Thứ Tư, 27/11/2024 03:00 SA
Cổ tích nơi vỉa hè
Chủ Nhật, 14/05/2006 08:48 SA

Một cô gái tật nguyền mới 20 tuổi, mưu sinh nhờ một cây xăng lẻ, một tủ thuốc lá và làm khuy áo thuê nhưng lại "dám" cưu mang ba đứa trẻ mồ côi, lang thang. Ba đứa trẻ được giúp đỡ ấy, sau một thời gian đã trốn đi nơi khác bởi "không muốn thấy chị khổ hơn nữa". Cô gái tật nguyền đó, ngày ngày vẫn âu lo cho thân phận ba đứa trẻ "em nuôi" nọ. Rồi cô mơ ước, mai này sẽ xây được một ngôi nhà tình thương cho trẻ lang thang...

 

Một buổi chiều cuối năm 2005, một cậu bé trạc tuổi 14 tìm đến Đài phát thanh Phú Yên gửi một bức thư cho chương trình “Quà tặng âm nhạc” rồi vội vã ra đi. Những nét chữ run run: “Chúng em là những đứa trẻ lang thang. Từ một nơi xa, chúng em đến thành phố này và gặp chị ấy... Chị ấy đã cho chúng em một cuộc sống trên đất khách... Chị đã bao ngày yêu thương, lo lắng, dạy dỗ và chở che chúng em như một người mẹ... Lúc đầu, chúng em cứ tưởng chị ấy là người giàu có, thấy chúng em tội nghiệp nên thương. Nhưng ở một thời gian, mới biết chị cũng là người nghèo khổ, cũng phải đi làm thuê để kiếm sống... Chúng em quyết định vào Sài Gòn làm việc, dù biết sẽ rất buồn và nhớ chị ấy. Nhưng không còn cách nào khác. Vì chị ấy còn phải lo cho cuộc sống của bản thân... Có lẽ sẽ thật hạnh phúc, nếu tụi em được ở cạnh chị ấy mãi...”.

 

060514-trang1.jpg

Trang đọc thư của ba đứa trẻ - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Bức thư dài hơn bốn trang vở học trò. Những con chữ nghệch ngoạc yếu ớt nối tiếp nhau kể câu chuyện cảm động về một cô gái nghèo cưu mang ba đứa trẻ lang thang nơi đường phố. Những con chữ thúc giục tôi tìm gặp cô gái có cái tên Giáp Thị Huyền Trang.

 

“CÔ TẤM” CỦA TRẺ LANG THANG

 

Trước mặt tôi là cô gái trẻ măng. Cô ngồi cạnh tủ thuốc lá và một cây xăng nhỏ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa). Chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp xuống gần như che khuất gương mặt xinh xắn.

 

Cô gái có vẻ ngại ngần khi tiếp xúc với người lạ. Nhưng khi nhìn thấy nét chữ yếu ớt quen thuộc trên bức thư, vẻ ngại ngần biến mất. Trang cầm lá thư  im lặng, nỗi buồn hiện rõ trong ánh mắt: “Tụi nhỏ cố tình bỏ đi, không cho em biết. Lúc nghe trên đài đọc lá thư này, em chạy tới nhà trọ tìm, nhưng tụi nhỏ đã đi rồi…” Khi biết thằng Minh, con Loan và bé Út bỏ đi là do sợ làm khổ mình, Trang lắc đầu: “Mấy đứa nhỏ nghĩ như vậy là không được rồi. Hồi giờ, sống có chị có em. Cuộc sống dù khó khăn đến đâu, em cũng chấp nhận mà”.

 

*  *

 *

Bây giờ, nhìn mấy đứa nhỏ sống lang thang vất vưởng, tự nhiên Trang lại thấy bóng dáng của mình đâu đó. Nỗi buồn tưởng như đã cất sâu trong tiềm thức bỗng nhiên thức dậy. Trang chớp mắt: “Tự nhiên thấy thương mấy đứa nhỏ đó quá chị à! Cha mẹ nào mà nỡ đành lòng bỏ con như vậy. Tụi nhỏ có tội gì đâu. Em nghĩ miết… mà nghĩ không ra”. Có đứa, tuổi chưa đếm hết mười tờ lịch đã bị quăng ra ngoài đường. Đôi chân non nớt lạ lẫm với phố xá. Chúng chới với trong bơ vơ, cô độc, chẳng biết đi về đâu, khi trước mặt là con đường mịt mùng, xa hút.

Trang gặp nhóm trẻ lang thang Minh, Loan và bé Út hồi tháng 8 năm ngoái. Trưa đó, quán cơm nơi Trang làm vắng khách. Đang chuẩn bị dọn hàng về, Trang thấy ba đứa nhỏ đen nhẻm, ốm nhom, ăn mặc nhếch nhác bước vào. Ba đứa nhỏ nói chẳng ra hơi vì đói. Nhìn chúng chỉ mới nhỉnh hơn trái bí, trái bầu một chút mà phải sống lây lất, đói khổ, tự nhiên Trang thấy tội quá. Ăn cơm xong, cả ba dắt díu đi khỏi quán. Như có điều gì đó thôi thúc, Trang chạy theo kêu lại, hỏi thăm gia cảnh mới biết: các em không còn nơi để về nữa. Cha mẹ bỏ đi hết rồi! Lúc đó, không kịp nghĩ gì thêm, Trang buột miệng: “Thôi, mấy em về ở với chị đi. Sống lang thang như vầy, khổ lắm!”. Thay vì sự đón nhận nồng nhiệt, Trang lại nhận những ánh nhìn đầy ngờ vực. Cuộc sống đường phố dạy cho những đứa trẻ biết không nên vội vàng tin vào lòng tốt của người lạ. Chúng biết điều tốt đẹp thường không đến dễ dàng. Trang vừa cười vừa kể: “Lúc đầu, ba đứa nhỏ sợ em lừa, dẫn đi bán hay sao đó. Nhưng thuyết phục hồi lâu, tụi nhỏ cũng nghe”.

*  *

 *

Những dòng chữ nghệch ngoạc của thằng Minh như hiện ra trước mắt tôi: “Chị ấy tội lắm. Chị ấy không chỉ giúp tụi em, mà còn giúp những trẻ lang thang hay những người gặp bất trắc khác nữa. Nếu viết về chị ấy, có lẽ suốt cả cuộc đời này, em viết cũng không hết... Mỗi tháng chị ấy trả 50 nghìn đồng tiền thuê nhà trọ cho tụi em cùng các khoản chi tiêu khác từ số tiền 300 nghìn đồng tiền công làm thuê ở quán cơm… Rồi chị đi tìm việc làm cho mỗi đứa. Chị nói, không việc làm, tụi em không thể sống đàng hoàng, lại dễ mắc phải chuyện xấu… Bé Loan thì đi phụ bưng bê nơi quán cơm với chỉ. Em thì làm thuê ở một tiệm phở. Riêng bé Út mới 10 tuổi, chị ấy chỉ cho bé biết cách sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng. Thu nhập của tụi em cũng đỡ… Tuy với người khác, số tiền ấy chẳng là gì, nhưng với tụi em, đó là những đồng tiền quý. Nó là mồ hôi nước mắt của tụi em. Những đồng tiền lần đầu do tụi em làm ra, không phải đi xin của thiên hạ…”. Đôi chỗ còn sai lỗi chính tả, nhưng đằng sau những dòng thư là lòng biết ơn chân thành của ba đứa trẻ: “…Sáng chị ấy đi làm ở quán cơm, trưa có hôm bán thuốc lá, có hôm tới làm công cho nhà may. Buổi tối, chị ấy tranh thủ tới dạy chữ cho tụi em. Chị ấy nói, không biết chữ sẽ rất khổ, nhất là sống ngoài đường phố, bị người khác lừa cũng không biết được. Chị ấy nói, tuy mới học đến lớp 7, nhưng chị sẽ dạy chữ cho tụi em… Tụi em không bao giờ dám mơ chuyện mình được học chữ. Nhưng bây giờ đứa nào cũng biết chữ hết rồi, biết cả làm văn và toán nữa…”. Tôi hình dung, đêm đêm ba mái đầu nhỏ chụm lại bên những trang sách cũ đã dần ố vàng. Những bàn tay nhỏ từ trước đến giờ chỉ biết đánh giày, bán vé số, lần đầu tiên cầm cây bút lóng nga lóng ngóng. 14 tuổi, thằng Minh mới viết được tên của mình, vui không tả nổi.

 

*  *

*

Cái nắng tháng tư  đổ chan chát xuống phố. Bóng cây hoa sữa nhỏ xíu trên vỉa hè không đủ sức xua đi cái nắng nóng cho Trang. Đưa tay quệt mồ hôi chảy dài trên má, Trang nói: “Cuộc sống của em còn  khó khăn. Nhưng thôi, nghĩ cho người khác thì hơn. Tại còn nhiều người khổ hơn mình nữa mà…”. 

 

Trước giờ, cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình Trang. Ba Trang chuyển đủ nghề, từ thợ hồ, xe ôm sang đạp xích lô, nhưng thu nhập vẫn rất thất thường. Mọi chi tiêu trong nhà đều dựa vào những đồng tiền còm cõi từ việc làm khuy nút gia công của mẹ. Trang nói: “Buổi tối, em làm khuy nút với mẹ. Tiền công mỗi chiếc áo được trả 2.000 đồng, nếu chịu khó làm đến 12 giờ đêm thì cũng đỡ”.

 

Không một ai biết chuyện Trang giúp ba đứa trẻ. Nhớ hôm tới hỏi Trang, chị Ngô Thuỳ Linh, chủ nhà may Linh San lắc đầu cười: “Con Trang suốt ngày đi làm thuê mướn. Lấy tiền đâu mà giúp tụi nhỏ nào nữa?. Không có đâu! Chắc cô lộn rồi”. Sau này biết chuyện, mọi người ở đây ngạc nhiên: “Ủa, dzậy hả?! Vậy mà con nhỏ giấu biệt! Dạo này nó hay đi đâu đó, cứ tưởng chơi bời lêu lổng nên tụi tui rầy… Đến cả ba má nó cũng không biết chuyện nó giúp mấy đứa nhỏ. Chắc nó sợ ổng bả biết sẽ la. Nhà nó nghèo lắm!”. 

MƠ ƯỚC NƠI VỈA HÈ

060514-Trang2.jpg

Tranh thủ lúc vắng khách, Trang cặm cụi đơm khuy nút - Ảnh: KIM LIÊN

Lúc sinh ra, Trang đã bị tật nguyền. Ba bỏ đi biền biệt suốt 3 năm trời mới về. Một thời gian dài, chỉ có mẹ tất tả ngược xuôi lo chữa bệnh cho Trang. Người mẹ không đành lòng nhìn con tật nguyền. Trong nhà có gì bán được đều đem bán hết. Trang nhớ lại: “Hồi đó, nhà em cực lắm. Bố mẹ phải làm thuê tận trong Sài Gòn, lâu lâu mới tạt về nhà lo cho em với anh Hai. Lúc đó, buồn lắm chị! Người thân trong gia đình không ai quan tâm đến tụi em hết. Em nằm bò lết tới sáu năm trời”. Căn nhà ngày ấy với Trang vắng lặng, rộng thênh. Nằm trong góc nhà một mình, cô bé ứa nước mắt vì nhớ mẹ và tủi thân. “May mà sau này em qua khỏi. Chắc ông trời thương nhà em nghèo, thương mẹ em khổ, mới cho em hết bệnh”, Trang cười, nhưng nụ cười không vui. Năm đó, Trang 8 tuổi, bắt đầu đứng lên dọ dẫm từng bước đi khó nhọc. Người mẹ nhìn con nghẹn ngào. Nụ cười lẫn trong nước mắt.

 

Trang ước ao: “Em mong sau này mình xây một căn nhà tình thương cho những đứa trẻ lang thang... Không biết có được hay không nữa?” Thật khó lòng hình dung tâm nguyện này lại được nói ra từ một cô gái 20 tuổi, hàng ngày phải vật lộn kiếm sống nơi vỉa hè. Tôi hỏi: “Sao em không mong ước điều gì cho bản thân?”. Tiếng nói của Trang chìm lấp giữa phố xá ồn ào: “Hiện tại, em đâu có mơ ước gì hơn. Chỉ mong sau này có cuộc sống đầy đủ hơn để lo cho mẹ thôi. Hồi trước, mẹ làm việc nhiều nên giờ ngày nào cũng uống thuốc. Mới 43 tuổi mà mắt mẹ bị mờ rồi. Chị tính, gần 20 năm mẹ làm khuy nút nuôi em còn gì”.

 

“Em muốn đi học lại không?”. Niềm vui lấp lánh trong mắt Trang rồi vụt tắt nhanh. Trang lắc đầu: “Bây giờ đi học, thì ai phụ mẹ làm công chuyện nhà. Ở nhà nhiều chuyện lắm. Vắng em là không được đâu”… Hồi đó, nhà không có tiền, đang học lớp 7, Trang quyết định bỏ học về làm khuy nút phụ mẹ. Mẹ lặng lẽ khóc. Nhưng không còn cách nào khác. Ước mơ đến trường của Trang đến giờ vẫn mãi chìm theo những tháng ngày khốn khó.

 

5 giờ chiều, Trang vội vã chào tôi đi nhận hàng may gia công. Trang nói: “Phải tranh thủ thời gian, vì còn tới thăm một bà ngoại ở cùng phường 4 với em. Bà mù lòa, lại bị con dâu, con ruột hắt hủi, không cho ăn uống gì hết. Bây giờ, bà ở có một mình”. Nói rồi em như một dấu chấm nhỏ lẫn trong dòng người vội vã, tất bật trên phố.

 

*  *

*

... Chiều nào đi qua đoạn đường Trần Hưng Đạo, tôi cũng nhìn thấy Trang ngồi khuất sau tủ thuốc lá và cây xăng nhỏ trên vỉa hè. Có hôm em cần mẫn đơm khuy nút. Có hôm dõi ánh mắt về một nơi nào đó thật xa. Em đang lo lắng cho ba đứa nhỏ sống lang bạt nơi xứ người, cũng có thể em đang mơ về một mái ấm tình thương cho những đứa trẻ lang thang. Nhưng một cô gái nghèo và tật nguyền như em thì bằng cách nào có thể biến ước mơ đó thành sự thật?

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gian nan cái chữ ven đầm
Thứ Bảy, 13/05/2006 08:10 SA
Người đàn bà dưới những tán rừng
Chủ Nhật, 07/05/2006 08:51 SA
Xóm cử nhân
Thứ Bảy, 06/05/2006 07:32 SA
Cứu lấy những trái tim non!
Thứ Sáu, 05/05/2006 07:45 SA
Đường đến con chữ ở Mặc Hàn
Thứ Ba, 02/05/2006 10:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek