôm nay thật không đơn giản. Từ việc thay đổi nếp nghĩ: “Người nhà quê học cho nhiều cũng cầm cái cày, bốc đất” hoặc “con gái có học đến đâu rồi cũng bồng con”… cho đến việc vượt khó khăn, đói nghèo ở một vùng quê lam lũ để có tiền lên thành phố ăn học là cả một chặng đường gian nan.

 

Trong chiến tranh, vùng đất này là nơi giao tranh ác liệt, hàng trăm người con ưu tú đã ngã xuống. Trong hòa bình, người Tân Lập yêu thương, đùm bọc động viên, giúp  đỡ nhau những lúc ngặt nghèo. Trong xóm, nhà nào cũng nuôi con ăn học, cũng luôn có ý thức tự mình vươn lên. Bây giờ, xóm không còn hộ nghèo, đồng thời cũng rất tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới của thôn, xã. Ông trưởng thôn bộc bạch: “Người lớn phải luôn là tấm gương tốt cho trẻ nhỏ. Văn hoá cũng bắt đầu từ nếp nhà”. Vì thế, trong xóm này người ta quan niệm sự “giàu” cũng khác, nó không được tính bằng vật chất mà căn cứ vào sự đầu tư và kết quả chất xám.

 

TRẦN QUỚI

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cứu lấy những trái tim non!
Thứ Sáu, 05/05/2006 07:45 SA
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA
Bà Trang từ thiện
Thứ Hai, 01/05/2006 08:37 SA
Người có bàn tay cứu sinh
Thứ Bảy, 29/04/2006 08:55 SA
Chổi đót sẽ xuất ngoại?
Thứ Ba, 25/04/2006 08:06 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek